slider

Hình tượng Bác Hồ trong ca dao Việt Nam

08 Tháng 08 Năm 2020 / 4618 lượt xem

ThS. Phan Thị Hoài

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Để nói lên tâm tư, tình cảm của mình, nhân dân ta thường sáng tác ca dao. Ca dao là những sáng tác có vần điệu được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong lịch sử văn học dân tộc và thế giới chưa có danh nhân nào được ca dao hóa với số lượng nhiều và sâu đậm nghĩa tình như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1.       Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Ca dao về Bác Hồ là những bài ca dao do nhân dân khắp mọi miền đất nước sáng tác về Bác từ sau cách mạng tháng Tám. Đây là một bộ phận của ca dao hiện đại. Tình cảm sâu nặng của nhân dân dành cho Bác không chỉ vì Bác Hồ là lãnh tụ tối cao của dân tộc mà vì Bác là tấm gương mẫu mực hy sinh cả cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Đất nước lầm than, thấu hiểu sâu sắc nỗi thống khổ, vất vả của người dân trong cảnh cơ hàn, ngày 05/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên 21 tuổi dưới tên Văn Ba đã rời quê hương xứ sở. Không tiền bạc, không bạn bè người thân, người thanh niên ra đi với hành trang là tấm lòng yêu nước, thương dân thiết tha:

Nhà Rồng bến cũ tối tăm/ Ra đi cho sáng trăng rằm nước non/ Nhìn về một dải giang sơn/ Càng cao sóng biển căm hờn bấy nhiêu; Thương nhà phải tạm rời nhà/ Xa quê năm tháng không nhòa tình quê/ Hướng về đồng ruộng, bờ tre/ Xót tình non nước bốn bề lao đao/ Bao phen sóng vỗ thuyền chao/ Đinh ninh tấc dạ mai sau lại về.

Ba mươi năm bôn ba trên đất khách quê người, hòa mình vào cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ ở các dân tộc trên thế giới, Bác đã sống bằng nhiều nghề vất vả chỉ để tìm ra con đường cứu nước, trở về Tổ quốc lãnh đạo nhân dân thoát khỏi ách nô lệ. Ca dao đã thuật lại sống động những ngày dài gian khổ đó:

Đêm dài thăm thẳm Châu Phi/ Công Poanh tuyết trắng, Pa-ri gió cồn/ Sương mù mờ mịt Luân Đôn/ Thương đôi dép nhỏ đã mòn chông gai/ Giữa trời băng giá Quảng Đông/ Bác nhen nhóm ngọn lửa hồng mai sau; Nỗi lòng đau đáu canh thâu/ Trời Tây tuyết giá mây sầu tứ giăng/ Tình dân dây đã buộc ràng/ Nỗi riêng gác lại gió sương quản gì/ Con đường cứu nước nhiêu khê/ Bồi bàn, quét tuyết, việc chi cũng làm...

Trên suốt chặng đường bôn ba khắp các châu lục, cuộc sống lao động đầy gian khổ đã không làm Người chùn bước, trái lại càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn, thôi thúc Người tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, để nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Trong khó khăn gian khổ ấy, Người đã tìm ra chân lí sáng ngời: đó là Chủ nghĩa Mác - Lênin:

Canh dài tâm sự ngổn ngang/ Đồng bào giai cấp, tìm đường tiến lên/ Sáng lòng nhờ Mác - Lênin/ Đầu rơi máu đổ vẫn tin một ngày./ Khắp nơi đỏ rực cờ bay/ Bình minh xua bóng đêm dài tối tăm.

