slider

Công tác bảo quản tài liệu – hiện vật của Bác Hồ trong khu di tích Phủ chủ tịch

19 Tháng 09 Năm 2011 / 2945 lượt xem
Lê Văn Tuyên
Ngô Tuấn Anh
Phòng Bảo quản di tich
  
Công tác bảo quản các di tích và các tài liệu – hiện vật của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Phủ Chủ tịch là một trong sáu khâu công tác nghiệp vụ cơ bản được lãnh đạo, cán bộ nhân viên Khu Di tích Phủ Chủ tịch hết sức coi trọng.
Để làm tốt công tác này, những người làm công tác bảo quản chúng tôi xác định việc đầu tiên là phải nắm vững toàn bộ số lượng, loại hình di tích, số lượng và chất liệu hiện vật…
Qua hồ sơ tài liệu của phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Tư liệu, chúng tôi được biết, theo thống kê của Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh từ năm 1970 (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh) thì trong Khu di tích Phủ chủ tịch có 15 di tích bất động sản là các ngôi nhà, căn hầm, gara ôtô….; 36 điểm di tích ngoài trời là những con đường, sân, vườn, cầu qua ao, ao cá, cây ăn quả, cây bóng mát, cây có hoa… có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có những di tích đã tồn tại từ trước khi Bác Hồ về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch (có nghĩa là có từ trước năm 1954), có những di tích là công trình kiến trúc được xây dựng hoặc một số cây được trồng sau ngày Người về đây…
Về tài liệu – hiện vật, trong Khu di tích Phủ Chủ tịch có 1340 hiện vật gốc. Đến năm 1982 đã thống kê thêm 248 đầu loại với 2304 hiện vật thuộc di tích nhà bếp A, B. Những hiện vật gốc đó là những chứng tích đầu tiên của các sự kiện, hiện tượng lịch sử, những sinh hoạt, những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đã sống và làm việc tại nơi đây. Chính vì vậy mà các hiện vật đó đã tạo nên sức thuyết phục mạnh, gây được cảm xúc sâu sắc cho người xem. Đó cũng là cơ sở của hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học của Khu di tích Phủ Chủ tịch, vì thực tế đã chứng minh, nếu không có hiện vật gốc thì không thể có hoạt động bảo tàng, do vậy việc bảo quản các hiện vật gốc càng có vị trí hết sức quan trọng.
Tuy nhiên do yêu cầu của công tác lưu giữ các di sản gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hiện vật gốc đó đã được đưa vào bảo quản tại kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Min, chúng đã và đang được bảo quản với các trang thiết bị hiện đại và với những chế độ hết sức nghiêm ngặt, phù hợp với từng loại hình, chất liệu hiện vật và thay vào vị trí vốn có của chúng là các hiện vật làm lại. Hiện nay, trong Khu di tích Phủ Chủ tịch đang lưu giữ, trưng bày tổng số 764 hiện vật, được phân phối: ở di tích nhà sàn có 242 hiện vật; ở di tích H67 trưng bày 82 hiện vật; ở di tích nhà cầu con có 6 hiện vật; di tích nhà 54 trưng bày 398 hiện vật; nhà họp bộ chính trị có 8 đầu loại với 24 hiện vật; di tích nhà BK1 có 8 hiện vật; nhà gara có 5 ôtô, (không kể 42 hiện vật là các dụng cụ y tế được sưu tầm năm 1995 và đang được lưu giữ, bảo quản tại phòng Hội đồng y khoa họp bàn cách chữa bệnh cho Bác), trong số đó có 160 hiện vật gốc. Tuy có nhiều những hiện vật làm lại hoặc đồng thời, nhưng vẫn được trưng bày ở vị trí như vốn có lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng với sự tồn tại của chính các nhà di tích, những hiện vật tài liệu này đã góp phần to lớn vào công tác nghiên cứu và phát huy tác dụng tuyên truyền và giáo dục nhiều mặt về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Khu di tích Phủ Chủ tịch, nên công tác bảo quản được chúng tôi đặt ra như bảo quản các hiện vật bảo tàng gốc.
Khác với việc bảo quản trong kho cơ sở, các hiện vật được xếp sắp theo chất liệu, được để riêng ở các phòng kho khác nhau, được lắp đặt các hệ thống bảo quản với các phương tiện khoa học, kỹ thuật phù hợp, còn tại các nhà di tích trong Khu di tích Phủ Chủ tịch bảo quản và trưng bày nhiều loại hiện vật với nhiều loại chất liệu khác nhau, hàng ngày mở cửa để phục vụ một số lượng rất lớn khách tham quan, chúng hoàn toàn là những kho mở, có di tích như di tích nhà sàn gốc không thể lắp đặt được các trang thiết bị kỹ thuật phòng ngừa…. nên công tác bảo quản ở đây đặt ra những thách thức lớn cho những cán bộ quản lý và những người trực tiếp làm công tác bảo quản chúng tôi.
Không chỉ vậy, các hiện vật bảo quản, trưng bày ở các nhà di tích cùng với các di tích trong Khu di tích Phủ Chủ tịch còn chịu sự tác động trực tiếp của môi trường khí hậu khắc nghiệt, nắng lắm mưa nhiều, lại nằm trong một vùng đất trũng, nhiều cây cối nên phát sinh nhiều loại côn trùng, sinh vật có hại….. vì thế chúng tôi cần phải có những nhận thức đúng về các phuơng thức bảo quản.
