slider

NHỮNG ẢNH HƯỞNG, TÁC ĐỘNG CỦA KHÁCH THĂM QUAN ĐẾN AO CÁ BÁC HỒ TRONG KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

07 Tháng 06 Năm 2013 / 2999 lượt xem
Đỗ Hoàng Linh
PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia, thuộc loại hình bảo tàng lưu niệm sinh hoạt đời sống danh nhân Hồ Chí Minh. Nguyên tắc mang tính đặc trưng đồng thời nhiệm vụ chính của loại hình bảo tàng này là bảo tồn nguyên vẹn di tích đúng như lúc sinh thời danh nhân. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định: Bảo quản tốt khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để bày tỏ lòng biết ơn và đời đời nhớ công lao to lớn của Người, để động viên toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Suốt 12 tháng trong năm, trên lộ trình đi thăm thông thường trong Khu di tích, hàng triệu du khách sẽ lần lượt thăm quan một tập hợp các di tích bất động sản, động sản và cảnh quan môi trường, ao cá, các loại hoa, cây cảnh trong vườn..., vì vậy công tác duy trì, tôn tạo và bảo vệ Ao cá Bác Hồ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn, nó góp phần đóng vai trò không nhỏ vào tính nguyên trạng bền vững, ổn định và tạo điều kiện phát huy cao nhất các giá trị về văn hoá, lịch sử của Khu Di tích nói chung và địa danh Ao cá Bác Hồ nói riêng.
Trên thực tế, toàn bộ môi trường cảnh quan của Khu di tích đã, đang và sẽ tiếp tục bị tác động, ảnh hưởng và xuống cấp bởi những nguyên nhân: tự huỷ và thoái hoá theo thời gian; cháy, khô hạn; ngập úng; thiên nhiên, thời tiết; côn trùng, động vật gây hại; sự chậm trễ khắc phục, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa của các bộ phận chức năng và sự vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm của du khách thăm quan Khu di tích và tất nhiên, Ao cá không phải là một ngoại lệ. Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, danh từ riêng Ao cá Bác Hồ đã trở nên nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, nó gắn liền với đời sống giản dị, thanh bạch, tao nhã của một vị Chủ tịch nước trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử và cũng là nơi đầu tiên gây dựng đàn cá giống rất ý nghĩa cho phong trào Ao cá Bác Hồ phát triển khắp các địa phương. Với vị trí đắc địa, gắn liền với cuộc đời một danh nhân văn hoá suốt 15 năm từ 1954- 1969, Ao cá luôn luôn là một trong những điểm di tích thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách thăm quan trong và ngoài nước đến thăm di tích, thậm chí người ta đã rút gọn tên gọi của Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thành: Khu Nhà sàn- Ao cá Bác Hồ! Tuy nhiên, chính vì rất quan tâm, tìm hiểu thông tin về Ao cá trước khi thăm quan và tập trung mọi chú ý để xem cá mà rất nhiều khách thăm quan đã vô tình quên đi ý thức bảo tồn di sản và tinh thần trách nhiệm đối với một di tích quốc gia đặc biệt. Trong phạm vi của bài viết này, xin được đề cập đến những ảnh hưởng trực tiếp của khách thăm quan - đối tượng vừa là khách thể tạo nên sức sống của Khu di tích và nâng cao giá trị thực tiễn của Ao cá, nhưng đồng thời lại là chủ thể gây tác hại đến chất lượng môi trường sinh thái và đàn cá trong Ao cá Bác Hồ. Những tác động, ảnh hưởng này của du khách được thống kê theo hành trình thăm quan các điểm di tích chính.
1, Ngay từ lúc bắt đầu chuyến thăm quan Khu di tích, hầu hết khách thăm quan đều hướng sự chú ý tới Ao cá- Nhà sàn, rất mong muốn được tận mắt nhìn thấy những con cá chép đỏ, đen bơi vào cầu ao nổi lên đợi ăn theo hiệu lệnh vỗ tay và háo hức muốn tự tay cho cá ăn, gọi cá lên. Vì vậy theo tuyến đường đi, bắt đầu từ phòng làm việc Nhà 54, nơi có cây xanh bốn mùa, nhiều khách thăm quan đã cho trẻ em đứng trên bờ tường để nhìn cá, một số người còn trèo lên ngồi để vừa chụp ảnh vừa xem cá và thản nhiên nhét vỏ chai nước vào khe các cột trang trí bờ tường, sau đó tiếp tục thăm quan. Kết quả là đã có cột trang trí bị gãy rời ra, một số chai nước rơi xuống ao kéo theo nước thừa, rác bẩn. Thậm chí một số khách Trung Quốc còn gạt tàn thuốc lá rồi ném cả đầu lọc thuốc lá xuống ao cho cá ăn.
