slider

Học tập lối sống, phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh

14 Tháng 09 Năm 2022 / 648 lượt xem

Nguyễn Văn Công

Nguyên Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Lối sống, phong cách sinh hoạt là sản phẩm của con người, phản ảnh ý thức, phẩm chất, quan niệm sống, quá trình rèn luyện của con người đó trong xã hội. Thuở nhỏ, ở quê nhà Nghệ An, sống cùng gia đình, trong con người Hồ Chí Minh song song với hình thành tư tưởng yêu nước là định hình lối sống, nếp sống, tác phong sinh hoạt giản dị, lành mạnh, gần gũi với bà con làng xóm. Là con trai quan Phó Bảng, có thể trở thành quan lại danh tiếng, nhưng Người đã chọn cho mình công việc lao động của người làm thuê trên tàu biển, hòa mình với quần chúng lao động. Lựa chọn năm 1911 của Người là hướng tới thực hiện lý tưởng cao đẹp giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Từ tài liệu bí mật của mật thám Pháp theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, phần nào chúng ta thấy rõ lối sống của một thanh niên yêu nước, chăm chỉ tự học nâng cao trình độ, tự hoàn thiện mình, sống hòa mình trong phong trào cách mạng, tự kiếm sống bằng sức lao động của mình, vừa viết báo lại vừa bán báo, vừa viết kịch lại vừa tham gia diễn kịch... Những ngày hoạt động cách mạng trên đất nước Liên Xô, Trung Quốc hay nhiều nước khác, Hồ Chí Minh đã vượt qua những trở ngại về ngôn ngữ, phong tục tập quán, luôn giữ lối sống sinh hoạt giản dị, hòa mình với mọi người, có sức cảm hóa với mọi người xung quanh. Chính nhờ lối sống bình dị, mẫu mực đó mà Người có điều kiện tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, học hỏi được nhiều điều mới mẻ, thuận lợi cho công tác cách mạng.

Trên cương vị lãnh đạo tối cao của Đảng, của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nếp sống sinh hoạt giản dị, không khác biệt với mọi người, không xa hoa hay lãng phí. Người không chọn cho mình nơi ở là tòa nhà biệt thự đầy đủ tiện nghi mà là ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền Đông Dương và sau đó là ngôi nhà sàn bình dị như bao ngôi nhà của đồng bào miền núi. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở những nơi đó là để được gần với mọi người, thuận tiện cho người phục vụ, tiện cho sinh hoạt hàng ngày, được gần với hồ nước, cây xanh, để tâm hồn thêm thanh cao, thi vị và bao dung... Nơi ở của Người mãi mãi trở thành biểu tượng cho sự giản dị, liêm khiết của một lãnh tụ suốt đời vì dân, vì nước.

