slider

Hình tượng Bác Hồ trong phim tài liệu

15 Tháng 05 Năm 2021 / 2674 lượt xem

Hoàng Kiều Trang

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã là nguồn cảm hứng lớn và bất tận của nhiều loại hình nghệ thuật. Hình tượng Bác Hồ, vì thế, cũng trở nên đa dạng, phong phú trong âm nhạc, hội họa, điêu khắc, văn chương, điện ảnh, sân khấu... Sáng tác về Bác không chỉ thôi thúc tự tâm của mỗi người nghệ sĩ mà còn là dịp để nhận thức một cách sâu hơn những giá trị cốt lõi của cách mạng, con người và dân tộc Việt Nam được kết tinh trong con người Bác.

Trong rất nhiều đề tài của cuộc sống được điện ảnh khai thác, hình ảnh Bác Hồ là đề tài lớn luôn thôi thúc nhiều nhà làm phim thực hiện. Nhưng, làm phim về Bác lại là chuyện không đơn giản. Bởi, cái khó thách thức những nhà làm phim chính là làm sao thể hiện chân thực nhất, sinh động nhất hình tượng giản dị mà rất đỗi cao quý của Người. Kể từ ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953) đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có rất nhiều bộ phim về Bác. Một trong số đó phải kể đến những bộ phim tài liệu. Những thước phim đó chính là tư liệu quý giá cho bao lớp thế hệ trẻ sau này cảm nhận được sự giản dị nhưng rất đỗi ấm áp tỏa ra từ Người.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù không có các bộ phim lớn về Bác, nhưng hình ảnh của Người vẫn luôn xuất hiện trên màn ảnh thời sự, ghi lại những hoạt động đối nội, đối ngoại của Người, gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc.

Bộ phim tài liệu đầu tiên về chân dung Bác Hồ được quay vào năm 1960 với tựa đề “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”(1) do đạo diễn Quang Huy thực hiện. Bộ phim được Xưởng phim Thời sự và Tài liệu sản xuất. Qua những thước phim tư liệu, ảnh, hồ sơ, báo trí lưu trữ của Việt Nam và ngoại quốc. Bộ phim kéo dài gần 50 phút đã tái hiện một cách khá hoàn chỉnh thời thơ ấu và con đường hoạt động cách mạng của Người ở trong nước và nước ngoài từ khi tìm đường cứu nước đến năm 1960. Bộ phim được thực hiện nhân hai sự kiện đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba (1960) và kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của Bác Hồ.

Trước khi bộ phim này được xây dựng, những thước phim ở từng giai đoạn hoạt động của Người đã được nhiều người thu lại bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài. Theo đó, những hình ảnh khi Bác còn ở chiến khu Việt Bắc hay hình ảnh khi Bác đọc Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), hoặc những hình ảnh khi Bác tham gia chỉ đạo trong cuộc khiến cháng chống Pháp... đã được thu lại ít nhiều. Những hình ảnh ấy đã trở thành tư liệu quý giá, tạo nền tảng cho đạo diễn Quang Huy có thể thực hiện thành công bộ phim tài liệu đầu tiên về Người.

Thực tế, bộ phim tài liệu chân dung về Người được xây dựng lần đầu tiên nhưng mọi thông tin về việc thực hiện làm phim đều phải đảm bảo giấu kín với Người. Đạo diễn Quang Huy khi đó là giám đốc Hãng phim đã nhận nhiệm vụ, vai trò vô cùng lớn là đảm bảo kế hoạch sẽ được tiến hành một cách thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình quay những hình ảnh thực tế về cuộc sống của Bác ở nhà sàn, đạo diễn Quang Huy đã bị Bác phát hiện. Rất may, sau khi nhắc nhở đạo diễn, Bác vẫn đồng ý để cho đạo diễn và quay phim tiếp tục thực hiện theo kịch bản phim. Để có thước phim kéo dài gần 50 phút, đạo diễn Quang Huy và các đồng nghiệp đã phải cố gắng hết sức. Làm phim vốn đã khó nhưng khi làm phim về hình tượng Bác thì gánh nặng trách nhiệm đè lên vai của đoàn làm phim càng lớn hơn. Bộ phim này đã được Bộ Chính trị và Bác Hồ duyệt cẩn thận. Sau đó, Hãng phim công chiếu cho đông đảo nhân dân miền Bắc theo dõi. Những hình ảnh giản dị về Người đã khiến bao người dân miền Bắc khi đó xúc động. Hơn thế, bộ phim đã mở đường cho việc xây dựng rất nhiều các bộ phim tài liệu chân dung khác về Bác cũng như chân dung về các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn sau. Bộ phim đã đạt giải thưởng Bông sen Vàng - Giải thưởng nhân kỷ niệm 20 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (1953-1973) công bố tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II - 1973.