Cách mạng tháng Tám thành công nhưng chính quyền non trẻ gặp khó khăn trăm bề. Khó khăn lớn nhất chính là nạn đói. Vấn đề cấp bách nhất của Chính phủ lâm thời là cứu đói. Ngoài giải pháp “sẻ cơm nhường áo” thì tăng gia sản xuất là giải pháp giải quyết vấn đề từ gốc. Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, người nông dân trên đồng ruộng, người công nhân trong xưởng máy thi đua đẩy mạnh tăng gia sản xuất:

Nghe lời Bác dạy thì no/ Đừng để đất nghỉ, đừng cho máy ngừng/ Đừng để ao cá vắng tăm/ Chuồng gà vắng trứng, buồng tằm vắng tơ; Chúng con quyết chí thi đua/ Sản xuất, tiết kiệm cho vừa lòng Cha.

Cùng với chiến dịch chống giặc đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc thi đua chống giặc dốt bởi một “quốc nạn” mà thời Pháp thuộc để lại là hơn 90% dân Việt Nam mù chữ. Chính vì thế, Bác đã kêu gọi nhân dân “chống nạn mù chữ”, “diệt giặc dốt” vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thực hiện lời hiệu triệu của Người, phong trào “Bình dân học vụ” phát triển khắp nơi và chỉ trong ba năm đã có hơn 8 triệu người Việt Nam biết đọc, biết viết. Ca dao về Bác xuất hiện hàng loạt các bài cổ động cho phong trào này:

Hôm qua anh đến chơi nhà/ Thấy mẹ dệt vải thay cha đi bừa/ Thấy nàng mải miết xe tơ/ Thay cháu “i - tờ” ngồi học bi bô/ Thì ra vâng lệnh Cụ Hồ/ Cả nhà yêu nước “thi đua” học hành; Giỏi như đến mức Cụ Hồ/ Người còn phải học huống hồ chúng ta; Không đèn thì lấy ánh trăng/ Mực bằng đậu cút, giấy bằng lồ ô/ Quyết tâm học chữ Bác Hồ/ Nước nhà độc lập, tự do có ngày.

Suốt chặng đường dài đấu tranh, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với từng thăng trầm biến thiên của lịch sử dân tộc, trên từng bước đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam. Mọi đối tượng, mọi giai cấp, mọi tầng lớp, Bác đều chỉ dẫn tận tình, thương yêu, lo lắng vô bờ:

Cụ Hồ lo lắng sớm chiều/ Dân công vất vả bấy nhiêu thấm gì; Cụ Hồ lo lắng quanh năm/ Anh đắp chăn ấm, anh nằm chiếu êm/ Cụ Hồ lo nghĩ ngày đêm/ Cho anh Vệ quốc có thêm đôi giày; Bác Hồ yêu mến thợ thuyền/ Bác lo chăm sóc yêu thương mọi người/ Lo ăn, lo mặc, lo chơi/ Lo chốn làm việc, lo nơi học hành/ Bác lo chăn ấm áo lành/ Bác dìu dắt thợ đấu tranh từng giờ...

Thế nhưng, chưa kịp nhìn đất nước mừng vui trong ngày thống nhất, ngày 02/9/1969, Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta. Trong nỗi tiếc thương vô hạn không gì có thể tả được, người dân lại mượn những câu ca dao để ghi lại những giây phút nghẹn ngào ấy:

Tin sét đánh từ thủ đô Hà Nội/ Vọng Hồ Nam vang dội đất trời/ Cả nước kêu Bác Hồ ơi/ Tim người ngừng đập vạn lời đau thương; Tang chung ảm đạm đất trời/ Một lời Di chúc ngàn đời để thương; Bạc phơ mái tóc phong trần/ Quên mình chỉ nghĩ nhân dân đồng bào/ Bác đi xa mãi rồi sao/ Nghĩa sâu ơn cả thấm vào chúng con; Nhất xanh là bạch đàn chanh/ Bác đi để lại hương lành cho con/ Nhất xanh là tán đa tròn/ Bác đi để bóng mát trùm nghìn sau/ Nhất thẳng là ngọn phi lao/ Giữa trời hát mãi công lao Bác Hồ.

