slider
Phát triển kinh tế số

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên xung phong

19 Tháng 09 Năm 2011 / 2576 lượt xem
Trịnh Tố Long
Nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày truyền thống thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2008), ông Trịnh Tố Long một cựu cán bộ TNXP phục vụ ATK xin gửi đến bạn đọc một số cảm nghĩ sau:
Cây cỏ có gốc rễ, sông suối có ngọn nguồn. Triết lý Đông phương có thuyết nhân quả. Có cuộc sống hôm nay, xin mộc mạc đôi điều từ chân lý ấy.
Sự hun đúc từ ngàn đời
Từ tuổi thiếu niên Bác Hồ của chúng ta còn là cậu học trò Nguyễn Sinh Cung đã nhiều năm suy tư không đi theo con đường cứu dân, cứu nước như các bậc tiền bối Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu ... là mong chờ ở chí lớn của các đấng trượng phu, ở lực lượng ngoại viện ....
Cậu thích học môn Sử nước nhà, ham nghe cả những huyền thoại từ Đức Thánh Gióng, Thạch Sanh ... đến Đinh Tiên Hoàng cờ lau dàn trận, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam vì căm thù giặc nước ... Từ kinh nghiệm bản thân, 21 tuổi, Người dấn thân đi khắp năm châu bốn biển. Phải chín mười năm sau mới tìm thấy con đường giải phóng dân tộc ở Luận cương của Lênin. Rồi đến nước Nga năm 1923, Thấy cảnh lạ đời/ Biến người nô lệ thành người tự do, Người nhận thức rõ muốn cứu dân cứu nước phải giác ngộ quần chúng thức tỉnh ý thức dân tộc, mà đối tượng chính trước hết là thanh niên. Vì lực lượng tương lai giường cột này của nước nhà đang bị thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân, tha hoá thanh niên bằng thuốc phiện, rượu cồn, bằng đủ loại mưu chước bần cùng hoá, lôi kéo thanh niên làm tay sai vì miếng cơm manh áo ... Người tin ở lớp trẻ nhưng phải được thức tỉnh và tổ chức lại. Từ thủ đô "mẫu quốc" Pháp, Nguyễn ái Quốc kêu gọi: Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Ngươi sẽ chết nếu đám thanh niên sớm già của ngươi không sớm hồi sinh! ....
Nói đi đôi với làm, Bác nhờ Liên Xô đào tạo cán bộ, mở lớp huấn luyện ở Trung Quốc, và đặc biệt rất Việt Nam, Đảng cách mạng lại ra đời từ tiền thân là tổ chức Thanh niên cách mạng.
Bác Hồ tiếp thu nhuần nhuyễn, kế thừa xuất sắc và phát huy tài tình mọi tinh hoa, bản sắc của truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc. Và, cũng có thể nói cách khác, thiên tài Hồ Chí Minh trong cách mạng ở Việt Nam, hiện tượng Hồ Chí Minh của lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, và vai trò của Người trong sự biến đổi của bộ mặt thế giới đương đại là kết quả sự hun đúc ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Bác Hồ là sáng tạo
Bác vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào thực tiễn cụ thể của Việt Nam và các nước thuộc địa, phụ thuộc, dù bị hiểu lầm trong phong trào cộng sản quốc tế, Người vẫn kiên trì con đường độc lập, tự chủ Việt Nam.
Trong mọi lĩnh vực hoạt động cách mạng qua mỗi thời kỳ cũng vậy: công tác thanh vận của Đảng ta là một minh chứng hùng hồn. Tên gọi, nội dung, tính chất, phương thức của mỗi tổ chức thì khác nhau, tưởng như khác nhau, song mục tiêu nhắm tới chỉ là một. Bác diễn đạt bằng một câu nổi tiếng, nhớ khi Người dặn cụ Huỳnh ngày 31/5/1946 là: Dĩ bất biến …
Cái "bất biến" trong tiềm thức của Bác với thế hệ trẻ, con cháu của Người, nôm na là trồng người theo xu thế tất yếu là ngày một tiến bộ, đòi hỏi chất lượng cao hơn, đông hơn. Năm 1950, đã có Hội Liên hiệp TNVN, Chủ tịch là ông Nguyễn Chí Thanh, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên. Lại có Đoàn TN cứu quốc của ông Nguyễn Lam, là "đội hậu bị" của Đảng (chưa ra công khai). Bác trao đổi với hai ông dự định của mình và chỉ thị tổ chức thí điểm một tổ chức thanh niên "thứ ba" nữa, chọn lọc hơn, gọi là Đội TNXP công tác Trung ương  đi làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, qua đó được tôi luyện mà trưởng thành. ở một số nước chính quyền cách mạng về tay nhân dân, từng có tổ chứuc thanh niên tự nguyện như ở Nga chẳng hạn, trong "Thép đã tôi thế đấy" của A. Ostrôpxki.
