slider

NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN CÂY DI TÍCH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH

30 Tháng 08 Năm 2011 / 3236 lượt xem
Nguyễn Văn Dương
Phòng Sưu tầm- Kiểm kê- Tư liệu
1, Về nguồn gốc, ý nghĩa
Khu vựcPhủ Chủ tịch - là một khu khá đặc biệt bao gồm  các công trình kiến trúc, ao và các thảm cỏ.... Trước đây không có nhiều loại cây như hiện nay. Nhưng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc từ tháng 12-1954, những khoảng đất trống hoặc cỏ dại mọc um tùm dần dần được cải tạo thành khu vườn trồng cây, trồng rau và trồng cây ăn quả (vú sữa, dừa, vải, nhãn, bưởi, táo, hồng...) và cây hoa (nhài, mộc, ngọc lan, dâm bụt, phượng vĩ, phong lan...), cùng một số giống cây khác (cọ dầu, tre, trúc, cây xanh bốn mùa...). Hiện nay, diện tích vườn cây xanh, thảm cỏ lên tới hơn 65.000 m2. Toàn bộ vườn cây Khu di tích có 1.271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài và một số cây chưa rõ nguồn gốc; trong đó có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Các loài cây ở đây được trồng xen kẽ nhau làm tăng sự hấp dẫn, sinh động của cảnh quan môi trường. Đây được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết, gắn bó hài hòa trong tổng thể Khu di tích, góp phần tạo nên giá trị và những nét đẹp sinh động, độc đáo trong bức tranh toàn cảnh về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Trong hệ thống những cây xanh đó, có một số cây đã gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh gần như suốt cả 15 năm Người sống và làm việc tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Những cây này, nay đã trở thành cây di tích đặc biệt, đó là những hiện vật sống, cần được giữ gìn, bảo vệbảo tồn nguyên vẹn. Có thể kể ra như: cây đa kiên trì, cây xanh bốn mùa, cây vú sữa, cây dừa nảy mầm từ một quả, cây bưởi Pômêlô,cây bụt mọc, ba cây cọ dầu, ngân hoa, dâm bụt, giàn hoa móc diều (hoa giấy)… Nhiều cây ở đây không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, mang đặc trưng của nhiều miền quê hương, đất nước; gắn với tình đồng chí, bè bạn quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc. Có cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay trồng và chăm sóc, có cây do Người đặt tên (cây xanh bốn mùa, cây lan vũ trụ, cây đa kiên trì…), lại có cây Người mang từ nước ngoài về hoặc đồng bào trong nước gửi tặng...; có loài cây góp phần tăng cường tình hữu nghị quốc tế, như cây bưởi là một ví dụ. Theo lời kể của đồng chí Hoàng Lương - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, có lần Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba sang thăm nước ta, ông đến thăm nhà sàn của Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch và được đồng chí phụ trách tặng một quả bưởi hái từ cây do Bác Hồ trồng. Vị Bộ trưởng mang quả bưởi về nước biếu Chủ tịch Phiđen Castơrô. Chủ tịch tặng lại quả bưởi đó cho Viện Trồng trọt. Viện đã lấy các hạt bưởi đem nhân giống rộng rãi, vào dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 95 của Bác Hồ (năm 1985), Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam tổ chức trọng thể lễ trồng cây bưởi của Bác Hồ tại vườn Bách thảo Cuba. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện tình hữu nghị, sự trân trọng của nhân dân Cuba anh em dành cho Bác Hồ nói riêng, cho dân tộc Việt Nam nói chung. Ngoài những cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây cảnh..., trong khu vườn Phủ Chủ tịch còn có rất nhiều loài hoa, mỗi loài hoa mang một màu sắc, hương thơm, một nét đẹp riêng. Trư­ớc nhà sàn và dọc theo con đường ven bờ ao phía đối diện, có hàng dâm bụt “đỏ hoa quê”, gợi nhớ cảnh làng Sen quê Bác. Hoa phong lan khoe sắc màu tinh khiết. Hoa bư­ởi, hoa cam, hoa vải, hoa xoài... toả hương thơm ngát. Những cây hoa ban màu trắng, màu tím được trồng xen kẽ như những nét chấm phá làm tăng sự sinh động, phong phú của vườn cây. Ven ao cá, hoa phượng đỏ thắm, hoa chàm liễu đỏ tươi, buông sát mặt nư­ớc, hoa sữa tỏa h­ương thơm ngát, ngọt ngào. Quanh ngôi nhà 54 là những cây hoàng lan, ngọc lan hương thơm dịu ngọt và giàn tigôn với những chùm hoa đua sắc tím hồng. Trước nhà sàn, những khóm mộc, sói, nhài, dạ hương, mẫu đơn đỏ, vàng được trồng trong các ô đất nhỏ làm cho không gian xung quanh ngôi nhà sàn luôn phảng phất hương thơm của hoa vườn.
