slider

Cuốn sách: “Nước Việt Nam - lịch sử và văn minh” trưng bày ở giá sách phòng làm việc Di tích nhà 54 trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch

18 Tháng 05 Năm 2022 / 522 lượt xem

Trần Thị Thuấn

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng được nhiều ngoại ngữ như: tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức và tiếng Ý. Người thường tự đọc các sách, báo, tạp chí bằng chính nguyên ngữ. Một trong số các tài liệu bằng tiếng nước ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và để lại nhiều bút tích là cuốn “Le Vietnam. Histoire et Civilisation” (Nước Việt Nam. Lịch sử và văn minh) của giáo sư Lê Thành Khôi - một người Pháp gốc Việt. Sách viết bằng tiếng Pháp do nhà xuất bản Minuit xuất bản tại Pari năm 1955, kích thước 14 x 22 cm, gồm 587 trang. Cuốn sách đang được bảo quản, trưng bày ở di tích Nhà 54 (ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ năm 1954-1958).

Tác giả Lê Thành Khôi sinh ở Hà Nội, lớn lên ông đến Pari học rồi ở lại Pháp. Ông là Tiến sĩ Luật khoa, đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Khoa kinh tế học, Khoa luật học ở Pari, cử nhân văn khoa, tốt nghiệp trường quốc gia các ngôn ngữ phương Đông và Viện Luật học quốc tế LaHay. Ông từng là giáo sư sử học ở trường Đại học Xoóc bon (Pháp). Ông là một trong bốn nhà nghiên cứu quốc gia về Việt Nam. Ông đã được mời làm chuyên gia giáo dục của UNESCO, là chuyên gia giáo dục ở châu Phi (một số vị tổng thống ở Bắc Phi và châu Á từng là học trò của ông).

Đúng như nhà sử học Pháp Charles Fourniau đánh giá: “Lê Thành Khôi không chỉ thuần túy là một nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn về Việt Nam của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, tóm lại của một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ này ở Việt Nam thời xưa”.

Là người Việt Nam sống ở nước ngoài nhưng Lê Thành Khôi luôn có tâm huyết hướng về Tổ quốc, dân tộc. Ông đã sớm tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và hoạt động rất tích cực. Ông còn là Chủ tịch Hội Khoa học xã hội của người Việt tại Pháp. Năm 1970, ông được Chính phủ mời về thăm đất nước với vinh dự là người tham gia phong trào Việt kiều yêu nước từ những ngày đầu tiên.

Giáo sư Lê Thành Khôi là tác giả của nhiều tác phẩm viết về đất nước, con người Việt Nam và Bác Hồ kính yêu. Cuốn sách “Nước Việt Nam. Lịch sử và văn minh” của Lê Thành Khôi là một trong những tác phẩm đầu tiên của nhà khoa học Việt Nam được phổ biến ở nước ngoài, gây tiếng vang lớn và cho đến nay vẫn được giới khoa học đánh giá là cuốn sách hay. Ông viết xong cuốn sách đầu năm 1955 và tháng 3 năm 1955 ông gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời đề tặng bằng tiếng Việt ở trang đầu cuốn sách:

“Kính tặng Hồ Chủ tịch

Người lãnh đạo sáng suốt của nước Việt Nam trên con đường độc lập và xã hội chủ nghĩa.

Ký tên: Lê Thành Khôi

Ba Lê. 14-3-1955”.

Sách gồm phần mở đầu và 10 chương. Phần mở đầu (hai chương) giới thiệu địa lý và dân cư Việt Nam; 10 chương tiếp theo viết về lịch sử Việt Nam từ cội nguồn tiền sử thời đại đồ đồng thau, nền văn hoá Đông Sơn đến nước Việt Nam mới, kết thúc giai ở đoạn 1954; Phần cuối của sách in bản đồ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử của đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lịch sử Việt Nam và rất chú ý đọc những cuốn sách do người Việt Nam viết về lịch sử Việt Nam. Người đã đọc cuốn sách “Nước Việt Nam. Lịch sử và văn minh” của tác giả Lê Thành Khôi và để lại bút tích ở 86 trang. Qua nghiên cứu, tìm hiểu những bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong sách, cho thấy Người quan tâm tới tất cả các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà tác giả cuốn sách đề cập. Những đoạn cần chú ý, Người đánh dấu xiên (/). Những trang trong sách, đoạn viết về cả một vấn đề mà Người quan tâm, Người tóm gọn bằng một chữ Hán mang đầy đủ nội dung của trang hoặc đoạn viết đó.

