slider

Giới thiệu sách: "HÔ"

22 Tháng 04 Năm 2010 / 2833 lượt xem
Đ.H. L
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Nhà báo người Mỹ nổi tiếng David Halberstam (1934-2007) sau khi tốt nghiệp ngành báo chí tại trường đại học Harvard bắt đầu theo  nghề viết báo năm 1955 và trở thành phóng viên của tờ Thời báo New York, ông từng ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1962 – 1964 để viết bài về những thất bại quân sự của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông được nhận giải thưởng báo chí danh tiếng Pulitzer năm 1964. Năm 2001, ông cũng viết một loạt bài về số phận những người lính cứu hoả bị chết trong sự kiện toà tháp đôi 11/9. Tháng 4/2007, ông chết trong một tai nạn giao thông ở thành phố San Francisco khi đang trên đường đi phỏng vấn một nhân vật trong giới thể thao để viết sách.
David Halberstam còn là tác giả của 20 cuốn sách viết về các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Triều Tiên, về các chính sách quân sự của Mỹ, về công nghiệp tài chính Mỹ và về báo chí hiện đại. Ho là cuốn sách của ông được xuất bản năm 1971 và nhà xuất bản Random House New York đã giới thiệu là: “Bức chân dung ngắn gọn và rực sáng của Hồ Chí Minh- người đã hai lần lãnh đạo nhân dân mình thành công trong cuộc chiến chống lại phương Tây xâm lược... Halberstam đã phác hoạ cụ Hồ một cách ấn tượng: tự tin trong cốt cách bình dân, lý tưởng dân tộc mạnh mẽ và kiên định, có lòng tin vững chắc về sự kết hợp giữa chủ nghĩa Marxit và chiến tranh toàn dân là con đường duy nhất giải phóng đất nước của cụ khỏi chủ nghĩa thực dân… Đọc cuốn Ho của Halberstam để biết rằng tại sao, nếu không bị thua ở Việt Nam, thì chúng ta cũng không có khả năng thắng…”.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, xin trích dịch từ trang 12 đến trang 17 phần mở đầu chương II cuốn sách Ho:
Hồ Chí Minh là một trong những hình tượng đặc biệt của thời đại này: ông có chất của Gandhi, Lênin nhưng rất Việt Nam. Có lẽ hơn tất cả những người đàn ông độc thân của thế kỷ, với thế giới, ông là hiện thân của dân tộc mình và của cách mạng. Một ông già Bonshevit, thành viên của đảng Cộng sản Pháp nhưng đối với hầu hết những người nông dân Việt Nam, ông chính là biểu tượng của sự sống, niềm hy vọng, cuộc đấu tranh vì độc lập, sự cống hiến hy sinh và những thắng lợi vẻ vang. (Sau Điện Biên Phủ, khi rất nhiều người dân Bắc Việt tỏ ý bất bình với sai lầm trong cải cách ruộng đất nhưng họ vẫn rất tôn trọng ông Hồ vì họ cho rằng tuy Đảng phải chịu trách nhiệm sửa sai nhưng ông Hồ vẫn hết lòng vì dân). Ông Hồ còn là bậc lão thành cộng sản thế giới, thâm niên hơn cả ông Mao và ông đã tập hợp quanh mình một đội ngũ những đồng chí trẻ, có trí tuệ, đoàn kết nội bộ để cùng tiến hành làm cách mạng và tiến hành các cuộc chiến tranh ái quốc. Đảng Cộng sản luôn ở vị thế được suy tôn suốt một thời gian dài chính là nhờ vào phẩm chất, năng lực vị lãnh tụ của họ, một người biết kết hợp kỹ năng chính trị và những chiến lược chiến thuật trường kỳ để đạt được mục đích. Đối với toàn dân Việt Nam, ông Hồ luôn luôn là hình tượng mà họ yêu quý. Ông Hồ là một người Việt Nam lịch lãm, khiêm nhường, nói năng nhẹ nhàng, châm biếm hài hước và luôn mặc bộ quần áo giản dị nhất, kiểu phục trang làm ông không xa lạ với những người nông dân nghèo nhất, một phong cách mà người phương Tây đã chế nhạo, cười cợt trong nhiều năm vì nó có vẻ kém quyền lực so với một bộ đồng phục. Cho đến một ngày, họ tỉnh ngộ khi nhận ra rằng sự giản dị được tôn thờ ấy, khả năng hoà đồng với nhân dân là cơ sở dẫn đến mọi thành công của ông Hồ. Ngược lại, ở miền Nam, Ngô Đình Diệm, một tổng thống bù nhìn do Mỹ bảo trợ (cũng theo học Nho giáo) được tác giả Graham Greene mô tả năm 1956 rằng: “Ông ta (Diệm) tách ra khỏi quần chúng nhân dân bằng sự tỏ vẻ quan trọng cùng vô số những chiếc xe cảnh sát và những cố vấn chiến lược toàn cầu ngoại quốc lạnh lùng. Đáng ra, ông ta phải đi thăm đồng lúa không cần vệ sĩ để học hỏi điều khó khăn là làm thế nào để người ta yêu quý và tuân lệnh mình?”.          Tạp chí Time, sự thuyết giảng Cơ đốc giáo vô tư nhất của chủ nghĩa tư bản, năm 1948 đã coi ông Hồ là một vị độc tài, Trotkish theo tư tưởng Moscow, nhưng điều đó cũng như mọi lời đánh giá không thiện chí khác, mà người Việt Nam đều cho là lời nói xấu từ phương Tây, càng làm hình ảnh của ông trở thành ấn tượng sâu sắc hơn trong nhân dân. Đó cũng là sức mạnh vĩ đại của ông Hồ vì sự thật ông là người Việt Nam của tất cả mọi người và điều này lý giải tại sao ông xa lánh những tượng đài, những bộ quân phục thống soái, những ngôi sao của các tướng lĩnh và quyết tâm đến cùng chống lại những kẻ phương Tây hùng mạnh xâm lược. Chắc hẳn người phương Tây cũng đã mời mọc ông vô số quyền lợi và sự hưởng thụ khác nhưng ông lựa chọn con đường đi không giống họ và cách sống cũng khác họ để giữ mình luôn là người Việt Nam bình thường, trong sạch như các bậc tiền bối. Vì thế ông không bao giờ biến chất trong một thế giới biến thái, ông vẫn là một con người của đức giản dị. Ở một vùng đất có xu hướng bị phương Tây hoá, bản chất Việt suy giảm bởi sự lấn át của sức mạnh, quyền lực, tiền bạc và phong cách phương Tây, nhiều kẻ sẵn sàng bán tống bán tháo mọi thứ cho ngoại quốc để kiếm lợi thì đức giản dị của ông Hồ thực sự là một sức mạnh. Càng ở cương vị cao hơn, ông càng giản dị và trong sạch hơn, dường như ông luôn luôn giữ được những giá trị trường tồn của người Việt Nam: trọng người già, khinh thường tiền bạc, yêu quý trẻ em. Năm 1951, đang trong cuộc chiến, ông đã bế mạc một hội nghị Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam- ND) bằng câu nói: “… Về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà văn Lỗ Tấn nổi tiếng của Trung Quốc đã viết:
Trợn mắt coi khinh nghìn lực sĩ
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.
Ông giảng nghĩa: “Nghìn lực sĩ nghiã là những kẻ địch mạnh như thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, cũng có nghĩa là khó khăn gian khổ. Các nhi đồng nghĩa là đông đảo quần chúng nhân dân hiền lành, cũng có nghĩa là công việc ích quốc lợi dân”.
