slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chuyến thăm Liên Xô

18 Tháng 05 Năm 2022 / 1347 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Phụ trách Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

*Năm 1923: Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc rời Paris (Pháp) bí mật sang Đức. Ngày 18/6/1923, cơ quan đại diện của Liên bang CHXHCN Xô viết tại Berlin đã làm thủ tục cho Người. Ngày 27/6/1923, Nguyễn Ái Quốc lên tàu biển Karl Liebnek từ Hambourg rời nước Đức đến nước Nga. Ngày 30/6/1923, Người đặt chân lên cảng Petrograd. Trong tuần đầu tháng 7/1923, Nguyễn Ái Quốc về Mátxcơva. Trong thời gian ở đây, Nguyễn Ái Quốc dự hội nghị Quốc tế nông dân I tại điện Kremlin và được bầu vào Đoàn chủ tịch Hội đồng Quốc tế nông dân. Vì Lênin đang ốm nặng nên Đại hội QTCS hoãn họp. Nguyễn Ái Quốc được biên chế tạm thời vào ban Phương Đông QTCS rồi vào học trường Đại học Phương Đông trực thuộc Ban chấp hành QTCS có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước phương Đông và Trung Á. Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội V QTCS họp từ ngày 17/6 đến 8/7/1924 tại Mátxcơva và phát biểu về vấn đề nông dân, ruộng đất ở các nước thuộc địa. Với danh nghĩa đại biểu Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc được mời tham dự Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội QTCS Thanh niên và Hội nghị của Tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ. Anh Nguyễn cũng đi thăm nhiều nơi, chứng kiến những thành tựu xã hội, văn hoá, giáo dục của nhà nước Xô viết. Tháng 10/1924, Nguyễn Ái Quốc rời nước Nga đi Trung Quốc

*Năm 1927: Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu làm phái viên của QTCS kiêm phiên dịch trong phái bộ cố vấn Xô Viết bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên, lấy bí danh Lý Thụy. Người tiến hành mở lớp huấn luyện cách mạng, thành lập tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh Niên, ra báo Thanh Niên đồng thời làm công tác vận động của Quốc tế nông dân. Tuy nhiên, tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch làm đảo chính phản cách mạng nên Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu đi Hồng Kông, Thượng Hải rồi gia nhập vào đoàn cố vấn Xô viết trở về Liên Xô. Ngày 15/6/1927, Nguyễn Ái Quốc về đến Mátxcơva. Người làm việc trong Quốc tế cộng sản (QTCS). Theo nguyện vọng của Người, tháng 11/1927 QTCS để Người rời nước Nga qua Đức, Pháp, Bỉ, Italy và tháng 7/1928 đến hoạt động ở Siam (Thái Lan).