Bác mất là một tổn thất lớn lao nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp của dân tộc. Hình ảnh Bác luôn hiện hữu trên mỗi chặng đường hành quân vất vả, trong những cơn gió núi, mưa nguồn, trong mỗi bước tiến công và cả trong niềm vui thắng lợi. Những bài ca dao về Bác vút lên từ những vùng giặc bình định, từ những chiến hào còn nồng khói bom, thuốc súng, trở thành sức mạnh tiêu diệt kẻ thù:

Dù cho giọt máu cuối cùng/ Con tin vào Bác vững lòng tiến lên/ Con thề: diệt sạch xâm lăng/ Hai miền Nam Bắc cùng xanh đất trời; Cho dù san phẳng Trường Sơn/ Bác ơi cháu chỉ sắt son một lòng /Đấu tranh thống nhất non sông/ Giấc ngàn thu thỏa ước mong Bác Hồ; Bác ơi khẩu súng cầm tay/ Dù muôn gian khổ chẳng lay được lòng; Lòng còn hẹn với muôn lòng/ Bắc Nam thống nhất thành công mới về...

“Bác Hồ đã mất; Đường lối Bác vẫn còn”. Bài ca dao này tiếp bài ca dao khác ra đời, nén chặt những quyết tâm, những nỗi lòng, âm thầm truyền trong trái tim người Việt Nam như một thứ truyền đơn vô hình với một niềm tin sắt đá: có sự dìu dắt chỉ dẫn của Bác thì thắng lợi nhất định sẽ về ta, non sông sẽ liền một dải, hai miền Nam Bắc sẽ sum họp một nhà.

2.       Ngàn năm ơn Bác vẫn còn ghi sâu

Bác là người dẫn đường, là tấm gương sáng, là ngọn đuốc lung linh soi sáng cho nhân dân cả nước đi trên con đường tới độc lập, tự do và hạnh phúc. Nhờ Đảng, nhờ Bác, nhân dân ta đã thoát cảnh tối tăm vươn lên cuộc đời mới:

Cụ Hồ yêu nước thương dân/ Dắt dìu dân tộc thắng ba kẻ thù/ Giặc Tây, giặc đói, giặc mù/ Cả ba thứ giặc Bác Hồ vượt qua; Từ ngày giải phóng quê tôi/ Mít- tinh lại họp, rợp trời cờ bay/ Trẻ em đi học ban ngày/ Nhân dân đi cấy, đi cày mừng vui/ Thuyền bè xuôi ngược, ngược xuôi/ Có chè Phú Thọ có sồi Bắc Ninh/ Cây đa bóng mát đầu đình/ Bờ tre trong xóm, lúa xanh ngoài đồng/ Từ nay mặc sức vun trồng/ Nước giàu dân mạnh, vợ chồng ấm no/ Hòa bình, độc lập, tự do/ Nghìn năm ơn đức Cụ Hồ không quên...

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác không quên công ơn của các bậc tiền nhân. Tuy nhiên, chỉ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân mới sáng tác một lượng ca dao nhiều và sâu đậm nghĩa tình như vậy. Bởi Bác là người tổ chức và lãnh đạo hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Mọi thắng lợi của cách mạng và kháng chiến gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Bác đem lại sự đổi đời cho đất nước, cho toàn dân. Nhân dân mãi mãi ghi sâu công ơn này:

Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm ơn Bác vẫn còn ghi sâu/ Dù cho vật đổi sao dời/ Ơn cụ Hồ, nghĩa Đảng đời đời không quên; Uống nước là nhớ đến nguồn/ Cơm no áo ấm nhớ ơn Bác Hồ/ Ơn Bác Hồ sâu hơn Nam Hải/ Công Bác Hồ bằng dải Trường Sơn/ Nam Hải sâu ta đo cũng được/ Trường Sơn dài ta vượt cũng qua/ Công ơn của Bác bao la/ Nhân dân kể đến bao giờ cho xong.

