slider
Phát triển kinh tế số

BÁC HỒ VỚI HÀ TÂY

13 Tháng 07 Năm 2011 / 6054 lượt xem
ThS Vũ Kim Yến
Phòng Sưu tầm – Kiểm kê- Tư liệu
 
Mảnh đất Hà Tây vốn do Hà Đông - Sơn Tây hợp thành (1), trong đó Sơn Tây là một trong “tứ trấn” và là một phần của đất Phong Châu thời vua Hùng còn Hà Đông là đất Sơn Nam Thượng, miền đất văn hiến của nước Đại Việt. Vì thế, Hà Tây từ lâu đã trở thành đất thiêng “địa linh nhân kiệt”, “thiên bảo bút hoa”, nơi sinh dưỡng và lập nghiệp của rất nhiều vị anh hùng hào kiệt, các nhà khoa bảng, các bậc danh sĩ như Hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên,… và biết bao thế hệ những con người cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ, “thay trời làm mưa”, “biến sỏi đá thành thóc gạo”, mà hiện thân cao đẹp chính là huyền thoại về Sơn Tinh - Đức Thánh Tản.
Hà Tây cũng là căn cứ địa, là phên giậu cho thủ đô Hà Nội qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trên mảnh đất này có rất nhiều di tích lịch sử và địa danh cách mạng gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, tiêu biểu như làng Vạn Phúc (thị xã Hà Đông) - một trong những cơ sở đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối của Xứ ủy Bắc Kỳ, của Trung ương Đảng. Làng Vạn Phúc đã ghi dấu ấn đậm nét những ngày tháng làm việc hết sức khẩn trương của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, của các đồng chí thường vụ Trung ương như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ. Đặc biệt, Hà Tây là một trong những tỉnh có vinh dự lớn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, săn sóc, được nhiều lần đón Người về thăm và làm việc. Trên toàn tỉnh Hà Tây, có hơn 70 địa điểm đã ghi lại hình ảnh của Bác với gần 50 lần về thăm, ở và làm việc.
Lần đầu tiên đồng bào, cán bộ tỉnh được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm là vào trung tuần tháng 12 - 1945. Thấy trong đội ngũ cán bộ tỉnh có nhiều đồng chí còn rất trẻ, Bác căn dặn: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mới ra đời, cán bộ còn trẻ cũng là lẽ dĩ nhiên. Điều quan trọng là phải hết lòng phục vụ nhân dân…, nhất là không được coi mình như làm quan cách mạng và coi thường nhân dân”(2). Những năm tiếp theo, trong hoàn cảnh cam go phải đối phó với “thù trong giặc ngoài”, giữ gìn thành quả mà cuộc cách mạng tháng Tám vừa mới giành được, dù bận trăm công nghìn việc trên cương vị là Chủ tịch nước nhưng Bác Hồ vẫn luôn quan tâm đến vùng đất phên giậu phía Tây - Nam thủ đô Hà Nội. Tháng 5-1946, sau khi về dự lễ khai giảng khoá I của Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác đã đến làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn Tây. Sau đó Người gặp gỡ và nói chuyện với đông đảo đồng bào và cán bộ đang tập trung trước cửa Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh. Người nhấn mạnh tới các nhiệm vụ như: Phải cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để chống đói và đi học bình dân học vụ; Góp sức người, sức của ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến; Đoàn kết toàn dân, tránh địch khiêu khích… Cũng trong năm 1946, ngày 10-10, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm khu vực chùa Thầy - một danh thắng nổi tiếng và là nơi sớm có phong trào cách mạng của tỉnh Hà Tây. Người dừng chân trước cửa trụ sở Mặt trận Việt Minh xã, thân mật hỏi chuyện đồng bào về tình hình sản xuất, đời sống và bình dân học vụ. Biết nhân dân được mùa, Người rất vui và ân cần nhắc nhở: Lúa tốt thì dân được no. Bây giờ no nhưng phải biết phòng lúc đói, phải tiết kiệm.
Với dã tâm một lần nữa xâm lược nước ta, thực dân Pháp gây hấn ở khắp nơi từ Nam ra Bắc. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hà Tây trở thành một trong những căn cứ địa ban đầu của cuộc kháng chiến. Từ cuối năm 1946, nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh đã được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về ở và làm việc trước khi lên chiến khu Việt Bắc. Trong đó, làng Vạn Phúc đã vinh dự được đón Bác về sống, làm việc, chủ trì Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng (18-19/12/1946) quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng chính tại làng Vạn Phúc, cụ thể là tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - một lời hịch có sức cuốn hút cả triệu người dân Việt Nam lao vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Lời hiệu triệu này, được Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam phát đi cũng tại tỉnh Hà Tây để đồng bào cả nước thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ở Cần Kiệm, huyện Thạch Thất từ ngày 13/1/1947 đến ngày 2/2/1947. Trong thời gian này, ngoài việc giải quyết các nhiệm vụ cấp bách của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành thời gian sửa chữa, cho tái bản các tập: Du kích, Cách dụng binh của Tôn Tử, Chính trị viên, Chiến thuật du kích. Người còn chủ trì nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ tại những địa điểm thuộc các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ trước khi các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng, Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc. Sự kiện đáng chú ý trong thời gian này là vào ngày 1/3/1947, từ chùa Một Mái (huyện Quốc Oai), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra đời một văn kiện lịch sử: Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ. Trong thư, với những lời lẽ tâm huyết, thân ái nhưng cũng hết sức nghiêm khắc, Người đã thẳng thắn vạch ra những thiếu sót, khuyết điểm và nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, kiên quyết chống những biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, ích kỷ, hẹp hòi, chủ quan, công thần, xa rời quần chúng. Ngày 3/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới rời Hà Tây lên chiến khu Việt Bắc.
Cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, hoà bình lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ từ Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Trên đường về Thủ đô, Hà Tây lại là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ vào các ngày 12 và 13/10/1954 hoạch định các nhiệm vụ đối nội, đối ngoại và nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Những năm sau đó, dù bận rộn công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân Hà Tây. Người đặc biệt quan tâm đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh vốn có đất đai màu mỡ, có điều kiện thâm canh cây lúa nước cho năng suất cao, phát triển rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày… Không chỉ tham dự nhiều hội nghị về sản xuất nông nghiệp, đại hội hợp tác xã của tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên đến thăm ruộng đồng, thăm các công trình thuỷ lợi, động viên nông dân thi đua sản xuất tốt. Những chuyến viếng thăm của Người không chỉ làm cho bà con nông dân phấn khởi sản xuất, làm thuỷ lợi, đắp đê, chống hạn, phòng lụt,… mà còn giúp cho bà con nhận thức sâu sắc hơn, đúng đắn hơn đường lối phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước.
Đầu năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường Máng số 7, một công trình thủy lợi lớn của tỉnh Hà Đông – đang thi công lấy nước từ hệ thống thuỷ lợi Phù Sa (Sơn Tây) để tưới cho hàng ngàn hécta ruộng của các xã phía bắc và phía đông huyện Chương Mỹ. Nói chuyện với đông đảo cán bộ, dân công trên công trường, Bác khẳng định tầm quan trọng của công tác thủy lợi: “Muốn có thóc gạo, ta phải cấy lúa. Muốn có lúa tốt phải có đủ nước, nhiều phân, có giống tốt. Vì vậy, ta phải làm thuỷ lợi, để chủ động trong tưới tiêu”.
Bước vào vụ chiêm xuân năm 1958, toàn tỉnh Hà Đông có 41.998 mẫu, bằng 37% diện tích bị hạn. Một số cơ sở có tư tưởng bi quan, trông chờ. Trong tình hình đó, Tỉnh ủy Hà Đông tổ chức hội nghị chống hạn đẩy mạnh sản xuất tại hội trường của Trường C500 (3) đóng tại thị xã Hà Đông. Nhận được tin, ngày 12/1/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Trường C500 nói chuyện với 3000 cán bộ từ tỉnh đến xã đang tham dự Hội nghị quyết tâm chống hạn. Phát biểu tại Hội nghị, Người phân tích những ưu thế của địa phương là sức người có, điều kiện có nhưng chống hạn còn kém là vì tư tưởng chưa thông: bi quan, sợ khó, chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy lợi lâu dài, chỉ thấy lợi ích cá nhân, không thấy lợi ích tập thể, thiếu cảnh giác… Kết thúc buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến xã Đại Thanh, huyện Thường Tín cùng