slider

Xử lý thiết kế trưng bày trong điều kiện có sẵn

11 Tháng 06 Năm 2008 / 2247 lượt xem

                                                                             Đỗ Đức Hinh

 

             1- Cần phải hiểu rõ cụm từ “Không gian có sẵn” ở đây chính là việc sử dụng các công trình kiến trúc đã có sẵn, được xây dựng với mục đích và công năng sử dụng không phải cho trưng bày bảo tàng, nay được chuyển đổi mục đích làm bảo tàng di tích, để tiến hành tổ chức trưng bày và hoạt động phục vụ đông đảo công chúng. Theo chúng tôi trừ một số trường hợp đặc biệt, còn về cơ bản phải sử dụng một không gian có sẵn để tổ chức trưng bày là điều không mong muốn, không chỉ  đối với tác giả thiết kế phương án, mà đối với tất cả những người làm công tác bảo tàng. Bởi vì sử dụng một không gian có sẵn để trưng bày nói riêng và tổ chức thành một bảo tàng hoạt động nói chung sẽ không thể tránh khỏi những hạn chế như:

            - Điều trước tiên : Công trình có sẵn nhất định sẽ không thoả mãn được các yêu cầu rất đặc trưng của hoạt động bảo tàng, từ quy hoạch tổng thể, đến sử lý không gian trưng bày, lựa chọn giải pháp và đảm bảo các yêu cầu ngoại thất cũng như cảnh quan môi trường thông thường các công trình không phải bảo tàng khó có được các không gian cần có đáp ứng yêu cầu của các Bảo tàng như khuôn viên, khu vực giải trí, khu phục vụ các dịch vụ khác. Với kiến trúc công trình có sẵn khó có các không gian vừa có sự độc lập tương đối, lại vừa phải có sự gắn bó và có tính liên hoàn với nhau giữa các không gian để giải quyết các hoạt động công cộng khác, hoặc riêng phần trưng bày chắc chắn các khó khăn về diện tích về chiều cao về bố trí các không gian trong trưng bày về kết cấu và xử lý thiết kế trưng bày.

            - Điều thứ hai là: Về kết cấu công trình kiến trúc và hạ tầng cơ sở nói chung của công trình sẽ là một bài toán khó đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ các công trình dân dụng thông thường sang một công trình văn hoá có tính đặc thù khá cao. Đối với các công trình dân dụng thường kết cấu không tính đến các tiêu chuẩn “động” nghĩa là ngoài tải trọng của công trình, công trình còn phải chịu tại trọng do lượng công chúng đến bảo tàng tham quan và thực hiện các chương trình của mình có thể kèm theo cả thiết bị, điều này sẽ là một tác động không nhỏ đến sự bền vững của công trình sự an toàn của khách tham quan và công tác bảo vệ, bảo quản các tài liệu hiện vật trưng bày. Đối với các công trình dân dụng vấn đề hạ tầng chắc chắn sẽ không phức tạp so với một công trình bảo tàng như vấn đề cấp nước và thoát nước, vấn đề lượng điện được sử dụng và các thếit bị sử dụng điện, vấn đề điều hoà không khí theo nhiều chế độ cho kho cơ sở, cho các khu vực trưng bày, cho các khu phục vụ đều không giống nhau, hoặc một ví dụ rất nhỏ nếu là vấn đề thoát nước mái so với các công trình dân dụng thì công trình bảo tàng cũng có những đòi hỏi khắt khe hơn, chặt chẽ hơn trong thiết kế kiến trúc.