*Năm 1934: Sau khi thoát khỏi nhà tù ở Hong Kong, được sự giúp đỡ của luật sư Looseby, ngày 22/1/1933, Người cải trang thành một thương gia lên tàu đi Hạ Môn rồi Thượng Hải. Tại đây, Người nhờ bà Tống Khánh Linh giúp đỡ tìm cách bắt liên lạc với QTCS. Đầu tháng 6/1934, Người lên một chiếc tàu chở hàng Xô viết để đi Vladivostov. Ngày 15/6/1934, Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva. Tháng 10/1934, Người vào học Trường Quốc tế Lênin ở Mátxcơva. Dù đã trở về sống giữa những người đồng chí, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn phải đối mặt với sự nghi kị trong một thời gian dài. Đó là vì sự xuất hiện những chủ trương mang tính chất “tả khuynh” trong tư tưởng và lý luận của QTCS, đặc biệt là ảnh hưởng của Nghị quyết đại hội VI QTCS (6/1928) với các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Đông Dương, sự bất đồng quan điểm giữa Nguyễn Ái Quốc với QTCS về vấn đề đặt tên Đảng, vấn đề dân tộc, giai cấp trong đường lối chiến lược và sách lược của Đảng, về phương pháp bạo động cách mạng, chất lượng cán bộ hạt nhân phong trào, ngoài ra Nguyễn Ái Quốc còn bị đánh giá là một người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc. Tháng 8/1935, lấy tên Lin, Người tham dự Đại hội VII QTCS với tư cách là đại biểu tư vấn. Kết thúc khoá học tại Trường Quốc tế Lênin, Người mong muốn về nước hoạt động, nhưng vẫn chưa được QTCS chấp nhận. Với bản lĩnh, kinh nghiệm, bằng trí tuệ, phong cách sống, tinh thần làm việc và sự tin yêu giúp đỡ của những người đồng chí chân thành, Nguyễn Ái Quốc đã đứng vững trước hoàn cảnh khó khăn khi đó. Tháng 2/1936, Ủy ban đặc biệt kết thúc hồ sơ điều tra về Nguyễn Ái Quốc, kết luận cuối cùng là: đồng chí Nguyễn Ái Quốc luôn sống và làm việc vì Đảng. Cuối năm 1936, Người chuyển đến công tác tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, vào học lớp nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử. Trước những đòi hỏi cấp thiết của cách mạng trong nước, ngày 6/6/1938, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục gửi thư cho lãnh đạo Viện và QTCS trình bày nguyện vọng trở về phục vụ Tổ quốc. Ngày 30/9/1938, Viện ra Công văn số 60 (mật) để sinh viên số 19 (Lin) rời khỏi biên chế của Viện. Đầu tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc từ Mátxơcơva đến Anma Ata rồi đi Urumsi, Tân Cương (Trung Quốc).

*Năm 1950: Ngày 22/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh. Người được các nhà lãnh đạo nước bạn đón tiếp nồng hậu. Về danh nghĩa, đây là phái đoàn của Trung ương Đảng ta sang thăm Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo đề nghị của ta, Trung Quốc đã điện báo cho Nguyên soái Xtalin về sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bắc Kinh và ngỏ ý muốn sang Liên Xô để trực tiếp thông báo về tình hình cách mạng Việt Nam. Xtalin mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm không chính thức Liên Xô. Ngày 3/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp tàu hỏa đi Liên Xô. Tới Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc với các đồng chí trong Ban lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc như Xtalin, Môlôtốp, Kazanôvích, Khơrútsốp, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai... Khi được thông báo về tình hình Việt Nam, Xtalin tán thành đường lối chiến lược, sách lược của Đảng ta. Ngày 16/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự buổi chiêu đãi trọng thể tại điện Kremlin do Xtalin tổ chức nhân dịp tết cổ truyền của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong những ngày lưu lại Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian gặp gỡ đại diện Đảng cộng sản Pháp và nhiều tổ chức quốc tế khác để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của họ với cách mạng nước ta. Ngày 4/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Bắc Kinh và tối ngày 11/3/1950, Người về đến Việt Nam.

*Năm 1952: Tháng 8/1952, BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô gửi thông báo về Đại hội Đảng CS Liên Xô lần thứ XIX cho 35 Đảng ở 35 nước trong đó có Đảng Lao động Việt Nam và dự kiến mời đoàn đại biểu các đảng anh em mỗi đảng cử 3 đến 5 người tới dự Đại hội. Trong danh sách thành viên các đảng CS và công nhân nước ngoài đến dự với tư cách là khách mời của Đảng CS Liên Xô có tên Hồ Chí Minh - Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước Việt Nam DCCH và tiểu sử tóm tắt của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời tham dự Đại hội XIX của Đảng CS Liên Xô cho nên từ cuối tháng 9/1952, Người đã sang Trung Quốc để chờ đi Liên Xô. Trong thời gian này, Xtalin và Người có trao đổi một số bức điện đều có nội dung chuẩn bị cho Người sang dự Đại hội XIX nhưng bí mật, không lộ diện. Lúc 7h sáng ngày 6/10/1952 theo giờ Bắc Kinh, Hồ Chí Minh đã lên chuyên cơ bay đến Mátxcơva cùng với Ủy viên BCHTƯ Đảng CS Trung Quốc. Tuy nhiên, Người đã không xuất hiện công khai tại Đại hội.

