slider

Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

19 Tháng 05 Năm 2021 / 10173 lượt xem

ThS. Bùi Thế Đông

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên - lực lượng kế cận đối với sự nghiệp của Đảng, tương lai, vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Ra đi tìm đường cứu nước lúc còn trẻ, những năm tháng bôn ba ở nước ngoài đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh có được cách nhìn nhận toàn diện về vai trò của thanh niên. Người nhấn mạnh:“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(1). Người cũng khẳng định, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế hệ trẻ là một lực lượng hùng hậu bao gồm thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, trong đó thanh niên có vai trò quan trọng nhất. Đó là lứa tuổi ham hiểu biết, giàu niềm tin, nhiệt tình, năng động, dám nghĩ, dám lam... Do vậy, nếu được giáo dục, định hướng, động viên đúng thì thanh niên sẽ phát huy được vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của mình. Người đã khẳng định: “Thanh niên ta rất hăng hái, ta biết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”(2). Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin lớn vào thế hệ thanh niên đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng nước nhà. Người đã cổ vũ, lôi cuốn thanh niên, đưa họ đến với cách mạng bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng và khát khao đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào của mình.

Người cho rằng, để hoàn thành sứ mệnh “người chủ tương lai của nước nhà”, thanh niên phải “làm đầu tàu, xung phong gương mẫu”, phải “tiên phong” đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả thì thanh niên phải làm cho tốt. Người nói thêm, dưới sự dìu dắt của Đảng, thanh niên phải tự thân vận động, phải “biết lo toan, gánh vác, không ỷ lại”; thường xuyên sáng tạo và đổi mới trong suy nghĩ và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh và cống hiến vì mục tiêu chung của đất nước. Muốn vậy, thế hệ trẻ phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và học tập để làm người và phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường, những thách thức của hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt những âm mưu của các thế lực thù địch đã và đang tác động mạnh mẽ đến thanh niên, khiến cho không ít người chạy theo lối sống thực dụng, sa ngã, hư hỏng, xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có thái độ thờ ơ, bàng quan trước các sự kiện kinh tế, chính trị của đất nước. Những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống này không chỉ gây nguy hại đến đời sống xã hội hiện tại, mà còn ảnh hưởng xấu đến tương lai của đất nước và bản thân thanh niên.

Vì vậy, việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ là việc làm hết sức cần thiết, dẫn dắt thanh niên đi tới những giá trị tốt đẹp, cống hiến hết mình để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân, xây dựng và phát triển đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:“Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”(3)... Người khẳng định đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng vững chắc của thanh niên, nhờ đó mà thanh niên có thể phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Theo Người: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thanh niên phải có cả “tài” và “đức”. Nói chuyện tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II (ngày 7/5/1958), Người khẳng định: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”(5). “Tài” ở đây chính là tài năng, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm để mỗi thanh niên có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất. Người thanh niên có tài là người đem hết tài năng của mình ra phụng sự Tổ quốc và nhân dân. “Đức” là đạo đức, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng hướng tới “chân, thiện, mĩ”. Thanh niên có đức là người luôn cố gắng học tập nâng cao trình độ, rèn luyện bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tinh thần sẵn sàng nhường bước, ủng hộ những người tài năng hơn mình để họ ra gánh vác việc nước, việc dân.

Để thanh niên xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước, là đội ngũ kế cận của Đảng, theo Hồ Chí Minh, việc chỉ học tập kiến thức là chưa đủ, cần phải giáo dục đạo đức cách mạng cho họ. Bởi, “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước,... khi gặp thuận lợi hoặc thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, ...”(6). Người kết luận: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”(7). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên trước hết cần phải giáo dục cho họ những phẩm chất đạo đức cơ bản:

Phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”: Trung, Hiếu là những khái niệm đã có trong tư tưởng đạo đức truyền thống Việt Nam và phương Đông. Tuy nhiên Hồ Chí Minh đã tiếp thu, làm mới nó khi tiếp biến khái niệm này bằng nội dung mới. Đó là, xưa kia, người quân tử phải trung với vua, hiếu với cha mẹ, nhưng mang trong mình hơi thở mới của thời đại mới, với sứ mệnh lịch sử mới, người cách mạng đã không dừng lại mà vượt lên nguyên tắc đạo đức thông thường ấy. Ngày nay, họ trung với nước, hiếu với dân, hết lòng hết sức phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ cao quý của mình.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc nâng cao tinh thần trung, hiếu ở mỗi người dân Việt Nam yêu nước nói chung, cho thanh niên nói riêng và đòi hỏi họ phải luôn ghi sâu trong lòng những chữ “trung với nước, hiếu với dân”. Vấn đề quan trọng hàng đầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm là làm cho thanh niên “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. Với thanh niên yêu nước là việc gì có lợi cho Tổ quốc phải làm, “cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại”. Yêu Tổ quốc không chỉ dừng lại ở lý tưởng chung chung, mà được thể hiện cụ thể trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trong lao động, trong hoạt động hàng ngày của cuộc sống. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn?”(8). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân đòi hỏi thanh niên phải có trách nhiệm đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.

Phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”: Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, “trung với nước, hiếu với dân” không chỉ là phẩm chất quan trọng nhất, chi phối các phẩm chất đạo đức khác của người cách mạng mà còn khẳng định “cần, kiệm, liêm, chính” là yêu cầu nhất thiết phải có, là “tứ đức” cơ bản làm nên “gốc” của người cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng thanh niên phải luôn nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính, sống trong sạch, hết lòng vì nhân dân phục vụ, lao động tích cực, siêng năng cần cù, sáng tạo trong học tập và lao động, trung thực, ngay thẳng, thật thà, chính trực, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết; chống các biểu hiện cá nhân, ích kỷ, xa hoa, lãng phí... Đồng thời, Người phê bình những thanh niên chỉ biết lo cho lợi ích riêng của mình, tự tư, tự lợi, ham vật chất, ham sung sướng, tránh khó nhọc, lười biếng, coi thường lao động, nhất là lao động chân tay.

Vì vậy, Người thường xuyên căn dặn thanh niên phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng theo Người có thể tóm tắt trong mấy điểm:

Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên.

Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.

Phẩm chất yêu thương con người, quý trọng con người: Bên cạnh phẩm chất trung với nước, Người còn căn dặn thanh niên phải yêu thương nhân dân, yêu thương con người. Yêu nhân dân là việc gì có lợi cho nhân dân phải gắng sức làm, việc gì có hại cho nhân dân kiên quyết tránh. Người nói:“việc gì, hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại”(9) và thanh niên“phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, biết chia sẻ những lo lắng, những vui buồn... với nhân dân”(10).

Tình yêu thương nhân dân, yêu thương con người đòi hỏi thanh niên phải luôn luôn gắn với hành động thiết thực chứ không dừng lại ở lời nói. Thanh niên cần tích cực tham gia các phong trào đoàn, hội, các hoạt động xã hội như ủng hộ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, hoạt động tình nguyện, hiến máu nhân đạo... Đồng thời, thanh niên có thái độ đúng đắn, đấu tranh chống lại mọi biểu hiện sai trái, gây phiền hà cho những người xung quanh.

Đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ: Đoàn kết vốn là một truyền thống quí báu của dân tộc ta. Nhờ có truyền thống đoàn kết, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đánh bại âm mưu xâm lược của các nước đế quốc lớn mạnh, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hồ Chí Minh nhận định rằng, đoàn kết sẽ tạo ra lực lượng, tạo ra sức mạnh để xây dựng và bảo vệ đất nước. Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”(11). Trong 5 điều dạy thanh niên, Hồ Chí Minh có nhắc nhở: “Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau”(12).

Chính vì vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục về truyền thống đoàn kết, nhằm xây dựng cho thanh niên ý thức cộng đồng, ý thức tập thể. Qua đó, thanh niên có phương pháp tốt để giải quyết được mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa cá nhân với xã hội, biết đặt lợi ích tập thể, lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân, biết hy sinh cái riêng để phục vụ cái chung.