Trong thời gian Bác sống tại Nhà 54 trong khu Phủ Chủ tịch, Bác đề nghị và thực hiện: chiều thứ bảy hàng tuần Bác ăn cháo để bớt đi một chút khẩu phần gạo góp thêm cho người nghèo. Vào những năm cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt nhân dân ta bắt đầu phải ăn cơm độn với sắn, ngô, Bác dặn anh em: “Các chú thổi cơm độn cho Bác. Nhân dân, cán bộ ăn cơm độn bao nhiêu phần trăm độn cho Bác từng ấy”. Những năm đó tuổi Bác đã cao, thấy vậy, các đồng chí phục vụ thưa với Bác là có quy định các cụ già trên 70 tuổi không phải ăn cơm độn nhưng Bác bảo:” Bác cũng nhiều tuổi, nhưng Bác còn khoẻ. Thế thì Bác theo cán bộ. Cán bộ thế nào thì Bác thế ấy. Cứ thổi tiếp đi cho Bác ăn”. Anh em xay ngô thật nhỏ, độn gọi là, nhưng Bác biết, Người nhắc:”50% cơ mà!”(1). Bước sang năm 1967, đã già yếu nhiều nhưng ngày 3 bữa, Bác vẫn tự mình từ Nhà sàn về Nhà 54 để dùng cơm. Có lần sau những trận mưa to, đường đi còn ngập nước nhưng đến giờ ăn, dù đang còn mưa Bác vẫn xắn quần quá đầu gối, cầm ô cùng đồng chí bảo vệ lội nước đi sang nhà ăn cách khoảng 200 mét. Nhìn ống chân Bác gầy, nổi gân xanh, anh em thương Bác trào nước mắt nhưng không sao thuyết phục được Bác cho phép dọn cơm lên Nhà sàn. Bác nói: Các chú muốn chỉ một người vất vả hay muốn cho nhiều người vất vả vì Bác. Một lần khác, Bác rửa mặt ở trong nhà tắm, đang cúi xuống rửa, cạnh đó có mấy thanh kim loại mạ kền để vắt khăn mặt. Bác có chiếc khăn mặt thứ hai ở thanh kim loại sát tường, đồng chí ở gần muốn giúp Bác khi đứng lên có ngay khăn mặt khô để lau tay, mới đẩy thanh kim loại mạ kền đến cạnh Bác. Khi ngẩng lên, thấy có khăn mặt khô ở bên cạnh Bác quay lại nói với đồng chí ấy: “Này chú ạ, lần sau việc này để Bác làm, Bác còn làm được, chú đừng làm thay nhé"1'2'... Những lời nói và việc làm của Người thể hiện phong cách của một nhà lãnh tụ luôn thương yêu con người, yêu nhân dân vô bờ bến. Là Chủ tịch nước, Bác vẫn luôn không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Vì vậy, ở vị trí càng cao, càng nổi tiếng, tinh hoa, phẩm chất, đạo đức của Bác càng sáng, càng trong.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ghét thói xa hoa, phô trương hình thức, những đồ dùng hàng ngày của Người giản dị đến nỗi đã đi vào huyền thoại, không chỉ trong nước mà khắp thế giới như đôi dép lốp cao-su, bộ quần áo ka ki, bộ quần áo nâu... Tủ quần áo của Bác hiện nay tại Nhà 54 trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch cũng chỉ có vài bộ, may cùng kiểu. Người rất thích đọc sách báo và đã đọc rất nhiều loại sách báo Đông, Tây, kim, cổ, nhưng trong phòng làm việc của Người chỉ để những sách báo tài liệu cần thiết. Người thích ăn những món ăn dân tộc như tương, cà, cá kho, dưa muối... thích trồng những cây hoa mà trong vườn bờ rào của mỗi gia đình Việt Nam đều có như cây tre, chè mận hảo, dâm bụt, hoa nhài... Người đi nhiều nơi trong nước và đi nhiều nước trên thế giới, được tặng nhiều quà quý nhưng Người không để lại tài sản gì cho riêng mình. Những quà nào quý Người đưa vào tài sản quốc gia, những quà nào có thể tặng lại làm quà động viên phong trào quần chúng thì Người gửi tặng lại các tập thể, cá nhân có thành tích. Như có lần Bác đi nước ngoài dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền. Khi đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại, Bác dặn nhập số tiền vào quỹ Đảng. Bác coi số tiền đó là của chung chứ không để vào sổ tiết kiệm của Người(3'.

Lối sống giản dị, thanh tao, hòa đồng đã trở thành lối sống quen thuộc hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những việc tưởng chừng nhỏ nhặt bình thường nhưng Người không bỏ qua, mà chú ý để tạo thành thói quen tốt, như lúc nào Người cũng cúi xuống đi dép đủ hai quai sau, để khi đi vừa chắc dép đỡ hỏng và không gây tiếng dép chạm chân; khi dùng xong khăn lau bao giờ Người cũng cẩn thận phơi khăn phẳng phiu vuông góc; hay bánh xà phòng dùng xong luôn để lên trên mấy hòn sỏi cho khô ráo... Bác ở trong ngôi nhà sàn làm bằng loại gỗ bình thường, lại khuất trong khu vườn bách thảo nên bí, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Đầu giường Bác luôn có một chiếc quạt lá cọ, không phải đề phòng mất điện vì đã có máy nổ dự phòng của Phủ Thủ tướng mà vì Bác không để quạt chạy liên tục. Bác bảo: “Máy cũng phải nghỉ để bền lâu”. Nhưng có lẽ sâu xa không phải chỉ có thế, mà Bác không muốn sống xa cách cuộc sống của nhân dân, lúc đó còn rất khó khăn, thiếu thốn(4).

Để bớt đi những mệt nhọc sau thời gian làm việc trí óc căng thẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thói quen luyện tập sức khỏe, đi bách bộ hay tập quyền và thường dành thời gian buổi chiều cùng anh em trong cơ quan cuốc đất trồng rau, cải thiện bữa ăn, trồng hoa, trồng cây trong vườn... Người thích sống hòa quyện với thiên nhiên. Khu vườn trong Phủ Chủ tịch được trồng nhiều giống cây, nhiều loài hoa nở bốn mùa như hoa tường vi, muồng đào, ban tím, bằng lăng nước... Sáng sáng sau khi tập thể dục Người hái mấy bông hoa nhài ướp lên phòng làm việc vì lúc đó hoa vừa nở thơm thoang thoảng trong phòng, tạo nên cảm giác dễ chịu của hương hoa thiên nhiên, về đêm có hương hoa dạ hương, hoa sữa từ vườn tỏa ngát... Mỗi bông hoa, mỗi khóm hoa như một câu thơ, bài thơ hay trong tâm hồn giàu thi ca của Người. Trong vườn còn trồng nhiều loại cây ăn quả quý, mùa nào cũng có quả chín, là nơi hội tụ của chim chóc bay về. Màu xanh của cây in xuống mặt hồ cùng hình ảnh và âm thanh của đàn cá quẫy mỗi khi nghe tiếng vỗ tay của Người. Cảnh sắc thiên nhiên bình dị hài hòa tạo thêm cảm giác dễ chịu cho con người. Việc nước, việc dân bàn nhiều, căng thẳng nhưng khi trở về với cảnh vật thiên nhiên ở đây cho Người sinh lực mới, sự minh mẫn, sáng tạo mới. Vườn cây của Người là nơi hội tụ, cũng là nơi các giống cây, giống cá tỏa về các địa phương, các ngành tạo nên phong trào “vườn cây, ao cá Bác Hồ”. Và chính Người đã khởi xướng “Tết trồng cây” trở thành truyền thống, phong tục ngày đầu xuân năm mới tốt đẹp trong nhân dân ta.

Lối sống, phong cách sinh hoạt giản dị, dành tình yêu bao la với con người, với thiên nhiên ở Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức mạnh cảm hóa, truyền niềm vui, tinh thần lạc quan đến những người cộng sự, những người gần gũi, những người có dịp gặp Người. Thời kỳ mới về nước lãnh đạo cách mạng, ở hang Pắc Bó - Cao Bằng, hay trên những chặng đường kháng chiến vất vả ở ATK, Người luôn luôn hòa đồng chịu đựng gian khổ, động viên mọi người lạc quan vượt gian khó. Lúc ốm đau, Người không hề kêu ca, tự cố gắng vượt qua bệnh tật. Những ngày trước khi về cõi vĩnh hằng, tuy sức khỏe rất yếu, khi tỉnh dậy thấy nỗi lo lắng trên từng khuôn mặt của các y bác sĩ và những người chung quanh, Người bảo: “Hôm nay Bác thấy khỏe hơn hôm qua” để mọi người vui.