Sau khi Đại hội kết thúc, ngày 17/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Xtalin đề nghị có cuộc gặp riêng với Stalin, tuy nhiên vì điều kiện công việc và sức khỏe của Xtalin nên cuộc gặp không diễn ra. Ngày 19/11/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư từ biệt Xtalin và lên máy bay quay lại Bắc Kinh để trở về Việt Nam.

*Năm 1954: Theo đề nghị của Đảng CS Liên Xô, đầu tháng 4/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Mátxcơva để dự cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô M. Molotov và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai bàn về việc ký kết hiệp định Genevè chấm dứt chiến tranh Việt Nam, lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương.

*Năm 1955: Ngày 9/7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Iếccút. Người thăm nhà máy thủy điện Anggara, một nông trường tập thể, một nông trường quốc doanh và một trại thiếu nhi. Ngày 10/7, Người đến thăm thành phố Nôvôxibia. Ngày 11/7, Người đến Xvéclốp, thăm và nói chuyện với công nhân một nhà máy lớn ở Uran. Ngày 12/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mátxcơva. Ngày 13/7, Người thăm các nhà lãnh đạo Liên Xô, thăm Quảng trường Đỏ, đặt vòng hoa tại Lăng Lênin, tham quan cung điện Kremli và nơi làm việc của Lênin. Ngày 14/7, đến thăm trại thiếu nhi Vônigơrốt, Người đã nói chuyện, ăn cơm chiều cùng các em. Ngày 15/7, Người thăm nhà máy điện nguyên tử và thủ đô Mátxcơva. Ngày 16/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và phát biểu tại trường đại học Lômônôxốp. Ngày 17/7, Người thăm kênh đào Mátxcơva. Ngày 18/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm triển lãm nông nghiệp Liên Xô. Cùng ngày, Người ký Tuyên bố chung Việt Nam - Liên Xô và sau đó lên đường về nước.

*Năm 1957: Tháng 7/1957: Ngày 13/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm Liên Xô trên đường đi thăm một số nước Đông Âu. Người đi qua một số thành phố vùng Xibêri như Sita, Irơcút và Ômxcơ, sau đó tới Mátxcơva. Ngày 14/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu triển lãm nông nghiệp và công nghiệp Liên Xô, sân vận động Lênin ở Lugiơniki. Ngày 15/7, Người đến thăm Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp. Ngày 16/7, Người thăm trại hè của thiếu nhi học sinh Việt Nam đang học tập ở Liên Xô và đến đặt vòng hoa ở Lăng Lênin, Xtalin và mộ các liệt sĩ. Ngày 17/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn rời Mátxcơva đi Praha.

Ngày 1/11/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười, tới Mátxcơva. Ngày 2/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đặt vòng hoa viếng Lăng Lênin và Lăng Xtalin. Ngày 4/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn ta thăm các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô. Ngày 6/11, tại Cung thể thao Lugiơniki ở Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Đoàn đại biểu ta dự phiên họp đặc biệt của Xô viết tối cao Liên Xô kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Ngày 7/11, tại Quảng trường Đỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn ta dự cuộc míttinh và duyệt binh do Trung ương Đảng Cộng sản, Chính phủ Liên Xô tổ chức. Ngày 8/11, tại sân vận động Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn ta dự cuộc míttinh đoàn kết quốc tế, do nhân dân lao động Mátxcơva tổ chức. Ngày 10/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đài thiên văn ở Mátxcơva và gặp gỡ các học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập ở Mátxcơva. Ngày 16/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa và trình bày quan điểm của Đảng Lao động Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị 64 đảng cộng sản và công nhân trên thế giới đến ngày 19/11. Ngày 21/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N.X.Khơrútsốp và sau đó họp báo tại Mátxcơva. Tối cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta rời Mátxcơva lên đường về nước.

