slider

Cách viết chân thực, cụ thể, giản dị theo phong cách Hồ Chí Minh

14 Tháng 09 Năm 2022 / 181 lượt xem

Nguyễn Thị Kim Liên

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

 

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”(1). Đây không chỉ là mục đích xuất bản cuốn Đường kách mệnh mà còn được coi như tuyên ngôn nói và viết của Người. Mục đích lớn nhất mà Người muốn đó là làm sao để đồng bào nghe, xem rồi thì nghĩ lại, “nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh” để giải phóng dân tộc, cứu thoát giống nòi. Chính vì vậy, tác phẩm Đường kách mệnh đã được Nguyễn Ái Quốc viết bằng một phong cách giản dị mà bất cứ người dân thường nào cũng hiểu được, nhớ được và thực hành được.

Trong những bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ sự chân thực, đúng sự thật khi miêu tả tội ác của kẻ thù bằng giọng điệu đanh thép, sắc sảo, với những câu văn “giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả”(2). Đó cũng là điểm đầu tiên khi Người lưu ý những người làm công tác tuyên truyền: “bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính “chân thực” bởi nó vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo. Mỗi bài viết của nhà báo phải bắt nguồn từ thực tiễn với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết"...

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”(4). Để làm được như vậy, các nhà báo phải học cách nói của quần chúng. Quần chúng không chỉ là một số cá nhân riêng lẻ, mà là số đông các tầng lớp nhân dân. Phải thấy được cái tinh túy trong cách nói của số đông ấy để học: đó là cách nói giản dị, thiết thực, rõ ràng, mộc mạc, chân thực, suy nghĩ của người này đi thẳng đến suy nghĩ của người khác, không màu mè, lắt léo, quanh co. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy các nhà báo cách nói, cách viết và chính Người là tấm gương mẫu mực về phong cách viết ngắn gọn, hàm súc trong cả nội dung và hình thức, có sức thuyết phục cao đối với người nghe, người đọc. Người nói với nông dân một cách mộc mạc, đơn sơ mà đầy thôi thúc: “Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ. Hậu phương thi đua với tiền phương”. Với các cán bộ, trí thức, Người trích dẫn câu “tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”, nghĩa là lo trước dân, vui sau dân để nhắc nhở về khí tiết của người cán bộ và trách nhiệm vì nhân dân phục vụ. Với các chủ nhiệm hợp tác xã ở nông thôn, Người hóm hỉnh: “Các chú phải có văn hóa, không được đánh vần chữ tiết kiệm thành tiết canh”. Với đồng bào miền Nam, trong bối cảnh Nam Bộ kháng chiến, Người làm ấm lòng đồng bào bằng lời quả quyết: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Xuất phát từ ý thức dân tộc, từ lòng quý trọng tiếng nói của dân tộc: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”(5), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Không nên dùng tiếng ngoại quốc, khi có thể dùng tiếng ta”(6) và không bằng lòng với hiện tượng “mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu”(7). Tư liệu trong các bản thảo cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trực tiếp chữa cái “bệnh dùng chữ Hán”, “bệnh nói chữ” cho cán bộ. Bởi đối với bệnh lạm dụng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng đã có hại, nếu dùng sai theo kiểu dốt hay nói chữ thì cái hại lại càng to, ví dụ “đánh vào sâu” thì không nói mà lại nói “tung thâm”, hoặc “ba tháng” thì không nói mà lại nói “tam cá nguyệt”, “xem xét” không nói mà nói “quan sát"... Ít thấy xuất hiện các trường hợp thay từ chữ Hán bằng từ gốc Việt trong các bản thảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ vì Người đã suy nghĩ kĩ càng trước khi viết, mà còn bởi vì, ở Người, ý thức sử dụng từ ngữ gốc Việt rất sâu sắc. Đặc biệt, để đề cao hay phê phán điều gì, Bác thường vận dụng tục ngữ và xem nó là những bài học kinh nghiệm lâu đời của nhân dân, có thể góp phần giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng con người mới Việt Nam. Ví dụ như, thông qua câu tục ngữ “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, Bác phê phán quan niệm sống ích kỉ, cá nhân và giáo dục tinh thần làm chủ tập thể: “Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Mỗi người phải ra sức góp công, góp của để xây dựng nước nhà. Chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Ai cũng phải là một chiến sĩ dũng cảm phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội”(8).