slider

Kể chuyện về thân phụ và thân mẫu của Bác Hồ

22 Tháng 05 Năm 2020 / 20356 lượt xem

Hồ Thị Quỳnh Trang

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh,ông Nguyễn Sinh Sắc, hiệu là Trí Hiếu, Trí Đễ, tên ghi vào thi Hội là Nguyễn Sinh Huy (có lúc lấy biệt danh là Nguyễn Xuân Sắc, Nguyễn Phan Diêu) sinh năm 1863, là con thứ của cụ Nguyễn Sinh Nhậm. Lên ba tuổi ông Sắc đã mồ côi cha, 4 tuổi mồ côi mẹ, phải ở cùng với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ. Tuy có tư chất thông minh và ý chí ham học nhưng ông không có điều kiện tới trường mà phải lao động vất vả. Năm 1878, ông được thầy đồ Hoàng Đường ở làng Hoàng Trù đưa về nuôi cho ăn học. Được sự chăm sóc dạy bảo tận tình của thầy giáo Hoàng Đường, với trí thông minh, Nguyễn Sinh Sắc đã sớm trưởng thành về mọi mặt. Một thời gian sau, với tầm nhìn xa trông rộng và tiến bộ, cụ Hoàng Đường và cụ bà Nguyễn Thị Kép đã gả Hoàng Thị Loan, người con gái thông minh, xinh đẹp, thảo hiền, nết na, hội đủ cả “công, dung, ngôn, hạnh” cho Nguyễn Sinh Sắc và còn cắt đất làm nhà cho cặp vợ chồng trẻ. Hai vợ chồng lần lượt sinh ra ba người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (sau này là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh). Ông Nguyễn Sinh Sắc học rất thông minh nhưng lận đận ở trường thi. Lần thi hương thứ nhất năm 1881 chỉ vào tới nhị trường, ông lại quay về nhà dùi mài kinh sử. Sau khi cụ Đường mất năm 1893, năm 1894 ông tiếp tục dự kỳ thi hương lần thứ hai và đỗ cử nhân. Sau lễ xướng danh, ông cắp áo, mũ, ô đi bộ về làng, không tham gia vào đoàn cờ, trống, võng, lọng đến đón rước.

Giữa năm 1895 ông Sắc vào kinh đô Huế dự thi Hội lần đầu khoa Ất Tỵ nhưng lại không gặp may, ông xin vào học Trường Quốc tử giám. Để giúp chồng đỗ đạt được công danh, bà Hoàng Thị Loan tạm biệt quê hương mang theo con nhỏ, vượt đường xa vào kinh đô Huế chăm chồng, nuôi con ăn học. Năm 1898 khoa Mậu Tuất ông Sắc vẫn thất bại ở trường thi. Với nghị lực, đức tính kiên định, không nản chí, ông Sắc về dạy học ở làng Dương Nỗ năm 1898. Năm Canh Tý 1900, Tiến sĩ Bùi Đình Phong mời ông làm Đề lại (thư ký) cho kỳ thi hương ở Thanh Hoá. Sinh Khiêm được đi cùng còn Sinh Cung ở nhà với mẹ. Thời gian này bà Hoàng Thị Loan sinh thêm em bé là Nguyễn Sinh Xin. Sinh con trong lúc quá gieo neo vất vả lại lâm bệnh hiểm nghèo nên bà đã qua đời ở Huế. Tin vợ mất làm cho ông Sắc vô cùng đau buồn, tức tốc vào kinh đô bồng bế con trở về nương nhờ bà ngoại. Được sự khuyến khích của bà Kép, ông trở lại Huế dự kỳ thi Hội khoa Tân Sửu. Tài nghị luận của ông thể hiện trong văn quyển rất xuất sắc, nhưng ông vẫn có ý phê phán triều đình thiếu chăm lo cho dân nên dù đỗ đồng khoa với Ngô Đức Kế và Phan Châu Trinh, nhà vua chỉ cho ông đậu học vị Phó bảng. Một vị đại thần triều đình Huế phục tài chí của ông đã làm câu đối mừng như sau: “Độc quần đại đình văn sở trần vô phi bình trị quy mô, chân hảo đắc Đông Quảng Xuyên chi học - Văn quân sinh nhật ngữ nhập nội tất dĩ ý thành tâm chính quả bất phụ Chu Khảo Đình sở ngôn” (tạm dịch: Đọc văn đại đình khoa, điều trình bày không ngoài quy mô bình trị, thật có tài học như Đông Quảng Xuyên; Nghe lời nói hàng ngày thấy rõ ý thật, lòng ngay, thật không phụ lời nói của Chu Khảo Đình). Cử nhân Vương Thúc Quý thay mặt dân làng Sen viết bài trướng văn: Cẩm hoàn chi lạc (vui cảnh áo gấm trở về) để mừng ông thành danh, có đoạn: Điều tồn đạt thật lớn lao, nghiệp kỳ khôi thêm đẹp tốt. Đầu nặng văn chương lòng thanh thản sạch; bụng nhiều lo lắng, ý vằng vặc nong... Thỏa lòng áo gấm về làng. Trướng văn kính tặng mấy hàng nôm na. Tổng đốc Nghệ An lúc đó là Đào Tấn cũng báo cho lý trưởng các làng thuộc xã Chung Cự huy động nhân dân đưa võng, lọng, cờ, trống lên tỉnh rước tân Phó Bảng về Kim Liên vinh quy bái tổ nhưng ông một mình đi bộ về nhà. Dân xã trích 200 quan tiền quỹ để ông làm cỗ khao, nhưng ông chỉ nhận 10 quan mua trầu nước mời dân làng, còn lại chia cho người nghèo đói trong làng làm vốn. Ông viết lên xà nhà mấy chữ: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng” (đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình) để răn dạy con.

Viện lý do bị bệnh và để tang vợ, ông Sắc sau đó từ chối làm quan, chỉ ở nhà dạy học và giao lưu với nhiều sĩ phu yêu nước. Nguyễn Sinh Cung là người con được ông yêu thương và đặt nhiều hy vọng, đi đâu cũng thường cho đi cùng dù ông không hoạt động trong tổ chức nào kể cả phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, người bạn chí thân của ông. Khi ông Sắc tiễn ông Phan lên đường Đông Du đến cầu Hữu Biệt, ông Sắc đưa cho ông Phan một bài thơ: “Độc Lôi dừng gót nơi đây; Mé tây Hữu Biệt, cầu này tiễn anh; Tay vin chéo áo ngọn ngành; Mưa đơn, gió kép ta đành xa nhau”. Hai ông cùng chung tư tưởng yêu nước nhưng hành động khác nhau, chính điều này ảnh hưởng đến chí hướng của Nguyễn Sinh Cung.

