slider

BẢO TỒN VÀ KHÔI PHỤC CÁC THẢM CỎ TỰ NHIÊN GÓP PHẦN TÍCH CỰC BẢO TỒN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI TRONG KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

30 Tháng 08 Năm 2011 / 2662 lượt xem
            
       Lê Nguyên Hưng - Phòng Cảnh quan Môi trường
1. Một số nét về tổng quan khu di tích:
         Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là tài sản văn hoá vô giá của đất nước. Là nơi gắn liền với cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1954 đến 1969. Đây cũng là nơi các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã và đang làm việc. Nơi đây, từ hơn 40 năm qua, đồng bào trong và ngoài nước hàng ngày đến tham quan, nghiên cứu và học tập về Bác Hồ. Với vai trò và giá trị to lớn như vậy năm 2009 khu Di tích đã được Chính phủ xếp hạng một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt.
         Vị trí địa lý: khu Di tích nằm ở giữa quận Ba Đình. Phía bắc giáp đường Hoàng Hoa Thám, nam giáp Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đông giáp đường Hùng Vương, tây giáp vườn Bách thảo. Khu vườn có địa hình tương đối bằng phẳng, có hệ thống tường và hàng rào bao bọc, do đó công tác bảo vệ cây xanh có nhiều thuận lợi.
Khu vườn nguyên là đất của xóm làng cũ, được cải tạo nhiều lần, đất bổ sung bao gồm đất bùn phù sa sông Hồng pha cát, đất bùn ao, những tầng mùn mỏng hơi chua.
         Đất khu vực di tích có mực nước ngầm cao, nguồn nước sử dụng và chăm sóc chủ yếu là nước ao, nước giếng khoan và nước máy được cung cấp đầy đủ. Nhìn chung khu vườn không bị úng ngập sau khi mưa, và vị trí thấp nhất của khu vực là ao cá, sau khi trời mưa thì nước dồn về phía cuối ao cá và thoát mạnh ra ngoài qua hệ thống bơm tiêu.
         Diện tích khu vườn: 147.674m2, được chia thành:
         - Nhà cửa kiến trúc: 4.733m2
         - Đường và sân: 66.514m2
         - Thảm cây xanh: 67.105m2 (43 thảm)
2. Thực trạng các thảm cỏ trong Khu di tích Phủ chủ tịch:
         Thảm cây xanh chiếm gần phân nửa diện tích toàn khu, trong đó bao gồm các chủng loại thực vật vô cùng phong phú và đa dạng : vườn cây có 1271 cây các loại, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật. Có 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoàivà một số loài chưa xác định rõ được nguồn gốc; 35 loài là cây ăn quả, 59 loài là cây bóng mát, 67 loài là cây hoa cây cảnh. Đặc biệt có một số loài cây được Bác Hồ đem về trồng như cây xanh bốn mùa, dừa lửa, cọ dầu...
         Trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển, do thời gian, do thiên nhiên và do cả nhân tố con người tạo nên mà hiện nay việc phân bố các cây trồng, kết cấu, thành phần chủng loại trên từng khu vực của khu vườn đã không thật sự hợp lý. Cụ thể:
         - Có những thảm phía trên cao là những cây to lớn đã sống hàng trăm năm, các cành lá đan xen vào nhau, phía dưới lại có những cây ăn quả, cây cảnh trồng xen lẫn, và ở mặt đất là thảm cỏ. Như vậy đã và đang xảy ra tình trạng chèn ép đấu tranh sinh tồn và thực tế là những cây ở dưới và thảm cỏ thì luôn bị yếu thế hơn, nếu có tồn tại được cũng chỉ sống yếu ớt và không thể phát triển. Những hiện tượng trên được biểu hiện cụ thể nhất ở khu vực gần nhà sàn, bãi cao sau Phủ Chủ tịch, hay khu Trường Sơn và các thảm cây phía bắc hiện tượng này còn trầm trọng hơn.
