slider

Ba chiếc điện thoại ở nhà sàn

29 Tháng 10 Năm 2019 / 3419 lượt xem

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, là nhà chiến lược thiên tài của cách mạng Việt Nam. Người có công lao to lớn sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang.
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với những người đồng chí thân cận của mình: Chúng ta phải đánh Mỹ. Sớm xác định được kẻ thù trực tiếp là tên đế quốc đầu sỏ khi đất nước tạm thời phải chia làm hai miền, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là phải tiếp tục cuộc chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc theo tinh thần: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Tư tưởng quyết đánh và quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lại được phát huy sáng tạo trong điều kiện mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hưởng ứng lời kêu gọi "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã ra quân. Ở miền Nam, đồng bào và chiến sĩ ta đánh thắng quân viễn chinh ngay từ những trận đầu. Bị thua đau ở miền Nam, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Quân và dân miền Bắc anh dũng tiến hành một cuộc chiến tranh chưa từng có trong lịch sử, giáng trả mãnh liệt những cuộc đánh phá của không quân và hải quân Mỹ. Thủ đô Hà Nội là một trong những trọng điểm bắn phá của giặc Mỹ. Các trường học, các cụ già, trẻ nhỏ được tổ chức cho đi sơ tán khỏi Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ở lại Thủ đô cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng kinh tế thời chiến.
Để trực tiếp và thường xuyên nắm được tình hình chiến sự ở cả hai miền Nam, Bắc và có thể chỉ đạo kịp thời quân và dân ta thực hiện nhiệm vụ trên. Theo đề nghị của Văn phòng Phủ Chủ tịch, Bộ Tư lệnh Thông tin đã lắp ba chiếc máy điện thoại phục vụ Người. Nơi đặt máy là góc bên trái phía trong tầng 1 Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc. Trong ba chiếc máy điện thoại này, một chiếc vỏ nhựa màu xanh nõn chuối và hai chiếc vỏ màu đen.
Chiếc máy điện thoại có vỏ nhựa màu xanh nõn chuối: là một trong ba chiếc máy điện thoại được lắp đặt tại tầng một nhà sàn gỗ - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 18-5-1958 đến ngày 17-8-1969. Chiếc máy điện thoại này được Người thường xuyên sử dụng để làm việc trực tiếp với các đồng chí trong Bộ Chính trị, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vỏ của máy làm bằng nhựa, ruột bằng kim loại, được sản xuất tại nước Cộng hoà dân chủ Đức (trước đây). Máy có kích thước: dài 19cm, rộng 14cm, cao 11cm. Bên phải mặt có chữ "RET", chiều dài ống nghe 22,5cm. Qua tìm hiểu các nhân chứng, chúng tôi được biết về việc lắp đặt máy như sau: Để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể trực tiếp, thường xuyên làm việc với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, tháng 4-1965, Văn phòng Phủ Chủ tịch đã báo cáo Cục Bưu điện Trung ương lắp đặt máy điện thoại phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch. Người thực hiện nhiệm vụ này là ông Lê Hữu Lập (cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, sau là thư ký của Chủ tịch Tôn Đức Thắng), Vụ trưởng Văn phòng Quốc hội và Hội đồng nhà nước. Ông Lập đã gọi điện sang Cục Bưu điện Trung ương nêu đề nghị.
