HẢI NINH 50 NĂM SAU NGÀY BÁC HỒ VỀ THĂM
13 Tháng 07 Năm 2011 / 3742 lượt xem
Mai Lệ HuyềnPhòng Tuyên truyền – Giáo dục
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta hoàn toàn thắng lợi. Miền Bắc được giải phóng, Quảng Ninh là một trong những nơi được Bác Hồ về thăm, làm việc nhiều lần. Bác đã đến thăm nhiều nơi, từ những hải đảo xa xôi, vùng biên giới Đông Bắc, đến những nhà máy, xưởng thợ, tầng than, nơi công trường và những vùng nông thôn, đô thị trong tỉnh. Mỗi lần Người về thăm là những lần Người quan tâm, động viên, chỉ bảo ân cần Đảng bộ và nhân dân Hải Ninh. Chuyến thăm của Bác vào ngày 20/2/1960 mãi mãi là một ngày lịch sử không thể quên đối với nhân dân Hải Ninh (cũ) (nay là Thành phố Móng Cái) nói riêng và là niềm vinh dự và tự hào của người dân Quảng Ninh nói chung.
Lần về thăm ấy, Bác đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân và cán bộ, các cháu thanh niên và nhi đồng. Bác cũng gửi lời hỏi thăm nhân dân Đông Hưng và cảm ơn các đồng chí chuyên gia Trung Quốc đã sang giúp đỡ Hải Ninh. Trong buổi nói chuyện với đồng bào các dân tộc của Hải Ninh, Bác đã nhắc đến hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn này là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bác cũng nhấn mạnh: “Tỉnh Hải Ninh có nhiều dân tộc. Đã sẵn có truyền thống đoàn kết nay càng đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết Việt - Trung. Đoàn kết là sức mạnh; có sức mạnh đoàn kết thì làm gì cũng thành (1).
Trong thời gian ở lại Hải Ninh, Bác đã đến thăm và nghỉ lại bãi biển Trà Cổ - một hòn đảo có nét đẹp nguyên vẹn, khí hậu mát mẻ, không gian yên bình có những dải cát trắng mịn màng trải dài phẳng lặng trên nền nước biển trong xanh. Dân cư ở đây đông đúc, chủ yếu sống bằng nghề nông và chài lưới. Đến thăm Trà Cổ, Bác có dịp cùng trò chuyện với các ngư dân về nghề đánh cá. Sau đó, Bác qua cầu Hữu Nghị Bắc Luân để ngắm phố Đông Hưng, một thị trấn của nước bạn Trung Hoa nằm bên bờ sông biên giới, nơi cửa khẩu quan trọng về mậu dịch và du lịch giữa hai nước Việt – Trung. Cũng chính vì tầm quan trọng của tỉnh bạn đối với địa thế giao thương giữa hai nước và Hải Ninh là một trong những tỉnh quan trọng và trực tiếp nên đã đón nhận được sự quan tâm đặc biệt biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hải Ninh từng là một tỉnh cũ ở vùng Đông Bắc nước ta. Năm 1906, theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương (Paul Beau), tỉnh Hải Ninh được thành lập gồm 3 châu (Hà Cối, Móng Cái, Tiên Yên) trong đó Móng Cái là tỉnh lỵ. Hải Ninh có phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông là biển Đông, phía Nam giáp khu Hồng Quảng, phía tây giáp Bắc Giang, Lạng Sơn.Trong kháng chiến chống Pháp, Hải Ninh thuộc Liên khu Việt Bắc. Trong thời gian này thị xã Móng Cái bị giải thể. Đến năm 1955 Móng Cái lại được tái thành lập. Năm 1963, Hải Ninh được hợp nhất với Khu mỏ Hồng Quảng thành tỉnh mới Quảng Ninh. Trong đó, Hải Ninh (cũ) chính là thành phố Móng Cái hiện nay. Thiên nhiên đã ưu đãi cho thành phố này một địa hình trung du đồi núi đa dạng, nằm trong vùng quần thể du lịch sinh thái Hạ Long - Cát Bà, nơi mặt trời như đến sớm hơn. Bãi biển Trà Cổ - Bình Ngọc, rồi đảo Vĩnh Thực, phong cảnh còn khá hoang sơ, môi trường trong lành, hệ sinh thái đa dạng, tạo nên nét hấp dẫn rất riêng. Ở đây còn có hàng nghìn hécta rừng xen kẽ là các hồ nước lớn như: Hồ Tràng Vinh, Quất Ðộng, Ðoan Tĩnh và có nhiều khu rừng ngập mặn rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Kể từ ngày Bác về thăm đến nay đã 50 năm, Hải Ninh đã có nhiều thay đổi. Ngày Bác về thăm, Hải Ninh còn là một huyện nghèo, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển, nền kinh tế thuần nông, lạc hậu, giờ đây đã chuyển mình đổi thay từng ngày. Trong những năm qua, cùng với thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (từ năm 1991 đến nay), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn thành phố Móng Cái đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để có bước đi sáng tạo phù hợp với thực tiễn địa phương. Từ một tỉnh ven biển, nhiều dân tộc cư trú, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thì nay Móng Cái đã là một thành phố vươn lên tự chủ về tài chính với cơ cấu phát triển kinh tế hợp lý: Thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp, trong đó thương mại - dịch vụ là cơ bản. Cơ chế ưu đãi của Chính phủ đối với khu vực cửa khẩu quốc tế đã làm cho kinh tế - xã hội của Móng Cái có sức bật mạnh mẽ trong đó thương mại - dịch vụ luôn là ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế công nghiệp và nông nghiệp luôn giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đảm bảo vững chắc nguồn lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Ngành nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá; nuôi trồng hải sản có bước phát triển đột phá, mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân, sản lượng thuỷ sản hàng năm đạt trên 5.000 tấn. Tuy đạt được kết quả tốt nhưng người dân nơi đây không lơ là chủ quan, tự thỏa mãn. Họ nhận thấy rằng cần phải làm tốt hơn nữa, xứng đáng hơn nữa với niềm tin yêu khi xưa Bác đã chỉ bảo: đối với công việc hợp tác xã phải nhớ rằng: “thêm gàu nước tát, thêm một bát cơm”; rồi “thêm gánh phân thì thêm cân thóc”; phải cày sâu, bừa kỹ; phải chọn giống cho tốt; phải cấy dày vừa mức; phải trừ sâu, diệt chuột; phải cải tiến kỹ thuật...(2). Những điều đó đã xa chúng ta 50 năm, nhưng đã đi vào kinh nghiệm sống và lao động của không chi người dân Móng Cái mà của cả dân tộc chúng ta. và cho đến ngày nay kinh nghiệm ấy, bài giảng ấy của Người vẫn còn nguyên giá trị.