*Năm 1959: Ngày 20/1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam lên đường đi dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 26/1, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đặt vòng hoa viếng Lăng Lênin và Lăng Xtalin. Ngày 29/1, tại phiên họp toàn thể của Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đọc lời chào mừng Đại hội và tiếp tục dự Đại hội. Đầu tháng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy đóng giày Công xã Paris, trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Mátxcơva và ngày 6/2 (29 Tết Kỷ Hợi), Người dự bữa cơm tất niên do cán bộ Việt Nam đang công tác tại Mátxcơva tổ chức. Ngày 7/2, Người dự liên hoan đón giao thừa cùng các cháu thiếu nhi Việt Nam đang học tại Mátxcơva. Ngày 9/2, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam về nước.

Ngày 2/7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mátxcơva, bắt đầu chuyến thăm và nghỉ hè tại Liên bang Xô viết. Ngày 3/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khơrútsốp, đi xem “Triển lãm thành tựu kinh tế - khoa học kỹ thuật”. Ngày 4/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bốn bác sĩ Liên Xô đến thăm và khám sức khỏe. Ngày 5/7, Người đi thuyền máy tham quan thành phố. Ngày 6/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Mátxcơva đi Kiép, Thủ đô nước Cộng hòa Xô viết Ucraina. Ngày 7/7, Người thăm nông trang tập thể “Hữu nghị”, một nông trường quốc doanh. Ngày 8/7, Người tới thăm thành phố Krêmentrúc và công trình thủy điện trên sông Đnhiép, thành phố nhỏ Dapôrôdiê, nhà máy thủy điện Đnhieprôghex. Ngày 9/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm xí nghiệp gang thép, thành phố Mêlitôpôn rồi Xêvaxtôpôn. Người đã đến thăm và trồng lưu niệm cây “thiên tuế” tại vườn hoa trung tâm mang tên Hữu nghị và vẻ vang, sau đó Người đi thăm thành phố nghỉ mát Ianta. Ngày 11/7, Người đi tham quan khu vườn thực nghiệm Nikixki. Ngày 12/7, Người trèo lên đỉnh núi Aipiêtri cao 1250m để ngắm cảnh mặt trời mọc trên biển. Ngày 13/7, Người lên viếng tượng đài Lênin đặt trên núi. Ngày 14/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Crưm đến cảng Xôtri trên tàu “Đô đốc Nakhimốp”. Ngày 15/7, Người đi thăm Nhà hát lớn thành phố. Ngày 16/7, Người đi thăm bệnh viện điều trị bằng suối nước nóng Masétxta. Ngày 17/7, Người nghỉ lại ở Rítda. Ngày 18/7, Người đến Xukhumi, Thủ đô nước Cộng hòa Ápkhadia. Ngày 19/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Tbilixi, Thủ đô nước Cộng hòa Grudia. Ngày 20/7, Người đi thăm thành phố Gôri, quê hương của Xtalin. Ngày 21/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Erêvan - Thủ đô nước Cộng hòa Ácmênia. Ngày 22/7, Người đi tham quan hồ trên đỉnh núi Sêvan. Ngày 23/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Bacu, thủ đô nước Cộng hòa Agiécbaigian và đi xem khu khai thác dầu mỏ. Ngày 24/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Askhabát, thủ đô nước Cộng hòa Tuốcmênia. Ngày 25/7, Người đi Tasken, thủ đô nước Cộng hòa Udơbêkixtan và thăm Đài vô tuyến truyền hình thành phố. Ngày 26/7, Người thăm một số cơ sở sản xuất công nghiệp và Trường đại học. Ngày 27/7, Người đi Stalinabát, thủ đô nước Cộng hòa Tadikixtan. Ngày 28/7, Người đi Phrungie, thủ đô nước Cộng hòa Kiếcghidia. Ngày 29/7, Người đến Anma Ata, thăm nước Cộng hòa Kadắcxtan. Ngày 30/7, Người tham quan hồ Yxức, trên đỉnh núi Alatao. Ngày 31/7, Người đến thăm Viện Hàn lâm khoa học. Ngày 1/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Liên Xô về nước.