Ở phần đầu cuốn sách, trong mục “Đất nước và con người” viết về vấn đề gia tăng dân số ở 3 vùng Bắc, Trung, Nam bộ quá lớn so với sức sản xuất nông nghiệp nên cái ăn không đủ, việc làm không có có dẫn đến thất nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bút tích ở các trang 39, 41, 42, 54, 55, 58, 59, 60, 61 như: bên lề trang 39 chữ Hán “cốc” có nghĩa ngũ cốc, trang 41 chữ “sản mễ” nghĩa là sản xuất lúa gạo; trang 42 “lực” tức sức lao động; trang 54 Người đã tóm lược bằng chữ Hán “thương” có nghĩa là buôn bán khi tác giả cuốn sách viết về việc phát triển các công ty của người ngoại quốc thuộc các hãng công nghiệp, tài chính, doanh thương của Việt Nam đều thuộc tư bản Pháp, Trung Quốc, Anh đầu tư; trang 55 Người đọc và ghi ở bên lề sách chữ Hán “Hoa Kiều” khi sách viết về những vấn đề người Hoa ở Việt Nam...

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong sách cho thấy Người đọc cuốn sách rất kỹ. Chỗ nào sách viết chưa rõ, Người đặt dấu chấm hỏi “?” và sửa những chỗ tác giả viết sai, ví dụ như: Trong Phần lịch sử nước Việt, ở trang 209, sách in hoặc viết sai chữ Đặng Dung thành Đặng Tất, Người sửa lại là Đặng Dung và đánh dấu hỏi; Trong phần Chính sách của Pháp, ở trang 403: Cạnh trang có dấu (?) có ý hỏi phương “ngang bằng” nghĩa là gì.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm không chỉ những vấn đề lịch sử, bút tích để lại trong sách cho thấy Người còn quan tâm nhiều đến những phần viết về văn học, nghệ thuật thời Trịnh, Nguyễn, về các tác phẩm quan trọng như Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Bắc sử thông lục và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, trang 275, có dấu bút đỏ; Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, trang 276, có dấu hỏi lớn và Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, trang 277, có dấu “/” bên lề phải dòng thứ 11.

Phần viết về Nghệ thuật thế kỷ XVII và XVIII, Người để lại bút tích nhiều ở các trang viết về các phái đoàn truyền đạo Gia tô (các trang 289, 290, 291, 292,293, 294), về nền văn học và nghệ thuật (các trang 344, 369, 374, 376, 377, 378, 379). Đáng chú ý trong phần này có các bút tích như sau: Trang 310 có dấu “/” bên lề trái đầu dòng thứ 30: Nhà Tây Sơn dẹp bỏ nhà Nguyễn, nhà Trịnh, thống nhất đất nước; Trang 315 cạnh trang có 4 chữ Hán “Nguyễn Ánh liên Pháp” (Nguyễn Ánh liên minh với Pháp) và tramg 344 có dấu hỏi đỏ (?) ở đoạn nói về Nguyễn Du (1765-1820).

Phần viết về công cuộc xâm lược của thực dân Pháp cũng có khá nhiều bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ thể ở các trang: 381, 382, 383, 385, 386, 388,389, 398, 400, 401. Trong đó Người chú ý trang viết về cuộc đấu tranh của các sĩ phu yêu nước và để lại dấu “/” bên lề trái đầu dòng thứ 17: Cuộc chống đối của các sỹ phu... Phan Bội Châu bị bắt, Phan Chu Trinh mất, chấm dứt một thời kỳ, trong khi tại Quảng Châu chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam ra đời.

Đặc biệt trong trang 416 viết về giáo dục, y tế ở Việt Nam những năm 40 của thế kỷ XX được Người đánh dấu gần như cả trang. Điều này chúng ta có thể hiểu, trong quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất chú ý đến bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ và đào tạo nhân tài cho đất nước. Ở nhiều trang sách, tác giả Lê Thành Khôi đưa ra những số liệu cụ thể về học sinh, sinh viên, người mù chữ, y bác sĩ ở Đông dương và ngân sách chi tiêu của tài chính Đông Dương ở các trang 414, 416 cũng được Người đánh dấu, chú ý. Hay như với số liệu về vấn đề ruộng đất ở trang 422, Người có 4 dấu chấm ở cuối các số 0 dòng thứ 19,20,21: Bảng phân loại chiếm hữu ruộng đất ở Bắc, Trung, Nam Kỳ. Đáng chú ý ở Nam Kỳ, điền chủ chiếm hữu trên 50 hécta có 6700 người tức 2,5% dân số nông thôn, nhưng chiếm ruộng đất 1035000 hécta, tức 45% tổng số ruộng đất của Nam Kỳ.

Trang 444 viết về Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cũng đọc để lại bút tích dấu (/) xiên ở lề trái ngang với dòng thứ 14, 15.

Trang 471 có dấu xiên ở lề phải ngang với dòng thứ 9: Hồ Chủ Tịch ở Pháp về, sau khi đã ký bản tạm ước 14-9-1946, Võ Nguyên Giáp ráo riết xây dựng quân đội và mạnh tay loại trừ sự chống đối của Việt Nam Quốc dân Đảng và Đồng minh hội. Ở miền Nam, chính phủ bù nhìn bị tan rã, Nguyễn Bính trở lại kiểm soát các vùng nông thôn và liên tiếp đánh phá. Thời gian gấp rút càng thúc đẩy sự phát triển thuận lợi cho nước Cộng hoà (tức Việt Nam dân chủ Cộng hoa). và đến lúc này vấn đề đặt ra cho Phủ Cao ủy (tức bọn Pháp).

