slider

Giới thiệu tư liệu mới

15 Tháng 09 Năm 2011 / 2325 lượt xem
V.T.K.Y
                                                                      Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Và đặc biệt hơn, có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Tuy nhiên, Người cũng nói, nước có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại. Bởi, nhiều nước quá thì úng lụt, mà ít nước quá thì hạn hán. Vì vậy, làm cho đất và nước điều hoà với nhau để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ quan trọng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong bộn bề công việc của chính quyền non trẻ mới giành được sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê ở Bắc Bộ (Tổ chức tiền thân của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ngày nay). Đó là việc làm cần kíp   
Tháng 6-1947, trong thư gửi đồng bào trung du và hạ lưu chống lụt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Người ta thường nói "thuỷ, hoả, đạo, tặc". Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm”. Đồng thời, khẳng định rằng: “Muốn chống đói thì phải chống lụt. Muốn chống lụt, thì phải kịp thời đắp đê, giữ đê”([1]), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu các cấp khu, tỉnh phải chuẩn bị kế hoạch thật đầy đủ, phải động viên nhân dân, tổ chức và lãnh đạo nhân dân không được chủ quan trong việc phòng chống lụt bão.
Ngày 17/7/1962, nói chuyện với cán bộ và nhân dân trên đường đi kiểm tra đê ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ và đồng bào không được chủ quan trong việc phòng và chống lụt bão”. Bài báo này của Người được báo Nhân dân, số 3038, ngày 19/7/1962 đăng. Trong bài báo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên: T.L.
Bài báo này hiện chưa có trong Hồ Chí Minh toàn tập.
Xin trân trọng giới thiệu tài liệu này, để thấy được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Người đối với việc phòng và chống những thảm hoạ của thiên tai. Ôn lại và làm tốt điều này cũng là một cách thiết thực để chào mừng sinh nhật của Người, là thấm nhuần việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
CÁN BỘ VÀ ĐỒNG BÀO KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN
TRONG VIỆC PHÒNG VÀ CHỐNG LỤT BÃO
Năm nay nhiều nơi như ở Ấn Độ, Nhật Bản, v.v… bị lụt to gây thiệt hại lớn. Ở ta, tuy chưa bị lụt, nhưng cán bộ và đồng bào các địa phương không được chủ quan, mà phải ra sức chuẩn bị, sẵn sàng chống lụt, bão có thể xẩy ra. Đi đôi với việc chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất vụ mùa, các địa phương cần tăng cường việc kiểm tra đê, kè, cống, nơi nào bị sạt, lở, rò rỉ phải đắp lại cho thật vững chắc, phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật liệu và lực lượng hộ đê chống lụt. Thanh niên và dân quân phải làm nòng cốt trong các đội xung kích và đi đầu trong việc chuẩn bị phòng và chống lụt bão. Các địa phương có đê cần tổ chức thực tập chống lụt. Ở các điếm canh đê, ngày đêm phải có người gác, và khi có báo động, phải loan báo ngay cho mọi người biết để sẵn sàng đối phó.
Trước kia tỉnh nào biết tỉnh ấy, bây giờ phải lo chung. Cán bộ và đồng bào các tỉnh gần nhau phải phối hợp chặt chẽ, tích cực giúp đỡ nhau chuẩn bị phòng và chống lụt bão. Cán bộ phải đi xuống cơ sở, cùng với đồng bào bàn kế hoạch và thực hiện kế hoạch chuẩn bị phòng và chống lụt, bão cho tốt.
Chớ để “Nước đến chân mới nhảy”
Mùa lụt đã đến. Tin tức thế giới cho biết: nhiều nơi đã bị lụt và lụt khá to. Thí dụ:
Ở phía đông nước Đại hồi, sáu huyện bị lụt ngập, mùa màng bị trôi hết. Nước ở các con sông vẫn tiếp tục lên, có nơi lên quá mức báo động số 3… (Hãng thông tin Pa-ki-xtan, 7-7-1962)
Ở Ấn Độ, nạn lụt đang gây thiệt hại nặng cho mùa màng và làm sụp đổ nhiều nhà cửa của nhân dân.
Chỉ riêng ở bang Bi ha, nạn lụt đã ảnh hưởng đến đời sống 70 vạn người, và phá hoại 8 vạn mẫu tây mạ.
Ở bang Kê-ra-la, hơn 5 nghìn người không có chỗ ẩn nấp, vì nhà cửa bị lụt ngập. Các trường học phải đóng cửa.
Ở bang Át-nam, 7 vạn người bị đói rét, vì mất hết nhà cửa, của cải trong nạn lụt vừa qua (Hãng thông tin Ấn Độ, 16-7-1962).
Ở Nhật Bản và mấy nơi khác cũng có lụt.
Ở nước ta, mùa này cũng là mùa lụt.
Vì vậy đắp đê, giữ đê phòng lụt, chống lụt là công việc quan trọng và cấp bách nhất hiện nay. Công việc đê điều, kè cống nhiều nơi đã làm khá như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng…
Nhưng nhiều nơi vẫn còn quá chậm như: Thái Bình mới làm được độ 75% mức kế hoạch đắp đê, 46% mức kế hoạch thả kè. Việc giữ đê làm chưa được cẩn thận. Các ban chỉ huy chống lụt chưa hoạt động đều đặn. Việc kiểm tra đôn đốc làm chưa được tốt…
Tình hình các tỉnh Sơn Tây, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình… cũng như vậy.
Vì lợi ích thiết thân của đồng bào, các cấp ủy Đảng và các ủy ban hành chính từ tỉnh, huyện đến xã cần phải gấp rút động viên nhân dân kịp thời hoàn thành kế hoạch đê điều, và làm tốt công việc giữ đê và phòng lụt, chống lụt, quyết chớ để nước đến chân mới nhảy.
 
Báo Nhân dân, số 3038, ngày 19 tháng 7 năm 1962.
Ký tên: T.L


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)