slider

Phủ Chủ tịch - điểm di tích đầu tiên trong hành trình tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

04 Tháng 07 Năm 2024 / 375 lượt xem

Hoàng Kiều Trang

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Toà nhà đồ sộ, bề thế, sang trọng cao bốn tầng nhìn thẳng ra đường Hùng Vương là điểm di tích đầu tiên trong hành trình tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Trong thời gian thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, toà nhà này được gọi là Phủ toàn quyền Đông Dương - nơi các đời Toàn quyền Đông Dương ở và làm việc. Công trình mang phong cách thời Phục hưng, do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lichten Fenđơ thiết kế, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (từ năm 1900 đến năm 1906).

Quy mô và phong cách kiến trúc của tòa nhà dường như muốn thể hiện quyền uy và sức mạnh của nước Pháp mẫu quốc ở Đông Dương. Diện tích sử dụng của tòa nhà gần 1300 mét vuông.

Toàn bộ toà nhà có trên 30 phòng; mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng. Mỗi khi có một viên Toàn quyền lên thay thế, toà nhà lại được trang trí, sửa chữa lại theo ý thích của người chủ mới. Từ ngày toà nhà hoàn thành xong cho đến khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã có 15 đời Toàn quyền và 14 quyền Toàn quyền Đông Dương đến ở và làm việc tại đây: Pôn-Bô (Paul Beau) là Toàn quyền đầu tiên và Đờ-Cu (Decoux) là toàn quyền cuối cùng, sau đó ông ta giữ luôn chức Cao ủy ở Đông Dương và Thái Bình Dương.

Từ năm 1945 đến năm 1946, phát xít Nhật rồi tiếp theo là quân đội Trung Hoa dân quốc chiếm giữ toà nhà này. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai thì nơi đây lại trở thành trụ sở cao nhất của chính quyền thực dân. Toà nhà chỉ thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ, Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô sau chín năm kháng chiến anh dũng và gian khổ. Với lòng kính yêu và mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi Người đón tiếp khách trong nước, quốc tế, các đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ đã mời Người về ở và làm việc tại Phủ Toàn quyền, nhưng Người đã khước từ. Người nói: “Trước kia đây là Phủ Toàn quyền, nhưng việc xây dựng nên công trình kiến trúc này là bàn tay của những người thợ Việt Nam. Bây giờ nhân dân được tự do, đất nước được độc lập, quyền làm chủ tòa nhà phải thuộc về nhân dân”(1). Người đề nghị sử dụng toà nhà làm nơi làm việc và tiếp khách của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam.

Từ đó toà nhà được gọi là Phủ Chủ tịch. Trong suốt 15 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây, Người đã thực hiện những hoạt động đối nội, đối ngoại, chủ trì các nghi lễ ngoại giao, tiếp đón đại biểu các đoàn thể, các địa phương, nhân dân... trên cương vị người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước. Căn phòng sang trọng nhất, còn gọi là phòng Gương, nơi có 5 vòm cửa lớn ở chính diện toà nhà là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.

Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa những phiên họp Hội đồng Chính phủ, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách nhằm củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng miền Bắc vững mạnh, chăm lo đời sống của nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh giải phóng ở miền Nam để đi đến thống nhất đất nước và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ tại Phủ Chủ tịch tiến hành từ ngày 23/12 đến ngày 25/12/1954.

Trong cuộc họp lần này, Chính phủ đã tổng kết tình hình đất nước năm 1954 và hoạch định phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch cụ thể cho năm 1955. Trong phiên bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Do thắng lợi mà có thêm nhiều việc, khó khăn sẽ nhiều hơn nhưng thuận lợi cũng nhiều hơn. Vì vậy mọi người phải ra sức cố gắng, đoàn kết chặt chẽ hơn và hết sức tránh chủ quan.

Cần giữ kỷ luật công tác nghiêm ngặt hơn và chỉnh đốn lại lề lối làm việc. Như thế thì ta sẽ khắc phục được khó khăn và phát triển được thuận lợi”.

Vào hồi 17 giờ ngày 02/01/1955, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các dân tộc miền núi Lào Cai tại phòng Gương Phủ Chủ tịch.

Thấy nhiều người e dè, không dám mạnh dạn bước vào toà nhà lộng lẫy này, Bác đi xuống tận bậc tam cấp đón đoàn và giải thích: “Nơi này xưa kia là Phủ Toàn quyền. Chỉ có Toàn quyền người Pháp được ở, nay ta làm chủ, nhà này là của nhân dân”(2).

Ngày 09/02/1955, lần đầu tiên Bác Hồ gặp gỡ các cháu thiếu nhi tại sân sau Phủ Chủ tịch nhân dịp các đồng chí Ba Lan sang quay phim Cây tre Việt Nam. Bác đã cùng các cháu chụp ảnh kỷ niệm. Đó là tấm ảnh chụp Bác bế một cháu nhỏ đứng giữa các cháu nắm tay nhau thành vòng tròn nhảy múa.

Ngày 20/3/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa 1 tổ chức lần đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại. Quốc hội đã thông qua những nhiệm vụ cấp thiết nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đấu tranh đòi hòa bình thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các vị đại biểu Quốc hội tại căn phòng trang trọng nhất của Phủ Chủ tịch. Trong buổi tiếp, Người khẳng định một lần nữa ý chí của toàn dân: Kiên quyết đấu tranh để đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

Đặc biệt, trong các phiên họp từ tháng 8 đến tháng 12/1955, Hội đồng Chính phủ đã thảo luận và đi đến quyết định về quốc ca, quốc kỳ, quốc huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người nhắc nhở Bộ Tuyên truyền chú ý giải thích để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa mẫu Quốc huy và ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng mà Hội đồng Chính phủ sẽ thông qua. Tháng 9/1955, trước yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và đòi hỏi của tình hình cách mạng, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất được tiến hành. Đại hội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay thế cho Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, nói chuyện với các đại biểu về dự Đại hội tại Phủ Chủ tịch. Người đánh giá cao vai trò của Mặt trận trong sự nghiệp cách mạng của đất nước và chủ trương: “Đoàn kết tất cả những người thực sự yêu Tổ quốc, yêu hòa bình không phân biệt họ thuộc đảng phái nào, tôn giáo nào, tầng lớp nào và quá khứ họ đã hợp tác với phe nào”.

Trong 15 năm, từ năm 1954 đến năm 1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp trên 1000 đoàn đại biểu trong nước và ngoài nước.

Bác cũng mời một số vị khách quốc tế cấp cao sử dụng toà nhà này làm nơi ở và làm việc trong thời gian thăm Hà Nội. Những buổi chiêu đãi trọng thể, lễ đón và tiễn khách ngoại giao đều được tổ chức ở đây. Tại phòng nghi lễ Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, gặp mặt, dự lễ mít tinh với nhiều đại biểu thuộc các chính đảng, đoàn thể, các ngành, các giới và tầng lớp xã hội từ khắp đất nước cùng kiều bào từ nước ngoài về tham gia công cuộc xây dựng đất nước. Các em thiếu niên và nhi đồng - những chủ nhân tương lai của nước nhà được Bác Hồ đặc biệt quan tâm: các cháu vẫn được vào đây vui chơi, biểu diễn văn nghệ và triển lãm những thành tích lao động và học tập theo lời Bác dạy. Ngày 11/7/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ bế mạc cuộc triển lãm “Thiếu nhi với 5 điều Bác dạy” tổ chức trong suốt nửa tháng tại Phủ Chủ tịch, sau đó Bác vui liên hoan với 3000 cháu thiếu nhi Hà Nội.

Vào tối thứ 7 hàng tuần, Bác mời anh chị em cơ quan, bộ phận phục vụ văn phòng cùng gia đình đến xem phim với Bác ở phòng chiếu phim Phủ Chủ tịch: khi là phim truyện, khi là phim tài liệu hoặc tư liệu từ chiến trường miền Nam gửi ra. Mỗi năm một lần, tại phòng khách nhỏ ở tầng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tới ghi âm lời chúc mừng năm mới để phát trên đài Tiếng nói Việt Nam. Một số sự kiện đáng lưu ý trong những hoạt động cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều diễn ra tại đây như: Hồi 10 giờ 15 phút ngày 06/02/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời chúc Tết vào máy ghi âm để phát vào đêm giao thừa Xuân Kỷ Dậu. Vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 31/5/1969 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ các cháu thiếu nhi nhân ngày Tết thiếu nhi 1/6 và xem các cháu biểu diễn ca múa nhạc. Buổi tối ngày 01/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và chiêu đãi Đại sứ cùng Tham tán đại sứ quán Trung Quốc tại Phủ Chủ tịch nhân 48 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 16/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nghệ thuật Trung ương mới đi biểu diễn tại Pháp về và tặng huy hiệu của Người cho một số nghệ sỹ. Ngày 02/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cháu thiếu nhi xem bộ phim Bài ca anh giải phóng quân, Người vừa xem vừa giải thích cho các cháu hiểu rõ những hình ảnh trên phim...

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (02/9/1969), tòa nhà Phủ Chủ tịch vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước. Những hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước vẫn được tiến hành trọng thể tại đây.

Có thể nói, Phủ Chủ tịch là một di tích lịch sử rất đặc biệt, tuy di tích nằm trong quần thể di tích về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, đã được xếp hạng nhưng vẫn được phục vụ cho những hoạt động thường ngày của Văn phòng Chủ tịch nước.

Công tác bảo vệ di tích này được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ và nghiêm ngặt, bao gồm: Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội bảo vệ của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Đội bảo vệ của Văn phòng Chủ tịch nước. Bởi vậy, cho dù hầu hết các đoàn khách khi nghe giới thiệu về Phủ Chủ tịch đều mong muốn được vào thăm trực tiếp, nhưng để đảm bảo an ninh và trang nghiêm cho nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước hiện nay, khách chỉ được tham quan xung quanh phía bên ngoài Tòa nhà Phủ Chủ tịch.

*Bài viết có sử dụng tư liệu lưu tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)