Trước ngày Bác mất đã có những thước phim màu đầu tiên về Người: phim thời sự màu “Bác Hồ của chúng em”(2) của đạo diễn Ma Cường do Xưởng phim Thời sự và tài liệu sản xuất năm 1969, ghi lại hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị xem các cháu thiếu nhi trường âm nhạc biểu diễn tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Dù luôn bận bịu với việc nước, nhưng Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ măng non, bởi theo Bác, chính những thế hệ này sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Hình ảnh Bác bón cơm cho các em nhỏ, hình ảnh Người gần gũi bên các cháu vui Tết Trung thu giản dị mà đầm ấm yêu thương. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, Ngày khai trường, Tết trung thu,... mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam. Đây là bộ phim cuối cùng ghi được hình ảnh của Người, đã đạt giải thưởng Bông sen Bạc và giải Quay phim xuất sắc nhất cho Lô Cường tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II - 1973.

Cùng năm này, mặc dù cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang tiếp diễn ác liệt, Cục Điện ảnh vẫn tổ chức sưu tầm, nuôi ý tưởng để thực hiện nghiên cứu xây dựng một bộ phim lớn nhân kỷ niệm 80 năm Ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1970). Trong khi chuẩn bị triển khai, thì tin Bác qua đời đã gây nỗi bàng hoàng, xúc động trái tim nhân dân cả nước. Mọi hoạt động tạm ngừng để chuyển sang việc tổ chức quay những tư liệu lịch sử về những ngày nhân dân cả nước và nhân dân thế giới vĩnh biệt Bác. Trong những ngày lễ tang Bác, từ Bắc chí Nam đã quay được hàng vạn mét phim. Đau xót trước sự ra đi của Người, những người làm phim đã nhanh chóng hoàn thành bộ phim “Lễ tang Hồ Chủ Tịch”(3) do Nguyễn Hồng Nghi làm đạo diễn và Xưởng phim Thời sự và Tài liệu sản xuất. Bộ phim là một câu chuyện xúc động về Bác Hồ - một con người suốt đời vì sự nghiệp cách mạng, vì Đảng vì nhân dân lao động. Hồi 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi để lại muôn vàn tiếc thương cho nhân dân cả nước và bạn bè khắp năm châu. Hàng nghìn người im lặng đứng dưới tán cây nghe loa phóng thanh. Dòng người không ngớt đổ về Quảng trường Ba Đình viếng Bác. Hình ảnh Người trên lễ đài trong những ngày lễ lớn, giọng Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, cử chỉ thân tình khi Bác bắt nhịp cho đồng bào hát bài “Kết đoàn” vẫn còn đọng mãi trong lòng chúng ta. Sau khi hoàn thành, bộ phim đã được in ra thành nhiều bản, chiếu ở khắp mọi miền của Tổ quốc để toàn thể đồng bào ta được nhìn được cảm nhận. Những hình ảnh từ bộ phim chính là động lực thúc đẩy con đường cách mạng còn nhiều gian truân của dân tộc ta đi đến thắng lợi.

Năm 1970, một loạt phim tài liệu ra đời trong dịp giỗ đầu Bác. Đó là bộ phim tài liệu “Bác Hồ sống mãi”(4) của đạo diễn Lê Huân, do Xưởng phim Quân đội và Xưởng phim Thời sự Tài liệu Trung ương hợp tác sản xuất với 9 cuốn phim chọn lọc từ hàng vạn mét phim tư liệu ghi chép những hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: từ hoạt động trong phong trào cộng sản, đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoạt động ở chiến khu Việt Bắc và lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Kế đó là phim “Mùa sen nhớ Bác”(5) của đạo diễn Nguyễn Xã Hội do Xưởng phim Thời sự và tài liệu sản xuất, đã nhận bằng khen của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II-1973. Bộ phim ghi lại những hình ảnh: Ngôi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Làng Sen, Nghệ An; Ngôi nhà sàn và đồ dùng của Người ở Phủ Chủ tịch; Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy, tát nước cùng bà con nông dân và vui chơi cùng các cháu thiếu nhi. Thấm đượm trong những khuôn hình này là hình ảnh đời thường giản dị của Bác, là tình thương yêu vô vàn của Bác đối với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế, đồng thời ca ngợi công lao trời biển của Người đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Mùa thu 1974, một đoàn làm phim tài liệu gồm nhà biên kịch Hồng Hà, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, quay phim Nguyễn Như Ái đã sang Pháp, Anh, Italia để thực hiện bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”(6), ghi lại những dấu chân Người từ bước đường cách mạng đầu tiên (1917 đến 1923), đưa Bác từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cho đến những năm lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam. Bộ phim có sự sáng tạo về mặt cấu trúc cũng như thủ pháp biểu hiện; quá khứ, hiện tại, thời gian, không gian được đồng hiện đan xen. Với ngôn ngữ hình ảnh súc tích, tác phẩm điện ảnh này đã khơi động cảm xúc về hình tượng một người chiến sĩ cộng sản tiên phong, quên mình chiến đấu hy sinh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của dân tộc và vì nhân loại cùng khổ... Bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” do Xưởng phim Thời sự và tài liệu Trung ương xây dựng nhằm kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (1930-1975), kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1975), kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945-1975), mở đầu cho hàng loạt phim tài liệu về những chặng đường hoạt động của Bác ở nước ngoài, được tiếp tục thực hiện khi đất nước ta đã thống nhất. Đặc biệt trong chuyến đi này đoàn làm phim được bà con Việt kiều ở Pháp tặng những thước phim lịch sử vô cùng quý giá quay hình ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Khi về nước, những tư liệu này là cơ sở để dựng phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” và được chiếu vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Quốc khánh nước ta. Kể từ đó, vào dịp Quốc khánh hàng năm phim được trình chiếu trên nhiều phương tiện nghe nhìn, gây xúc động sâu sắc tới người xem.