Để diễn tả công lao to lớn ấy, nhân dân ta thường sử dụng bút pháp “thần thánh hóa”. Với bút pháp này, ca dao tìm đến những biểu trưng của cái đẹp tuyệt đối, lý tưởng, những gì thiêng liêng nhất, kỳ vĩ nhất trong thiên nhiên vũ trụ để xây dựng hình ảnh Lãnh tụ như: mặt trời, vầng Thái Dương, sao Bắc Đẩu, gương Hồ Thủy, núi Thái Sơn, trời đất, sông bể, hoa sen, hương quế, hương trầm... Phải chăng nhân dân đã tạc Người vào sông núi trường tồn mãi mãi với các thế hệ con Rồng cháu Tiên. Cách so sánh như thế càng làm nổi bật sự vĩ đại của Bác, chỉ có những hình ảnh ấy mới xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của Bác và mới thỏa tấm lòng ngưỡng mộ, tôn kính, biết ơn của nhân dân ta đối với Bác:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ; Núi cao là núi Thái Sơn/ Ơn cao nghĩa cả là ơn Cụ Hồ; Cụ Hồ ơn đức biết bao/ Ơn dày sánh đất, đức cao sánh trời; Đố ai đếm được lá rừng/ Đố ai đếm được mấy tầng trời cao/ Đố ai đếm đủ vì sao/ Đố ai đếm được công lao Bác Hồ/ Bác Hồ là vị cha chung/ Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái Dương; Ơn Cha như núi như non/ Như gương Hồ Thủy, như hòn Thái Sơn; Trên trời có ông sao Rua/ Dưới đất ta có Cụ Hồ sáng soi/ Ánh sao Rua sáng ngời một góc/ Gương Cụ Hồ chiếu khắp năm châu...

Qua ca dao về Bác Hồ, chúng ta thấy một tấm lòng thương yêu, một mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Bác với nhân dân, giữa lãnh tụ với quần chúng. Nhân dân gọi Người là Bác, là Cha và xưng mình là con, là cháu. Dường như, khoảng cách giữa lãnh tụ và nhân dân đã bị xóa bỏ, thay vào đó là mối quan hệ Cha-con, Bác-cháu ruột thịt thân thiết, không tách rời, không một sức mạnh nào có thể phá vỡ:

Cụ Hồ với dân/ Như chân với tay/ Như chày với cối/ Như cội với cành.

Dành trọn cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, với Bác, điều quý nhất, niềm mong mỏi sâu nặng nhất là độc lập cho Tổ quốc, là cơm no áo ấm, tự do hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Điều đó đã trở thành lý tưởng, hoài bão, mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”. Với kết cấu đối lập, bài ca dao đã đúc kết gần như hết thảy các lí do khiến nhân dân ta yêu kính Người:

Người thường cực khổ đôi ba/ Cụ Hồ cực khổ tính ra tới mười/ Người thường ngày tháng vui chơi/ Cụ Hồ mãn có lo đời ấm no/ Người thường toan tính so đo/ Cụ Hồ thương nước nên thờ nước thôi/ Người thường chỉ biết cái tôi/ Cụ Hồ yêu mến khắp người trần gian/ Người thường nhà cửa cao sang/ Cụ Hồ lắm lúc nằm hang, ở gò/ Người thường rượu thịt say no/ Cụ Hồ có lúc không thường chén cơm/ Người thường là lụa đầy rương / Cụ Hồ bộ vải tầm thường đủ thay/ Người thường nệm ấm loay hoay/ Cụ Hồ nhiều tối gối tay mà nằm/ Người thường sợ nhọc tấm thân/ Cụ Hồ dầu dãi phong trần vẫn vui/ Cụ Hồ của chúng con ơi/ Bao giờ Cụ mới thảnh thơi bằng người.