Ở trang 492 của cuốn sách: Ngày 8-5-1954 họp Hội nghi Giơnevơ về Đông Dương và hiệp ước 21-7-1955 được ký kết.

Tác giả sau khi dẫn ra những tiến bộ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với trí thức: “Các nhà trí thức có nhiệm vụ phục vụ kháng chiến, Tổ quốc và nhân dân, tức trên hết phải phục vụ công - nông - binh. Họ cần thâm nhập quần chúng. Để tiến bộ cần phải dùng phương pháp phê bình và tự phê bình. Đúng, chúng ta cần trau dồi nghệ thuật. Văn hoá cũng như mọi hoạt động khác không thể thoát ly kinh tế và chính trị”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách “Nước Việt Nam. Lịch sử và văn minh” vào trước ngày Tết âm lịch năm 1956 vì trong sách có gấp thiếp chúc Tết 1956 của Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam. Đồng thời, trong trang 282 có một phép trừ ở cuối trang 1956- 1736=220. Ở trang này, tác giả kể đến nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật đã được xây dựng trong hai thế kỷ, như chùa Hương Tích do nhà sư Huyền Quang dựng, chùa Vĩnh Phúc ở Bút Tháp, Tháp Bảo Nghiêm. Trong Nam có chùa Thiên Mụ, Quốc Ân, Báo Quốc bên sông Hương và ngôi đình của làng Đình Bảng xây năm 1736 (tức 220 năm cách 1956).

Nghiên cứu những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1955-1956, chúng tôi thấy Người có sử dụng tư liệu của cuốn sách để tham khảo như:

Ngày 06-5-1955, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chinh phụ ngâm” mới, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 429. Đây là bài thơ song thất lục bát, phỏng theo tác phẩm Chinh phụ ngâm, tố cáo chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã xô đẩy đồng bào miền Nam vào những thảm cảnh đau thương. Qua đó Người kêu gọi đồng bào hãy đoàn kết chặt chẽ, kiên trì đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước.

Ngày 07-7-1955, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nói rồng, nói phượng cũng không lừa dối được ai, bút danh H.B., đăng báo Nhân dân, số 491. Bài viết tố cáo chiêu bài loè bịp của Mỹ - Diệm về tự do dân chủ ở miền Nam, chống phá thực hiện Hiệp định Giơnevơ.

Ngày 28-9-1955, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đi xem cải cách ruộng đất, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 574. Người viết về việc các đại biểu trí thức và bà con giới công thương xuống các địa phương xem cải cách ruộng đất. Đó là việc làm hay, nó làm cho các tầng lớp khác thông cảm với nông dân, từ đó mà ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ về vấn đề ruộng đất.

Ngày 31-10-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị giảm tô và cải cách ruộng đất. Người chỉ rõ cải cách ruộng đất chỉ là bước đầu để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở nông thôn. Để hoàn thành tốt công tác giảm tô và cải cách ruộng đất, Người nhắc nhở phải chấp hành đầy đủ những qui định của Trung ương, phải hiểu rõ tình hình con người ở nông thôn, những thuận lợi và khó khăn...

Ngày 04-11-1955, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giải phóng phụ nữ, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 611. Người biểu dương phong trào giải phóng

phụ nữ. Ở nhiều vùng nông thôn, chị em đã hăng hái tham gia các công tác xã hội, phong trào cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng.

Ngày 01-11-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị cải cách ruộng đất họp tại Hà Nội, Người cũng chỉ rõ những việc cần thiết phải thực hiện trong công tác giảm tô, cải cách ruộng đất.

Ngày 23-3-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc. Người chỉ rõ công tác giáo dục là một bộ phận trong cuộc đấu tranh cách mạng và phân tích mối quan hệ giữa phát triển giáo dục với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế.

Những bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong cuốn sách “Nước Việt Nam. Lịch sử và văn minh” của tác giả Lê Thành Khôi cũng như trong nhiều cuốn sách Người đã đọc hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Khu di tích Phủ Chủ tịch góp phần giúp thêm cho chúng ta tư liệu để hiểu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người đọc nhiều, tích luỹ nhiều và có trí nhớ vô cùng uyên bác. Người rất yêu thích môn lịch sử và trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, giáo dục lịch sử là một phương tiện trong công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn mọi người hiểu biết về lịch sử hào hùng của dân tộc như Người đã kêu gọi nhân dân ta từ buổi đầu Người trở về nước, giáo dục, tổ chức quần chúng tham gia cách mạng:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)