slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười Nga vào Cách mạng tháng Tám 1945

12 Tháng 08 Năm 2020 / 4391 lượt xem

ThS. Trần Thị Thắm

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

 Ngày 07/11/1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga đứng đầu là V.I. Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô-viết. Cống hiến vĩ đại của V.I. Lênin không chỉ thể hiện ở việc đưa Cách mạng Tháng Mười thành công, mà còn mở đường cho nước Nga bắt đầu công cuộc xây dựng đất nước theo chủ nghĩa xã hội. Như V.I. Lênin đã nói, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, “một kỷ nguyên mới đã mở ra trong lịch sử thế giới. Nhân loại đang vứt bỏ hình thức cuối cùng của chế độ nô lệ để bước vào “vương quốc tự do” tự giác, sáng tạo ra lịch sử của mình”.

Cách mạng Tháng Mười là sự thể nghiệm thắng lợi chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn, đã để lại những phương pháp cũng như bài học kinh nghiệm vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong đó có cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi, dù chưa biết nhiều về cuộc cách mạng ấy, nhưng Nguyễn Ái Quốc thấy mình “có mối tình đoàn kết với cách mạng Nga và Người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”. Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô trực tiếp nghiên cứu Cách mạng tháng Mười, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước Xôviết, tận mắt chứng kiến những thành tựu vĩ đại do Cách mạng tháng Mười mang lại trên quê hương Xôviết. Bằng sự trải nghiệm thực tiễn, Người đã rút ra kết luận: trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và đã thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật; không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Bởi vậy, muốn cách mạng thành công thì phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.

Người coi Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác-Lênin, là “cẩm nang thần kỳ” nhưng không phải theo nghĩa đơn giản rằng trong đó đã chứa sẵn những công thức, những khuôn mẫu, những ‘'đơn thuốc'' kê sẵn... Cẩm nang đó chứa đựng kinh nghiệm, tinh thần, lập trường, quan điểm và phương pháp, từ đó, giúp những người cách mạng nhận thức tình hình và hành động một cách đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Bởi, quan điểm của Hồ Chí Minh là người cách mạng phải tiếp thu tinh thần của chủ nghĩa Mác nhưng phải biết vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước: “Mác đã xây dựng một học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải toàn thể nhân loại...Xem lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(1). Đối với cách mạng Việt Nam, Người đã nghiên cứu, xem xét và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào hoàn cảnh cụ thể đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, đó là:

Thứ nhất: Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được Mác, Ăng ghen, Lênin khẳng định và trong Cách mạng Tháng Mười Nga Lênin đã vận dụng rất thành công “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Đảng đó là Đảng Cộng sản, “Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động...”(2). “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy, Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bản chỉ nam”(3). Chủ nghĩa là một hệ thống lý luận làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của một đảng. Nguyễn Ái Quốc khẳng định, muốn giải phóng dân tộc thành công phải có “. sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”(4). Ngay từ tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Người đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với vô sản giai cấp và bị áp bức dân tộc mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(5).

Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản trong thời đại mới được tiến hành từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, rõ ràng trước hết là phải có Đảng. Không có Đảng cách mạng không thể thắng lợi, đó là một điều chắc chắn. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa cứ có Đảng là cách mạng thắng lợi. Điểm cần phải nhấn mạnh trong quan điểm của Hồ Chí Minh là Đảng có vững cách mạng mới thành công. Bởi vì Đảng như người cầm lái con tàu, nếu không vững tay lái, không có trí tuệ, không dũng cảm... thì rất nhiều nguy cơ đến với con tàu: chệch hướng, đâm vào đá, lật tàu...

Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc rời nước Nga về đến Quảng Châu (Trung Quốc), mang những khát vọng về giải phóng, về độc lập, tự do, hạnh phúc, về tình đoàn kết quốc tế của Lê-nin vĩ đại về gần hơn với Tổ quốc mình. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu xây dựng những cơ sở ban đầu cho sự ra đời của một chính Đảng kiểu mới ở Việt Nam theo nguyên tắc Mácxít Lêninnít. Người đã gặp “vài ba nhà cách mạng quốc gia An Nam, trong số này có một người đã xa rời xứ sở từ ba mươi năm nay... Ông không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng”(6). Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc cho rằng để xây dựng Đảng Cộng sản, trước hết phải giải quyết tốt vấn đề nhận thức tư tưởng chính trị và phương pháp tổ chức cho những người yêu nước; phải giác ngộ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam theo lập trường cách mạng vô sản... Chính từ những bài giảng cho những thanh niên Việt Nam yêu nước - những hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Nguyễn Ái Quốc đã thổi một luồng sinh khí mới cho phong trào cách mạng trong nước, thông qua những luận điểm, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- lênin và hơi thở của thời đại mới được thể hiện rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh.