            - Điều thứ ba là: Đối với một không gian kiến trúc có sẵn muốn sử dụng thành nhà bảo tàng và tổ chức trưng bày theo hướng hiện đại, nghĩa là việc xây dựng phương án trưng bày (hay còn gọi là thiết kế mỹ thuật) thoả mãn được các yêu cầu khoa học và mỹ thuật là rất khó khăn. Bởi vì, một trưng bày hiện đại trước hết phải dựa trên cơ sở của các sưu tập hiện vật gốc, đồng thời phải giải quyết hiệu quả và tốt nhất mối quan hệ giữa nội dung- mỹ thuật- kiến trúc và kỹ thuật trên cơ sở xử lý nhuần nhuyễn một loạt các giải pháp được để ra từ giải pháp mỹ thuật cho trưng bày bảo tàng. Điều này muốn nói rằng mỗi một trưng bày bảo tàng muốn thành công và đảm bảo được các yêu cầu hiện đại thì nội dung bao giờ và luôn luôn phải là yếu tố quyết định, yếu tố chi phối tất cả các yếu tố khác. Đối với một không gian có sẵn bị khuôn khổ bởi diện tích, chiều cao, sự chia cắt do kết cấu kiến trúc.... sẽ rất khó thoả mãn được các yêu cầu của nội dung, đồng thời đóng vai trò bổ sung cho nhiệm vụ thiết kế và là cơ sở cho thiết kế kiến trúc bảo tàng, thì rõ ràng trong mỹ thuật không thể làm trọn được vai trò này. Còn đối với vấn đề để xử lý kiến trúc và sử dụng các kỹ thuật và công nghệ phục vụ trưng bày, chắc chắn sẽ không thể thuận lợi. Tóm lại đối với một không gian có sẵn để thực hiện được một hệ thống trưng bày hiện đại đáp ứng được các yêu cầu về nội dung khoa học, về mỹ thuật về sự hài hoà trong kiến trúc và hợp lý về kỹ thuật quả thật sẽ gặp rất nhiều hạn chế. Trong thực tế sử dụng các không gian có sẵn nghĩa là sử dụng các công trình kiến trúc cũ để làm nhà bảo tàng và tổ chức trưng bày ở nước ta là khá phổ biến chỉ nói ở khu vực các bảo tàng quốc gia thì chỉ duy nhất có Bảo tàng Hồ Chí Minh  là được xây dựng mới với các quy trình phù hợp, còn hầu hết là được sử dụng lại từ các không gian có sẵn. Trong đó có những công trình được xây dựng để làm bảo tàng nhưng chỉ khác về mục đích và cơ sở hiện vật không còn phù hợp cũng đã trở thành khó khăn, đó là trường hợp bảo tàng Lu-i Phi-nô vốn là một công trình kiến trúc được xây dựng để làm bảo tàng nhưng chỉ để trưng bày các sưu tập hiện vật gốm Trung Quốc và một số sưu tập nghệ thuật châu Á và Đông Nam Á theo mục đích của người Pháp khi Việt Nam còn là thuộc địa. Nay Bảo tàng này trở thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia việc sử dụng không gian này để tổ chức trưng bày theo cơ sở hiện vật mới, quy mô nội dung mới, với những yêu cầu mỹ thuật mới, cũng đã gặp nhiều khó khăn trong việc sử lý các không gian trưng bày cũng như đáp ứng yêu cầu của nội dung trưng bày. Hoặc như Bảo tàng Cách mạng Việt Nam với một công trình có sẵn phần kết cấu kiến trúc không cho phép cải tạo đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trưng bày đặc biệt là việc sử dụng phương pháp trưng bày hiện đại hầu như bất lực, ấy là chưa nói đến việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới phục vụ cho trưng bày cũng hầu như không  có cơ sở để thực hiện. Hoặc như ở Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam là một Bảo tàng có khối lượng tài liệu hiện vật khá đồ sộ, với một quy mô về nội dung trưng bày khá phong phú và hấp dẫn. Nhưng do không gian trưng bày có sẵn chỉ được xem là tận dụng, nên việc tổ chức trưng bày không thể phát huy được, chỉ riêng phần nội dung trưng bày đã bị chia sẻ, rời rạc, không liên tục với một hành trình tham quan tốn thời gian, tốn sức, mất dần cảm xúc và sự hứng thú của công chúng đến thăm bảo tàng. Tuy nhiên cũng có những công trình được cải tạo và tận dụng được xem là khá thành công như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng theo chúng tôi cái thành công ấy cũng chưa thể hiện được khả năng phát triển và sự bền vững của một công trình văn hoá trong tương lai.