         - Trong một môi trường mà độ che phủ cao, ẩm độ tương đối cao, thiếu ánh sáng, chủng thực vật phong phú…thì cũng là môi trường thuận lợi cho sâu bệnh sinh trưởng , phát triển và gây hại trở lại cho cây trồng gây ra hiện tượng cây chết, cỏ chết cả mảng, mất mật độ, các cây dại mọc lên và rất ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường về mặt thẩm mỹ.
Thực trạng  thảm cỏ tự nhiên trong vườn Khu di tích Phủ chủ tịch
         - Trên một thảm cỏ thì độ đồng nhất rất thấp, pha tạp nhiều giống cỏ khác nhau. Hiện nay trên khu vườn tồn tại rất nhiều loài cỏ khác nhau, cụ thể có: Cỏ chỉ cynodo dactylon (L.) pers.; Cỏ mật echinochloa procera (Retz.) Hubb.; cỏ chân gà Dactylotenium egyptiacum (L.) willd.; cỏ lá gừng Axonopus compressus (Sư.) P. Beauv.; cỏ tranh Imperata cylindrica (L.) P. Beauv.; cỏ tinh thảo lông Egrostis pilora (L.) P. Beauv.; Cỏ nhung nhật, cỏ gấu, vv… và rất nhiều loài cỏ dại khác cùng phát triển vì vậy làm cho thảm cỏ không đồng đều, cao thấp lô nhô rất xấu về mặt mỹ quan.
         - Trong quá trình tu bổ, bảo quản di tích, việc lắp đặt các hệ thống máy móc kỹ thuật, việc thải các vật liệu xây dựng ra môi trường xung quanh như gạch đá, vôi vữa, cát sỏi vv… thậm chí có những bãi cỏ mà cát sỏi chiếm thành phần chủ yếu (60% - 70%) và trong điều kiện sống như vậy thì cây trồng khó có thể sinh trưởng và phát triển tốt được.
         - Chủ quan của con người cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho môi trường cảnh quan xuống cấp như trồng các cây tùy tiện, mật độ quá dày đặc, chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, thậm chí có những cây mà ở phía dưới đến cỏ dại cũng không có thể sinh trưởng và phát triển được (ví dụ như dưới các gốc cây Sao đen).
         - Trong thời đại ngày nay với tốc độ phát triển mạnh của các ngành khoa học kỹ thuật nói chung và ngành khoa học nông nghiệp nói riêng, nhưng việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng ở đây vẫn còn nhiều hạn chế, và chỉ dừng lại ở mức dùng máy cắt cỏ và quét dọn.
3. Vai trò của thảm cỏ, và sự cần thiết phải tu bổ, cải tạo các thảm cỏ để góp phần tăng thêm vẻ đẹp cho cảnh quan môi trường Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
        Cảnh quan môi trường khu Di tích là một hợp phần rất quan trọng trong tổng quan kiến trúc của toàn khu và trong hợp phần này thì thảm cỏ giữ một vai trò tương đối quan trọng, nó là phần nền để làm nổi bật cho các công trình kiến trúc ở trên đó, nếu kiến trúc đẹp được toạ lạc trên một nền đẹp thì giá trị của nó được nhân lên bội phần.
         Thảm cỏ kết hợp với các loại cây trồng trên đó tạo thành các thảm thực vật. Như vậy ngoài các giá trị về mặt thẩm mỹ nó còn giữ vai trò điều hoà không khí, giữ nước, chống xói mòn, rửa trôi… và tạo thành một hệ sinh thái cân bằng, đa dạng sinh học hơn.
         Thực tế Khu Di tích chúng ta đã được kế thừa một cảnh quan kiến trúc nổi tiếng của Pháp. Nhưng trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển, có những bộ phận, hay những khu vực do những yêu cầu cụ thể đã có một số thay đổi nhất định cả về mặt kiến trúc cũng như môi trường cảnh quan, vì vậy hiện nay kiến trúc đã có sự kết hợp hài hoà giữa các hai trường phái Á và Âu.