Trong quá trình huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc không chỉ truyền bá lý luận Mác-Lênin vào công nhân mà cơ bản hơn là truyền bá vào các tầng lớp trí thức yêu nước. Sau khi tầng lớp này được huấn luyện, giác ngộ thì đưa họ vào nhà máy, hầm mỏ để thực hiện “vô sản hoá”. Cách làm này của Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục được những hạn chế của giai cấp công nhân Việt Nam lúc bấy giờ. Các tài liệu tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc được giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam trong nước đón nhận; lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, làm dấy lên các phong trào đấu tranh sôi nổi của công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản nổi khắp cả nước. Sự phát triển của phong trào công nhân và của các tầng lớp nhân dân đòi hỏi phải có đảng chính trị lãnh đạo. Vì vậy, đến cuối những năm 20 của thế kỷ XX, các tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập: Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ.

Tuy nhiên, sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia là nguy cơ dẫn đến chia rẽ trong phong trào công nhân, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Yêu cầu bức thiết lúc đó là thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Thay mặt cho Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, đưa đến thành công của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu năm 30 của thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời phản ánh sự kết hợp giữa cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX. Sự ra đời của Đảng chứng tỏ sự sáng tạo của Người trong việc kết hợp 3 nhân tố: phong trào yêu nước, phong trào công nhân, chủ nghĩa Mác - Lênin; chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối yêu nước và là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, như Văn kiện Đại hội lần thứ VII của Đảng (1991) chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ phong kiến và ách thống trị thực dân. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thứ hai: Tập hợp, huy động lực lượng toàn dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin cho rằng, giai cấp công nhân chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình khi liên minh với các giai cấp và tầng lớp lao động khác, trước hết là giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, và lãnh đạo họ trong các cuộc đấu tranh cách mạng. Tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và bài học kinh nghiệm từ Cách mạng tháng Mười Nga: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Nguyễn Ái Quốc đã xác định, cách mạng không phải là công việc của bất cứ một cá nhân anh hùng hoặc của bất cứ một nhóm người nào, mà là công việc chung của nhân dân, của toàn dân. Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc là đánh đổ thực dân Pháp và địa chủ phong kiến giành độc lập dân tộc. Nguyễn Ái Quốc cho rằng cần vận động tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị mất nước trong một mặt trận dân tộc thống nhất, để huy động sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân. Công nông là gốc, liên minh với các giai tầng khác phải chú ý đến lợi ích của giai cấp công- nông và của dân tộc. Trong Sách lược vắn tắt của Đảng, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Đảng phải tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, tập hợp đại bộ phận nông dân và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo nông dân làm cách mạng ruộng đất; lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông... đi về phe vô sản giai cấp; đối với bọn phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An-nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, chí ít là làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến) thì phải đánh đổ”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và lời Kính cáo đồng bào của Nguyễn Ái Quốc ngày 06/6/1941 đã làm dấy lên phong trào cách mạng trong cả nước với tinh thần: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đuổi bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi cảnh “nước sôi, lửa bỏng”(7).

Chủ trương tập hợp lực lượng của Nguyễn Ái Quốc phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người. Năm 1942, Người chủ trương già, trẻ, gái, trai, dân, lính đều tham gia đánh giặc. Năm 1944, Người viết: “cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân”. Thực hiện đường lối đoàn kết dân tộc với việc thành lập Mặt trận dân tộc mà thời kì trước đó đã tiến hành với nội dung hình thức thích hợp, Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp lớn vào việc quyết định và thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho “Mặt trận dân tộc thống nhất Phản đế Đông Dương”, nhằm đoàn kết và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, đánh đuổi Pháp, Nhật.

