slider

Một vài suy nghĩ về cách bảo quản chiếc ghế tựa dài tại tầng một Nhà Sàn

03 Tháng 07 Năm 2024 / 135 lượt xem

ThS. Nguyễn Thu Giang

Phòng Bảo quản, Môi trường di tích

Trong khuôn viên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có một ngôi nhà sàn giản dị nằm ngay sát bờ ao là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 11 năm (1958-1969). Mỗi hiện vật đơn sơ tại đây đều ẩn chứa những câu chuyện kể với những giá trị tinh thần, những triết lý nhân văn, những bài học thiết thực.

Một trong số hiện vật được Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng sau thời gian làm việc đó là chiếc ghế tựa dài được đặt tại tầng một Di tích Nhà sàn.

Theo các tài liệu như bản ghi chép bước đầu đề ngày 17/12/1970, lưu trong hồ sơ số 30 của hiện vật; ảnh tư liệu được chụp khảo tả di tích ngày 16/9/1969; lời kể của các nhân chứng là những người đã trực tiếp phục vụ Người cho biết thì: Chiếc ghế tựa dài là sản phẩm của hai ông Nguyễn Văn Chuyên (trưởng cơ sở sản xuất) và ông Nguyễn Văn Bích (phó cơ sở), là hai người thợ có tay nghề đan giỏi. Hai ông được vinh dự tham gia đan chiếc ghế vừa nằm vừa ngồi để gửi lên Văn phòng Trung ương biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1957. Cơ sở sản xuất của các ông có từ năm 1918, sau này được đổi tên là Hợp tác xã và hiện nay có tên là Hợp tác xã Thống Nhất chuyên sản xuất ghế mây ở xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam).

Chiếc ghế tựa dài được làm bằng song mây (còn gọi là ghế chao mây) được đặt tại tầng một Nhà sàn. Ghế có kích thước dài 2,11m, rộng 0,51m. Ghế được thiết kế vừa có thể ngồi, nằm tựa lưng, đu đưa được. Mặt ghế đan bằng mây trắng, khung ghế sơn màu nâu, mặt dưới có thanh ngang đỡ. Có hai bản lề gắn với thành tựa lưng. Sau lưng tựa có thanh gỗ chia ba khấc để tỳ tay vào thanh ngang, mỗi khi muốn cho lưng tựa cao hoặc thấp thì có thể điều chỉnh được. Khung đỡ dưới mặt ghế và lưng tựa gồm các đoạn song uốn cong, có hai vòng tròn và năm thanh ngang gối đỡ dưới. Ghế đứng được do hai đoạn song uốn vòng hai đầu cong lên. Khi ngồi hoặc nằm ghế đung đưa qua lại nhẹ nhàng. Mọi công đoạn để đan chiếc ghế song mây đều được làm cẩn thận, chắc chắn đảm bảo độ bền cao. Khâu chọn nguyên liệu cũng là một trong những khâu quan trọng đòi hỏi phải tỷ mỉ, chọn những cây song mây có tuổi đời từ 10 năm đến 15 năm, thân màu vàng óng, gỗ phải là loại gỗ tốt nhất, chống mọt. Các sợi mây đều được tước thủ công sau đó kéo qua kéo lại cho thật bóng. Khâu chọn sơn cũng rất được chú trọng, đảm bảo màu sắc, độ bóng đẹp và bền.

Sau những giờ làm việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, hoặc tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nằm nghỉ trưa hoặc đọc báo khoảng 1 tiếng cập nhật tình hình trong nước và quốc tế. Cũng trong những lúc đọc báo, Người còn thường theo dõi những tấm gương người tốt, việc tốt đăng tải trên các báo để kịp thời khen thưởng, động viên. Vì theo Người: lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Người dùng chiếc ghế tựa dài từ năm 1958 đến năm 1969.

Có lần một nhà báo nước ngoài sau khi tham quan nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hỏi đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác): Tại sao lại đặt cái ghế theo chiều sáng như vậy?

Đồng chí Vũ Kỳ đã giải thích: Đặt cái ghế theo cách như vậy để khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngả lưng nghỉ trưa xem báo, ánh sáng không chiếu thẳng vào mặt, đỡ bị chói mà chiếu vào trang báo cần đọc.

Chiếc ghế tựa dài là hiện vật gắn với những hoạt động sinh hoạt đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống tại Nhà sàn. Đây là món quà phần nào nói lên tình cảm của nhân dân tỉnh Hà Nam đối với Người. Tình cảm đó được thể hiện qua từng sợi nan được trau chuốt, từng hoa văn trang trí tỉ mỉ trên chiếc ghế tựa dài. Thông qua hiện vật này, nhân dân Hà Nam muốn gửi gắm tình cảm yêu thương, trân trọng nhất, muốn được nâng niu giấc nghỉ trưa của Người, muốn Người luôn cảm thấy thư thái sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt nhọc. Người rất trân trọng đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã làm ra những sản phẩm rất đẹp, trang nhã và tiện dụng. Người muốn nghề thủ công mây tre sẽ được kế thừa và phát triển mãi vì đó là nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tất cả các di tích cùng với những tài liệu, hiện vật lưu niệm về Người đã được bảo tồn nguyên trạng, đồng thời cố gắng kéo dài tuổi thọ các hiện vật phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày phục vụ đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, học tập. Hiện nay, chiếc ghế tựa dài vẫn được đặt vị trí vốn có như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc. Việc bảo quản hiện vật chủ yếu thực hiện theo phương pháp bảo quản phòng ngừa. Đây là hoạt động quan trọng nhất trong công tác bảo quản hiện vật, quyết định đến chất lượng và hiện trạng của hiện vật. Bảo quản phòng ngừa là tạo môi trường tốt, thực hiện các phương pháp bảo quản để chăm sóc các hiện vật nhằm kéo dài tuổi thọ, làm chậm quá trình xuống cấp và phòng tránh rủi ro gây hư hỏng hiện vật đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho các hiện vật. Trong những năm qua, Khu Di tích đã làm tốt công tác bảo quản phòng ngừa, việc vệ sinh làm sạch hiện vật là một trong những bước đầu quan trọng giúp hiện vật tránh được những tác nhân gây hại trực tiếp, những dụng cụ chuyên dùng trong bảo quản hiện vật bằng mây tre gồm: chổi lông mềm dùng để quét phủi bụi trên bề mặt của hiện vật, khăn lau mềm, khăn xô dùng để lau hiện vật tránh làm xước, máy hút bụi dùng để hút bụi mịn nằm trong các kẽ nhỏ của ghế mây giúp hiện vật được vệ sinh sạch sẽ. Các cán bộ bảo quản luôn sát sao hằng ngày theo dõi, kiểm tra, phát hiện kịp thời hiện vật có dấu hiệu xuống cấp để có kế hoạch, phương án tu sửa đảm bảo tối đa tính nguyên gốc và không làm thay đổi biến dạng hiện vật. Giữa các hiện vật đều có khoảng cách để tạo không gian thông thoáng, an toàn, tạo điều kiện cho vệ sinh hiện vật được dễ dàng. Việc bảo quản hiện vật đúng cách, đúng quy trình là nhiệm vụ quan trọng giúp tăng tuổi thọ hiện vật.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của các thế hệ lãnh đạo, cùng nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động, Khu Di tích đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, không ngừng đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác bảo quản thông thường kết hợp với bảo quản khoa học theo chế độ định kỳ ngắn hạn, dài hạn (hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và một năm) và chống xuống cấp di tích.