Cùng các điểm di tích khác trong quần thể di tích ngoài trời ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, vườn quả Bác Hồ chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn cao cả. Có thể nói, mỗi một loài cây ở nơi đây đều mang những ý nghĩa, thông điệp cao đẹp, sâu xa và những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình yêu thiên nhiên, thương yêu con người; cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Người trồng cây không chỉ để lấy bóng mát, cho cảnh quan thêm đẹp, không khí trong lành, mà còn mang lợi ích kinh tế, xã hội và tính nhân văn sâu sắc.Nhận thức được giá trị và ý nghĩa to lớn của vườn quả Bác Hồ, cơ quan Khu di tích vẫn thường xuyên duy trì, phối hợp với trường Đại học Nông nghiệp I nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác bảo tồn, tu bổ và nâng cấp vườn quả để góp phần vào việc bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục cho khách trong nước cũng như khách quốc tế mỗi khi đến tham quan Khu di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
2- Thực trạng cây di tích tại Khu di tích Phủ Chủ tịch
Trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 4 thập kỷ qua, hiện nay, môi trường cảnh quan Khu di tích có những biểu hiện xuống cấp và cây xanh cằn cỗi do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như:
- Khu di tích nằm ở vùng khí hậu nhiêt đới nóng ẩm, mưa nhiều (lượng mưa trung bình hàng năm 1.600-1.700 mm, nhiệt độ trung bình 24-250C) là nơi có thể nói là trũng nhất so với các khu vực lân cận; số lượng cây trong vườn lớn, thuộc nhiều loài, nhiều họ, mỗi loài lại có hàng chục cá thể sống xen kẽ, việc trồng cây chưa khoa học mà theo ý chủ quan của con người, thiếu tính quy hoạch lâu dài và cũng chưa tuân thủ yêu cầu kỹ thuật về trồng trọt.
Cây xanh là sinh vật có sự sinh trưởng, phát triển và diễn thế riêng không giống hiện vật bảo tàng khác. Quần thể cây xanh có tái sinh, cạnh tranh phát triển, bệnh tật, già cỗi và thay đổi thế hệ nên tình trạng phát triển của các loài cây thường không đồng đều. Có những cây không quan trọng lại lớn nhanh, tán lá rộng, các cây cổ thụ lâu năm rậm rạp, um tùm, cành lá sum suê che bóng và hút hết các chất dinh dưỡng của cây bé hơn, cây di tích.
 - Sâu bệnh hại nhiều (nhiều về chủng loại, số lượng; nặng về mức độ phá hại. Một số loài phổ biến như rệp sáp, nhện đỏ, sâu đục cành, ruồi đục quả, bệnh thán thư, bệnh nấm phấn trắng… thường xuyên phá hại cây trồng). Với các loại cây hoa, cây cảnh, hàng rào cảnh đã già cỗi phát triển kém, lại bị sâu bệnh nên nhiều khu vực cây không thể sống được.
Cơ cấu giống trồng chưa hợp lý về số lượng chủng loại; giống lẫn, không đạt tiêu chuẩn giống tốt, trồng lẫn lộn, một số giống được đưa từ các nơi khác về nên không thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu ở khu vực này dẫn đến hiện tượng thoái hóa giống.