Hiện nay trên thế giới, người ta thường tiến hành các phương thức bảo quản như bảo quản phòng ngừa, bảo quản chống xuống cấp, bảo quản tu sửa…. Trong đó việc đầu tư cho hoạt động bảo quản phòng ngừa được coi là công việc cần được ưu tiên cho các bảo tàng thuộc mọi loại hình và quy mô khác nhau.
Bảo quản phòng ngừa là phương thức bảo quản với những cách thức đảm bảo cho các hiện vật được lưu giữ, trưng bày hoặc được vận chuyển mà không bị hư hại, không dẫn đến sự xuống cấp và không cần đến việc bảo quản tu sửa. Trong rất nhiều trường hợp, bảo quản phòng ngừa là một vấn đề thuộc những kinh nghiệm cơ bản và nếu đựoc thực hiện một cách khoa học và có kế hoạch thì nó thường đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo quản hiện vật bảo tàng.
Bảo quản chống xuống cấp là áp dụng mọi biện pháp bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật.
Bảo quản tu sửa là sửa chữa những hiện vật bị hư hại hoặc hao mòn, sử dụng những phương pháp để phục hồi hiện vật.
Bảo quản phòng ngừa khác bảo quản chống xuống cấp ở chỗ, nếu bảo quản chống xuống cấp tốt có thể tránh được việc bảo quản tu sửa. Khi đã phải tiến hành những biện pháp bảo quản tu sửa là rất tốn kém và phức tạp. Vì thế việc bảo quản phòng ngừa cần luôn kết hợp với công tác bảo vệ sẽ đảm bảo cho sự trọn vẹn và an toàn nhất cho hiện vật.
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn cố gắng học tập để có những hiểu biết nhất định về nhu cầu đặc biệt của các loại hiện vật khác nhau, có sự nhận thức được hiệu ứng của các loại chất liệu hiện vật khác nhau đang được bảo quản, trưng bày trong các nhà di tích và những quy định đặc biệt về mức độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm tương đối, sự ô nhiễm của môi trưòng đối với hiện vật. Chúng tôi cũng học cách đối xử với các hiện vật ở trong các nhà di tích, ngay cả khi lau chùi hiện vật cũng phải biết cách cầm nắm chúng, nếu không cũng dễ làm hư hỏng hiện vật.
Trong nhiều năm qua với tinh thần trách nhiệm của những người trực tiếp làm công tác bảo quản, được sự tạo điều kiện, giúp đỡ tận tình và đặc biệt được cung cấp nguồn kinh phí đáng kể để trang bị những trang thiết bị cần thiết cho công tác bảo quản, nên các phương thức bảo quản chống xuống cấp, bảo quản tu sửa đã dần dần được thực hiện.
Ngoài ra hiện vật bảo tàng dễ bị ảnh hưởng của môi trường xung quanh như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, môi trường bị ô nhiễm….. nên trong quá trình làm công tác bảo quản thông thường, chúng tôi cố gắng điều chỉnh linh hoạt, đảm bảo sự trung hoà ánh sáng giữa nhu cầu của ánh sáng hiện vật (bóng tối hoàn toàn) và nhu cầu ánh sáng của khách tham quan (đủ ánh sáng để nhìn được hiện vật) vì vậy, tuỳ nơi tuỳ lúc chúng tôi giảm bớt công suất các bóng đèn, khi hết khách chúng tôi tắt điện các nhà di tích, đóng cửa chớp các cửa sổ và các cửa ra vào để bảo đảm giao động ánh sáng trong nhà từ 50 Lux đến 200 Lux. Và vì trong các nhà di tích đang trưng bày tổng hợp các hiện vật nên nhiệt độ thích hợp là 18o­C (+/- 2oC)
Các nhà di tích trong Khu di tích Phủ Chủ tịch hiện nay chịu tác động của môi trường xung quanh có ảnh hưởng đến duy trì độ ẩm tương đối quá lớn. Nhất là các nhà di tích là những công trình kiến trúc đã được xây dựng từ lâu (như dãy nhà họp Bộ Chính trị, gara ôtô, nhà bếp A, B, nhà 54…..) dễ có hiện tượng ngưng tụ hơi nước. Tuy vậy chúng tôi luôn cố gắng duy trì độ ẩm trong nhà từ 50 đến 55%. Nhưng để tốt hơn, rất mong với điều kiện của Khu di tích hiện nay, chúng ta có thể trang bị đưa vào sử dụng loại nhiệt kế điện tử. Vì theo chúng tôi được biết loại nhiệt kế điện tử này có thể đánh dấu, kiểm tra các điều kiện khí hậu và chuẩn hoá các dụng cụ đo một cách liên tục. Các dụng cụ này được gọi là dụng cụ đo độ ẩm có lưu trữ, ghi nhiệt độ và độ ẩm trên một bảng theo dõi hàng tuần hoặc hàng tháng và nên đặt những dụng cụ này ở tất cả các nhà di tích.
Còn vấn đề nữa chúng tôi muốn đề cập đến là, dù môi trường nào, dù hoàn cảnh nào cũng cần đến sức người, ý thức tự giác của con người, sự hỗ trợ, tương tác giữa con người với nhau.
Chúng tôi rất mong được học tập thêm kiến thức và kinh nghiệm bảo quản để có thể xử lý với những tình huống có thể xảy ra đối với hiện vật và đối với các nhà di tích, thực hiện được tốt các kế hoạch bảo quản do người phụ trách hay của cơ quan đề ra (cả về bảo quản phòng ngừa và bảo quản kỹ thuật)./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)