Tháng 5/1906, triều đình Huế lại gọi ông Sắc ra làm quan, không có lý do từ chối, ông đành nhậm chức Thừa biện Bộ lễ cùng câu nói: “quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ lại càng nô lệ hơn). Theo cha vào Huế, Nguyễn Sinh Cung được học ở trường Pháp - Việt Đông Ba và Trường Quốc học, được tiếp xúc với nền giáo dục Pháp và văn minh Pháp. Tư tưởng tiến bộ của cha đã ảnh hưởng lớn đến Nguyễn Sinh Cung, thúc giục cậu đi đến những hoạt động như tham gia chống thuế và hình thành quyết tâm đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Ngày 29/5/1909 triều đình bổ nhiệm ông Sắc làm tri huyện Bình Khê, một huyện nhỏ miền núi nghèo của tỉnh Bình Định. Việc làm đầu tiên của ông là xử hòa tất cả những vụ kiện nông dân với nhau, ông nói: “Nước mất không lo, lo giành nhau cái bờ ruộng”. Với các tù chính trị, ông đều cho thả tự do. Khi quan trên thúc thuế còn thiếu, ông trả lời dân quá nghèo không có tiền để nộp. Khi Pháp bắt đi phu, ông trình công văn nói dân đói quá không còn sức mà đi phu. Ông thường bỏ huyện đường đi thăm dân và không xét xử các vụ kiện cáo, tranh chấp của bọn cường hào, ác bá địa phương nên các quan tỉnh, quan công sứ vô cùng căm tức ông, luôn tìm mọi cách quở trách, nhổ cái gai trong mắt chúng. Ngày 17/01/1910, Tạ Đức Quang - một tên địa chủ, là thuộc hạ của hai sĩ quan Pháp chỉ huy đồn Đồng Phó đã làm đơn tố cáo dân chúng lên huyện Bình Khê. Ông Sắc nhận đơn nhưng không xét xử nên tên này làm đơn kiện thẳng lên tỉnh. Ông Sắc nổi giận bắt y lên huyện đường đánh một trận roi rồi thả về. Một thời gian sau đó y ốm chết nên người nhà kiện ông Sắc lên triều đình Huế. Ngày 27/8/1910, bản án số 140 được triều đình Huế duyệt, ông Sắc bị giáng 4 cấp và bị triệt hồi. Trên đường vào Nam, Nguyễn Tất Thành có qua Bình Khê thăm cha, ông Sắc bảo con trai rằng: “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Câu nói của cha càng thôi thúc Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày 23/9/1910, Bộ Hình có tờ trình lên Hội đồng nhà vua và Khâm sứ Trung Kỳ như sau: “Nguyễn Sinh Huy (tức Sắc) vốn nên chiếu luật (có trình bày rõ) phải phạt giáng 4 cấp rồi chuyển đi xa. Nhưng lại xét Tạ Đức Quang bị đánh roi qua hơn 2 tháng sau bị ốm chết chứ không phải bị chết tức thì, tình có thể tha thứ. Xin đội gia ân đổi làm giáng 4 cấp mà lưu. Truy thu 10 lạng bạc cấp cho gia nhân người chết lo việc chôn cất”. Nhưng ông Sắc quyết từ bỏ quan trường trở lại đời thường theo ý nguyện.

Trên đường vào Nam, ông Nguyễn Sinh Sắc ghé qua Phan Thiết tìm Nguyễn Tất Thành nhưng không gặp. Ông Sắc vào Sài Gòn, ông bị mật thám liệt vào loại khả nghi nên bắt giam ông để thẩm vấn, may có một viên quan cùng học biết ông đã can thiệp để ông được trả tự do. Ông ngồi ở các địa điểm khác nhau để chữa bệnh cho nhân dân. Sau ông về ở chùa Linh Sơn, hàng ngày kê đơn, bốc thuốc, xem mạch chữa bệnh cho dân nghèo tại các hiệu thuốc Trường Thọ Viên và Tam Thiên Đường (nằm trên đường Lê Thánh Tông bây giờ)(*). Ngày 31/10/1911, từ Pháp, Nguyễn Tất Thành viết thư cho cha, nhờ một người bạn đi tàu thủy đem về nước nhưng bị mật thám thu giữ. Năm 1912, ông Sắc định đi Phan Thiết, giữa đường bị mật thám bắt, tra xét, ông quay lại Sài Gòn tiếp tục làm nghề bốc thuốc chữa bệnh và giao lưu với nhiều sĩ phu yêu nước Nam bộ. Ngày 15/12/1912, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Paul Thành viết thư gửi về nước cho cha nhưng vẫn không liên lạc được.

Năm 1913, ông Nguyễn Sinh Sắc được nhận làm cai phu đồn điền cao su ở Lộc Ninh. Hàng ngày ông chứng kiến cuộc sống cơ cực đói khổ của người dân phu và sự giàu sang, xa hoa của bọn chủ đồn điền sống trên mồ hôi, nước mắt, xương máu của người dân. Chỉ mấy tháng, ông bỏ việc về Sài Gòn tiếp tục việc chữa bệnh cho dân, ngày ở vỉa hè, tối về chùa Sắc Tứ Từ An ngủ và đọc sách Phật. Năm 1914, ông Sắc cùng Lương Ngọc Quyến bí mật sang Phnompenh (Campuchia) ở chùa Sùng Phước để cùng các nhà nho yêu nước bàn chuyện cứu nước. Ngày 03/3/1915, từ London (Anh), Nguyễn Tất Thành lại viết một bức thư ký tên Paul Thành thông qua lãnh sự nước Anh, nhờ Toàn quyền Đông Dương chuyển đến ông Nguyễn Sinh Sắc nhưng chính quyền không tìm được địa chỉ ông Sắc.

Cuối năm 1915, ông Sắc quay về Sài Gòn tìm hiểu thông tin về Nguyễn Tất Thành nhưng không được. Ông lại đi khắp vùng Bà Điểm - Hóc Môn và Bảy Núi, An Giang để làm nghề thuốc cứu dân nghèo. Đầu năm 1917, ông Sắc tình cờ gặp điền chủ yêu nước Lê Quang Hiển, quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ông Hiển biết tiếng ông Sắc nên mời ông về Cao Lãnh. Tại đây, ông Sắc gặp Trần Bá Lê, một người giàu có, từng ủng hộ phong trào Đông du. Ông Lê mời ông Sắc về ở hẳn trong nhà để dạy học và chữa bệnh cho bà con trong vùng. Vì nhà ông Lê đông khách nên ông Sắc muốn tìm nơi khác để ở. Ông Lê bèn dựng một ngôi nhà nhỏ bên bờ rạch Cái Tôm cho ông Sắc vừa làm nơi ở vừa tiện làm nơi bàn chuyện với những nhà yêu nước khác.

Cuối năm 1919, ông Sắc đi Sa Đéc gặp bạn rồi quay về Sài Gòn, ghé vào tiệm giặt là của ông chủ Ba Tiêu. Thấy ông Sắc, Ba Tiêu mở tủ lấy ra tờ báo Nhân Đạo của Pháp, trên trang nhất có đăng toàn văn bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm và bên dưới ký tên Nguyễn Ái Quốc. Với linh cảm của người cha vốn đặt nhiều hy vọng vào con trai út nên ông Sắc rất vui mừng. Năm 1921, ông Sắc đi đò ngược về Vĩnh Kim, Châu Thành (Tiền Giang) để chữa bệnh và vận động, cổ vũ phong trào yêu nước. Năm 1923, ông Sắc lại quay ra Phan Thiết. Tại đây, ông bị ốm, phải nhập viện điều trị và bị mật thám phát hiện. Chúng theo dõi và gửi điện báo cho Khâm sứ Trung Kỳ biết trong thời gian nằm viện, ông Sắc vẫn thường xuyên liên lạc với các sĩ phu yêu nước và những người chống Pháp. Ngày 29/11/1923, ông Sắc về đến Sài Gòn đến nhà em trai của Ba Tiêu ở nhờ mấy ngày, sau đó lại tới ngụ tại các chùa để tiếp tục bắt mạch, chữa bệnh. Gặp Lê Mạnh Trinh ở Sài Gòn trước khi đi Quảng Châu tham dự lớp học của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, ông Sắc nhờ nhắn cho con trai rằng: “Bác nghe nói Quốc đang ở Quảng Châu. Cháu gặp thì nói Bác vẫn khỏe, đừng lo, cứ cố gắng làm việc, trung với nước tức là hiếu với Bác”. Tháng 8/1927, ông Sắc bị ốm nặng khi đang ở chùa Linh Sơn (Sài Gòn), ông có nhắn tin cho con gái Nguyễn Thị Thanh lúc đó đang bị thực dân an trí ở Huế. Cô Thanh vội vào Sài Gòn thăm cha. Tháng 10/1927, ông Sắc dẫn con gái đi Sa Đéc, Cao Lãnh gặp những người quen (thật ra là những cơ sở yêu nước) rồi quay lại Sài Gòn. Tháng 4/1928, ông Sắc đi Cao Lãnh, đến ở nhà ông hương chủ Sành rồi chuyển đến ở nhà ông Năm Giáo bên bờ rạch Cái Tôm. Hàng ngày buổi sáng, ông đi ra chợ Cao Lãnh đến hiệu thuốc Hằng An Đường xem mạch, kê đơn, trị bệnh. Buổi chiều, ông ở nhà làm thuốc hoặc cùng bạn bè đàm đạo việc nước. Thấy ông hay đi và đi nhiều, có người hỏi nhà ông, quê ông ở đâu thì ông Sắc trả lời: “Nước mất, nhà đâu còn! Nước mất, quê đâu còn?”.

Ngày 12/5/1928, Thống đốc Nam Kỳ đã gửi công văn mật số 1416 yêu cầu chính quyền: địa phương: “Chỉ huy các đội lưu động theo dõi chặt chẽ bố đẻ của Nguyễn Ái Quốc cùng những người hay lui tới để giúp ông ta”.

Cuối năm 1929, ông Sắc ốm nặng ở chùa Hòa Long. Nhân dân đưa ông về nhà Năm Giáo để cứu chữa nhưng bệnh không thuyên giảm. Đêm ngày 26/11, ông nhờ người đỡ dậy, nói chuyện với các bạn hữu rồi đưa 150 đồng nhờ bà con mua áo quan và khâm liệm. Sáng ngày 27/11/1929, sau khi nhờ chuyển tập thư chữ Hán cho cô Nguyễn Thị Thanh và tặng người bạn một toa thuốc bí truyền, ông Nguyễn Sinh Sắc lịm dần rồi trút hơi thở cuối cùng, thọ 67 tuổi. Lễ an táng ông Nguyễn Sinh Sắc được cử hành vào sáng hôm sau trong niềm tiếc thương của nhân dân Cao Lãnh. Ông Năm Giáo nhận lập ban thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở trong nhà mình và lo hương khói, chăm sóc phần mộ của cụ.

Sau ngày đất nước thống nhất, khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc được Đảng, Nhà nước và nhân dân Đồng Tháp tôn tạo lại, khánh thành ngày 18/2/1977... Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhưng không ngừng nỗ lực vươn lên trở thành một trí thức khoa bảng nhưng luôn đau đáu nỗi niềm người dân mất nước, khi làm quan thì chỉ chuyên tâm giúp dân, khi trở về đời thường thì sống để giúp người, giúp đời, ông Nguyễn Sinh Sắc là một tấm gương trọn đời yêu nước, thương dân, một nhân cách lớn trong gia phả dòng họ và lịch sử dân tộc.

Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868 trong một gia đình nho học có truyền thống, vốn theo gia phả là ở Kim Động, Khoái Châu nay là Kim Thi, Hải Hưng. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, gia tộc họ Hoàng kéo quân vào Nghệ Tĩnh xây đồn lũy chống lại nhà Mạc và sau đó ở lại lập nghiệp. Ông nội bà là Hoàng Xuân Cẩn đậu 3 khoa Tú tài, ông ngoại Nguyễn Văn Giáp, đậu 4 khoa Tú tài. Thân sinh bà là cụ Hoàng Đường, một nhà nho có tiếng tăm trong vùng, mở lớp dạy học tại nhà. Thân mẫu bà là cụ Nguyễn Thị Kép, một người thông minh, thuộc nhiều làn điệu dân ca quê nhà. Bà lớn lên được thừa hưởng và tiếp thu nền tảng giáo dục yêu nước tiến bộ của gia đình. Năm 1883, bà kết duyên với ông Nguyễn Sinh Sắc. Chính nhờ sự lao động cần cù của bà và động viên lớn lao đã tạo cơ sở vững chắc cho ông yên tâm thi cử. Năm 1884 bà sinh cô con gái Nguyễn Thị Thanh. Năm 1888 bà sinh con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm. Năm 1890 bà sinh Nguyễn Sinh Cung (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1893, cụ Hoàng Đường qua đời, bà vẫn tiếp tục động viên chồng “trau dồi văn chương, dùi mài kinh sử” để đền đáp lại ơn nghĩa tình của cụ.