            2- Việc xử lý thiết kế đối với những không gian có sẵn để tổ chức được một trưng bày tốt nhất và hoạt động phục vụ công chúng tốt nhất, theo chúng tôi cần chú ý mấy điều sau đây:

            Một là: Nhóm tác giả phương án phải tiến hành việc khảo sát khoa học, toàn diện và đồng bộ về toàn bộ công trình có sẵn ấy để đưa ra được nhưng đánh giá thống nhất về thực trạng của công trình kiến trúc cả về quy hoạch chung và cơ sở hạ tầng, quy mô công trình, kết cấu và độ bền vững của công trình đạt ở mức nào. Ngoài những vấn đề chung đó, một vấn đề rất quan trọng đó là phải khẳng định khá chính xác không gian được sử dụng để tổ chức trưng bày sau khi đã thực hiện việc cải tạo rồi được bao nhiêu? không gian được tổ chức trên mặt bằng kiến trúc ra sao? mối  liên hệ của nó đối với các bộ phận khác trong công trình như thế nào? môi trường tự nhiên, độ chiếu nắng, hướng gió, lượng mưa? ... những thông tin này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến việc xây dựng phương án trưng bày của bảo tàng sau này. Tất cả những kết quả khảo sát, những thông tin cần có về công trình này sẽ được phản ảnh qua hệ thống các bản vẽ kiến trúc gồm các bản vẽ hiện trạng và các bản vẽ đề xuất hướng cải tạo nâng cấp. Đương nhiên phải do các kiến trúc sư thực hiện và các cơ quan chuyên môn thẩm định. Một vấn đề cần lưu ý nữa là để chuyển đổi một công trình dân dụng thông thường để thành một công trình văn hoá là bảo tàng, thì trong cải tạo nâng cấp cần phải chú ý đến mối quan hệ giữa nội thất và ngoại thất của công trình, làm sao phải tạo được sự thống nhất giữa nội dung và ngoại thất và bằng ngôn ngữ kiến trúc, đồng thời phải thể hiện ít nhiều ngôn ngữ riêng biệt của kiến trúc bảo tàng, thậm chí là đặc trưng riêng của loại hình và của từng bảo tàng cụ thể, kể cả những trưng bày có ý nghĩa như các kho mở tại các di tích lưu niệm.