*Năm 1960: Ngày 12/8/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên Xô. Sau khi đến Mátxcơva, Người đi Crưm và nghỉ tại Yanta. Ngày 13/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng CS Liên Xô Khơrutsốp. Ngày 14/8, Người quay về Mátxcơva và nghỉ tại nhà nghỉ số 32 trên đồi Lênin. Ngày 15/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với Bí thư Đảng CS Liên Xô Brêgiơnep. Ngày 16/8, Người đến thăm Sứ quán ta tại Mátxcơva. Ngày 17/8, Người đi Irơcutxcơ và nghỉ lại đây do thời tiết xấu. Ngày 19/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Liên Xô đi Trung Quốc.

Ngày 2/11/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta sang Mátxcơva dự kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga và dự Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới họp ở Mátxcơva. Ngày 4/11, Người xuống sân bay Xvéclốp, sau đó đi xe lửa về Mátxcơva. Ngày 7/11, tại Quảng trường Đỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngày 9/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa tại Lăng Lênin và Xtalin. Ngày 10/11, Người dự khai mạc Hội nghị 81 Đảng họp tại cung điện Kremli và họp đến ngày 1/12. Ngày 17/11, Người phát biểu ý kiến tại Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế. Ngày 28/11, Người đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và nói chuyện với cán bộ nhân viên sứ quán. Ngày 2/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu ta lên đường về nước.

*Năm 1961: Ngày 14/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đi dự Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 17/10, Người dự Lễ khai mạc Đại hội XXII tổ chức tại điện Kremli. Ngày 21/10, Người đọc diễn văn chào mừng Đại hội. Tối, Người đi thăm Talin, thủ đô nước Cộng hoà Xôviết Extôni. Ngày 22/10, Người đi thăm xưởng làm bánh Kalép, nhà máy cơ khí Vônta và một trường học. Ngày 23/10, Người đến Riga, thăm nước Cộng hoà Xôviết Léttôni. Ngày 26/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Vinniút, thủ đô nước Cộng hoà Xôviết Lítva. Người đi thăm nhà máy làm máy tính, trường đại học. Ngày 27/10, Người đến Minxcơ, thủ đô nước Cộng hoà Xôviết Biêlôrútxi, thăm nhà máy chế tạo máy vô tuyến điện. Ngày 28/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh quay lại Mátxcơva. Ngày 29/10, tại Trường đại học Lômônôxốp, Người gặp gỡ và nói chuyện thân mật với sinh viên và cán bộ Việt Nam đang học tập và công tác ở Mátxcơva. Ngày 3/11, Người nói chuyện với các cháu đại biểu học sinh Trường trung học 405. Ngày 6/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ kỷ niệm lần thứ 44 cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười tổ chức tại cung đại hội Kremli. Ngày 7/11, tại Quảng trường Đỏ, Người dự cuộc diễu binh nhân lễ kỷ niệm 44 năm Cách mạng Tháng Mười. Ngày 9/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô và hội đàm với Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô N.X. Khơrútsốp. Ngày 11/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Mátxcơva lên đường về nước.

*Năm 1962: Ngày 4/6, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên Xô. Từ ngày 5 đến 10/6, Người thăm Mátxcơva và làm việc với các vị lãnh đạo Liên Xô, đi xem triển lãm mỹ thuật, thăm một số danh lam thắng cảnh của thành phố. Người cũng đến thăm và nói chuyện với cán bộ nhân viên sứ quán Việt Nam tại Mátxcơva. Ngày 11/6, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Cộng hoà Mônđavi, thăm thư viện quốc gia mang tên Crúpxcaia. Từ ngày 12 đến 16/6, Người làm việc với các vị lãnh đạo Mônđavi, đi thăm một số thành phố cổ và các khu công nghiệp mới, thăm viện trồng trọt, triển lãm nông nghiệp, hồ Thanh niên, đập thủy điện Đôbansa. Từ ngày 17 đến ngày 22/6, Người đến thăm nước Cộng hoà Ucraina, thành phố Lêningrát. Ngày 23/6, Người về Mátxcơva. Ngày 24/6, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Liên Xô về nước.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)