Vậy là Đội đầu tiên ra đời ngày 15/7/1950, sau này được lấy làm ngày truyền thống TNXPVN.
Từ đội phát triển thành đoàn
Bác theo dõi từng bước tiến bộ của các Đội. Người rất vui, ngày 20/3/1951, Bác đến thăm phân đội 312 đang bảo vệ cầu ngầm Nà Cù, Bắc Kạn, tặng các cháu 4 câu thơ nôm na: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí cũng làm nên. Thơ Bác nhanh chóng trở thành khẩu hiệu hành động của thanh niên cả nước, thành bài Đoàn ca rồi được truyền bá rộng rãi từ các Liên hoan thanh niên và sinh viên ra khắp thế giới làm phương châm tu thân lập nghiệp không chỉ riêng cho tuổi trẻ thời nào, ở đâu cũng vậy.
Theo lời Bác, các Đội, các cơ quan hữu trách rút kinh nghiệm "điểm", chuẩn bị mở rộng "diện". Nguời biệt phát hai cán bộ giúp việc mình: Ông Vũ Kỳ (1921 - 2005) làm Đoàn trưởng Đoàn TNXP Trung ương, và ông Tạ Quang Chiến phụ trách Đội trưởng Đội 36 gồm 10 Đại đội, 2000 người, đặc trách phục vụ xây dựng và bảo vệ An toàn khu (ATK) - theo chiến lược toàn cục: đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới giành thắng lợi quyết định - giai đoạn Tổng phản công.
Trường học lớn đào tạo cán bộ
Bác Hồ ghi bút danh CB viết bài đăng báo Nhân dân ngày 11/11/1953, số 147, có đoạn: Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố tổ chức TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này …. Người gọi TNXP là Trường học lớn và tốt.
Bác chỉ thị quân sự hoá TNXP, không tuyển nữ, Đoàn trưởng trực tiếp báo cáo, nhận chỉ thị của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội cung cấp quân nhu, quân khí, tuyển quân qua xã Đoàn TNCQ bình nghị: Đại đội trưởng - C trưởng do một huyện uỷ viên phụ trách, các cán bộ khác do đơn vị bầu cử dân chủ. ở phía Bắc, hoạt động theo địa bàn chuyên trách các Đội 34 - 40 phục vụ chiến đấu và chiến đấu tại Điện Biên Phủ, Đội 44, các Tổng đội, Liên đội ở Liên khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ đều có địa bàn được phân công riêng.
Sau hoà bình 1954, một số Đội tham gia tiếp quản thành phố, mở đường bộ, khôi phục đường sắt, hầm mỏ, xây mới nhà máy, công nông trường … Tới năm 1956, tất cả các đơn vị lớn nhỏ đều giải thể. Số cán bộ, đoàn viên ước khoảng 40.000 người. Đợt tự giải thể này số lớn chuyển sang quân đội, công an, số về địa phương, số khá đông sang các ngành, được cử đi học ngay ở ngoài nước, trong nước, sau này là vốn quý - một đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo, nhiều người giữ các cương vị cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ …
Từ truyền thống TNXP lớp cha anh chống Pháp, sang thời kỳ chống Mỹ, tuổi trẻ hai miền Nam Bắc hăng hái đi đầu, tình nguyện "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" - Không thể kể hết các phong trào thi đua Mỗi người làm việc bằng hai theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Hậu phương miền Bắc có cao trào "Ba sẵn sàng", tiền tuyến miền Nam có "5 xung phong". Trước khi Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam toàn miền chính thức ra mắt (ngày 21/6/1965), nhiều tỉnh, liên tỉnh, huyện xã đã xuất hiện các đơn vị TNXP, nhiều nơi hầu hết là nữ, nhiều đơn vị xin tự cung tự cấp lương thực, quần áo … mà khẩu hiệu hành động nêu ra thật anh hùng: "Dũng cảm hy sinh, quên mình phục vụ", "kiên cường trong lửa đạn", "Sống anh dũng, chết vinh quang" v.v…. Nghĩa là ngày đêm đối mặt với kẻ thù, sẵn sàng đón nhận sự hy sinh, mất mát trong điều kiện thầm lặng, nhiều trường hợp không ai, không tổ chức nào hay biết … Do đó, không có khen thưởng, chẳng có hồ sơ …
Ông Cù Văn Chước (1928 - 2007) nguyên phụ trách hành chính quản trị Phủ Chủ tịch kể rằng hàng ngày điểm báo cho Bác nghe, Người dặn, riêng các cháu TNXP hai miền có thành tích thì phải đọc chi tiết, hỏi lại và khen thưởng ngay. Tôi hỏi ông sao không cần xác minh, ông bảo, theo ông, có lẽ các cháu TNXP mới 15 -16-17 tuổi còn "vô tư", "tội" lắm … Chỉ sợ không biết hết công trạng của các cháu …
Thế rồi Bác đi xa
Năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần thứ hai các đơn vị TNXP tự giải thể, không bàn giao biên chế, hồ sơ cho cơ quan nào. Tư tưởng của Bác Hồ về TNXP nay được Đoàn thanh niên thừa kế với các tên gọi "tình nguyện" "xung kích", "áo xanh" …. hoặc giữ nguyên tên TNXP mang sứ mệnh - ước mơ ngàn đời: Dân giàu, nước mạnh, xã hội hiện đại, công bằng, dân chủ, văn minh.