3.       Lòng dân với Bác vuông tròn thủy chung

Ca dao về Hồ Chí Minh nằm trong dòng phát triển của thơ ca dân gian về nhân vật lịch sử. Về điều kiện phát sinh và lưu truyền, nếu như trong thời kỳ quốc gia phong kiến, ca dao lịch sử thường xuất hiện ở nơi xảy ra sự kiện lịch sử đó, rồi dần dần lan truyền ra nhiều địa phương và truyền tụng từ đời này sang đời khác, thì ca dao về Bác Hồ có ở khắp mọi nơi trên đất nước. Từ miền núi Trường Sơn Tây Nguyên đến đồng bằng ven biển. Từ Bắc vào Trung tới chót mũi Cà Mau. Từ trong nước đến đồng bào xa Tổ quốc. Nghĩa là ở đâu có người Việt Nam yêu nước ở đó có ca dao về Bác Hồ.

Từ núi rừng Việt Bắc, chúng ta nghe hát:

Em về giã gạo ba giăng/ Anh lên múc nước Cao Bằng về ngâm/ Đến ngày mười chín tháng năm/ Gói thành đôi bánh đem dâng Bác Hồ.

Đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Hmông ở Việt Bắc, Tây Bắc luôn cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ:

Đất nước ta có Cụ Hồ/ Cụ Hồ thương dân đất Mường ta, sông bể không bằng.

Đất Hồng Lam cũng là một mảnh đất của ca dao và thần thoại. Những làn điệu dân ca xứ Nghệ luôn làm xao xuyến lòng người:

Bác trao cờ tặng quê ta/ Lá cờ chiến thắng là quà lập công/ Cờ bay đỏ đất Lam Hồng/ Cờ bay muôn nẻo, lập công muôn miền/ Ngắm cho trúng, bắn cho tin/ Làm quà thắng lợi dâng lên Bác Hồ.

Đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Đông Anh lúc nào cũng đinh ninh lời dạy của Bác:

Ca rằng dân tuyến Vinh Linh/ Ghi sâu lời Bác đinh ninh đời này; Bạc màu là đất Đông Anh/ Làm theo lời Bác vẫn xanh ruộng đồng.

Thông qua việc ngợi ca cảnh đẹp Quảng Ngãi - Bình Định, tác giả dân gian muốn nhấn mạnh đến ơn đức của Bác Hồ. Nhờ Bác chèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang nên cuộc sống và thiên nhiên mới tươi đẹp đến như vậy:

Đồng nào cao bằng đồng Thi Phổ/ Thổ nào cao bằng thổ Ba Tơ/ Ơn nào sâu bằng ơn Cụ Hồ/ Nguồn bao nhiêu nước ơn Cụ Hồ bấy nhiêu/ Nước sông Trà in hình núi Ấn/ Dừa Trung Lương soi bóng Lại Giang/ Nhìn lên cờ đỏ sao vàng/ Lòng dân ơn Bác muôn vàn Bác ơi.

Đồng bào Tây Nguyên đã gửi lòng thương yêu, trìu mến của mình đối với Bác Hồ bằng những vần thơ mộc mạc và giản dị, giản dị như chính con người, lối sống, tiếng nói hàng ngày của đồng bào:

Hồ Chí Minh, Người là con sông lớn/ Người là mặt trời, Người là mặt trăng/ Mùa lạnh nhắc tên Hồ Chí Minh, cái bụng ấm/ Mùa nắng nhắc tên Hồ Chí Minh, mây thêu mặt trời hồng/ Mùa thu nhắc tên Hồ Chí Minh, mây lắng trời trong/ Mùa xuân nhắc tên Hồ Chí Minh, cây cỏ đâm nhựa, trổ bông.

Đến với đồng bào Bình-Trị-Thiên, chúng ta vô cùng xúc động khi được đọc lại những vần ca dao nói lên tình cảm sâu nặng của nhân dân đối với Bác Hồ:

Cụ Hồ với chúng mình như tình phụ tử/ Cụ hi sinh suốt đời để phụng sự nhân dân/ Với tác phong liêm, chính, kiệm, cần/ Tấm lòng đức độ muôn dân được nhờ.

Cũng như bao dân tộc ít người khác, người dân Jrai, Ba Na cũng có những nghĩ suy về Bác rất độc đáo, cụ thể, sinh động. Họ nghĩ về Bác, họ tin vào Bác, Bác luôn là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất. Bởi với họ Bác là:

Người già làm to nhất/ Người đứng đầu đoàn kết/ Người lãnh tụ đất Việt/ Tên vang lừng nơi nơi...