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Móng Cái cũng đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trên các lĩnh vực văn hoá - xã hội. Sự nghiệp giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, văn hoá - văn nghệ đều có bước phát triển. Thành phố đã hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, đang phấn đấu phổ cập THPT, cả thành phố hiện có 11 trường đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 1998 đến 2008, Móng Cái có trên 800 người được đào tạo trình độ đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Hiện thành phố có 9/17 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về đảm bảo tốt an ninh trật tự, văn minh, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đảm bảo mỹ quan thành phố. Đảm bảo tốt sức khỏe cho người dân, các trạm y tế đều có bác sĩ trực đảm bảo tốt công tác phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động xã hội từ thiện: chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, giải quyết việc làm cho những gia đình khó khăn cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và đạt kết quả tốt. Trong phong trào xoá đói giảm nghèo, xoá nhà tạm cho người nghèo, thành phố đã huy động được trên 4 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các nhà từ thiện để xây mới 300 căn hộ cho hộ nghèo. Năm 2005, Móng Cái được Trung ương Mặt trận Tổ quốc cấp bằng ghi công về thành tích xoá nhà dột nát cho người nghèo. Đến nay, thành phố không còn xã nghèo, hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 1,58%. Trung bình mỗi năm, địa phương đã giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động; năm 2008 tỷ lệ thất nghiệp chung trên toàn địa bàn chỉ còn 1,9%. Đến nay, thành phố Móng Cái đã xây dựng được 30 thôn, khu đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hoá; 95/102 thôn, khu có nhà văn hoá.
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của một thành phố cửa khẩu như Móng Cái, công tác an ninh quốc phòng tuyệt đối được coi trọng. Bởi vậy, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, khu vực phòng thủ vững chắc luôn được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tốt. Mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác tin cậy với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Đông Hưng, khu Phòng Thành (Trung Quốc) luôn được duy trì và phát huy, mang lại lợi thế phát triển cho các địa phương hai bên biên giới. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không ngừng được củng cố về tổ chức, luôn đổi mới và nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức hoạt động, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương...
Đã 50 năm kể từ ngày Bác về thăm, nhưng những lời nhắn nhủ, ân cần chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo sát quân và dân nơi đây. Lời Người đã nhắn nhủ nhân dân Hải Ninh về truyền thống đoàn kết của dân tộc ta...cũng chính là những lời thiêng liêng Người gửi gắm trong bản di chúc lịch sử. Nói về Đảng, Bác đã nhấn mạnh vai trò của tinh thần đoàn kết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” và “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”(3).
Tại lễ kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt cho nhân dân trong tỉnh khẳng định rằng: “Những lời dạy ân cần của Người đã là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ động viên để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh vững bước đi lên giành thắng lợi không chỉ trong những chặng đường lịch sử đã qua, mà cho cả giai đoạn hiện nay và tương lai mai sau”(4). Đồng chí cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của tinh thần đoàn kết: Với truyền thống đoàn kết “kỷ luật và đồng tâm”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với cả nước vượt qua những khó khăn thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Để có những thành tích đó, nguyên nhân và cũng là bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là ở tinh thần đoàn kết: Đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự đồng thuận trong nhân dân và toàn xã hội. Chính từ sự đoàn kết, quyết tâm ấy mà người dân Móng Cái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc lập lại trật tự khi khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than và xuất nhập khẩu hàng hoá trên thị trường. Cũng nhờ có đoàn kết, nhất trí cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận trong nhân dân mà tỉnh đã làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đoàn kết một lòng, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã và đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế; quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra.
Hơn 40 năm thực hiện Di chúc của Bác và gần đây là thực hiện học và làm theo tấm gương đạo đức của Người, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh với lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đang quyết tâm biến mong ước của Người là “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” thành hiện thực. Và lời căn dặn của Người về tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân luôn là bài học kinh nghiệm quý báu, là động lực để người dân nơi đây thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng, xây dựng Hải Ninh - Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t.10, tr.65
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.10, tr.68
(3) Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, tr.52
(4) Trích phát biểu của Đ/c Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tại Lễ Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ.