slider

Hồ Chí Minh trong ký ức người Nga

24 Tháng 09 Năm 2013 / 3520 lượt xem
 
Đỗ Hoàng Linh
PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Tháng 7/1920, khi báo Nhân Đạo (Pháp) đăng bài thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của LêNin, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc sung sướng đến phát khóc lên vì đã thấy phép màu nhiệm, thấy con đường giải phóng cho Tổ quốc sau 9 năm tìm kiếm. Kể từ đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hoàn toàn tin theo LêNin, luôn ngưỡng mộ đất nước của Cách Mạng Tháng Mười vĩ đại, Người cho rằng: “Chủ nghĩa LêNin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng” (1). Là người Việt Nam yêu nước đầu tiên đến học tập, làm việc tại một nước Nga xôviết đang tiên phong thực hiện quyền bình đẳng, tự do, hạnh phúc cho con người nên toàn bộ tinh thần, lý tưởng của Nguyễn Ái Quốc đều hướng tới mục đích biến một giấc mơ tương tự như vậy thành hiện thực trên Tổ quốc Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn, cái tên Nguyễn Ái Quốc bắt đầu xuất hiện trên báo Pravđa, tiếng nói của Người vang trên diễn đàn Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc kết giao với nhiều bạn bè quốc tế, những đồng chí xôviết và Người đã để lại trong họ những tình cảm vô cùng đặc biệt, viết nên những ký ức không thể phai nhoà.
Ngày 22/12/1923, nhà hoạt động xã hội Nga Ôxip Mandenxtam có buổi gặp gỡ với Nguyễn Ái Quốc, thông qua nội dung phỏng vấn ngắn gọn về gia đình, xã hội và chí hướng cách mạng, Ôxip đã rất sửng sốt vì thấy: “Nguyễn Ái Quốc thấm đượm chất văn hoá, không phải thứ văn hoá châu Âu, mà có lẽ đó là văn hoá của tương lai…”(2). Lydia Xamoilopna Phacto, nhà cách mạng Nga lão thành, người thông thạo tiếng Pháp và tiếng Đức, từng làm phiên dịch tại Quốc tế cộng sản kể lại: “Khoảng tháng 4/1935, một đồng chí tên Lin, quen gọi là Linop, người châu Á duy nhất từ Đông Dương tới, ở trong nhóm tiếng Pháp và tương đối thành thạo tiếng Nga. Đồng chí Lin thường mặc áo cài khuy cổ màu sẫm, nói nhẹ nhàng, điềm đạm, không bao giờ lên cao giọng, nhưng rất có duyên với những câu đùa hóm hỉnh. Đồng chí đặc biệt rất yêu trẻ con. Vào dịp tôi sắp sinh cháu, đồng chí Lin vốn nói tiếng Pháp tốt, vì ái ngại cho tôi nên đã dịch giúp tôi một số buổi.. Năm 1957, tôi gặp lại đồng chí Lin, lúc đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp Hội nghị Quốc tế cộng sản và công nhân họp ở Maxcơva. Chủ tịch đã nhận ra giọng tôi dịch qua ống nghe nên đã lên tận buồng máy cảm ơn và ôm hôn tôi”(3). Trong giai đoạn khó khăn nhất của một người chiến sĩ cộng sản quốc tế, khi bất đồng quan điểm và bị hiểu lầm từ năm 1934 đến 1938, những người bạn Nga chân chính vẫn hết lòng giúp đỡ, bảo vệ, ủng hộ Nguyễn Ái Quốc. Trưởng phòng Phương Đông của Quốc tế cộng sản V. I. Vaxilieva đã gửi báo cáo cho cấp trên trong đó nói rõ: “Các đồng chí Đông Dương đã từng sống ở Liên Xô đều bày tỏ tình cảm và sự tôn trọng đặc biệt với đồng chí Quốc. Qua các câu chuyện của họ mới thấy được Quốc là người nổi tiếng không chỉ đối với những người cộng sản, mà còn với cả các chiến sĩ cách mạng dân tộc, với nhân dân lao động Đông Dương… Tôi cho rằng việc đưa đồng chí ấy trở về nước trong thời gian sắp tới là không thể được vì rất nguy hiểm, đồng chí ấy sẽ bị bắt ngay lập tức và sẽ bị kết án. Nên để đồng chí ấy ở lại Liên Xô, vào học trường Phương Đông và phụ trách phòng Đông Dương khoảng 2-3 năm sau đó mới cử về nước… Cần nhấn mạnh rằng ở trong nước, tên tuổi đồng chí Quốc được biết như một chiến sĩ cách mạng, có thể hiện tại đang được sử dụng để tập hợp và đoàn kết các lực lượng cách mạng rộng rãi để thành lập mặt trận chống đế quốc ở Đông Dương…”(4).
Năm 1954, khi sang Việt Nam để quay phim về những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Pháp và làm bộ phim Ánh sáng trong rừng sâu, ghi lại hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, đạo diễn điện ảnh Liên Xô Roman Cacmen vẫn nhớ: “Mỗi khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi đều lấy làm ngạc nhiên trước nghị lực mãnh liệt và sức chịu đựng của con người mảnh khảnh với nét mặt thanh thản ấy, trước tính tình đơn giản của Người, niềm vui sống toả ra lôi cuốn cả mọi người xung quanh. Tôi còn nhớ hình dáng của Người phi nước đại trên con ngựa mượt lông và tính hay lồng, cúi rạp mình xuống tận bờm giữa lúc đang phóng nhanh gặp phải cành tre chằng chịt mây và dây leo ngả cong trên đường mòn. Người không biết mệt lúc đi bộ, không chậm bước lại lúc nào, dù là lúc trèo qua những quãng đường rất dốc hoặc lúc lội qua những khe suối trong rừng. Tôi đã được tận mắt trông thấy Người vượt qua 18 cây số đường bộ dưới nắng hè gay gắt không hề nghỉ, đứng lên diễn đàn trong buổi hội nghị các cán bộ Đảng, giơ hai tay lên và vẫy mạnh xuống, một cử chỉ quen thuộc của Người để ngắt những tiếng hoan hô trong phòng họp và bắt đầu bài nói chuyện kéo dài suốt trong một tiếng rưỡi đồng hồ vào ngày 22/7/1954”(5).
Cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại trở về Thủ đô. Ngày 7/11/1954, Đại sứ quán Liên Xô được sử dụng bếp của Phủ Chủ tịch để làm tiệc chiêu đãi buổi tiếp khách đầu tiên tại Hà Nội. Thực tập sinh N. Nhiculin và tuỳ viên I. Kuzơnhetxop đến nhà bếp vừa phụ việc, vừa làm phiên dịch. Lúc 2 giờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ bước vào bếp! Sau khi chào hỏi, bắt tay động viên, xem công việc chuẩn bị tới đâu, Người hỏi hai chàng trai phụ việc có chỗ ngủ chưa và bố trí cho hai thanh niên này vào một phòng ngủ sang trọng của Toàn quyền Đông Dương trước kia. N. Nhiculin hết sức ngạc nhiên và cảm động: “Cuộc gặp gỡ tuyệt vời đó đem đến cho chúng tôi niềm vui, cảm hoá chúng tôi bởi lòng nhân hậu, sự quan tâm của một con người vĩ đại mà chúng tôi quen nhìn thấy qua chân dung và phim ảnh. Trong tôi tràn ngập lòng biết ơn về sự quan tâm mà Bác Hồ đã dành cho chúng tôi”(6). Tháng 11/1958, lúc 6 giờ 30 sáng, nhà thơ Liên Xô Paven Antôkôxki, người đã dịch tập Nhật ký trong tù sang tiếng Nga, đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo cáo một tháng công tác ở Việt Nam. Cuộc nói chuyện diễn ra bằng cả tiếng Pháp và tiếng Nga, cuối cùng Paven nhận ra rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một pho tư liệu duy nhất chân thực và quý hiếm theo đủ các thể loại. Cuộc đời đã trao cho Người trọng trách và đồng thời cả một pho tiểu thuyết của tương lai, tạo nên cốt truyện và là một cốt truyện cực kỳ hấp dẫn… Vâng! Cũng có thể lần theo những vết xước trên nòng pháo, những vết hằn sâu trên thành xe, theo vết tích của thời gian để thấy được toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh- cuộc đời của một con người vĩ đại trong số những con người ưu tú nhất của thời đại chúng ta”(7). Nhà văn Liên Xô Ruf Bersatxki chuyển tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh tập Nhật ký trong tù được in bằng tiếng Nga, ngỡ ngàng thấy: “Chủ tịch quả thật hoạt bát, lanh lẹ, trẻ trung. Người mặc bộ quần áo vải như của các chiến sĩ và sĩ quan quân đội nhân dân. Người đi dép, chân không bít tất. Râu tóc Người bạc phơ. Nhưng, kỳ lạ râu tóc hoàn toàn không làm ta thấy Chủ tịch già. Bởi vì khi nhìn đồng chí Hồ Chí Minh, trên khuôn mặt Người, bạn thấy rõ nhất là đôi mắt, mà đôi mắt ấy rực rỡ, toả sáng ngời ngời và truyền cảm cho bạn. Chỉ có ai yêu con người hơn hết mọi điều trên thế gian mới biết nghe người khác nói như Người”(8). Dịch giả Nga Mikhail Kratxop nhớ lại những buổi nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi nhà sàn nhỏ của Người trong khu Phủ Chủ tịch: “Trong những cuộc gặp gỡ ấy, chúng tôi được tiếp xúc với một tâm hồn hết sức phong phú, một con người khiêm tốn giản dị làm cho người khác phải ngạc nhiên thấy những điều phỏng đoán của mình trước khi gặp Người không còn đúng nữa. Chúng tôi được gặp một con người hoạt bát, giàu ước mơ. Sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với mọi người, từ bạn chiến đấu trong Đảng đến nông dân, công nhân, do vậy Người hiểu tường tận về họ và công việc của họ, lời Người nói thường đi đến trái tim họ”(9)
Grigori Lôcsin, Thư ký Uỷ ban viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam không thể nào quên lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài quảng trường Ba Đình trong cuộc mittinh mừng ngày quốc khánh 2/9/1960: “Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sự bình dị rất đỗi tự nhiên và đức độ của Người, nhất là khi Người nhận được sự ngưỡng mộ không chỉ của những người đồng chí thân cận mà còn của đông đảo đồng bào cả nước… Khi đọc diễn văn trên khán đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói với đồng bào mình những lời rất bình dị, từ tận đáy lòng, giống như một vị cha già. Hàng ngàn người có mặt ở quảng trường thổn thức, hướng về vị lãnh tụ của mình, rất sung sướng khi thấy Người khoẻ mạnh, hoạt bát, họ thậm chí không cần giấu giếm những tình cảm của mình. Vâng, chính hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan toả đến đông đảo dân chúng và ấn tượng đó đã lưu lại trong tâm trí tôi mãi đến bây giờ”(10). Tháng 11/1962, nhà văn Nga Marian Tchekop lần đầu tiên sang Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm tại nơi ở và làm việc của Người. Trong bữa cơm chiều thanh đạm chỉ có rau dưa và đĩa cá kho, ly rượu thuốc, hai Bác cháu nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, tiếng Nga và có lúc thấy nhà văn ngập ngừng, Người giải thích cho Marian hiểu bằng tiếng Pháp. Marian vô cùng ấn tượng: “Hồ Chí Minh là bậc đại tài, đại nhân và đại đức. Cả thế giới sau LêNin, đồng chí Hồ Chí Minh là một vĩ nhân có một không hai. Nhân dân Việt Nam thật hạnh phúc được bước trên con đường đi đến tương lai do Người khai sơn phá thạch”(11). Tháng 10/1963, phái viên tham tán Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam Antoli Voronhin tham dự buổi gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với con em thành viên đoàn ngoại giao xôviết tại Phủ Chủ tịch. Sững sờ trước sự giản dị, hoàn toàn không theo nghi thức mà rất gia đình, Antoli chợt phát hiện thấy: “Bí mật sức mạnh lôi cuốn của Bác Hồ là ở trong sự giản dị, giản dị tự nhiên, giản dị trong mọi điều: trong hành vi, trong cách nói chuyện, trong cách ăn mặc và thậm chí trong cách mọi người gọi Bác Hồ”(12). Cuối tháng 10/1964, Epghênhi Gladumôp, cán bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đến dự một buổi tiệc nhân kỷ niệm cách mạng Tháng Mười tại Câu lạc bộ Quốc Tế Hà Nội, được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ đi ra cửa sau, tránh sự quan tâm của các cảnh vệ rồi vui vẻ trò chuyện bằng tiếng Nga với các con em nhân viên sứ quán, Người mở cả hai túi áo đại cán của mình và chia kẹo cho bọn trẻ. Hình ảnh đó khiến Glađumôp phải thốt lên: “Có hay không những con người đàn ông hay đàn bà huyền thoại, hiến dâng cả đời mình cho cuộc đấu tranh vì thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản? Trước mắt tôi hiện lên khuôn mặt tươi cười với đôi mắt anh minh sáng ngời, với chòm râu thưa nhỏ. Hồ Chí Minh hay là Bác Hồ như toàn dân Việt Nam gọi Người như vậy, thực sự là một con người huyền thoại”(13). Rasit Khamiđulin là phiên dịch tiếng Việt của Bộ Ngoại giao Liên Xô, ba lần được gặp và nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 11/1959, tháng 6/1962, tháng 2/1965 thì nhớ như in: “Về đức tính khiêm tốn đến khó tin và sự giản dị chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó được thể hiện trong sinh hoạt đời thường, trong khi tiếp xúc với mọi người, Hồ Chí Minh không thích được ca tụng, cũng không thích vẻ hào nhoáng bề ngoài và câu chuyện Huân chương LêNin là một minh chứng”(14). Đó là Rasit muốn nhắc đến sự kiện đầu năm 1965, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định tặng Hồ Chủ tịch Huân chương LêNin nhân dịp Người tròn 75 tuổi nhưng Người cảm ơn và từ chối với lời giải thích: khi nào giành được thắng lợi, Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn thống nhất, Người sẽ nhắc những người bạn xôviết về quyết định trao Huân chương LêNin cho mình!
Trong thời gian chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, thăm hỏi các chuyên gia quân sự Liên Xô sang giúp đỡ quân đội Việt Nam. Đã từng sát cánh chiến đấu cùng bộ đội phòng không Việt Nam từ tháng 7/1965 đến tháng 3/1966, sĩ quan cận vệ Nicolai Nicolaevich đã kể: “Ngày 26/8/1965, Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Hồ Chí Minh đến thăm trận địa chúng tôi. Người mặc bộ quần áo giản dị màu nâu sáng, chân đi dép không có bít tất. Sau khi xem xét khí tài và quan sát thao tác chiến đấu của khẩu đội tên lửa, Chủ tịch bắt tay từng người và phát biểu vài câu bằng tiếng Nga: Cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả của các đồng chí! Chúc các đồng chí dồi dào sức khoẻ và giành được những thắng lợi mới”(15). Trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô tại Việt Nam từ tháng năm 1965 đến năm1967, tướng Bêlôp Andrêêvich nhớ lại từ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm buổi bắn trình diễn pháo phản lực tháng 9/1966: “Chúng tôi đi cùng ô tô với Chủ tịch đến nơi các quả đạn pháo đã nổ. Chủ tịch tiến về phía tôi và nói bằng tiếng Nga: Đồng chí Bêlôp, cảm ơn về tất cả. Tôi đề nghị đồng chí chuyển lời cảm ơn của chúng tôi tới ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên Xô! Sau đó tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 7 lần, có lần tôi được mời đến nhà của Người (ngôi nhà nằm trong khuôn viên Phủ Chủ tịch) dùng bữa tối. Tôi cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện bằng tiếng Nga (Chủ tịch nói tiếng Nga không tồi). Tháng 10/1967, trước lúc tôi trở về Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng tôi Huân chương Lao động Hạng Nhất, một khẩu súng lục kiểu Smith&Wesson có khắc tên Người và còn tặng cho vợ tôi một bộ đồ nữ trang bằng bạc có gắn ngọc lam”(16). Ngày 25/2/1969, khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ ba, phóng viên báo Sự thật cômxômôn tại Việt Nam Xécgây Aphônnhin nhận ra rằng: “Về tầm cỡ nhân cách Hồ Chí Minh thì khó có thể hiểu thấu đến tận cùng. Đằng sau đôi vai của Người là cả cuộc đời đầy thử thách của một người cách mạng, một nhà yêu nước và một chiến sĩ quốc tế”(17).
Đau thương bất ngờ ập đến vào ngày định mệnh 2/9/1969, ngày nhân dân Việt Nam và cả loài người tiến bộ vô cùng đau đớn tiễn biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh về với cụ Các Mác, cụ LêNin. Trong niềm tiếc thương sâu sắc ấy, Thông tấn xã TASS Liên Xô trịnh trọng tuyên bố: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và giá trị của toàn nhân loại. Đối với những người xôviết, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quý giá và gần gũi bởi Người là người bạn lớn của Liên Xô. Tên tuổi Người được yêu mến và kính trọng sâu sắc trên Tổ quốc của cách mạng Tháng Mười”(18). Báo Tin tức Liên Xô viết: “Toàn bộ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến công bất diệt vì vinh quang của cách mạng. Tấm gương của người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam đặc biệt rất được yêu quý và gần gũi với nhân dân xôviết bởi Hồ Chí Minh là người bạn lớn của đất nước xôviết, trân trọng đối với tất cả những gì gắn liền với cách mạng Tháng Mười, với LêNin”(19). Nữ văn sĩ Nga Irina Lepchenko, người đã sang Việt Nam, gặp Bác Hồ và gửi tặng Người 2 cuốn sách: Tuyến Lửa, Hãy sờ tay vào bom, thổn thức: “Việt Nam đang đeo băng tang. Trái tim của đồng chí Hồ Chí Minh đã ngừng đập, trái tim của một con người đã ngừng đập, nhưng trái tim của lịch sử không ngừng đập. Một con người đã từ giã cõi đời nhưng nếu người đó cống hiến cả cuộc sống của mình, cả tài năng cách mạng của mình cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi của chủ nghĩa Mác-LêNin, giành tự do cho dân tộc mình thì Con Người đó bất tử”(20). Irina đã đến Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva để chịu tang theo phong tục người Việt, quỳ khóc trước bàn thờ Người và xin được túc trực bên cạnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà thơ Nga Nicolai Kunaiep khắc hoạ chân dung vĩnh cửu của Hồ Chí Minh bằng những vần thơ: “Người là hiện thân của mọi trí tuệ nhân tâm; Trên vầng trán của Người bao nhiêu thế kỷ thu hình; Nhân loại từ ngàn xưa có bao nhiêu nhà hiền triết; Có phải chính Người? Trầm ngâm như núi tuyết; Mênh mông như biển cả mênh mông; Hồ Chí Minh, Người còn trẻ lắm; Người rất trẻ, dù chòm râu và mái tóc Người bạc trắng; Người là hiện thân của sức mạnh niềm tin; Trong nụ cười của Người có tất cả những mùa xuân”(21). Alexey Varônhin, Viện hàn lâm khoa học liên bang Nga phân tích về tư tưởng thời đại của Hồ Chí Minh: “Đức tính nổi bật nhất của của vị lãnh tụ cách mạng Việt Nam là Người tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân cho đến hơi thở cuối cùng. Chính đức tính này đã chiếm được trái tim của hàng triệu người lao động trên khắp thế giới, họ đáp lại Người bằng niềm tin và lòng yêu mến, họ tôn vinh Người là vị lãnh tụ nhân dân”(22). Epghênhi Côbêlép, phóng viên Thông tấn xã TASS tại Việt Nam từ 1964 -1967, đã nhiều lần được gặp gỡ, nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại nhận định về một nhà quốc tế triệt để: “Hồ Chí Minh thường xuyên chủ trương đoàn kết nhân dân lao động các nước khác nhau, thực hiện liên minh giữa nhân dân Việt Nam với các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Hoạt động của Người là một tấm gương của sự kết hợp hữu cơ giữa cuộc đấu tranh vì lợi ích của nhân dân lao động nước mình với lợi ích của các dân tộc đấu tranh vì độc lập và tự do, vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới”(23). Còn Nikita Khơrutxôp, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thì khẳng định: “Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Hồ Chí Minh là con người xuất sắc nhất trong tất cả chúng ta. Trong cuộc đời hoạt động chính trị, tôi đã biết rất nhiều người nhưng không có người nào tạo cho tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Những người theo tín ngưỡng thường hay nói đến các vị Thánh. Đúng vậy, với cách sống và uy tín của mình đối với nhân dân, Hồ Chí Minh đúng là có thể so sánh với các vị Thánh, một vị Thánh Cách mạng”(24).
Cách đây đúng 90 năm, khi đặt chân lên đất nước Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rất thán phục, yêu quý nhân dân xôviết cùng tất cả thành quả tốt đẹp của cuộc cách mạng Tháng Mười, những tình cảm đó ngày càng lớn lên theo năm tháng, được Người gìn giữ, nâng niu suốt cuộc đời và trở thành một người bạn thuỷ chung của nhân dân Nga. Với nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga ngày nay, sự nồng hậu, tình cảm chân thành, lòng kính trọng, yêu mến dành cho Hồ Chí Minh vẫn không thay đổi. Tại trung tâm Matxcơva có tấm biển đá hoa cương ghi nhớ nơi Nguyễn Ái Quốc từng làm việc những năm 1923- 1924, có quảng trường Hồ Chí Minh và bức phù điêu dung dị của Người bằng đồng; có đại lộ Hồ Chí Minh ở Ulianôpxcơ; có bức tượng Hồ Chí Minh trong khuôn viên khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg và Viện Hồ Chí Minh của nhà trường; có con tàu mang tên Hồ Chí Minh từ Vlađivôxtôc thường xuyên cập bến cảng Việt Nam, có cây kỷ niệm do chính tay Người trồng vươn cao, xanh tốt trong công viên Hữu Nghị Xôchi và còn rất, rất nhiều người Nga vẫn đang tìm hiểu Tiểu sử chính trị và di sản của Hồ Chí Minh bằng tiếng Nga (25)… Cuối cùng, thay cho  lời kết là cảm nghĩ của Ghécman Titốp, phi công vũ trụ số Hai Liên Xô, người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa đi thăm kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long tháng 1/1962 và lấy tên Titôp đặt cho một hòn đảo nhỏ: “Những ký ức về Người- Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong trái tim của những người dân xô viết- những người Nga”(26)./.
 
Chú thích ảnh:
1, Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi thành phố Xtalingrat trong chuyến Người đi thăm Liên Xô (Nga), tháng 8 năm 1957
2, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Đại học Nông nghiệp tại nước Cộng hòa Tuốcmênia, ngày 24 tháng 7 năm 1959
3, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô Bregnhep trong một chuyến dã ngoại, tháng 7 năm 1959
 
Chú thích:
1, Bài viết cho Tạp chí các vấn đề phương Đông (Liên Xô) nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh V.I. Lênin,  báo Nhân Dân đăng lại toàn văn ngày 22/4/1960
2, Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ. Tập III. Nxb Hội nhà văn 2010, trang 229
3, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Nxb Thông Tấn 2005, trang 505
4, Tài liệu gốc của Trung tâm lưu trữ lịch sử, chính trị, xã hội Nga. Bản dịch tiếng Việt lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
5, Bài viết của đạo diễn Roman Cácmen đăng trong báo Văn học của Hội các nhà văn Liên Xô, số tháng 3/1955
6, Người Nga nói về Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị- Hành chính 2010, trang 42
7, S. đ. d        nt                trang 50
8, Người là Hồ Chí Minh. Nxb Hội nhà văn 1995, trang 238
9, Hồ Chí Minh, một người châu Á của mọi thời đại. Nxb Chính trị quốc gia 2010, trang 407
10, Người Nga nói về Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị-Hành chính 2010, trang 100
11, Bác Hồ, cây đại thọ. Nxb Kim Đồng 2002, trang 160
12, Người Nga nói về Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị - Hành chính 2010, trang 148
13, S. đ. d      nt                 trang 130
14, S. đ. d      nt              trang 58
15, Chiến tranh Việt Nam là thế đó. Nxb Chính trị quốc gia 2008, trang 186
16, S. đ. d      nt                  trang 222
17, Người Nga nói về Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị-Hành chính 2010 trang 108
18, Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại. Nxb Lao Động 2001, trang 138
19, Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb Thanh Niên 2000, trang 172
20, Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch. Nxb Sự Thật 1971. Tập III, tr 33
21, Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ. Nxb Hội nhà văn 2010. Tập III, trang 210
22, Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Nxb Chính trị-Hành chính 2010, trang 462
23, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Khoa học xã hội 1990, trang 180
24, Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại. Nxb Lao Động 2001, trang 111
25, Tên cuốn sách do Hội Hữu nghị Nga- Việt ấn hành nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2010 tại Liên bang Nga
26, Người Nga nói về Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị-Hành chính 2010, trang 70

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)