Vấn đề còn lại
Đầu năm 1990, mấy đồng ngũ của Đội 34 - 40 do ông Nguyễn Tiến Năng (trong ảnh) trợ lý cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, dẫn đầu lên Lai Châu, Điện Biên "đi tìm đồng đội". Rồi lập các Ban liên lạc. Năm 2005 ra đời Hội cựu TNXPVN, cũng là thời gian Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách đền ơn đáp nghĩa với TNXP. Ông Nguyễn Anh Liên Chủ tịch Hội, đang là đại biểu Quốc hội cho biết, công việc chính yếu trước mắt của Hội là giúp Nhà nước giải quyết những tồn đọng về chính sách chế độ với TNXP, làm gương tốt tuyên truyền giáo dục các thế hệ trẻ TNXP tiếp bước cha anh như Bác Hồ từng mong mỏi và làm sao sẻ chia nỗi đau, cảnh khổ vì già yếu, bệnh tật đói nghèo, vì di chứng tật nguyền một đời cho mình, cho con cháu, vì cuộc sống đơn côi của biết bao chị em đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc nay không chồng con, không nơi nương tựa...
TNXPVN đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều danh hiệu cá nhân, đơn vị TNXP Anh hùng, nhiều phần thưởng cao quý đã và đang được xét để tặng thưởng. Nhưng công ơn của gần 35 vạn cựu cán bộ, đội viên TNXP vẫn tồn đọng những vấn đề cần toàn xã hội quan tâm.
Bác Hồ sinh thời lo nghĩ từ việc nhỏ cho TNXP. Ông Nguyễn Văn Đệ phụ trách công tác TNXP ở TW Đoàn kể lại mùa hè năm 1966, ông thực sự lúng túng được gặp Bác. Bác hỏi: chế độ cung cấp cho các cháu nữ có khác nam không?: có thêm vải màn, xà phòng, gương lược, chậu vệ sinh …, có cử nữ y tá cho đơn vị nữ không, chỉ huy có biết tránh cho nữ làm việc nặng, ngâm mình dưới nước không? v.v…. Người 27 lần viết báo, gửi thư, tới thăm TNXP, 2 lần trong Di chúc nhắc nhở các cấp các ngành phải quan tâm tới đời sống, lao động, công tác, nhất là đào tạo cán bộ từ TNXP …
Tinh thần cốt lõi của Nghị quyết Trung ương VII khoá X vừa qua, thiết nghĩ cũng là kế thừa và sáng tạo những đường hướng mới về công tác thanh vận trong tình hình mới làm chỗ dựa để tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức TNXP nói riêng.
Thư gửi Khu di tích Phủ Chủ tịch
*Ngày 03-3-2008
Kính gửi: Ông Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch
Kính thưa ông tôi là Trần Quang Tạo ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Gia đình tôi là gia đình cơ sở của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và gia đình Liệt sĩ chống Pháp. Bản thân tôi là một cựa quân nhân, thành viên Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ và Ban liên lạc Pháo binh, là người chịu học hỏi qua sách báo, qua người hiểu biết. Năm 2004 được hành quân “Thăm lại chiến trường xưa” Điện Biên Phủ cùng với 500 cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng (7/5/1954-7/5/2004). Năm 2005 được hành quân “Vang mãi khúc quân hành” vào thành phố Hồ Chí Minh cùng với hơn 1.000 cựu chiến binh của 64 tỉnh thành cả nước nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Sài Gòn thống nhất Tổ quốc (30/4/1975-30/4/2005). Tôi là người “Hay đi vác Tù và” nên đã phát hiện được cụ Nguyễn Văn Bạch người điểm hỏa quả bộc phá 1.000 kg trên đồi A1 Điện Biên Phủ hồi 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954.
Do ham tìm hiểu về Bác Hồ tôi tập hợp để viết bài “Bác hồ kính yêu của chúng ta!. Nhưng còn những tư liệu chưa có nên mạnh bạo “Đánh trống qua cửa nhà sấm” xin ông giúp cho:
1. Tôi đọc tác phẩm: “Những mẩu chuyền về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” của Trần Dân Tiên do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2005) trang 124 dòng thứ 9 từ trên xuống dưới viết Hồ Chủ tịch: “Làm 12 nghề khác nhau…” nhưng tôi mới hỏi được một số nghề để viết cho bài “Bác Hồ kính yêu của chúng ta!”