            Hai là: Nhóm tác giả phương án nhất thiết phải đầu tư công sức vào việc phối hợp với các chuyên gia về nội dung trưng bày để tiến hành việc nghiên cứu cẩn thận các sưu tập hiện vật của bảo tàng thông qua các kết quả nghiên cứu của các chuyên gia nội dung để thống nhất được các nguyên tắc về chủ đề trưng bày. Xác định quy mô cần phải có của trưng bày bảo tàng, kết cấu hay còn gọi là cấu trúc của bảo tàng đó như thế nào, khối lượng tài liệu hiện vật dự kiến sẽ đưa vào hệ thống trưng bày gồm  bao nhiêu, xác định rõ ràng các trọng tâm trong điểm, các điểm nhấn các khu vực gây cảm xúc đặc biệt trong trưng bày. Phải xác định đây là những cơ sở rất cơ bản, để đảm bảo hình thành một giải pháp trưng bày có tính hiện đại. Mặc dù trong điều kiện phải dùng không gian có sẵn để tổ chức trưng bày, nhưng không thể đưa ra một giải pháp trưng bày tuỳ tiện, cũng không thể chấp nhận giải pháp kém tính khoa học hoặc không đáp ứng về mỹ thuật. Do đó, quy trình của một trưng bày hiện đại vẫn phải được quán triệt đầy đủ như buộc phải lấy các sưu tập hiện vật gốc làm cơ sở, phải thoả mãn được nội dung trưng bày và các yêu cầu của nội dung về lịch sử, văn hoá, lôgíc và triết học. Trong phương án trưng bày vẫn phải chuyển tải đầy đủ các ý tưởng của nội dung, mối liên hệ của các phần trưng bày với nhau và môi trường lịch sử, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên của các sưu tập hiện vật. Đồng thời phương án còn phải nghiên cứu để thể hiện được những đặc trưng riêng biệt về phong tục tập quán, về dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng dân gian. Những sắc thái văn hoá riêng biệt còn giữ vai trò kích thích sự sáng tạo của các hoạ sĩ thiết kế, trong quá trình xây dựng phương án trưng bày. Một công việc rất cần thiết nữa là nhóm tác giả của phương án cần phải thống nhất và thoả thuận được với các chuyên gia nội dung trưng bày, ít nhất có là 2 phương án để xử lý phần nội dung trưng bày là phương án tối đa và phương án tối thiểu. Đây là công việc phải làm trong điều kiện sử dụng không gian trưng bày có sẵn để tổ chức trưng bày, cách làm này một mặt đảm bảo tính quyết định và yếu tố chi phối của nội dung trưng bày, đồng thời tạo sự chủ động và sáng tạo của phần  giải pháp mỹ thuật, để khẳng định chắc chắn một điều rằng: dù sử dụng phương án tối đa hay phương án tối thiểu thì nội dung trưng bày vẫn được bảo đảm về chủ đề, tính liên tục và gắn bó của trưng bày, cấu trúc trưng bày và những ý tưởng trưng bày không bị thay đổi. Các sưu tập hiện vật chính, các trọng tâm, trọng điểm, các khu vực gây cảm xúc cho khách tham quan sẽ được quan tâm đặc biệt. Phải có đầy đủ 2 yếu tố có tính chất cơ sở trên là giải pháp kiến trúc của công trình được cải tạo nâng cấp, và tất cả những sưu tập hiện vật gốc, những kết quả nghiên cứu trưng bày, cấu trúc và ý tưởng trưng bày, đã được nghiên cứu và thoả thuận thì nhóm tác giả phương án mới tiến hành các bước nghiên cứu để hình thành phương án trưng bày cho bảo tàng đó.

            Bà là: Trong khi tiến hành xây dựng phương án thiết kế trưng bày cho một không gian đã có sẵn, nhóm tác giả phương án còn lưu các vấn đề cần phải xử lý cụ thể là:

            - Trước hết cần phải sử dụng triệt để yếu tố “tận dụng” đối với một không gian kiến trúc đã có sẵn (kể cả khi đó được xử lý cải tạo nâng cấp) như tận dụng về mặt bằng kiến trúc, tận dụng về bố cục các không gian, tận dụng các thành phần kết cấu kiến trúc có sẵn như hệ thống dầm, xà, trần, sàn hệ thống cửa, các hộp kỹ thuật. Điều này có nghĩa là không được bỏ đi bất cứ một thành phần nào có thể tận dụng được để trưng bày, không nên bỏ xót một chi tiết nào mà từ nó có thể tạo được những không gian trưng bày mới, kể cả những khu vực phục vụ trưng bày (vị trí lắp đặt các thiết bị hay các phương tiện trưng bày và phục vụ trưng bày) Mặt khác công việc “tận dụng” này còn có ý nghĩa hạn chế tới mức tối đa việc bổ sung những phần kiến trúc mới làm giảm đi diện tích trưng bày, không gian trưng bày, phần nào đó còn là ảnh hưởng đến kết cấu công trình vốn đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

