slider

CÔNG TÁC BẢO QUẢN NGOÀI TRỜI Ở KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH - THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

19 Tháng 09 Năm 2011 / 2346 lượt xem
Lê Nguyên Hưng
Phòng Bảo quản di tích
           
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo tồn ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là bảo quản, giữ gìn các di tích, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường di tích. Bởi tất cả đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng cuối cuộc đời (1954-1969).
 Công tác bảo quản di tích nói chung và môi trường cảnh quan nói riêng đã được thực hiện một cách thường xuyên và tương đối tốt. Từ những phương pháp bảo quản thông thường, và bước đầu đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào việc bảo quản các tài liệu hiện vật và cảnh quan, nhằm giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của Khu di tích về BácHồ.
 Tuy nhiên, công tác bảo quản ở Khu di tích trên thực tế vẫn còn tồn tại những bất cập mà ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến lĩnh vực bảo quản ngoài trời.
 Cảnh quan môi trường ở Khu di tích có thể nói là một trong những địa điểm lý tưởng cho tham quan, du lịch trong lòng thành phố Hà nội, một thủ đô có tốc độ đô thị hoá cao như hiện nay thì vấn đề giữ gìn cảnh quan đứng trước một thách thức rất lớn, nhưng ở Khu di tích vẵn giữ được những đặc thù riêng của môi trường tự nhiên. Với diện tích toàn Khu khoảng chừng trên 16 héc ta, nhưng chủng loại thực vât thì vô cùng phong phú. Ở đây có đủ cả các cây lâm nghiệp cổ thụ, vườn cây ăn quả đa dạng, vườn hoa cây cảnh, thảm cỏ, và một diện tích mặt nước cần thiết. Chính vì những điều kiện như vậy mà tạo ra ở đây một môi trường tự nhiên thật gần gũi với con người. Tuy không gian được giới hạn chỉ một hàng rào bao bọc, nhưng xung quanh là cuộc sống ồn ào náo nhiệt của nền kinh tế thị trường thời hội nhập. Và khi đã đặt chân đến Khu di tích thì môi trường ở đây đã tạo cho con người một cảm giác rất dễ chịu, rất tự nhiên, rất hiện đại và cũng rất văn hóa.
 Tuy nhìn tổng thể ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể tạm chấp nhận với những điều kiện hiện có, nhưng thực tế ở đây vẫn còn một số vấn đề mà chúng tôi xin được nêu ra:
 1. Thực trạng cảnh quan môi trường ở Khu di tích:
  Khu Di tích trải qua một quá trình dài lịch sử hình thành và phát triển, hiện nay môi trường cảnh quan có những biểu hiện xuống cấp do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như:
   - Khu Di tích nằm ở vùng khí hậu nhiêt đới nóng ẩm, mưa nhiều (lượng mưa trung bình hàng năm 1.600 - 1.700 mm, nhiệt độ trung bình 24 - 25 độ C) là nơi có thể nói là trũng nhất so với các khu vực lân cận.
- Trên vườn số lượng cây lớn, thuộc nhiều loài, nhiều họ, mỗi loại lại có hàng chục cá thể sống xen kẽ, việc trồng cây lại tùy tiện theo ý chủ quan của con người, chưa có quy hoạch lâu dài và cũng chưa tuân thủ yêu cầu kỹ thuật về trồng trọt.
- Các cây cổ thụ lâu năm nhiều, rậm rạp um tùm và đó cũng là môi trường thuận lợi cho sâu bệnh sinh trưởng, phát triển và gây hại mạnh trở lại. Cây to cành lá lớn lấn át che bóng và hút hết các chất dinh dưỡng của cây bé hơn, cây ở phía dưới.
- Cây ăn quả thì già cỗi, thậm chí có một số cây gần như đã hết nhiệm kỳ kinh tế vì vậy cảnh quan không đẹp, năng suất thấp, phẩm chất kém, mẫu mã quả xấu.
- Mật độ cây trên đơn vị diện tích quá cao, khoảng cách cây trồng không đảm bảo cho từng loại cây do vậy cây đan xen vào nhau, cành lá phát triển kém.
- Sâu bệnh hại nhiều (nhiều về chủng loại, số lượng; nặng về mức độ phá hại. Một số loài phổ biến như rệp sáp, nhện đỏ, sâu đục cành, ruồi đục quả, bệnh thán thư, bệnh nấm phấn trắng, … thường xuyên phá hại cây trồng).
Cơ cấu giống trồng chưa hợp lý về số lượng chủng loại; giống lẫn, không đạt tiêu chuẩn giống tốt, trồng lẫn lộn, một số giống được đưa từ các nơi khác về không thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu ở Khu vực này nên bị thoái hóa.
Việc quy hoạch trồng cây trước đây chưa được hợp lý nên tạo ra một môi trường cảnh quan không thật đẹp mắt.