Tựu chung lại, theo quan điểm của Người, đạo đức cách mạng của sinh viên được thể hiện ở các chuẩn mực:“Trung với nước, hiếu với dân;Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Yêu thương con người, quý trọng con người; Đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Các chuẩn mực đạo đức trên có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau trong suốt quá trình rèn luyện của mỗi thanh niên.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, của toàn xã hội và phải có phương pháp đúng đắn, sáng tạo. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phải biết kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên.

Theo Người, muốn giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên có hiệu quả thì không thể bằng lý thuyết đơn thuần mà còn phải kết hợp chặt chẽ với việc rèn luyện thông qua hành động, gắn liền với thực tiễn cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên phải biết kết hợp giữa học tập ở thầy cô, sách vở, ở bạn bè, ở nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức nảy sinh từ hoạt động thực tiễn, thực tiễn là điều kiện không thể thiếu để rèn luyện đạo đức, chỉ có hoạt động thực tiễn, chấp nhận những yêu cầu của thực tiễn về mặt đạo đức và đáp ứng những yêu cầu đó, thanh niên mới hình thành được những phẩm chất đạo đức cần thiết. Bởi “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, cho nên, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu trường học, gia đình và Đoàn thanh niên cần phải chú ý đến việc phối hợp giáo dục tư tưởng đạo đức trong hoạt động và trong sinh hoạt hàng ngày của thanh niên, kịp thời uốn nắn sửa chữa khuyết điểm nếu họ mắc phải và yêu cầu tổ chức đoàn thanh niên phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục. Một trong những vấn đề mà Người quan tâm đó là Đảng phải đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ thanh niên nước ta. Trong bản Di chúc, Người căn dặn Đảng cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người vừa hồng vừa chuyên, thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội. Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương tới thế hệ thanh niên, coi đó là chủ nhân tương lai của đất nước. Người cũng luôn căn dặn các bộ, ban, ngành, các cơ sở đào tạo phải chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục cho thanh niên, coi đó là nền móng xây dựng một quốc gia phát triển bền vững và thịnh vượng. Trong sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn phải đối diện với những mặt trái của cơ chế thị trường, của “thời đại công nghệ 4.0”, mạng xã hội... và điều đáng quan tâm đó là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên do không tự làm chủ được bản thân, không chịu khó trau dồi và tu dưỡng đã làm ảnh hưởng xấu đến vị trí, vai trò của người thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước thực trạng đó, Đảng ta đã xác định những tiêu chuẩn chung về đạo đức cách mạng của người đoàn viên, thanh niên trong tình hình mới, đó là: “Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng... Có trình độ văn hóa, chuyên môn đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao...”. Việc chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước; đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ. Có cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh coi việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không ngừng sáng tạo, đổi mới trong công tác giáo dục, thực hiện tốt chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên. Từ đó xây dựng thế hệ trẻ có bản lĩnh kiên cường, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, là lực lượng xung kích cách mạng, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi “Đảng cần, dân gọi”.

Những đóng góp của thanh niên được thể hiện rõ thông qua các chương trình hành động tiêu biểu, như: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, “3 trách nhiệm”, “Sáng tạo trẻ” “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Góp đá xây Trường Sa”; các phong trào: “Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên lập nghiệp”... Điều đó cho thấy, thanh niên nước ta ngày nay vẫn ý thức rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, mong muốn được đóng góp vào công việc xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dày công chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Với những việc Người đã làm và những lời dạy Người để lại, chúng ta có thể thấy rất rõ rằng, giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng cho thanh niên là một trong những tâm nguyện lớn nhất của Người.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.216.

2.            Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Hà Nội, 1980, tr.83-85.

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.612.

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.292.

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.399.

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.602-603.

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.354.

8.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.265.

9.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.178.

10.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.400.

11.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.120.

12.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.619.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)