Bằng tài năng lãnh đạo sáng suốt của mình, ông Hồ đã làm thay đổi một kỷ nguyên lịch sử. Trong những năm 20- 30, ông vẫn còn là một trong những người phê phán chủ nghĩa thực dân đơn độc và những ý kiến của ông thường bị phớt lờ. Trong những năm 50, ông đã tập hợp và lãnh đạo một bộ máy chính trị và quân sự để dẫn dắt những người nông dân lạc hậu làm cách mạng thắng lợi, đánh bại một quốc gia phương Tây hùng mạnh. Cuộc chiến này không những chấm dứt ách đô hộ của Pháp ở Việt Nam mà còn kết liễu sự coi thường của chủng tộc da trắng cùng những quyền lợi đặc biệt tối cao, đối với những người da màu trong các nước thuộc địa. Điều này cũng khiến cho các thế hệ người phương Tây mất đi lòng tin vào những mớ lý thuyết hàn lâm của mình và làm họ khó chịu với những quan điểm mà họ đã truyền bá, được cho là đang áp dụng tốt nhất, làm thịnh vượng cho cả châu Âu, châu Mỹ rồi đưa tới châu Á, Châu Phi. Những gì mà ông Hồ thể hiện khi tiến hành cách mạng thành công và trong cuộc chiến chống lại người Pháp, người Mỹ đã tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đồng thời đối với phương Tây và các nước kém phát triển khác. Thế hệ trẻ ở phương Tây có thể sẽ thấu hiểu và đồng cảm, khác với thế hệ cha anh họ đã nghĩ, với những gì ông Hồ đã làm. Khi người Mỹ đang giao chiến với quân đội của ông thì một cuốn sách bìa mềm tập hợp những bài viết của ông được xuất bản tại Mỹ mang tựa đề Hồ Chí Minh bàn về cách mạng với lời giới thiệu rằng: “Đây là cuốn kinh thánh chính trị được viết trong nhà tù, khi lưu đày, trên chiến trường có thể lôi kéo một nửa thế giới”. Sau Điện Biên Phủ, miền Bắc Việt Nam đã được đối xử với sự ngưỡng mộ đặc biệt trong những nước thuộc địa vì họ đã chiến đấu và chiến thắng, khác với việc ông Mao đã làm ở đất nước Trung Quốc quá rộng lớn là chỉ cần đánh bại đối thủ trong cuộc nội chiến, nhưng Bắc Việt Nam đã đánh bại một quốc gia phương Tây lớn mạnh bằng sự dũng cảm, sáng tạo và trung thành với sự nghiệp cách mạng của họ. Ông Hồ là một nhân tố đặc biệt quan trọng, là biểu tượng của của những người da màu vô sản chống lại những người da trắng tư bản nên phương Tây vẫn tò mò vì biết quá ít về cuộc đời hoạt động phong phú của ông. Năm 1962, ông Hồ đã nói chuyện với nhà báo Bernard Fall: “Anh là một người trẻ tuổi rất quan tâm đến những chi tiết nhỏ trong cuộc đời tôi đấy”, Fall đáp: “Thưa Chủ tịch, vì ngài là người của công chúng và điều tôi muốn biết chắc chắn không vi phạm bí mật quân sự, ví như ngài đã lập gia đình chưa, hay đã từng có gia đình vào khoảng thời gian nào đó?”. Ông Hồ trả lời: “Anh thấy dấy, tôi là một người già, một ông già và một người già thường có một khoảng bí mật của riêng mình. Tôi chắc là anh hiểu điều đó”. Người ta luôn đặt câu hỏi về việc liệu ông đã lập gia đình hay chưa nên thỉnh thoảng ông có vẻ thích thú kể lại những tin đồn mà ông đã nghe được về chuyện này. Một buổi tối năm 1945, ông Hồ đưa Harold Isaacs, một phóng viên Mỹ tới chơi nhà một người bạn Việt Nam. Trong buổi nói chuyện ấy, mấy đứa trẻ của gia đình mang ra cho ông Hồ một hộp phấn có chạm khắc khiến ông tỏ ra bối rối. Cuối buổi, khi ra về ông giải thích với Isaacs: “Tôi hoàn toàn độc thân, không có gia đình riêng…”. Chừng nào mà người phương Tây còn quan tâm thì chỉ được biết cuộc đời hoạt động của ông Hồ qua những cái tên bình thường như những người châu Á khác, rằng ông đã thường xuyên thay đổi nhiều tên khác nhau để hoạt động bí mật che mắt cảnh sát tại một số nước rồi trở về Tổ quốc lãnh đạo phong trào cách mạng trong rừng núi rồi tất cả lại chìm trong bí mật. Những người cộng sản thế giới thường tìm hiểu về các lãnh tụ của họ để bày tỏ sự sùng bái cá nhân, nhưng ông Hồ không muốn sa vào cạm bẫy của sức mạnh và quyền lực. Dường như ông chắc chắn về bản thân mình cũng như mối quan hệ với nhân dân và lịch sử nên ông không cần tượng đài, lễ đài, sách, ảnh để tự chứng minh mình. Điều đáng nói là ông rất tự tin vào khả năng của bản thân, tất cả những điều ông làm đều mang lợi ích tốt đẹp cho nhân dân, vì thế tuyên truyền bằng bất kỳ phương tiện nhân tạo nào cũng đều khiến cho nhân dân của ông không bao giờ tin. Việc né tránh sự tôn thờ cá nhân của ông Hồ đặc biệt quan trọng trong một xã hội lạc hậu và bước đi dài từ một người bình thường tới vị trí lãnh đạo một quốc gia trong khoảng thời gian ngắn là phương thức chứng minh hiệu quả và ấn tượng nhất cao hơn tất cả những lời tiên đoán và vượt trên mọi sự tưởng thưởng …
 
 
 
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)