2, Trên đoạn đường nối từ nhánh đường nhỏ dọc bờ tường ao ra tuyến đường chính, khách thăm quan, nhất là các đoàn học sinh tổ chức đi thăm quan theo trường, lớp học đã đùn đẩy nhau, thi nhau hỏi về cá chép đỏ. Các em vỗ tay, hò hét vặt lá cây, nhặt hoa, cành cây trên đường ném xuống ao xem cá có nổi lên không? Những ngày đông khách thăm quan, dòng người dồn lại đi chậm đoạn ngã ba đường xoài và gốc cây Bụt mọc cổ thụ, một số thanh niên nghịch ngợm còn chui qua rào chăng dây thép, dẫm vào bãi cỏ để bám vào bờ tường ao nhòm cá khiến nhiều cháu nhỏ bắt chước theo, làm hỏng cả bãi cỏ, ảnh hưởng đến hình dáng rễ cây Bụt mọc là giống thực vật quý hiếm, độc đáo, gắn liền với cảnh quan ao cá cần được giữ gìn, bảo vệ.
3, Lúc đến được cầu ao trước nhà sàn thì mong muốn của nhiều khách thăm quan không được đáp ứng vì diện tích cầu ao trước nhà sàn rất nhỏ hẹp, chỉ có thể dành ưu tiên hạn chế cho một số đoàn khách có hướng dẫn của cán bộ Khu di tích hoặc đoàn ngoại giao được dừng xem cá, còn khách thăm quan theo dòng người vẫn tiếp tục đi, nếu dừng lại sẽ gây ùn tắc kéo dài, bởi đoạn đường dẫn vào nhà sàn vốn nhỏ hẹp. Vì thế đa số khách thăm quan sau khi thăm nhà sàn, trên đường ra sẽ túm tụm trên cầu xi măng để thử cố gắng vỗ tay gọi cá. Và dù cho có gọi được cá hay không, dù thấy cá vàng hay cá đen lượn lờ thì họ vẫn nhiệt tình ném thức ăn xuống ao cho cá, nào bánh mỳ, bánh ngọt, kẹo, có người còn đi mua bim bim ở quầy dịch vụ rồi chạy ngược đường sang đưa cho con em mình thả xuống ao; một số em nhỏ không có gì cho cá ăn được thì vứt cả lá cây, cành cây, cục đất vụn… xuống ao xem cá có ăn không? Bởi vậy, chất lượng nước ao sẽ liên tục bị bẩn, ô nhiễm và cá trong ao dễ dàng bị lây bệnh từ yếu tố con người bên ngoài.
4, Khi sang đến cầu ao đối diện với cầu ao chính nhà sàn, nhiều khách thăm quan trong nước, đặc biệt là thanh thiếu niên lại tiếp tục ùa xuống gọi cá, ném các vật lạ xuống ao để làm mồi với hy vọng cá chép đỏ sẽ nổi lên. Vào buổi chiều các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, thường xuyên có những đôi nam thanh nữ tú lấy cớ xem cá -gọi cá nhưng thực ra muốn ngồi hóng mát, tâm sự ngay tại cầu ao. Trong cảnh cây xanh gió mát, họ vô tư thò chân xuống ao khoắng nước cho mát hoặc rửa tay rồi té nước ra xa để nghịch cá, vừa tạo ra cảnh tượng không mỹ quan, làm hỏng sự trang trọng của di tích, vừa gây mất vệ sinh ao cá.
5, Trên đường ra, tại góc bên ngoài nhà y tế của cơ quan cũng là nơi bắt đầu bờ tường bao quanh ao cá và cũng là điểm dừng tạm thời của nhiều đoàn khách để nghỉ chân, chụp ảnh, tranh thủ đi mua đồ ăn, nước giải khát. Địa điểm này đặc biệt đông đúc, chật chội vào những ngày thời tiết nóng bức vì tại đây có bóng cây xanh, lại ngay bên bờ ao gió thoáng mát, nhiều gia đình chọn nơi này để dừng nghỉ, chụp ảnh kỷ niệm, ngồi trên bờ tường ăn uống, giải khát rồi sau đó vội vàng ra đi, quên cả ý thức vệ sinh công cộng, vứt đồ thừa, vỏ bọc, giấy gói xuống các gốc cây ven ao, một số đồ bị gió thổi bay ra nổi trên mặt ao nhìn rất phản cảm.
Trước thực trạng của tình hình và những hiện tượng khái quát điển hình gây ảnh hưởng đến Ao cá đã nêu trên, với lưu lượng khách thăm quan ngày càng đông (ví dụ năm 2012 vừa qua là 2,4 triệu lượt khách), để bảo tồn một cách tốt nhất cảnh quan môi trường chung của Khu di tích, trong đó đặc biệt giữ gìn, bảo vệ di tích Ao cá Bác Hồ không bị ảnh hưởng bởi rác thải, ô nhiễm, mất vệ sinh, giữ an toàn cho đàn cá cảnh, liên tục phục vụ khách thăm quan lâu dài và hiệu quả, xin kiến nghị một số giải pháp cần tổ chức thực hiện ngay như sau:
1, Nhân dịp tu bổ, cải tạo Ao cá định kỳ năm 2013, cơ quan Khu di tích nên phối hợp với Viện nghiên cứu, nuôi trồng thuỷ sản I nhằm tìm ra một giải pháp khoa học, hiệu quả nhất nhằm giảm số lượng cá thịt, giống tạp và tăng số lượng cá màu đỏ và nhiều màu sắc khác nổi bật trong ao để khách thăm quan có cơ hội nhìn thấy cá, hạn chế những hành động thiếu ý thức, bột phát do bức xúc vì đến từ địa phương xa Hà Nội mà không được nhìn thấy rõ cá chép đỏ trong Ao cá Bác Hồ như các phương tiện thông tin, tuyên truyền vẫn thường đề cập đến hoặc vì khách thăm quan quá hiếu kỳ, vô ý thành quá khích, gây tác hại cho môi trường Ao cá. Ngoài ra, có một thực tế là vào những hôm trở trời (từ nóng sang lạnh, ngược lại và đặc biệt những hôm trời nồm ẩm), rất nhiều cá chép đỏ nổi lên mặt nước, bơi tản ra khắp ao để thở, chính vì vậy mà khách thăm quan trên đường thăm nhà sàn và quanh ao cá đều thích thú chụp ảnh, bàn tán rất hồ hởi nhưng hoàn toàn không gây tắc đường hoặc có những hành động ảnh hưởng tới đàn cá cảnh.