Miền Nam luôn ở trong trái tim Hồ Chí Minh, và bởi vậy, hình ảnh Người luôn hiển hiện trong tâm khảm của mỗi một người dân miền Nam yêu quí. Muôn triệu tấm lòng, muôn triệu trái tim nhân dân miền Nam luôn hướng về Bác:

Trời còn khi nắng khi mưa/ Miền Nam thương nhớ Bác Hồ không nguôi/ Dù cho vật đổi sao dời/ Ơn sâu nghĩa nặng đời đời không quên.

Sống dưới ách kìm kẹp của kẻ thù, đồng bào miền Nam càng thấm công ơn của Bác. Nhân dân khắp các tỉnh thành miền Nam đều có ca dao về Người:

Bao giờ thống nhất non sông/ Cần Thơ gửi vú sữa kính dâng lên Bác Hồ; Ai xây, ai đắp, ai bồi/ Công ơn của Bác chói ngời Bạc Liêu;Miền Nam nhớ Bác vô cùng/ Mong ngày đón Bác vào trong Khánh Hòa; Đêm qua nằm ngủ con mơ/ Thấy tàu của Bác cập bờ Cà Mau...

Từ đảo khơi xa, trong tiếng sóng vẫn lắng nghe những lời Bác dạy:

Đảo xa sóng dội bốn bề/ Lắng nghe lời Bác vọng về biển khơi/ Quân nghe phơi phới niềm vui/ Biển nghe dậy sóng hòa lời thiết tha.

Biết nói làm sao hết những lời ca cất lên từ đáy lòng thương nhớ và biết ơn vô hạn của nhân dân với Bác. Không chỉ nhân dân trong nước mà cả kiều bào ở nước ngoài dù ở xa nhưng lúc nào cũng hướng về quê hương, đất tổ, nơi có Cụ Hồ đang “đồng cam cộng khổ” kháng chiến với nhân dân:

Chúng con ở bốn phương trời / Quay về hướng Cụ muôn đời chúc mong/ Dài lâu như suối như ông/ Cụ Hồ sống mãi trong lòng chúng con.

Lời Bác, tên Bác thấm sâu vào lòng mỗi người và tỏa khắp núi sông. Khắp nơi trên dải đất Việt Nam, đâu đâu cũng có ca dao về Bác Hồ. Nhân dân mỗi địa phương, mỗi miền đều có một cách biểu hiện tình cảm mang sắc thái địa phương khác nhau đối với lãnh tụ. Họ hình tượng hóa tình cảm đó vào những gì thân thiết nhất gắn liền với miền đất mà họ đang sống nhưng tựu chung những tình cảm ấy đã hòa vào làm một. Bởi nhân dân ta dù miền ngược hay miền xuôi, dù là người Kinh hay người Thượng, thành thị hay nông thôn, ở tiền tuyến hay hậu phương,... cùng chung một lòng:

Lòng dân chung một Cụ Hồ; Lòng dân chung một Thủ đô; Lòng dân chung một cơ đồ Việt Nam; Bắc Nam là con một Cha/ Là gà một mẹ, là hoa một cành/ Nguyện cùng biển thẳm non xanh/ Cùng nhau một chí đấu tranh vững bền.

Bác Hồ ở giữa lòng dân, Bác Hồ sống mãi trong lòng nhân dân. Làm sao kể hết công lao của Bác Hồ và làm sao kể hết những câu ca dao của nhân dân ta viết về Bác Hồ vì đó là mạch nguồn cảm hứng vô tận, như nghĩa tình tha thiết của những người con đất Việt hướng về vị Cha già dân tộc kính yêu. Có một tượng đài sống mãi trong lòng dân, thời gian, gió mưa không thể bào mòn được là tượng đài Bác Hồ trong ca dao Việt Nam.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)