đồng bào tát nước chống hạn trên cánh đồng Quai Chảo. Sáng sớm ngày 8/7/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới làng Cổ Đô, xã Tân Lập, huyện Quảng Oai (nay thuộc huyện Ba Vì). Vừa tới nơi, Người xuống ngay cánh đồng Miễu thăm đồng bào đang bắt sâu cứu mạ. Bác đã xem xét một ruộng mạ bị sâu cắn và thân mật hỏi chuyện đồng bào đang vây quanh đón chào Người. Bác căn dặn: Muốn được mùa phải chú ý cày sâu, bừa kỹ, chú ý chống hạn, bón phân, làm cỏ, trừ sâu… và đặc biệt là đồng bào phải đoàn kết, thực hiện vụ mùa thắng lợi. Sau khi thăm nhân dân bắt sâu và thực tập chống lụt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nói chuyện với hơn 600 cán bộ từ tỉnh đến xã đang dự hội nghị sản xuất của tỉnh tại Thị xã Sơn Tây về quyết tâm giành vụ mùa thắng lợi. Người kết luận: muốn làm vụ mùa thắng lợi, trước hết phải đánh tan tư tưởng bi quan, tiêu cực, phải quyết làm cho kỳ được, phải tin vào lực lượng nhân dân, tin tưởng vào chính sách của Đảng, lãnh đạo phải đi sâu, đi sát, toàn diện. Ngày 21/8/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đê Liên Trì, huyện Đan Phượng, trong lúc nước sông Hồng đang lên cao, đe doạ quãng đê xung yếu này. Vừa xuống xe, Bác và các đồng chí cùng đi đã tới xem xét những chỗ đê bị thẩm lậu, rò rỉ nhiều nhất. Gặp đồng bào, Bác ân cần hỏi thăm tình hình sản xuất và đời sống. Người nói: Nông dân đã làm chủ ruộng đồng, phải cố gắng tăng gia sản xuất cho tốt để ngày càng no đủ và đóng góp cho Nhà nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người căn dặn cán bộ và đồng bào địa phương phải tích cực giữ đê phòng lụt để bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ sản xuất. Phải quyết tâm giữ đê phòng lụt như chống giặc ngoại xâm.
Những năm 1960, toàn miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất - kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo sát chỉ đạo mọi ngành, mọi cấp và các địa phương. Người tham dự nhiều hội nghị về sản xuất nông nghiệp, đại hội hợp tác xã và đội sản xuất tiên tiến, các lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật cho hợp tác xã… Đi tới đâu Người cũng nhắc nhở cán bộ, bà con xã viên rằng, việc tổ chức, xây dựng và quản lý hợp tác xã nông nghiệp, việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là vấn đề mới và khó, cần nắm vững đường lối của Đảng, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của địa phương. Phát biểu tại Đại hội sản xuất năm 1960 của tỉnh Hà Đông, Bác nhấn mạnh:
“- Phi làm thu nông cho tt để chng hn…
- Phân bón phải cho nhiều…
- Phải cải tiến nông cụ…
- Phải chọn giống cho tốt và gieo mạ cho kịp thời…
- Phải cấy dày vừa mức…
- Phải trừ sâu, diệt chuột.
Làm đúng những điều đó thì nông nghiệp nhất định sẽ phát triển nhanh chóng, lương thực sẽ tăng thêm, đời sống sẽ không ngừng cải thiện”(4). 
Ngày 7/10/1961, Bác về thăm và nói chuyện về Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng (về phát triển nông nghiệp toàn diện) với cán bộ, đảng viên và đồng bào xã Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức). Một lần nữa, Bác lại nhấn mạnh, muốn sản xuất tốt, nhà nông có 9 việc phải làm: phân phải đủ, nước phải đủ; phải cầy sâu, bừa kỹ; phải cấy dày hợp lý, phải chọn giống tốt, phải làm cỏ sạch, làm cỏ nhiều lần, phải cải tiến nông cụ, trừ sâu, diệt chuột,phải làm kịp thời vụ.
Những năm sau đó, hầu như năm nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng về thăm Đảng bộ và nhân dân Hà Tây. Ngày 17/7/1962 Bác về thăm đập Đáy, trạm bơm Đan Hoài (huyện Đan Phượng) và một số đoạn đê xung yếu, điếm canh đê. Ngày 30/1/1963 Bác về xem xét tình hình chống hạn của tỉnh, Bác cùng đồng bào xã Quất Động (huyện Thường Tín) tát nước chống hạn trên cánh đồng Đô Đức. Bác căn dặn mọi người hãy cố gắng tranh thủ ngày đêm tát cho đủ nước cấy. Lúa đủ nước mới tốt, mới đủ thóc ăn. Trở về Hà Nội, Bác tiếp tục quan tâm theo dõi tình hình chống hạn của địa phương. Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ ngày về thăm, Người đã gọi điện hỏi và hai lần trực tiếp nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo về kết quả thi đua chống hạn sản xuất. Ngày 28/3/1963, Bác Hồ chính thức gửi tặng tỉnh 2 câu thơ: “Hà Đông anh dũng tuyệt vời - Chống hạn phòng lụt nào ai sánh bằng” kèm theo chữ ký của Người ở dưới. Ngày 15/4/1964, Bác về thăm và nói chuyện với Trường Sỹ quan Lục quân và thăm Suối Hai, một công trình thuỷ lợi có sức chứa 49 triệu mét khối nước. Sáng mồng 2 Tết Đinh Mùi (10/2/1967), Bác về thăm và chúc Tết đồng bào hợp tác xã Tảo Dương (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) – nơi chỉ đạo điểm về nông nghiệp của Tỉnh ủy, của Ban Nông nghiệp Trung ương và được Bác quan tâm theo dõi.
