slider

Lãnh tụ Hồ Chí Minh trên chặng đường Pắc Bó - Cao Bằng

07 Tháng 04 Năm 2014 / 2478 lượt xem
Đỗ Hoàng Linh
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Ngày 15.3.1945, Tổng bộ Việt Minh phát Hịch kháng Nhật cứu nước, kêu gọi tập trung tổng lực cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và ngày 16.4.1945, ra chỉ thị về Việc tổ chức các Uỷ ban dân tộc giải phóng, coi đó là hình thức tiền Chính phủ tiến lên nắm giữ chính quyền cách mạng. Để thuận tiện cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước, sau khi gửi thư cho thiếu tá tình báo Mỹ Patti một bức thư và hai tài liệu đề nghị chuyển cho phái đoàn Mỹ ở hội nghị Liên Hợp Quốc kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, ngày 4.5.1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình từ Pắc Bó về Tân Trào. Đúng 8 giờ sáng tại Khuổi Nậm, Người tập hợp  tiểu đội du kích và hai sỹ quan Đồng minh Mỹ sang giúp ta về kỹ thuật vô tuyến điện, nói rõ ý nghĩa quan trọng của chuyến đi rồi trực tiếp phân công từng người, dặn dò cách giữ bí mật và cố gắng tránh đụng độ với địch để bảo toàn lực lượng. Người quy ước hiệu lệnh trên đường đi: “Nghe ba tiếng còi ngắn là có địch, tất cả phân tán nằm xuống; hai tiếng còi dài là báo yên, tập hợp lại”. Người cũng dịch lại bằng tiếng Anh cho hai người Mỹ hiểu. Khoảng 9 giờ đoàn lên đường. Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo Nùng, tay chống gậy song, đội nón chóp quai thao, khăn che gần kín mặt và đeo chiếc túi dết nhỏ có hai nút buộc dây. Buổi trưa, Người đến bản Thua Phia và nghỉ ăn cơm tại nhà đồng chí Nông Hiền Hữu- Chủ nhiệm Việt Minh châu Hà Quảng. Chiều tối, Người đến Đào Ngạn và nghỉ chân ở nhà đồng chí Nông Văn Giáo xóm Bản Nưa. Sáng ngày 5.5, lãnh tụ Hồ Chí Minh và đoàn công tác lên đường đi Lam Sơn. Từ ngày 6 đến 8.5, Hồ Chí Minh làm việc ở Lam Sơn, Người họp với các cán bộ Trung ương như Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Cáp cùng các cán bộ của Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng để bàn một số công việc chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 9.5, Người viết thư cho Phenn và Benard để cảm ơn họ đã giúp đỡ huấn luyện một số thanh niên Việt Nam sử dụng vô tuyến điện và những trang thiết bị khác cho cuộc đấu tranh chung chống Nhật và bắt đầu rời Lam Sơn đi Hào Lịch. Tiểu đội cận vệ đặc biệt do đồng chí Đặng Văn Cáp phụ trách đi theo bảo vệ Người. Buổi trưa, Người đến Bình Dương và ăn trưa ở Thìn Tăng. Buổi chiều, đoàn cán bộ tiếp tục hành trình đến bản Khuổi Lẩy. Ngày 10.5, Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ hành trình tới Ngân Sơn. Người yêu cầu đồng chí Đặng Văn Cáp quay lại Lam Sơn dựng một nhà chứa súng, tiếp tục công việc chế tạo và sửa chữa vũ khí để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa (đó là địa điểm mà sau này năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp tổng kết chiến dịch Biên Giới). Ngày 11.5, buổi sáng trời mưa to, buổi chiều đoàn cán bộ đến bản Hoàng Phài. Người nghỉ chân ở một gia đình cơ sở rồi sang thăm một lớp bình dân đang học gần đó. Sau bữa cơm tối, Người dự buổi gặp gỡ thân mật với các cán bộ và quần chúng địa phương và nói chuyện về tình hình cách mạng trong nước, trên thế giới. Ngày 12.5, Hồ Chí Minh và những đồng chí cùng đi tiếp tục hành trình đến Khuổi Mản và nghỉ đêm ở nhà đồng chí Đàm Ngọc Hải. Ngày 13.5, Đoàn cán bộ tiếp tục lên đường, Hồ Chí Minh vui vẻ kể chuyện cho mọi người quên mệt và chỉ cách cho các cán bộ trẻ cách chữa chân đau vì đi bộ nhiều, gần tối đến Chợ Rã. Sáng 14.5, Hồ Chí Minh lại lên đường, nghỉ ăn cơm trưa ở Pò Cót, chập tối thì đến Bản Chán. Ngày 15.5, Hồ Chí Minh gửi Bản sách đen và tập ảnh chụp người dân Việt Nam trong nạn đói Bắc kỳ cho Patti và yêu cầu ông ta chuyển cho Đại sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh để chuyển về Bộ ngoại giao Mỹ. Người cũng yêu cầu trung uý báo vụ Jhon của cơ quan OSS điện về Côn Minh đề nghị thả dù cho Người một quyển Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Đoàn công tác tiếp tục hành trình, chiều tối đến Bản Cải và nghỉ đêm ở đây. Ngày 16.5, đoàn đi qua khỏi Chợ Đồn thì nghe có tiếng súng Nhật ở châu lỵ nên rẽ vào rừng Khuổi Luông để nghe ngóng. Sau đó, Hồ Chí Minh cùng một số cán bộ đi vòng đường rừng ra khe Nậm Cảng và nghỉ ăn cơm chiều tại nhà ông Lý Quý ở bản Duồng. Ngày 17.5, Người tiếp tục cuộc hành trình và buổi chiều về tới Nà Kiến, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn thì gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đón. Ngày 20.5, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác đến địa phận tỉnh Tuyên Quang và nghỉ ăn trưa tại Pá Hóp, sau đó đi qua bản Pài, bản Pình rồi nghỉ tối ở bản Coóc.
Ngày 21.5, Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ đi qua làng Chạp, làng Nha, làng Đồn rồi vượt qua đèo Chắn đến Hồng Thái, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Người nghỉ chân ở đình Hồng Thái, sau đó vượt qua sông Đáy đi Tân Trào vào buổi trưa. Khoảng 16h, người dân ở Tân Trào nhìn thấy có một ông cụ mặc quần áo dân tộc cổ cao, hàng cúc giữa bằng vải nhuộm màu chàm đã bạc, tuy gầy yếu và mái tóc bạc quá nửa mà cặp mắt rất sáng, nghiêm nghị, vầng trán cao, giọng nói rõ ràng, ấm áp. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa Người cùng Đinh Đại Toàn, Tan, Maxim đến nhà ông Nguyễn Tiến Sự thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Lương Thị Khanh, nguyên cán bộ phụ nữ Cứu quốc xã kể lại trong hồi ký Bác Hồ ở Tân Trào: “Cơm nước đã sẵn sàng. Tôi đã dọn mâm lên, mời mọi người. Ông Cụ già cùng ngồi mâm với đồng chí Văn và mấy đồng chí khác nữa. Nghĩ đến người già có tuổi, đi đường xa, tôi lấy mấy quả trứng gà đặt vào mâm và mời Cụ. Cụ liền từ chối: "Gà đẻ ấp lấy con, sao lại đem mời chúng tôi". Thấy tôi mời mãi, Cụ đành phải nhận và mời mọi người cùng ăn. Bữa cơm đơn giản đã xong. Mọi người ngồi quây quần uống nước, hỏi thăm chuyện gia đình và công tác của tôi. Đồng chí Văn giới thiệu cho tôi biết người ngồi cạnh Ông Cụ già là đồng chí Đại Toàn: "Việc cần liên hệ với các đồng chí ở đây thì cứ trao đổi với Đại Toàn". Còn Ông Cụ già có vầng trán cao rộng, đôi mắt tinh nhanh, giọng nói ấm áp và rất đỗi hiền từ là ai, tôi không được biết. Song Ông Cụ là người có tuổi, mà vẫn tham gia cách mạng nên tôi rất tôn kính. Đối với các đồng chí khác, sự tôn kính còn được thể hiện trong mối quan hệ công tác.
Ông Cụ cùng đồng chí Đại Toàn và hai đồng chí nữa ở nhà tôi. Cụ mang theo một cái máy chữ, hành lý của Cụ rất đơn giản. Các đồng chí khác có cả điện đài. Gia đình tôi dành cho Ông Cụ và các đồng chí một gian để làm việc và nghỉ ngơi.
Thời gian ở nhà tôi, Ông Cụ và các đồng chí đều ăn cơm chung với gia đình. Lúc đầu tôi sắp cơm một mâm riêng cho Ông Cụ và các đồng chí. Nhưng Cụ nhất định không chịu, và mời cả gia đình tôi ngồi chung. Ông Cụ ăn được ít cơm lắm, mỗi bữa chỉ ăn được non hai lưng bát thôi. Ăn được ít, nhưng làm nhiều, tôi rất lo cho sức khoẻ của Cụ. ở nông thôn dạo ấy, rau xanh rất hiếm. Thấy tôi băn khoăn, hiểu ý, Ông Cụ liền hỏi: "Nhà ta có vừng không? có chè xanh không?" Tôi trả lời: "Vừng cũng có, còn chè xanh thì nhiều lắm". Rồi Cụ nói: "Thế thì không lo. Ta dùng măng chấm muối vừng, dùng chè xanh nấu canh lấy nước chan cơm thế là ngon rồi". Ông Cụ còn vận động gia đình tôi trồng rau muống. Cụ nói với nhà tôi (khi ấy là Chủ nhiệm Ban Việt Minh xã Tân Trào): "Chủ nhiệm phải vận động bà con dù chạy giặc, nhưng cũng phải khẩn trương làm mùa, không thì chết đói, cần trồng nhiều rau muống để ăn và nuôi bộ đội nữa. Sắp tới bộ đội sẽ còn về đông hơn".
Ở nhà tôi, Ông Cụ làm việc liên tục, rất ít khi nghỉ ngơi, thường thường cứ 4 giờ sáng là Ông Cụ dậy và đánh thức mọi người dậy tập thể dục. Ông Cụ rất năng tập thể dục buổi sáng. Tập xong, Ông Cụ vào nhà lấy khăn ra khe suối rửa mặt, sau đó về nhà ngồi vào chỗ làm việc. Tôi thấy lúc thì cụ đọc, khi thì viết, khi thì đánh máy, lúc thì hội ý v.v.., không phút nghỉ ngơi. Thấy vậy, tôi muốn đỡ việc giặt giũ cho Cụ. Tôi thưa chuyện đó với Đại Toàn. Nhưng Ông Cụ từ chối, vì Cụ không muốn làm phiền nhân dân. Hôm sau, tôi lại nói, lần này, Cụ không nỡ từ chối. Tôi đem áo của Cụ đi giặt, phơi khô, rồi khâu vá lại những chỗ bị rách và đứt chỉ. Làm việc suốt từ sáng đến trưa, cơm nước xong, không nghỉ, Ông Cụ lại đi. Có lúc thì Cụ đi dạo quanh làng một tí. Nhiều khi lại vào các gia đình để xem việc ăn uống và nghỉ ngơi của bộ đội. Khi quay về, Cụ lại tiếp tục ngồi vào chỗ làm việc cho đến lúc gia đình dọn cơm chiều. Trong ngày cũng có lúc Ông Cụ đi xem việc luyện tập của bộ đội. Có lần bộ đội đi lấy củi, có một số ít đồng chí không đi, Ông Cụ liền hỏi: Sao các đồng chí này không đi lấy củi? Có đồng chí trả lời: "Thưa Cụ chúng cháu không có dao". Ông Cụ liền nói: "Không có dao thì lên rừng dùng tay kéo, bẻ, rút lấy, ngày nắng phải đi lấy củi, lúc mưa mới có củi đun".
Tối đến Ông Cụ làm việc cho tới khuya mới chịu đi nghỉ.
Tuy bận nhiều việc, nhưng Ông Cụ vẫn dành thì giờ để nói chuyện với gia đình và bà con trong bản. Cụ thường gợi lên cảnh khổ của nhân dân ta dưới ách Nhật, Tây. Và Người nêu lên muốn thoát khỏi vòng nô lệ của Nhật, Tây thì chỉ có cách là đứng lên đánh đuổi bọn chúng, để giành lấy độc lập, tự do.
Đôi khi Bác đi thăm các gia đình trong bản và anh em bộ đội, Bác giảng giải cho các cán bộ Hội Cứu quốc hiểu rằng: “Ta bây giờ làm cách mạng, thay cũ đổi mới, sẽ không có vua quan nữa, nhân dân ta tự làm chủ xã hội ta. Muốn vậy, chúng ta phải đoàn kết, cùng một lòng đuổi giặc Nhật. Ví như nhiều chiếc đũa nếu đem bó lại thì khó có thể bẻ gẵy đấy, nhưng rời từng chiếc một thì rất dễ bẻ”.
Ngày 25.5, Hồ Chí Minh và ông Sự lên rừng tìm địa điểm làm nơi ở mới. Người mang theo la bàn và tổ vô tuyền điện. Đến lưng chừng đồi Nà Lừa, Người chọn làm nơi dựng lán. Cuối tháng 5, Người chuyển từ nhà ông Sự lên một chiếc lán nhỏ làm theo kiểu nửa nhà sàn giữa một khu rừng nứa lưng chừng đồi Nà Lừa. Dưới chân đồi là con đường mòn đi chợ Chu bên con suối quanh co uốn khúc. Chiếc lán nhỏ chia làm hai gian: một bên là buồng nằm của Bác còn bên kia bày chiếc bàn nứa vừa để làm việc và tiếp khách. Bác làm việc suốt ngày: đọc sách, soạn tài liệu, viết báo, dạy chính trị... ngoài ra Người còn hướng dẫn anh em tỷ mỷ về cuộc sống tập thể như cách sắp xếp đồ đạc, giữ gìn súng đạn, làm mẫu các động tác tập thể dục và cả cách vá quần áo và chọn rau rừng ngon. Đêm khuya nhiều lúc đang ngủ cũng bật dậy làm việc, Bác giải thích: “ Đang nghĩ được một vấn đề, phải dậy ghi lại cho khỏi quên”. Rất nhiều nhân dân và cán bộ các dân tộc đến thăm đồng chí Già, Bác tiếp đón rất ân cần cởi mở, nên dù là người Nùng, Tày, Mán khi gặp được Bác rồi đều rất kính phục và tin tưởng. Tiếng đồn bay đi khắp nơi: Có ông Cụ đã cao tuổi mà nhanhnhẹn, tài giỏi, tốt đến thế. Dân mình lắm người tài, phen này nhất định lấy lại được nước.
Tình hình biến đổi rất nhanh chóng, cuối tháng Năm,Hồ Chí Minh chỉ thị khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ (trường Quân chính kháng Nhật) tại Khuổi Kịch (đông bắc Tân Trào) do đồng chí Hoàng Văn Thái làm Hiệu trưởng kiêm chính trị viên. Sau khi phái một liên lạc viên trao tận tay Patti ở Côn Minh một thông báo về việc quân Nhật xây dựng công sự ở vùng Cao Bằng, dọc tuyến đường về Hà Nội, Người đến Trường quân chính kháng Nhật, thăm hỏi tình hình sinh hoạt, học tập của học viên và tình hình làm ăn của đồng bào...
Núi rừng Tân Trào trùng điệp vốn âm u, hoang vắng không tên tuổi, nhưng từ ngày lãnh tụ Hồ Chí Minh về đã đổi khác hẳn, nơi đây trở thành vùng rừng núi lịch sử oai nghiêm, nơi hội tụ tinh thần cách mạng của cả dân tộc, hiên ngang chờ đến giờ quật khởi giành chính quyền...
 
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh- biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H. 2006, tập II
2. Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. CTQG, H.2005, tập II
3. Hồi ký của ông Lưu Minh Đức (tức Lưu Khải Hoàn- nguyên báo vụ viên kiêm bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh) đang lưu tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)