slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài cho đất nước

20 Tháng 05 Năm 2021 / 2976 lượt xem

Nguyễn Vân Anh

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Trong lịch sử có thể thấy ở bất kì triều đại nào cũng đều chú trọng tìm kiếm, đào tạo người hiền tài, đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của một dân tộc. Nếu thời Tây Sơn có “Chiếu cầu hiền”; thời Lý ra đời Quốc tử giám để đào tạo nhân tài; thời Lê có văn bia khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”; vua Lê lợi cũng khẳng định: “Muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài thì phải do tiến cử”. Thì dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng cũng làm cho việc cầu người hiền tài trở thành chính sách nhất quán thời kì bấy giờ. Chính điều này đã cho thấy mối quan hệ giữa người hiền tài với vận mệnh quốc gia có sự gắn kết vô cùng chặt chẽ.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, việc chiêu mộ người hiền tài cũng là việc vô cùng cần thiết và đáp ứng yêu cầu tất yếu của lịch sử. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành được thắng lợi đã mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc. Song tình thế cách mạng lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”: thù trong giặc ngoài, chính quyền nhân dân còn non trẻ, đòi hỏi vừa phải chăm lo xây dựng chính quyền nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ vững chắc chính quyền ấy. Với quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, củng cố chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tới việc tìm kiếm người tài giúp xây dựng và bảo vệ bộ máy chính quyền.

Từ trước khi ra lời kêu gọi tìm người tài cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy một trong những phương pháp để tìm thấy người tài đức đó là phải quy tụ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng vừa được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra trước đó, thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với mong muốn mời thêm “nhiều nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó”.

Đây là quyết định táo bạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng đúng yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta khi đó và mở đường cho đội ngũ nhân sĩ, trí thức tài năng cống hiến cho đất nước, cho cách mạng. Việc tập hợp được sức mạnh các tầng lớp, giai cấp khác nhau đã trở thành những bằng chứng sinh động về quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến lược trọng dụng trí thức, nhân tài phục vụ sự nghiệp cách mạng.

1.            Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương tìm người tài đức

Sau khi nhà nước cách mạng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nước ta là một nước dân chủ; nhà nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân; chính quyền của ta là chính quyền nhân dân. Đã là chính quyền nhân dân thì phải do nhân dân bầu ra, do nhân dân lựa chọn người có tài, có đức để gánh vác việc nước nhà. Thực hiện điều đó, chỉ một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, ngày 03/9/1945, Chính phủ lâm thời đã tổ chức phiên họp đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó Người đề nghị: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. .. .”(1)

Để tìm người tài đức cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 14/11/1945, trong đó Người khẳng định yếu tố quan trọng nhất để giữ vững nền độc lập là kiến quốc mà “Kiến thiết cần có nhân tài” tuy rằng: “Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(2). Đây sẽ là nhân tố quan trọng để xây dựng mọi mặt, phát triển đất nước từ kinh tế, quân sự, giáo dục đến ngoại giao. Người cũng tha thiết kêu gọi “đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho chính phủ”. Đây là phương pháp đơn giản nhưng cũng đầy sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua việc công khai kêu gọi trước toàn dân đã khơi gợi lên ý thức tự tôn, lòng tự hào dân tộc, và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tri thức vì độc lập, vì tự do của tổ quốc...

Hơn một năm sau, ngày 20/11/1946, trong bài “Tìm người tài đức” ngắn gọn chưa đến 140 chữ, Người lại viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”(3) và kêu gọi chính quyền các địa phương tìm người tài đức, có thể làm những việc ích nước, lợi dân báo cáo với Chính phủ. Có thể thấy, đây là một trong những chính sách quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tìm kiếm người có tài có đức để xây dựng một nhà nước dân chủ nhân dân. Việc tìm kiếm, phát hiện và tiến cử người tài không phải nhiệm vụ của một cá nhân hay một chính quyền mà là nhiệm vụ của toàn dân. Cả nước sẽ cùng tham gia vào nhiệm vụ chung này để “nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì thực hành ngay”.