Sáng ngày 1-5-1965, tổ lắp đặt máy gồm có ông Trần Do, ông Nguyễn Văn Mẫn và bà Nguyễn Thị Thanh Nhã là công nhân của phòng điện thoại, Cục Bưu điện Trung ương đã vào lắp đặt máy và đồng thời cũng là những người trực tiếp bảo dưỡng máy. Cùng phối hợp lắp đặt máy còn có ông La Văn Mạc (cán bộ Bộ Tư lệnh Thông tin). Máy được mang số 729 thuộc tổng đài 600 Văn phòng Phủ Thủ tướng, qua chiếc máy điện thoại này có thể liên hệ thẳng đến các nơi cần gọi như: đồng chí Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng), số máy nơi làm việc: 41; đồng chí Ba (tổng Bí thư Lê Duẩn), số máy nơi làm việc: 22; đồng chí Năm (đồng chí Trường Chinh), số máy nơi làm việc: 42; đồng chí Lê Đức Thọ, số máy nơi làm việc: 46; đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), số máy nơi làm việc: 39; đồng chí Văn Tiến Dũng, số máy nơi làm việc: 19... Còn các máy ở nơi khác gọi đến đều phải qua Tổng đài 5. Cũng theo các nhân chứng, trước đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có sử dụng chiếc máy điện thoại 2 số, lắp đặt ở phòng Người thường tiếp khách và sau này là nơi đồng chí Vũ Kỳ làm việc (tức nhà BK1).
Qua chiếc máy điện thoại 729, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trực tiếp làm việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Máy này chỉ dành riêng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí khác không được sử dụng. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cần làm việc với ai, Người thường bảo đồng chí Vũ Kỳ hoặc đồng chí Cù Văn Chước quay giúp số máy để Người nói chuyện.
Ngoài chiếc máy điện thoại có vỏ màu xanh nõn chuối này, cùng trên chiếc bàn đặt máy ở tầng 1 nhà sàn còn có hai chiếc máy điện thoại khác, đó là hai chiếc máy có vỏ nhựa màu đen.
Theo các nhân chứng, vào khoảng đầu năm 1966, cũng do yêu cầu của Văn phòng Phủ Chủ tịch, Bộ Tư lệnh Thông tin đã cử các đồng chí La Văn Mạc và đồng chí Dong vào phối hợp với các đồng chí Do, đồng chí Mẫn, đồng chí Chí, đồng chí Huy ở Cục Bưu điện Trung ương để lắp đặt thêm hai máy điện thoại màu đen. Một trong hai chiếc máy điện thoại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trực tiếp với Cục Tác chiến, chiếc kia Người trực tiếp làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân. Hai chiếc máy điện thoại có vỏ màu đen được lắp đặt cạnh chiếc máy điện thoại có vỏ nhựa màu xanh nói trên. Cũng theo các đồng chí lắp đặt máy cho biết, lúc đầu đường dây lắp máy kéo dài qua đường Hùng Vương, vắt qua cổng chính của Phủ Chủ tịch. Sau thấy vậy không thuận tiện nên các đồng chí đã thay bằng hệ thống dây cáp năm đôi dây, vỏ cáp bằng cao su màu xanh. Sau đó một thời gian ngắn do cuộc chiến bằng không quân mà đế quốc Mỹ tiến hành ngày càng diễn ra ác liệt, Bộ Chính trị đã xây dựng căn hầm (H66) để bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc dưới hầm thuận lợi, Bộ Tư lệnh Thông tin lại cử các đồng chí La Văn Mạc và đồng chí Dong vào Phủ Chủ tịch đấu và lắp tiếp ba máy song song cùng số máy như ở nhà sàn xuống hầm H66. Mùa hè năm 1967, Bộ Tư lệnh thông tin lại cho lắp tiếp ba chiếc máy điện thoại cùng số như vậy ở hành lang nhà H67.
Hai chiếc máy điện thoại có vỏ nhựa màu đen được chế tạo tại Trung Quốc, ruột bằng kim loại, có chiều dài 19cm, rộng 15cm, cao 14cm, ống nghe dài 22,5cm. Tay quay bên phải máy mặt trên nhô cao vát lên, hai bên lõm, máy có 4 chân thấp. Sau khi lắp đặt xong các máy điện thoại này đều được Bộ Tư lệnh thông tin giao cho cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch quản lý.
Các nhân chứng như đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Cù Văn Chước, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Quản trị Văn phòng Phủ Chủ tịch khi còn sống đều xác định việc lắp đặt máy, thời gian lắp đặt cũng như việc sử dụng máy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ba chiếc máy đã được cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh ghi chép, đánh số kiểm kê. Chiếc máy có vỏ nhựa màu xanh nõn chuối có số kiểm kê BTHCM 1015/KL-34, một chiếc máy có vỏ nhựa màu đen có số kiểm kê BTHCM 1010/KL-32, chiếc kia có số kiểm kê BTHCM 1011/KL-33.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)