Bác Hồ rất ghét tác phong công tác và tác phong sinh hoạt luộm thuộm, thiếu khoa học, lãng phí thời gian, chuộng hình thức, bệnh tự kiêu tự đại... Người không chỉ giáo dục, phê phán lối làm việc ngồi một chỗ gửi “báo cáo, xin chỉ thị”, ghét thói vênh váo, kiêu ngạo, mà chính tác phong công tác, tác phong sinh hoạt giản dị của Người là một mẫu mực cho mọi người noi gương và học tập. Từ những năm tháng hoạt động bí mật ngủ ở lán dã chiến, hay vai ba lô hành quân đi kháng chiến, lúc nào Người cũng nhanh nhẹn, gọn gàng. Đồ dùng của Người luôn được sắp xếp ngăn nắp, mỗi thứ có chỗ để riêng, khi có nguy hiểm hoặc báo động là có thể nhanh chóng thu dọn. Hàng ngày, Người sắp xếp thời gian khoa học, hiệu quả, giờ nào việc nấy. Những ngày sau khi cách mạng thành công, thế nước “nghìn cân treo sợi tóc”, tuy bận nhiều việc lớn của cách mạng, nhưng Người vẫn sắp xếp đủ thời gian để tiếp dân, nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân. Nhờ bố trí sắp xếp thời gian hợp lý nên Người nắm bắt kịp thời nhiều thông tin thời sự trong nước và quốc tế. Ngoài các báo chí trung ương, hàng ngày Người còn đọc thêm nhiều báo địa phương, báo ngành để lấy tư liệu. Di sản đồ sộ hàng nghìn bài viết, bài nói chuyện, hàng nghìn bài báo dưới nhiều bút danh khác nhau mà Người để lại cho chúng ta chính là minh chứng cho tác phong học hỏi không ngừng đó của Người.

Trong công tác cũng như trong sinh hoạt, nét nổi bật đã trở thành thói quen ở Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tác phong dân chủ. Những việc lớn quan trọng đều được Người đưa ra bàn bạc tập thể, dân chủ với tập thể Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Những tài liệu quan trọng Người đều gửi đến các đồng chí lãnh đạo góp thêm ý kiến trước khi Người quyết định cuối cùng. Có bài viết, Người tự sửa đi sửa lại nhiều lần, chi tiết đến từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Khi đến với đồng bào, Người lắng nghe không chỉ ý kiến báo cáo của cán bộ các cấp mà còn chú ý những ý kiến của cụ già, em bé, người dân bình thường. Mỗi người dân Việt Nam giữ trọn trong trái tim mình hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo bình dị lội ruộng, cùng tát nước chống hạn, cùng cuốc đất, đẩy xe với người lao động. Mỗi khi xuống thăm các cơ sở, cơ quan, đơn vị, trường học, Người không cho báo trước. Người muốn biết thực chất tình hình của cơ sở, chứ không chỉ nghe qua báo cáo. Khi xuống đến cơ sở, điều quan tâm đầu tiên là Người thường xem các khu vệ sinh, nhà ăn tập thể trước rồi Người mới ra hội trường nói chuyện với mọi người. Tác phong sâu sát, tỉ mỉ, cụ thể, thiết thực của Người là mẫu mực của phong cách người lãnh đạo, “đầy tớ của nhân dân” như Người nói.

Lối sống, phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mọi thời đại luôn là chuẩn mực nhân cách người cách mạng mà lại không xa lạ với con người. Nét đặc biệt ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là khi gặp Người, ai cũng cảm thấy gần gũi, thân mật và được quan tâm như đã được quen biết từ trước. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chúng ta ngày nay cần tự soi vào tấm gương của Bác, học tập tác phong của Bác trong công tác, trong sinh hoạt hàng ngày, góp phần xây dựng niềm tin cho quần chúng nhân dân, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh để thực hiện tốt các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới.

Chú thích:

1.            Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. CTQG, H.2005, tập 2, tr.562.

2.            Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. CTQG, H.2005, tập 2, tr.568.

3.            Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. CTQG, H.2005, tập 2, tr.731.

4.            Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, H.2003, tr.70.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)