Bên cạnh đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: người có tài, có đức nước ta không thiếu nhưng vấn đề là phát hiện và sử dụng phù hợp, nếu Chính phủ không thấy được là có lỗi. Do đó Người đã tự nhận khuyết điểm của mình “nghe không đến, thấy không khắp”, khiến người tài đức chưa được biết tới: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”(4). Để nhanh chóng tìm ra được những “người hiền năng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho “các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

Những nội dung trên đã thể hiện tính nhất quán về tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp kiến thiết đất nước. Đối với Người, nhân tố con người luôn là quan điểm, phương pháp luận quan trọng nhất, và nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, ươm trồng, phát huy, trọng dụng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì đất nước, vì nhân dân.

2.            Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc sử dụng người tài đức

Bên cạnh việc lựa chọn nhân tài thì quan điểm sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một nghệ thuật. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của nhân dân, là sự nối tiếp và phát triển quan niệm cầu hiền tài truyền thống trong điều kiện mới của đất nước. Theo Người, nhân tài là “người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân”.

Thông qua hai bài viết “Nhân tài và Kiến quốc”, “Tìm người tài đức”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định tầm quan trọng của nhân tài đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, đồng thời cũng chính Người đã nêu lên quan điểm phải: Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều, nhà nước phải biết “trọng dụng những kẻ hiền năng”.

Ngay từ những ngày đầu nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng vai trò của người tốt, người tài, người có tinh thần yêu nước. Người quyết định thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ với hơn 30 nhân sĩ, trí thức ở tất cả các ngành, lĩnh vực như: kinh tế, luật pháp, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội... được tập hợp để cố vấn cho Chính phủ kế hoạch xây dựng đất nước.

Tiếp theo đó, ngày 06/01/1946 đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta - khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội để gánh vác công việc nước nhà. Dưới sự ủy nhiệm của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài, không phân biệt đảng phái. Người tuyên bố trước Quốc hội: “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”, “Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”.

Thực hiện tuyên bố của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hành động thiết thực để trọng dụng những nhân sĩ, trí thức lúc bấy giờ. Tại kỳ họp đầu tiên ngày 2/3/1946, Quốc hội họp để thông qua Danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh đề nghị, cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng!”(5).

Điều này đã cho thấy rõ quan điểm sự dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để tập hợp được nhân tài phải có tinh thần hòa hợp, khách quan, không định kiến trong nhìn nhận, đánh giá vị trí xuất thân của họ. Theo Người, “việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”(6). Có thể thấy, Người chú trọng tài năng ở trong công việc, lấy thước đo là tinh thần vì dân, vì nước, không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Chính điều này, đã tạo cho họ niềm tin vào chính sách đại đoàn kết của chính quyền mới, toàn tâm toàn ý mang hết tài năng, sức lực, của cải, tính mạng phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước. Từ các nhà nho, nhân sĩ tài năng, uy tín trong xã hội như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố..., đến các vị quan chức cấp cao của triều đình nhà Nguyễn như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc I lòe... đều đã “xuất thân giúp nước” như lời Bác Hồ kêu gọi. Họ thực sự trở thành những nhân tố quân trọng đóng góp vào sự nghiệp chung của cách mạng.

Bên cạnh việc kêu gọi nhân tài, bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phát hiện ra nhiều nhân tài và cho họ cơ hội phát huy tốt nhất năng lực của mình. Bác từng nói: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Bởi vậy, trong chuyến sang Pháp năm 1946, nhận thấy tài năng của những trí thức Việt kiều tại nước ngoài, Người tìm gặp và thuyết phục 4 nhân tài trở về phục vụ đất nước là: nhà khoa học Phạm Quang Lễ (giáo sư Trần Đại Nghĩa), kỹ sư luyện kim Võ Quý Iuân, bác sỹ Trần Iữu Tước, kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh. Trong bối cảnh muôn vàn thiếu thốn, các trí thức này đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến và sau này là kiến quốc của toàn dân tộc.