Khu Di tích đã từng bước đầu tư trang thiết bị bảo quản hiện đại như công nghệ khí khô, lắp đặt hệ thống báo cháy, chống cháy tự động đồng thời các bình chữa cháy C02 và bình bột được đặt quanh Nhà sàn. Ở phía bên ngoài được lắp đặt các hệ thống chữa cháy có hộp vòi xả nước, có đầu phun nước, máy bơm đồng thời còn vận hành máy bơm riêng để tạo áp lực lớn khi phun nước lên cao. Hằng năm, Khu Di tích đều tiến hành kiểm tra thường xuyên hệ thống chữa cháy theo định kỳ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Ba Đình, tập huấn cho cán bộ, viên chức và người lao động thực hành cứu hỏa, sơ cứu người bị thương khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, Công đoàn Khu Di tích tổ chức vệ sinh định kỳ các hệ thống máng mái, khơi thông cống rãnh, nạo vét các mương thoát nước góp phần tạo dòng chảy thông thoáng, thoát nước tốt, hạn chế tình trạng ngập, lụt nguy hiểm trong mùa mưa bão, góp phần làm cảnh quan môi trường di tích được khang trang, sạch đẹp. Qua đó cho thấy, công tác bảo quản là khâu rất quan trọng được thực hiện tốt hơn với những phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn các di tích, các tài liệu hiện vật, trong đó có chiếc ghế tựa dài.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tài liệu hiện vật khác tại các nhà di tích được trưng bày trong điều kiện kho mở, tuổi thọ của chiếc ghế tựa dài cũng chịu tác động trực tiếp của yếu tố môi trường, khí hậu và yếu tố con người, cụ thể như sau: - Do khí hậu ở miền Bắc nước ta rất phức tạp, có hai mùa rõ rệt. Vào mùa hè nắng nóng với đặc trưng nằm trong khu vực khí hậu cận nhiệt đới, độ ẩm trung bình năm trên 80%, hơi nước trong không khí rất cao nên nước bị ngưng tụ và đọng lại trên các bề mặt như bề mặt tường, nền nhà, đồ vật, gỗ mây tre vv…những ngày thời tiết nồm ẩm ướt đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bọ, côn trùng, nấm mốc sinh sôi nảy nở tàn phá các chất liệu gỗ, mây tre. Bên cạnh đó có nhiều cây cối, thảm cỏ bao quanh là điều kiện thuận lợi cho côn trùng, mối mọt, sâu bệnh hoạt động mạnh, xâm hại trực tiếp đến hiện vật. Mùa đông lạnh và khô làm cho bề mặt chiếc ghế bị khô, dễ xước và bong tróc. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa hai mùa là những tác nhân không nhỏ tác động đến việc kéo dài tuổi thọ của chiếc ghế tựa dài. - Khác với các hiện vật được bảo quản trong nhà và được áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì hiện nay chiếc ghế tựa dài được đặt ở tầng 1 Nhà sàn không có nhà kính bảo vệ, không có điều hòa nhiệt độ, không có máy hút ẩm, phun ẩm, không sử dụng hộp mê ca để che chắn vì vậy dễ dàng bắt bụi, bạc màu theo thời gian - Với đặc thù là kho mở hoàn toàn, vừa phải bảo quản giữ gìn và vừa mở cửa phục vụ khách tham quan 365 ngày trong năm. Do số lượng khách vào tham quan rất lớn, ô nhiễm tăng lên, kéo theo hơi ẩm cũng tăng gây ra những hư hại đối với các tài liệu hiện vật nói chung và ghế tựa dài nói riêng.

Đặc biệt ý thức của khách tham quan còn chưa tốt, còn xảy ra tình trạng chạm, tiếp xúc vào hiện vật, gây hư hỏng hiện vật vẫn còn diễn ra.

Bên cạnh đó, chiếc ghế tựa dài cũng bị ảnh hưởng trực tiếp của ánh nắng mặt trời chiếu xiên vào, gây ra hiện tượng rạn nứt, bong lớp sơn phủ bề mặt của mây tre. Từ đó gây biến màu, biến dạng hoặc giảm tuổi thọ một cách tự nhiên. Bất kỳ loại ánh sáng nào dù mạnh hay yếu đều gây hư hại cho tài liệu hiện vật đặc biệt là đồ gỗ, mây tre.

Ghế tựa dài đang được bảo quản ở môi trường khí hậu tự nhiên nên việc bảo quản rất khó khăn, phức tạp. Từ thực tiễn công tác bảo quản hiện vật, xin đề xuất một số giải pháp bảo quản chiếc ghế tựa dài như sau:

Một là, cần hệ thống bảo quản quy chuẩn, với các không gian trưng bày hiện vật được đầu tư hệ thống chiếu sáng mỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn.

Cần đầu tư các thiết bị kỹ thuật như máy đo ánh sáng, máy đo bức xạ tia cực tím. Mỗi nguồn ánh sáng xung quanh đều có cường độ riêng, biểu thị cho mức ánh sáng đó phát ra mạnh hay yếu, chất lượng của những nguồn sáng cũng đều ảnh hưởng đến chiếc ghế tựa dài. Do đó, việc xác định được nguồn sáng có phù hợp hay không rất quan trọng. Sử dụng máy đo cường độ ánh sáng sẽ giúp định lượng được các loại tia bức xạ và bảo quản các hiện vật, đặc biệt là chiếc ghế tựa dài, một cách hiệu quả để có các giải pháp ngăn chặn phù hợp.

Hai là, chiếc ghế tựa dài không được bảo quản ở nhà kính, điều hòa và luôn chịu ánh sáng mặt trời chiếu vào thì ngoài thời gian đón khách tham quan có thể lấy khăn mềm phủ kín để bảo vệ hiện vật tránh tác động của bụi, côn trùng và các động vật xung quanh xâm nhập làm bẩn, hư hỏng.

Ba là, cần tăng cường đào tạo chuyên sâu về cách bảo quản các tài liệu hiện vật chất liệu gỗ, mây tre cho cán bộ, viên chức và người lao động làm công tác bảo quản để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao hơn.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)