Trên một thảm cỏ không có tính đồng nhất, lẫn các giống khác nhau, mất mật độ, không bằng phẳng.
Vật tư cho công tác vun trồng và chăm sóc cũng thiếu và chưa kịp thời (như đất màu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đặc biệt phân chuồng là nhân tố cần thiết đối với sự phát triển bền vững của cây trồng).
Hệ thống tưới tiêu nước chưa thật hợp lý và kém hiệu quả, tốn nhiều công sức, một số khu vực cũng thiếu các điểm tưới.
Vấn đề vệ sinh môi trường như: việc gom rác thải (bao gồm các vật liệu như nilông, cành lá, cỏ dại, trong đó bao gồm cả những mầm bệnh hại…) với cách xử lý như hiện nay - tức là gom lại một chỗ để đốt - thì thực tế chưa thật hợp lý vì gây ra khói bụi, mầm bệnh chưa được xử lý triệt để…
Việc tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật của cán bộ bảo quản, chăm sóc cảnh quan môi trường cũng có những hạn chế nhất định, không được đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn. Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp bảo quản khoa học vào áp dụng ở đây chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công việc. Ngoài ra lượng khách tham quan ngày một đông, ý thức gìn giữ, bảo vệ cây cối và môi trường còn hạn chế, nên tác động và ảnh hưỏng không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển của vườn cây nói chung và đặc biệt là cây di tích nói riêng.
3- Giải pháp nhằm bảo tồn cây di tích tại Khu di tích Phủ Chủ tịch
Qua khảo sát thực trạng vườn cây ở Khu di tích, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn các cây di tích trong Khu di tích tại Phủ Chủ tịch như sau:
3.1. Cần khảo sát, nghiên cứu và lập quy trình chăm sóc, bảo quản đặc biệt cụ thể cho từng cây di tích để cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, kéo dài tuổi thọ cho cây. Đồng thời, cần có dự báo về khả năng sinh tồn của các cây di tích, lập kế hoạch phòng trừ những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh… làm tốt công tác bảo quản, phòng ngừa cây di tích: Ví dụ:
Đối với cây Vú Sữa, cần phòng chống mối sâu, rệp cho cây và lá, tổ chức cắt tỉa những cành khô, cành đã chết. Đồng thời, có biện pháp cắt tỉa hợp lý những cây cổ thụ xung quanh để tăng cường ánh sáng mặt trời cho cây. Tiến hành các biện pháp vệ sinh và chăm sóc bộ rễ cho cây, bằng các biện pháp tưới nước đủ vào mùa khô, thoát nước úng vào mùa mưa, săm, sới bón phân đúng loại theo định kỳ nhằm tăng dinh dưỡng và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây;
Cây Bưởi Pômêlô mã số 52 (lô A3), dù đã hơn 40 tuổi nhưng vẫn cho quả tốt, tuy có ít dần nhưng vẫn bảo tồn tại chỗ bằng cách: sau thu hoạch cắt tỉa cành tăm, cành bị sâu bệnh, quét nước vôi vào thân, gốc cây, tập trung bón nhiều phân hữu cơ, hạt ngô xay, hạt đậu tương nghiền nhỏ. Tạo điều kiện cho rễ cây thông thoáng bằng cách xới đất, bón phân nông để rễ ăn lên, ra rễ mới. Cây sẽ dần hồi phục và sống lâu;
Các cây dừa di tích: Cây dừa 2 mầm và dừa xiêm, hàng năm cần chăm sóc đầy đủ, chu đáo bằng kinh nghiệm: Dọn cỏ, bóc bẹ, xỏ nách bẹ lá của ngọn cây, cho muối ăn vào túi vải dắt vào các bẹ lá. Ngoài ra, cũng cần bón thêm phân hữu cơ và NPK xung quanh gốc;