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương nói ít nhưng nói cho đúng, trúng. Các bài nói, bài viết của Người luôn thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc của người cầm bút. Người luôn suy nghĩ kĩ trước khi viết, viết xong Người đọc đi đọc lại, cân nhắc thận trọng từng câu, từng chữ, xoá đi chữa lại nhiều lần để câu văn vẫn đảm bảo lượng thông tin cao, nói lên được cái cốt lõi nhất của vấn đề, câu văn có đối, có điệp, có âm thanh hài hoà. Một số hình thức diễn đạt theo văn phong Pháp, dài và nghe không thuận tai, cũng được sửa đổi cho ngắn gọn và đúng mẹo luật tiếng Việt. Trong những bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu lại, chúng ta được biết có những lần Bác đã nhờ một số đồng chí thân cận đọc lại, bổ sung và sửa chữa bản thảo, trước khi công bố trên báo chí. Bản Tuyên ngôn Độc lập - áng văn lập quốc vĩ đại khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong mấy ngày trên căn gác ngôi nhà 48, Hàng Ngang, Hà Nội vào những ngày thu cuối tháng 8/1945; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Người hoàn thành trong buổi chiều đông tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội ngày 19/12/1946; Bài báo Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân được công bố đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, ngày 03/02/1969... Những văn kiện quan trọng này có sự đóng góp ý kiến, công sức tập thể của các đồng chí Trung ương Đảng. Riêng Di chúc là văn bản “tuyệt đối bí mật” để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng các thế hệ mai sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ cân nhắc suốt 4 năm (từ tháng 5/1965 - tháng 5/1969) mới hoàn chỉnh. Thật xúc động khi được nghe đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, kể lại những quá trình Bác soạn thảo văn bản đặc biệt này: Có thể nói, bản tài liệu đã được hoàn thành từ năm 1965. Nhưng cũng như bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946, “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” năm 1966, cứ còn thời gian là Bác còn sửa chữa, thêm bớt”. Trong khoảng 4 năm ấy cứ vào trung tuần tháng 5 hàng năm, phần lớn mỗi ngày Bác đều dành 1 giờ để xem lại, sửa chữa, bổ sung những chỗ cần thiết, có khi viết thêm một số trang, hoặc sửa chữa một số câu, có khi chỉ thay đổi một vài chữ trong Di chúc. Với trách nhiệm với hậu thế, Bác cân nhắc từng ý, từng lời, nhưng mỗi ý, mỗi lời đều giản dị, chân thành, trong sáng, tự nhiên như chính cuộc đời mà Bác đã sống. Ví dụ như năm 1966, từ ngày 10/5 đến ngày 15/5, từ 9h đến 10h hàng ngày, Bác dành thời gian đọc rất chăm chú trên từng câu, từng chữ bản Di chúc Bác đánh máy xong lúc 16h ngày 14/5/1965. Bác không viết gì thêm, chỉ ghi thêm một câu đặc biệt quan trọng “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” sau đoạn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(9); năm 1968, Bác bổ sung và sửa chữa nhiều cho Di chúc và viết thêm 6 trang, với chữ viết bằng bút mực Cửu Long xanh đen, còn những chỗ sửa chữa Bác viết bằng bút mực đỏ, những chỗ vạch chân để nhấn mạnh Bác dùng bút bi mực đỏ(10)... Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Bác trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời cũng là thể hiện tấm lòng của Bác đối với cuộc sống hôm nay và mai sau của mỗi người dân.

Có thể khẳng định, cách diễn đạt và ngôn từ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng rất tự nhiên, nhuần nhuyễn, phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Nói một câu, viết một câu, bao giờ Người cũng chú ý làm sao người tầm thường nhất cũng hiểu và làm theo được. Nhờ đó, bài nói, bài viết của Người rất giản dị, thực tế, không khô khan, lạnh lẽo và luôn có sức thuyết phục mạnh mẽ, luôn là những mẫu mực để không chỉ các nhà báo, mà tất cả chúng ta cần học tập và làm theo.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 2, tr.283.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.283.

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.172.

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.167.

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.465.

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.33.

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.341.

8.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.67.

9.            Xem bản thảo Di chúc của Bác năm 1965 lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

10.          Xem bản thảo Di chúc của Bác năm 1965 lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)