         Có thể nói rằng khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những điểm đến lý tưởng tham quan, học tập về tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ, và đây cũng là một điểm du lịch sinh thái trong lòng thủ đô Hà Nội. Một thủ đô với mật độ dân số quá cao, và tốc độ đô thị hoá đến chóng mặt, trong thời kỳ đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế sâu rộng thì vấn đề giữ gìn cảnh quan đang đứng trước một thách thức rất lớn, nhưng ở khu Di tích vẫn giữ được một đặc thù riêng của môi trường tự nhiên. Với một diện tích trên 14ha, nhưng chủng loại thực vật thì vô cùng phong phú. Tại đây có đủ các cây lâm nghiệp cổ thụ,, vườn cây ăn quả đa dạng, vườn cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ , và một diện tích mặt nước cần thiết. Chính vì những điều kiện như vậy mà ở đây đã có một môi trường tự nhiên thật sự sinh động và gần gũi với con người.
         Với những hiện trạng được nêu ở trên, và để đáp ứng nhu cầu viếng thăm của khách trong nước và quốc tế thì đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp thật sự cần thiết bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường nói chung và các thảm cỏ nói riêng.
4. Một số đề xuất để khôi phục các thảm cỏ trong Khu Di tích:
         * Một thảm cỏ đẹp phải đáp ứng các yêu cầu:
         - Đất màu bằng phẳng, nếu là đồi thì phải cong đều, hay lượn sóng tuỳ theo yêu cầu, địa hình,
         - Hệ thống tưới tiêu nước tốt,
         - Độ đồng nhất về giống phải đạt trên 95%,
         - Sạch sâu bệnh hại,
         - Đảm bảo mật độ cây trên một đơn vị diện tích, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
         * Tuỳ theo vị trí của từng thảm cỏ để chọn được giống thích hợp, Ví dụ: nếu khu vực nhiều cây ở phía trên thì chọn giống chịu cớm (cỏ lá gừng, thậm chí có thể trồng cả thảm vạn niên thanh…), hay nếu dại nắng thì trồng cỏ nhung nhật v.v…
         * Tuyệt đối phải tuân thủ quy trình kỹ thuật của cây trồng (như tưới, bón phân, cắt tỉa, bảo vệ thực vật…).
         * Phải có dự báo, lập kế hoạch phòng ngừa đến mức thấp nhất những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh… làm tốt công tác bảo quản phòng ngừa.
         * Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào công tác bảo vệ và chăm sóc thảm cỏ (tưới tự động, hay bón phân qua hệ thống tưới…)
         * Không ngừng bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn của những người làm công tác bảo quản giữ gìn cảnh quan môi trường. Dần chuyên môn hoá những phần việc cụ thể để có thể phát huy được tính năng động, khả năng sáng tạo, và chủ động trong công việc, gắn liền đời sống của người lao động với sự phát triển bền vững của Khu Di tích.
         Công tác bảo quản, giữ gìn cảnh quan môi trường tại Khu Di tích là một trong những hoạt động chuyên môn của cơ quan. Những công việc đã, đang làm là đáng trân trọng. Những kết quả đó đã khẳng định những đóng góp của những người làm công tác quản lý, cùng với những người trực tiếp làm công tác bảo quản và giữ gìn cảnh quan. Và cho đến thời điểm hiện nay Khu Di tích đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt đầu tư một dự án về cải tạo, tu bổ môi trường cảnh quan, đó là điều kiện tốt để chúng ta có thể tận dụng và phát huy nhằm cải thiện môi trường cảnh quan ở Khu Di tích Bác Hồ đáp ứng những nhu cầu tham quan, học tập của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế. Với những thành tựu khoa học tiên tiến ngày nay, và được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước chúng ta có thể tin tưởng rằng cảnh quan môi trường di tích sẽ được bảo quản, giữ gìn, và phát huy giá trị một cách tốt nhất, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn, đẹp hơn về mặt thẩm mỹ, bền vững hơn, và phải làm thế nào để khi tất cả mọi người dù chỉ một lần đến thăm di tích nhưng đều để lại trong họ một ấn tượng không bao giờ quên./.
 

 

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)