Khắc họa chân thực, sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất... không chỉ là kỳ vọng của nhiều nhà làm phim mà còn là mơ ước của cả dân tộc. Việc thể hiện Người với những nét quen thuộc, dung dị, gần gũi mà luôn tỏa sáng sự kết tinh văn hóa dân tộc và thời đại là những nét nổi bật trong nhiều phim tài liệu. Kể từ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, “Ngày Độc lập 2/9/1945”, điện ảnh tài liệu Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến trong việc làm phim về Bác - tạo cơ sở cho sự phát triển những tác phẩm điện ảnh về đề tài này ngày càng phong phú. Mỗi đạo diễn khi thực hiện những bộ phim tài liệu về Người đều mang trong mình những xúc cảm vô cùng. Và mỗi tác phẩm khi được hoàn thành đều trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong sự nghiệp, trong đó phải kể đến sự đóng góp của đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc - đã suốt đời gắn bó với đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ba bộ phim: “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin”, “Đường về Tổ quốc” và “Hồ Chí Minh, chân dung một con người” đã ghi nhận công lao của đạo diễn Bùi Đình Hạc và nhóm làm phim tài liệu về Bác Hồ. Ba bộ phim trên của Bùi Đình Hạc thật sự đã đem cho chúng ta những cảm xúc mới mẻ đầy xúc động và tự hào về Bác Hồ kính yêu của chúng ta!

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (19/5/1980-19/5/1990), Hãng phim Ngọc Khánh cùng đạo diễn Bùi Đình Hạc và đạo diễn Mạnh Thích đã thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”(5). Từ hơn 30.000 mét phim lưu trữ, các nhà làm phim lựa chọn để xây dựng nên một bộ phim tài liệu chân dung về vị lãnh tụ của dân tộc. Bộ phim đã khắc họa nhân cách lớn lao của Bác từ những trăn trở, suy nghĩ, tâm tư, sự hết lòng với sự nghiệp cách mạng gian khó của dân tộc ta. Bộ phim kéo dài 58 phút, mỗi giây mỗi phút đều là những hình ảnh vô cùng xúc động về con người giản dị mà vĩ đại - Hồ Chí Minh. Bộ phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người” đã đạt giải thưởng Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX-1990. Bộ phim đã tập hợp rất nhiều tư liệu quý giá về Bác. Đặc biệt trong số đó có nhiều hình ảnh chưa được sử dụng, ví dụ hình ảnh Bác cởi trần tắm suối, tự giặt quần áo rồi phơi lên cây sào... Mỗi hình ảnh về cuộc sống được các nhà làm phim sử dụng đều nhằm khắc họa một cách chân thực, mộc mạc nhất con người giản dị, luôn một lòng hướng đến cách mạng, đến giải phóng đất nước.

Điện ảnh Việt Nam nói chung và phim tài liệu nói riêng đã có không ít tác phẩm khắc họa hình ảnh của Bác. Mỗi tác phẩm có những thành công riêng để lại dấu ấn trong lòng người xem. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác là một bản anh hùng ca cách mạng, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và luôn là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. Bác là vị lãnh tụ vĩ đại, người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và khai sinh ra Nhà nước Việt Nam mới. Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và đóng góp tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc, vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, công bằng, phát triển. Xây dựng hình ảnh Bác mãi là một thử thách không nhỏ nhưng đồng thời là vinh dự lớn lao cho những nhà làm phim... Mỗi tác phẩm khi được hoàn thành sẽ chính là những tư liệu quý giá mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

 

 

Chú thích:

1.       Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946-2009) - Viện phim Việt Nam, 2011, tr.81.

2.       Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946-2009) - Viện phim Việt Nam, 2011, tr.177.

3.       Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946-2009) - Viện phim Việt Nam, 2011, tr.184.

4.       Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946-2009) - Viện phim Việt Nam, 2011, tr.187.

5.       Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946-2009) - Viện phim Việt Nam, 2011, tr.188.

6.       Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946-2009) - Viện phim Việt Nam, 2011, tr.265.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)