2. Tôi nghe nói: “Bác Hồ biết 38 thứ tiếng, nhưng cũng mới biết được để viết trong bài “Bác Hồ kính yêu của chúng ta!”
Là một nông dân không có chế độ lương và phụ cấp đi lại hạn hẹp khó khăn xin được quý ông giúp cho cụ thể của 2 tư liệu trên để lòng mọn chiến sĩ đã về đời thường “Tự hào về Bác Hồ” trong khi cả nước đang nỗ lực học tập tấm gương, đạo đức của Người. Đồng thời xin được ông giúp tôi một lần “Thăm khu di tích Hồ Chí Minh” thì may mắn lắm để tận mắt chính kiến về Bác Hồ.
Cuối cùng kính chúc ông cùng toàn thể gia đình mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng, hạnh phúc. Kính chúc toàn thể cán bộ, công nhân viên cơ quan thành đạt, tiến bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao xứng đáng là con cháu Bác Hồ.
Nay kính thư và rất mong ông rộng lòng quan tâm cho lá thư lạc lõng này - Xin chóng được nhận tin hồi âm.
Trần Quang Tạo
Địa chỉ: Xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Tái bút: Trong các tư liệu tôi tập hợp có gì sai mong ông chỉ bảo, bổ sung giúp để tiến bộ thêm.
Tôi kính biếu ông bản photo Báo Gia Đình và xã hội cuối tuần ra ngày 21-02-2004 số 23 (489) để làm tin.
 
*Minh Phú, ngày 01 tháng 4 năm 2008
Kính gửi: Ông Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Kính thưa Ông!
Trước hết xin được giới thiệu: Tôi Đoàn Quang Chiến - giáo viên cấp III nghỉ hưu, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí xã Minh Phú - huyện Đoan Hùng - tỉnh Phú Thọ. Tôi xin trân trọng gửi tới bà lời chào và kính chúc sức khỏe.
Sau đây, tôi xin được trình bày và tha thiết mong được sự giúp đỡ của ông và quý cơ quan:
Câu lạc bộ chúng tôi thành lập đến nay là 23 năm, hiện tại gồm 73 hội viên gồm thương bệnh binh, sỹ quan lực lượng vũ trang, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ là chủ chốt của địa phương và cán bộ công nhân viên chức Nhà nước.
- Theo kế hoạch dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5/2008) chúng tôi tổ chức sinh hoạt toàn câu lạc bộ về đề tài Bác Hồ với mục đích:
a) Làm cho mỗi hội viên tích lũy thêm được những kiến thức phong phú về cuộc đời hoạt động của Bác.
b) Từ những câu chuyện tích lũy được về cuộc đời hoạt động của Bác thấy được nhân cách sống cao đẹp, công lao trời biển của Bác đối với dân tộc, trong đó có bản thân và gia đình mỗi hội viên.
c) Trên cơ sở tấm gương cao đẹp về đạo đức, nhân cách và sự tận tụy hy sinh suốt đời vì dân, vì nước của Bác, mỗi hội viên tự lấy đó để soi lại mình, sửa mình, hoàn thiện nhân cách sống cho mình và đồng thời góp phần giáo dục con cháu trở thành người công dân tốt, đặng góp phần xây dựng bản thân, gia đình, dòng họ, xóm làng ngày một văn minh, giàu đẹp hơn; thực hiện mục tiêu chiến lược “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Song hiện nay chúng tôi gặp trở ngại rất lớn, đó là tài liệu. Vì vậy chúng tôi khẩn thiết trình và mong được sự quan tâm giúp đỡ của Ông cùng quý cơ quan., những tài liệu về cuộc đời hoạt động của Bác có thể do chính Bác hoặc do những người được sống, làm việc, phục vụ Bác kể, đồng thời với những tác phẩm văn học nghệ thuật nói về Bác như kịch, bài hát, thơ… (những liệu trên ngoài lưu bằng sách báo viết, có thể cả trên phương tiện lưu trữ bằng báo hình).
Là một xã viên miền núi còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Chúng tội rất mong bà và quý cơ quan tạo điều kiện giúp đỡ để câu lạc bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Nếu được xin bà và quý cơ quan chuyển qua địa chỉ: Ông Đoàn Quang Chiến - Chủ nhiệm CLB hưu trí xã Minh Phú - huyện Đoan Hùng - tỉnh Phú Thọ - ĐT: 0210.835.018    -   DĐ: 0977.742.542.
Xin trân trọng cảm ơn!
 
TM. Ban chủ nhiệm Câu lạc Bộ
Chủ nhiệm
Đoàn Quang Chiến

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)