Các loại cây hoa,cây cảnh, hàng rào cảnh đã già cỗi phát triển kém,sâu bệnh lại nhiều, nhiều khu vực còn mất mật độ, thậm chí có những nơi cây không thể sống được.
Trên một thảm cỏ không có tính đồng nhất, lẫn các giống khác nhau, mất mật độ, không bằng phẳng. Gạch, đất đá, phế thải xây dựng trên vườn còn rất nhiều … làm cản trở khả năng sinh trưởng và phát triển của cây cỏ, gây khó khăn cho quá trình chăm sóc và bảo vệ.
Vật tư cho công tác vun trồng và chăm sóc còn thiếu và chưa kịp thời (như đất màu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, … đặc biệt phân chuồng là nhân tố cần thiết đối với sự phát triển bền vững của cây trồng).
Hệ thống tưới tiêu nước chưa thật hợp lý và kém hiệu quả, còn mất nhiều công sức, một số khu vực còn thiếu các điểm tưới.
Vấn đề vệ sinh môi trường như: việc gom rác thải (bao gồm các vật liệu như nilông, cành lá, cỏ dại trong đó bao gồm cả những mầm bệnh hại …) với cách xử lý như hiện nay tức là gom lại một chỗ để đốt thực tế chưa thật hợp lý ở chỗ như gây ra khói bụi, mầm bệnh chưa được xử lý triệt để,…
Việc tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật của cán bộ bảo quản, chăm sóc cảnh quan môi trường vườn cây ao cá còn có những hạn chế, không được đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn vì vậy việc áp dụng các phương pháp bảo quản khoa học vào áp dụng ở đây còn rất là hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu của công việc
2.     Một số kiến nghị:
+ Tiếp tục điều tra, bổ sung và lập hồ sơ đầy đủ và chi tiết cho từng loại cây trồng (và đặc biệt là các cây di tích)
+ Khảo sát, nghiên cứu và lập quy trình chăm sóc bảo quản cụ thể cho từng cây di tích với yêu cầu đặt ra là làm thế nào đó cho cây tiếp tục sinh trưởng phát triển tốt, kéo dài tuổi thọ của cây, tăng thêm vẻ đẹp cho môi trường cảnh quan di tích Bác Hồ.
+ Phải có dự báo về khả năng sinh tồn của các cây di tích, lên kế hoạch phòng trừ những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh…, làm tốt công tác bảo quản phòng ngừa.
+ Phải có kế hoạch nhân giống bảo tồn nguồn gen các cây di tích lịch sử quí hiếm để khi cần có cây thay thế kịp thời.
+ Có biện pháp bảo vệ, bảo tồn, phục hồi theo quy định của Luật Di sản văn hóa không chỉ đối với di tích, lưu niệm về Bác Hồ mà còn đối với cảnh quan, khu vực nơi có các di tích.
+ Đưa công tác bảo quản khoa học dần thay thế cho bảo quản thông thường nhưng phải đảm bảo nguyên tắc bảo tàng học, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào công tác bảo quản.
+ Áp dụng những kết quả nghiên cứu thu được từ các đề tài khoa học về vườn cây, ao cá di tích vào thực tiễn trong công tác bảo quản tại Khu di tích.
+ Tiếp tục nghiên cứu và lập một dự án tổng thể để cải tạo, nâng cấp cảnh quan môi trường Khu di tích cho phù hợp với tổng thể kiến trúc của toàn Khu Phủ Chủ tịch để đáp ứng nhu cầu phục vụ tham quan của khách du lịch trong thời kỳ hội nhập của đất nước.
+ Không ngừng bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn của những người làm công tác bảo quản giữ gìn cảnh quan . Dần chuyên môn hóa từng phần việc cụ thể để có thể phát huy được tính năng động, khả năng sáng tạo và chủ động trong công việc, gắn liền đời sống của người lao động với sự phát triển bền vững của Khu Di tích.
Công tác duy trì cảnh quan môi trường tại Khu di tích là một trong những hoạt động quan trọng trong các hoạt động chuyên môn của cơ quan. Những công việc đã và đang làm là đáng trân trọng. Những kết quả đó đã khẳng định những đóng góp của những người làm công tác quản lý, cùng với những người trực tiếp làm công tác bảo quản giữ gìn cảnh quan di tích. Nhưng với những thành tựu khoa học tiên tiến ngày nay, chúng ta không thể bằng lòng với những gì đã có, hãy nhìn vào tương lai với khả năng, nhiệt huyết của toàn cán bộ công nhân viên Khu di tích, chúng ta tin tưởng rằng công tác bảo quản, giữ gìn cảnh quan môi trường Khu di tích Bác Hồ ngày càng khoa học hơn, đẹp hơn, và bền vững hơn để tất cả khách tham quan trong và ngoài nước khi đến Khu di tích đều giữ lại ấn tượng tốt đẹp không bao giờ quên./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)