            - Cần nghiên cứu rất cẩn thận và đưa ra được giải pháp xử lý mặt bằng trưng bày một cách thông minh nhất, nếu không gian trưng bày được bố trí ở một tầng thì sẽ thuận lợi hơn, nếu không gian trưng bày được bố trí ở nhiều tầng thông nhau hoặc không liền kề nhau, thì giải pháp xử lý mặt bằng trưng bày sẽ phức tạp hơn nhiều. Giải pháp xử lý mặt bằng trưng bày trước hết là tìm kiếm một cách xử lý để thoả  mãn cao nhất nội dung trưng bày, bố cục các phần trưng bày một cách liên hoàn, xác định rõ ràng được các trọng tâm, các điểm nhấn, các cụm trưng bày  có ý nghĩa gây ấn tượng cao và đặc biệt chú ý những hiện vật có trọng lượng và khối lượng lớn. Xử lý mặt bằng trưng bày còn cần xác định được giải pháp xử lý không gian trưng bày như thế nào để hợp lý nhất như sử lý trần, sàn và không gian có thể khai thác để bố trí được các tổ hợp nghệ thuật phục vụ cho nội dung trưng bày. Xử lý mặt bằng trưng bày còn giải quyết các vấn đề về kỹ thuật như hệ thống điện,  hệ thống điều hòa không khí, các thiết bị cơ khí nếu có. Giải pháp  mặt bằng tổng hợp còn rất cần chú ý đến vấn đề hành trình tham quan, vì trong một không gian có sẵn thì hệ thống cửa ra vào và hệ  thống cầu thang thông tầng là cố định ít có khả năng cải tạo hoặc thay đổi. Những nhất định không được bỏ qua việc bố trí hệ thống cửa thoát hiểm khi có sự cố. Điều cuối cùng cần chú ý khi xử lý giải pháp mặt bằng tổng thể đó là cần lưu ý khả năng bị nước ngập tràn vào nếu không gian trưng bày ở tầng 1, và khả năng bị dột và nước thấm nếu ở tầng trên cùng của công trình.

            - Cần phải có giải pháp phù hợp về đai và diện trưng bày trong điều kiện không gian trưng bày có sẵn, thường vừa không đủ diện tích trưng bày theo yêu cầu của nội dung, lại vừa không thuận lợi cho việc bố cục các vị trí trọng tâm, các điểm nhấn và việc trưng bày các sưu tầm hiện vật theo cụm vấn đề. Do vậy trong những trường hợp cụ thể, khi xử lý về giải pháp đai và diện trưng bày nhóm tác giả cần tìm  tòi cách kết hợp giữa không gian kiến trúc cố định và không gian trưng bày cần thiết để xử lý hệ thống đai và tạo được các diện trưng bày hợp lý và hiệu quả nhất về mặt tổng thể. Đồng thời phải tính đến khả năng tăng thêm phần đai phụ đề tạo được các diện trưng bày mới. Đương nhiên việc tăng được diện tích đai và các diện trưng bày diện mới hải đảm bảo tính hài hoà với không gian chung, môi trường phục vụ công chúng, các diện tích sử dụng công cộng như hành trình tham quan, các điểm dừng chân, khu vực chiếu phim... Một vấn đề nữa trong quá trình tìm giải pháp sử lý hệ thống đai và diện trưng bày phải quan tâm đến phương án tăng các diện trưng bày kín như hệ thống Tuốc nic két, hệ thống nghe nhìn, các thiết bị kỹ thuật số để giảm áp lực về số lượng tài liệu hiện vật do yêu cầu của nội dung, đồng thời các trọng tâm, trong điểm, các điểm nhấn vẫn được đảm bảo các yếu tố của một trưng bày hiện đại.   - Việc sử lý ánh sáng và mầu sắc trong một không gian  có sẵn  khi thiết kế phương án cũng rất cần phải lưu ý vì trong điều kiện ánh sáng và mầu sắc không còn chỉ đơn thuần là trang trí nghệ thuật, mà nó còn phải góp phần tạo ra cảm giác thông thoáng khắc phục được diện tích hẹp bằng cảm giác rộng, khắc phục được việc hạn chế chiều cao của không gian trưng bày bằng cảm giác hợp lý dễ chịu.

            Tóm lại việc xử lý thiết kế trưng bày trong điều kiện không gian có sẵn làm một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi phải có đầu tư trí tuệ công sức. Phải có sự phối hợp và tham kiến của những lĩnh vực chuyên môn sâu, mới có thể đưa ra những phương án có tính khả thi nhất, cập nhật và thu hút được một lượng công chúng đông đảo đến với Bảo tàng, di tích và kể cả các trưng bày chuyên đề khác.

                                                                                                                                               

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)