Tết Kỷ Dậu năm 1969, trên đồi cây của xã Vật Lại (huyện Ba Vì), cán bộ và nhân dân lại được đón Bác Hồ về thăm và trồng cây, mở đầu Tết trồng cây lần thứ 10. Đây là lần cuối cùng Người về thăm đất Hà Tây và phát động Tết trồng cây cho toàn Đảng, toàn dân. Nhân dịp lễ Quốc khánh 2-9-1969, trước khi đi xa về cõi vĩnh hằng, Bác còn gửi tặng cho các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Hà Tây lẵng hoa tươi.
Những chuyến viếng thăm, những buổi nói chuyện, gặp gỡ, những phần thưởng cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tây đã biểu hiện tình thương yêu vô hạn, sự dày công chăm sóc của Bác đối với phong trào cách mạng của tỉnh. Hơn 40 năm sau ngày Bác đi xa nhưng những tình cảm sâu nặng của Người đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Tây vẫn còn vẹn nguyên. Các địa điểm ghi dấu nơi ở và làm việc của Người tại Hà Tây đã được địa phương gìn giữ, phục hồi xây dựng lại để thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của toàn Đảng bộ, nhân dân đối với Bác Hồ, đồng thời thể hiện niềm tin và quyết tâm đi theo con đường mà Bác đã chọn, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong sự nghiệp đổi mới, Hà Tây tìm tòi, sáng tạo, vượt qua khó khăn, tranh thủ lợi thế, phát huy nội lực, quyết tâm vươn lên thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh và tiến bộ. Ngày 29/5/2008 kỳ họp thứ 3 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Theo đó, từ ngày 01/8/2008, Hà Nội mở rộng bao gồm toàn bộ Hà Nội cũ, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) với diện tích tự nhiên khoảng 3.300km2, dân số trên 6,2 triệu người. Trong bối cảnh đó, Thành phố đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội và các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ… Kinh tế xã hội thủ đô năm 2008 – năm đầu tiên sau khi mở rộng địa giới hành chính, đã đạt được những kết quả đáng kể với tốc độ phát triển so với năm trước đạt ở mức độ khá: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,58%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,8%, tổng mức bán lẻ tăng 31,2%, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 35,5%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 19,3%, các mặt văn hoá, xã hội, trật tự an toàn được duy trì ổn định. Năm 2009, kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng khá nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống có nhiều biến động bất thường (dịch bệnh, suy giảm nhập khẩu toàn cầu, tiêu thụ và đầu tư giảm sút...). Tuy vậy, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, kinh tế- xã hội Thủ đô vẫn đạt được những kết quả khả quan: Tốc độ tăng GDP đạt 6,7%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 18,2%... Điều đó cho thấy, Nghị quyết 15 của Quốc hội quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là quyết định đúng đắn, mang tính lịch sử, có tầm nhìn xa và có ý nghĩa với toàn dân tộc, tạo điều kiện cho Hà Nội, Hà Tây (cũ) và các tỉnh lân cận phát triển. Hà Nội mở rộng sẽ góp phần nâng Thủ đô lên tầm vóc mới, vừa giữ được những đặc trưng vốn có, vừa kế thừa, phát huy những thế mạnh mà các địa phương được hợp nhất mang lại.
 
 


(1) Tỉnh Hà Tây được thành lập ngày 1/7/1965 theo Quyết định số 103-NQ-TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/4/1965 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông(2) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây: Bác Hồ với Hà Tây, xuất bản năm 2006, tr.19-20
(3) Nay là Học viện An ninh nhân dân
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr.141
 
ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bà con nông dân huyện Mỹ Đức, Hà Tây chống hạn làm vụ mùa (7/6/1960)

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)