Thu hút, kêu gọi được nhân tài đứng ra giúp nước đã khó, làm thế nào để phát huy tốt nhất năng lực của họ còn khó hơn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trọng dụng, sử dụng đúng nhân tài là vấn đề cực kỳ quan trọng trong phương sách, chính sách dùng người. Người giải thích: “Người nào có năng lực làm việc gì thì đặt vào việc ấy. Nếu dụng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề thợ rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai”. Vì vậy, sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường của họ như vậy sẽ thành công. Dựa trên quan điểm đó, Người mạnh dạn tin tưởng giao cho họ những nhiệm vụ quan trọng. Iàng loạt trí thức còn rất trẻ nhưng có tài năng cũng được Người trọng dụng, giao trọng trách từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai... Có thể nhận thấy, đóng góp của đội ngũ trí thức cả ở trước và sau cách mạng rất lớn. Đây là những người không chỉ có tinh thần yêu nước, mà còn có trình độ, hiểu biết, thông thạo nhiều vấn đề. Nhờ vào tài trí của họ, sự nghiệp cách mạng nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Những chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân với mục tiêu, giải pháp cụ thể đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng.

3.            Bồi dưỡng, đào tạo người tài đức

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định việc bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài là vấn đề hàng đầu, là nền tảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Khi đất nước ngày càng đi lên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cần chú trọng giáo dục, đào tạo.

Ngay từ những năm tháng hoạt động tại nước ngoài, Người đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc. Trong kháng chiến, Người cho mở Trường Đại học Y Dược (Việt Bắc); lớp toán đại cương và các trường dự bị đại học, sư phạm cao cấp (Khu IV); các trường khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp (Khu học xá Trung ương, Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm tạo dựng một lớp người có đủ tài và đức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đến thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bên cạnh việc nhờ các chuyên gia nước ngoài đào tạo, Người còn chủ trương cử người đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa góp phần hình thành nên đội ngũ các nhà khoa học đông đảo sau này. Vì vậy mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã có nhiều nhân tài chỉ huy thao lược và những cán bộ khoa học, kỹ thuật sử dụng giỏi những vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, góp phần đánh thắng được đội quân xâm lược mạnh, được trang thiết bị hiện đại thời điểm bấy giờ là Mỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thống nhất giữa tài và đức. Người khẳng định: “Có tài phải có đức”. Trong những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài, Người dùng chữ “tìm người tài đức” hoặc “trọng dụng những kẻ hiền năng”. Bởi tài và đức chính là hai điều quan trọng nhất không thể thiếu ở mỗi cán bộ, có tài mà không có đức thì khó thành công, có đức mà không có tài thì không làm lợi cho nước, cho dân. Không tự nhiên có cán bộ tài đức mà phải trải qua rèn luyện mới tạo nên, phải đảm bảo toàn diện cả về nghề nghiệp, chính trị, văn hóa, lý luận,...

Theo Người, đức và tài phải được biểu hiện trên kết quả công tác và phải luôn thống nhất, gắn bó chặt chẽ, quan hệ biện chứng với nhau trong nhân cách người cán bộ cách mạng. Trong mối quan hệ đó thì đức phải được đặt lên hàng đầu: “Đức phải có trước tài”, đức là “gốc”. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì “có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước”. Vì thế, Người chủ trương “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Việc chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ của Đảng phải tỉ mỉ, công phu “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu” thì mới ra được những cán bộ tốt.

Trọng nhân tài, dùng nhân tài, song Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu kiểm tra chặt chẽ để loại bỏ những người không đủ tài đức, gây hại cho việc chung. Người cũng đặt ra yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra công tác cán bộ, sử dụng nhân tài để “một mặt tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”. Ngay từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, sớm phát hiện những dấu hiệu lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân.Người quyết định thành lập đầu tiên chính là thanh tra để phát hiện tình hình, kiểm tra uốn nắn kịp thời những biểu hiện sai trái. Người nói: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

Nhờ có chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài đúng đắn, sáng suốt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã quy tụ, tập hợp được các nhân tài xuất sắc cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng và bảo vệ chính thể Việt Nam Dân chủ công hòa. Sau khi đất nước được độc lập, Đảng kịp thời mở rộng đội ngũ, đào tạo cán bộ, tăng cường sự lãnh đạo trên mọi mặt hoạt động, chuẩn bị tổ chức cho toàn dân bước vào cuộc đấu tranh mới song những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ trương trọng dụng nhân tài, cho đến nay vẫn mang ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp cách mạng đất nước.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.7.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.114.

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.504.

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.504.

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.221.

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.43.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)