Cây đa kiên trì đã trồng được gầy 50 năm nay đã cao lớn, già nua cần thay lớp đất màu dưới rễ, bổ sung vào đó một lượng chất vi sinh đặc biệt để đất có thể tơi xốp hơn. Ngoài ra, cần cắt, tỉa những cành vươn quá cao, bị gẫy hoặc sâu bệnh ra khỏi cây và bọc polyme kín tại các "vết mổ" của cây để tránh mục nát...;
5 cây bụt mọc ở ven ao cá do ặc tính gỗ có tinh dầu nên hay bị sâu bệnh, mối ăn làm cành mục, thân bị mục rỗng, hiện tượng cây tầm gửi xâm lân nhiều... vì vậy cần diệt các loại cây sống bám có hại như sung, đa, si…sống trên cây mẹ, có rễ ôm chặt lấy thân làm thắt nghẹt cây mẹ. Ngoài ra đối với những cây có cành mục, sâu bệnh, mối ăn phải cắt bỏ hoặc diệt tận gốc. Đặc biệt với cây có sâu đục thân phải dùng xi lanh phun thuốc Vôfatốc, sau đó đắp thuốc và xi măng phía ngoài;
Cây vũ trụ (2 cây Y lan) Bác đã trồng nhân sự kiện Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ chinh phục không gian, do 2 cây này có đặc tính phát triển rất mạnh về chiềo cao nên có khả năng bị đổ khi gặp gió to hoặc trời bão, cần phải tăng cường sự ổn định của cây bằng cách thiết kế đai giữ cây, giữ cành kết hợp hệ thống dây chằng theo kiểu tháo lắp nhanh neo giữ. Đồng thời hạn chế cây sinh trưởng bằng cách làm chậm sự phát triển của bộ rễ khiến cây phát triển chiều ngang;
Cây xanh bốn mùa ở đầu hồi nhà sàn có đặc tính cây ưa nơi thoáng mát. Nhưng thực tế mật độ cây ở đây rất dày, tán cây đan xen vào nhau ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình quang hợp của cây. Nên cần tỉa cành, tạo tán từng loại cây để vườn cây đồng đều, độ cao vừa phải, thông thoáng, đảm bảo yêu cầu ánh sáng tối thiểu cho từng loài cây. Ngoµi ra cần bón phân mùn (hữu cơ), tăng bùn ao, tưới nước đều để tăng sức điều hoà cho cây phát triển tốt;
Cây phong lan ở đầu nhà 54 có đặc tính ưa ẩm ướt trong quá trình sinh trưởng phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng nhưng không chết, Vì vậy cần tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Ngoài ra, lan là cây cũng dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp...
Đối với các cây nhỏ, cây bụi, cây leo... trồng phía sau nhà sàn;, hoa giấy, dâm bụt... trong Khu di tích là những cây Bác thường chăm sóc, lấy hoa, làm quà tặng khách... Những loài cây này có tuổi đời không dài, hiện đang già cỗi, cần cải tạo lại đất, bồn hoa và bón phân và gây lại giống mới, để tạo ra một thế hệ mới có sức phát triển mạnh, thay thế cây cũ ví dụ có thể lai tạo các giàn cây Móc diều ở áp nắp hầm cạnh nhà sàn và ở giàn hoa Phủ Chủ tịch. Noài ra, có thể chiết ghép các mắt cây có hoa tím, trắng, đỏ, hồng, vàng vào thì sẽ tạo được cảnh quan có hoa rực rỡ trong trong bốn mùa, kinh nghiệm về cây này phải học ở thảo cầm viên thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; Phục hồi lại và chăm sóc thúc đẩy các giàn hoa Ang-ti-gôn, Đai vàng là cây có hoa rực rỡ cả trong mùa đông và dịp tết ở cạnh nhà 54 và trước sân cơ quan;...
3.2. Khu di tích cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học có kinh nghiệm thực tế về quá trình phát triển và bảo tồn cây di sản Việt Nam, để khảo sát, đánh giá một cách khoa học và toàn diện về hiện trạng các cây di tích. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến của những người làm vườn có am hiểu về từng loại cây để hiểu về đặc điểm sinh học và khả năng kéo dài tuổi thọ của chúng. Đáp ứng yêu cầu này, cần phải tính đến khả năng tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về cây di tích trong vườn Bác và phương pháp bảo tồn cho "di tích sống" này. Thiết tưởng đây cũng là một việc làm cần thiết và không nên chậm trễ như đối với cây đa cổ thụ Cổ Loa, cây đa Tân Trào hay cây đa cổ thụ Đường Lâm…
3.3. Tiếp tục điều tra, bổ sung và lập hồ sơ đầy đủ và chi tiết cho từng loại cây để có tư liệu cần thiết khi phục hồi lại cây đã bị mất hoặc cảnh quan di tích như lúc sinh thời Bác Hồ. Đồng thời, cần đánh số treo biển và theo dõi tình hình sinh trưởng định kỳ cho cây. Duy trì nghiêm ngặt việc ghi chép tình hình phát triển, sâu bệnh hoặc những dấu hiệu bất thường của cây di tích để có biện pháp xử lý kịp thời.
3.4. Phải có kế hoạch nghiên cứu biện pháp bảo tồn gen cho các cây di tích quý hiếm, để khi cây mất đi phải thay thế đúng và kịp thời, nhất là các cây chỉ có ít cá thể và các cây ở các vị trí đặc biệt trên vườn như: Ngân hoa, Bụt mọc, Dừa, Săng xanh, Đa kiên trì, Vú sữa, Lê-ki-ma, Bưởi, Xoài... Ngoài ra, phải nhân giống dự trữ các cây: Ngân hoa, Săng xanh, Trường xanh, Dầu rái, Sau sau, Chòi nhai, Đinh, Sến cát. Đồng thời, cần sớm phục hồi lại vườn ươm như đã có văn bản thỏa thuận với Hội làm vườn thành phố Hà Nội để kết hợp việc bảo tồn gen với viêc trồng sẵn một số cây thay thế đúng loại, đúng giống phù hợp với thổ nhưỡng và vùng khí hậu Hà Nội để sử dụng khi cần thiết. Ví dụ, đã trồng thay thế cây Xanh bốn mùa, cây Đa rễ vòng ở gần nhà Sàn. Hai cây này đã bị chết tự nhiên khoảng năm 1985, sau đó đã được trồng thay thế lại đúng vị trí của cây trước đây; Cây Xanh bốn mùa ở đầu hồi nhà 54 bị chết vào tháng 9-1994 (chưa rõ nguyên nhân), cũng nhờ có việc nhân giống vô tính trong vườn thực nghiệm nên đã tạo sẵn được một cây từ cây mẹ cao gần 8m để trồng thay thế phục hồi cây đã chết và đến nay cây này vẫn phát triển bình thường.
3.5. Cần đưa công tác bảo quản khoa học dần thay thế cho bảo quản thông thường nhưng phải đảm bảo nguyên tắc bảo tàng học, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào công tác chăm sóc, bảo quản và áp dụng những kết quả nghiên cứu thu được từ các đề tài khoa học vào thực tiễn trong công tác bảo quản tại Khu di tích.
3.6. Cần bồi dưỡng kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn của những người trực tiếp làm công tác bảo quản giữ gìn cảnh quan. Tiến tới chuyên môn hóa đội ngũ này để có thể phát huy được tính năng động, khả năng sáng tạo và chủ động trong công việc, gắn liền đời sống của người lao động với sự phát triển bền vững của Khu Di tích.
3.7. Cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ, bảo quản, thuyết minh và hướng dẫn viên du lịch trong việc tuyên truyền, nhắc nhở khách tham quan về ý thức gìn giữ, bảo vệ cây di tích nói riêng và cảnh quan môi trường nói chung .
Trên đây là mấy ý kiến trong việc chăm sóc, bảo tồn cây di tích trong vườn  quả Bác Hồ, nhằm góp phần vào việc bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục cho đồng bào trong nước cũng như bạn bè quốc tế mỗi khi đến thăm quan Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)