Từ năm 1883 đến năm 1894, bà là người giúp đỡ, tiếp sức cho chồng xây dựng nên nghiệp lớn. Năm 1894 kỳ thi hương năm Giáp Ngọ ông Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân, tuy nhiên hoàn cảnh gia đình vẫn không có gì thay đổi. Hàng ngày bà Loan vẫn miệt mài làm đồng, tối về bà vẫn tay bế con, tay vò gạo nhóm củi đun bếp. Bà còn dùng dây buộc võng vào bàn đạp khung cửi để khi ngồi dệt vải vẫn có thể kéo võng ru con ngủ. Cuối năm 1895 tạm biệt mẹ già, gửi lại cô Thanh, bà Loan cùng chồng và hai con trai vào Huế để ông Sắc học trường Quốc tử giám. Ở trọ tại ngôi nhà 112 đường Mai Thúc Loan, bà lấy nghề dệt vải truyền thống của quê hương để sinh sống từ năm 1895 đến 1898. Tuy nhiên, vuông vải dệt kiểu quê ở kinh thành ít người dùng, bà Loan phải học thêm nghề dệt gấm để có tiền công khá hơn. Ông Nguyễn Sinh Sắc dạy cho các con nền văn hoá bác học đậm chất yêu nước, thì bà Loan giáo dục các con nhân cách, đạo lý làm người qua văn hoá dân gian truyền thống bằng những lời ru, truyện kể.

Năm 1900, ở Huế bà Hoàng Thị Loan sinh người con trai út là Nguyễn Sinh Xin, cuộc sống vô cùng gian khó khiến bà đau ốm liên miên, cậu Nguyễn Sinh Cung vừa ẵm em thơ vừa lo thuốc thang chăm mẹ, nhưng đến ngày 10/02/1901 (tức ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý) bà Loan qua đời khi ở tuổi 33. Thi hài bà được mai táng ở núi Bân thuộc dãy Ngự Bình. Năm 1922 cô Thanh đưa mộ mẹ về vườn nhà. Năm 1942 cậu Khiêm chuyển hài cốt mẹ lên an táng ở núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ. Hiện nay khu mộ của bà Hoàng Thị Loan là một di tích lịch sử, một điểm du lịch thiêng liêng tại Nam Đàn, Nghệ An.

Cuộc đời bà Loan đã có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành tình cảm yêu thương, kính trọng, hết lòng vì mọi người, vượt khó, dám hi sinh vì lý tưởng lớn lao. Hình ảnh người mẹ không bao giờ phai mờ trong tâm trí Chủ tịch Hồ Chí Minh nên năm 1928 khi đang hoạt động bí mật ở Xiêm, một đêm vẳng nghe một bà mẹ Việt kiều ru con khiến Người xúc động: Xa nhà chốc mấy mươi niên; Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1

2. Kể chuyện về gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb. Thuận Hóa, 2007

3. Những người thân trong gia đình Bác Hồ. Nxb. Nghệ An, 2001

4. Chuyện kể về Bác Hồ. Nxb. Nghệ An, 2000

5. Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành, biên niên thời niên thiếu. Nxb. văn hóa thông tin & Nhà sách Thăng Long, 2010

* Cũng có tài liệu ghi là hai hiệu thuốc Phúc Thiên Đường và Tế Thiên Đường

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)