2, Nên chăng có phương án di chuyển, bổ sung thêm một đàn cá cảnh phụ (nhất là cá chép màu) ra đoạn góc đuôi ao chỗ qua cầu xi măng để du khách có thể nhìn thấy cá chép đỏ nổi lên, đáp ứng phần nào mong muốn của khách thăm quan Nhà sàn- Ao cá Bác Hồ. Để đảm bảo an toàn cho khách thăm quan khi xem cá ở đây, cơ quan có thể tận dụng một số rào chắn kim loại có chân (hiện không sử dụng, đang xếp tại góc vườn cạnh phòng bảo vệ) để chắn quanh khu vực hình thang ở đuôi ao.
3, Cơ quan cần thường xuyên nhắc nhở nội quy bảo vệ cảnh quan môi trường, cây hoa cảnh và Ao cá Bác Hồ trong quá trình thăm quan di tích, trước hết đối với những đoàn khách tập thể trên lộ trình thăm di tích. Đối với khách quốc tế, cơ quan có thể dịch những thông báo này sang một số ngôn ngữ chính như: Anh, Pháp, Trung, Hàn, rồi phát cho các hướng dẫn viên các đoàn khách nước ngoài mỗi khi vào mua vé để họ phổ biến cho đoàn khách của mình. Đối với những khách lẻ nước ngoài đi thăm quan thì cũng tuỳ ngôn ngữ phát kèm theo tờ giới thiệu khi họ vào cổng mua vé.
4, Tăng cường thêm các chốt bảo vệ hoặc giao cho phòng bảo vệ cử người đi tua đều đặn qua các điểm thăm quan quanh Ao cá hiện nay vẫn thường xảy ra những hiện tượng tác động tiêu cực đến cá và Ao cá như:
- Khu vực đường nhánh từ nhà 54 ra đến ngã ba đường xoài.
- Khu vực trên đường ra sau khi thăm nhà sàn, trên cầu xi măng.
- Khu vực cầu ao đối diện với cầu ao chính trên đường ra (nơi này hiện nay do những người chụp ảnh đang tổ chức phục vụ du khách, nên cơ quan cũng cần phải thường xuyên yêu cầu họ phối hợp nhắc du khách thực hiện nội quy thăm quan di tích).
- Khu vực góc nhà y tế và khu dịch vụ (thuộc chốt bảo vệ ở bờ ao)
5, Tất cả cán bộ nhân viên, người lao động của các phòng trực tiếp liên quan đến việc phục vụ khách thăm quan như phòng Duy trì cảnh quan Môi trường, phòng Bảo quản di tích, phòng Tuyên truyền Giáo dục và lực lượng bảo vệ tại chốt đều phải nâng cao trách nhiệm nhắc nhở, góp ý với khách thăm quan về ý thức bảo vệ cảnh quan di tích nói chung cũng như di tích Ao cá nói riêng mỗi khi chứng kiến những trường hợp khách thăm quan không tuân thủ quy định về bảo vệ di tích, Ao cá và đàn cá trong ao. Bộ phận quản lý dịch vụ và các nhân viên bán hàng cũng cần có ý thức giữ vệ sinh và thường xuyên nhắc nhở khách thăm quan vứt rác, bao bì, vỏ hộp nước ngọt, thực phẩm thừa và giấy kem vào đúng chỗ quy định… Với những khách thăm quan cố tình vi phạm và không tiếp thu góp ý, phê bình của những người có trách nhiệm, cơ quan Khu di tích mà trực tiếp là lực lượng bảo vệ, lực lượng phối hợp phải có chế tài xử lý theo Nội quy chung để làm gương.
 Với một số ý kiến về thực trạng tác động, ảnh hưởng của khách thăm quan đối với di tích Ao cá Bác Hồ và một số phương án giải quyết cụ thể, hy vọng sẽ góp phần vào công tác giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nói chung và Ao cá Bác Hồ nói riêng một cách tốt nhất để phục vụ khách thăm quan trong nước và quốc tế vào thăm di tích quốc gia đặc biệt này./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)