Thứ ba: Nắm vững nghệ thuật khởi nghĩa, nghệ thuật chọn đúng thời cơ để khởi nghĩa.

Bước sang năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi to lớn. Quân đội phát xít bị quân Đồng minh, đặc biệt là Hồng quân Liên Xô đánh bại trên khắp chiến trường. Phát xít Đức đầu hàng (9/5/1945). Ngày 14/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh không điều kiện.

Sự đầu hàng của chính phủ Nhật đã đẩy quân Nhật đang chiếm đóng ở Đông Dương vào tình thế tuyệt vọng như rắn mất đầu, hoang mang dao động đến cực độ. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim rệu rã. Tin Nhật đầu hàng đã nhanh chóng lan truyền trong nhân dân. Khắp nơi trên đất nước ta, Việt Minh tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình thị uy vũ trang, có tới hàng nghìn quân tham gia. Hàng triệu quần chúng sẵn sàng đứng lên giành chính quyền.

Dù Nhật đã đầu hàng Đồng Minh nhưng mãi đến ngày 21/8/1945, quân Nhật ở Đông Dương mới được lệnh ngừng bắn. Vì thế, quân Nhật ở Hà Nội vẫn đi tuần, canh gác nghiêm ngặt. Ngày 16/8, Nhật tuyên bố trao trả Nam Kỳ cho chính phủ bù nhìn và ngày 18/8 bày trò “trao trả độc lập cho Việt Nam”. Các tổ chức phản động cũng tìm cách phá phong trào cách mạng của nhân dân ta. Trong khi đó các nước lớn như Mĩ, Anh, Pháp, Trung Hoa Quốc dân Đảng cũng có mưu đồ riêng đối với Đông Dương. Chính phủ Trùng Khánh của Tưởng Giới Thạch ráo riết chuẩn bị “Hoa quân nhập Việt” và ngày 09/8/1945 đã ra thông báo sẽ đưa quân vào giải giáp quân đội Nhật ở Bắc Đông Dương theo thỏa thuận giữa các nước Đồng minh chống phát xít. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh đã nhận thấy rằng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(8). Chúng ta phải giành được chính quyền trước khi quân Đồng Minh đưa quân vào Đông Dương.

Trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, ngày 12/8/1945, Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng ra lệnh khởi nghĩa. Ngày 13/8, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban gồm 5 người: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách Ủy ban. Vào 23 giờ cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ban bố Quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh khởi nghĩa toàn quốc: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà! Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm,vô cùng thận trọng”. Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”(9). Dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã thành công. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một nhà nước kiểu mới được tổ chức trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xôviết và các nhà nước dân chủ khác, phù hợp với điều

kiện cụ thể của Việt Nam, đã đồng hành cùng nhân dân vững vàng bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, và tiếp đó là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là một cuộc cách mạng vĩ đại, toàn diện và triệt để nhất, xoá đi chế độ thực dân, phong kiến lâu đời trên đất nước ta, đem lại tự do, cơm no, áo ấm cho nhân dân. Ngày 02/9/1945, nhà nước công nông của dân, do dân và vì dân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được khai sinh. Một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận mang tính chỉ đạo lâu dài đối với Đảng và nhân dân ta được Hồ Chí Minh chỉ ra là: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại .. .là vô cùng sâu sắc”(10).

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười mở ra đã làm thay đổi cục diện thế giới. Chủ nghĩa xã hội, trước Cách mạng Tháng Mười, chỉ là ước mơ của loài người, đã trở thành chế độ xã hội hiện thực. Ngày nay, mặc dù Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã sụp đổ, song chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn còn hiện diện ở một số quốc gia trên thế giới, và đang từng bước được cải cách, đổi mới với những thành tựu có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và to lớn. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân ta đang tiếp tục chiến đấu để bảo vệ, xây dựng và phát huy những thành quả tốt đẹp và vô cùng quý báu do Cách mạng Tháng Mười và Tháng Tám mang lại. Đường đi tuy vẫn còn không ít chông gai nhưng không có gì có thể cản lại sự phát triển tất yếu của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 2, tr.267-268

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 6, tr.175

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 2, tr.268

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 12, tr.303

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 2, tr.8

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr.198

7.       Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.196

8.       Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 7, tr.421-422

9.       Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tập 2, tr.978-979

10.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 12, tr.309

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)