slider

NHỮNG DỤNG CỤ Y TẾ ĐÃ DÙNG CHỮA BỆNH CHO CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI GIAN TỪ NGÀY 24-8-1969 ĐẾN NGÀY 2-9-1969

09 Tháng 10 Năm 2009 / 2964 lượt xem
       Nguyễn Thị Bình
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
 
            Thực hiện chỉ thị của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch về việc gìn giữ các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải trưng bày các hiện vật ở Khu Di tích như khi Người còn sống và làm việc tại đây. Khu Di tích đã đề nghị Tổng cục Hậu cần và Quân y Viện 108 của Bộ Quốc phòng chuyển giao các hiện vật là các dụng cụ y tế đã được sử dụng để chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người lâm bệnh nặng để Khu Di tích lưu giữ, bảo quản và giới thiệu với khách tham quan.
        Ngày 21-8-1995, Viện Quân y 108 đã chuyển giao cho Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch một số dụng cụ y tế đã dùng phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Người mệt nặng từ ngày 24-8-1969, đến ngày 2-9-1969. Tổng số hiện vật được chuyển giao là 42 đơn vị, trong đó có 8 hiện vật gốc, 7 hiện vật đồng thời và 27 hiện vật đồng loại. Trước khi được chuyển giao cho Khu Di tích, số hiện vật này đã được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại phòng truyền thống của Quân y Viện 108. Trong quá trình lập hồ sơ khoa học  cho các hiện vật trong bộ sưu tập y tế dùng để chữa bệnh cho Bác, để biết được ý nghĩa, tác dụng của bộ sưu tập, chúng tôi đã tìm gặp, trao đổi, với các đồng chí trước đây đã được trực tiếp phục vụ, khám chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người lâm bệnh nặng từ ngày 24-8-1969 đến ngày 2-9-1969:
- Bác sĩ Hồng (cùng bác sĩ Đào Trọng Xuân- Trưởng khoa X quang) là người trực tiếp chụp X quang cho Bác. Lúc đó ông là y sĩ trung cấp được tuyển chọn vào Ban y tế phục vụ Bộ Chính trị. Hiện ông công tác tại Trung tâm khám chữa bệnh quân đội tại 28A Điện Biên Phủ- Hà Nội. Bác sĩ Hồng cho biết: Bộ Chính trị Trung ương Đảng lo cho sức khoẻ của Bác, đã huy động tất cả các y, bác sĩ giỏi nhất của Việt Nam và nhờ đến cả sự giúp đỡ của các y bác sĩ giỏi của Liên Xô, của Trung Quốc, cùng với các dụng cụ y tế hiện đại, tối tân nhất, các loại thuốc tốt nhất (lúc bấy giờ) để chữa bệnh cho Bác. Đơn vị được chọn để chữa bệnh cho Bác là Quân y Viện 108, Tổng cục Hậu cần. Các bác sĩ, y tá cùng các dụng cụ y tế, thuốc men đưa đến chữa bệnh cho Bác, với tinh thần và trách nhiệm cao nhất để việc chữa bệnh cho Người được tốt.
- Ông Bùi Đức Thắng - Đại tá chủ nhiệm khoa Trang thiết bị và một số cán bộ, chiến sĩ của Quân y Viện 108. Sau khi kiểm tra sổ ghi chép, đồng chí Thắng đã khẳng định chiếc máy thở tự động với tên gọi là PO-2 của Liên Xô sản xuất (nằm trong số 42 hiện vật đã chuyển giao cho Khu Di tích- Phủ Chủ tịch) đã được dùng để chữa bệnh cho Bác. Lúc đó giáo sư Nguyễn Xuân Bích, giáo sư đầu ngành, Chủ nhiệm khoa Gây mê Hồi sức thấy cần thiết phải có máy thở tự động này để theo dõi sức khoẻ cho Bác nên đã ra lệnh đặt máy này. Đồng chí Bích là người trực tiếp thường xuyên theo dõi sức khoẻ cho Bác. Tất cả các máy đưa lên dùng để chữa bệnh cho Bác chỉ có máy mới mà không dùng máy cũ. Trong số máy chuyển cho Khu Di tích, chỉ có chiếc máy thở tự động PO-2 là còn sử dụng được. Máy này sau khi dùng để chữa bệnh cho Bác còn tiếp tục được sử dụng để chữa bệnh cho thương bệnh binh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Còn máy hút dịch XQ- 30b của Trung Quốc sản xuất, lúc đó được đồng chí Đinh Ngọc Lâm ra lệnh đưa đến Phủ Chủ tịch để đề phòng Bác bị sặc đờm, ngạt hoặc thức ăn làm tắc nghẽn nên cần phải cấp cứu ngay. Khi sử dụng, y tá đưa một đầu ống vào hút đờm, cho thức ăn ra.
- Chị Ngô Thị Oanh - Y tá trung cấp thuộc Ban Tài chính, bệnh viện Trung ương, Quân đội 108 cho chúng tôi biết: Chiều ngày 23-8-1969, chị Oanh và chị Quý được lệnh gọi đi công tác đặc biệt. Cùng đi có ông Bích - chủ nhiệm khoa hồi sức cấp cứu và ông Phúc - bác sĩ khoa nội. Nhiệm vụ của các chị y tá là phục vụ Bác ăn, uống thuốc và các công việc khác khi các bác sĩ Trung Quốc truyền dịch. Giờ ăn của Bác được các bác sĩ chỉ định trong những khoảng thời gian như sau: 6h, 9h, 12h, 15h,18h, 21h, ăn từng ít một, nhiều lần ăn. Chị Oanh kể cho chúng tôi nghe với giọng đầy xúc động: Khi tỉnh, Bác còn hỏi các chị chuyện quê hương, chuyện gia đình và còn nhắc mấy anh cảnh vệ ra vườn ngắt mấy bông hoa mang vào để Bác tặng mấy cháu gái. Chị Oanh đã được Bác tặng một bông hồng, chị mang về ép vào cuốn sổ tay cho đến mãi sau này mới thất lạc. Chị Oanh còn kể, sức khoẻ của Bác rất yếu nên đến ngày 30-8-1969 Viện Quân y 108 có bổ sung thêm chị Láng, chị Thanh phụ trách về thuốc cho Bác và có thêm bác sĩ Thi là bác sĩ dinh dưỡng để theo dõi chế độ ăn uống của Bác.
- Ông Nguyễn Thế Khánh - Giáo sư, bác sĩ, Trung tướng, nguyên Viện trưởng Quân y Viện 108, người đã trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày Bác mệt nặng cuối tháng 8-1969, hiện đã nghỉ hưu ở số nhà 84 phố Cửa Bắc. Ông Khánh cho chúng tôi biết: Trước đây ở nước ta không có chiếc máy thở tự động. Mãi đến năm 1969, nước ta nhập được 2 máy đầu tiên. Một cái dùng cho Bác, sau đó chuyển về A11 Quân y Viện 108.
- Đồng chí Vũ Kỳ cho biết: Trong khi Bác mệt nặng, lúc thiếp đi nhưng khi tỉnh lại Bác vẫn luôn quan tâm đến những tin chiến thắng ở hai miền, bắn được bao nhiêu máy bay Mỹ, mức nước sông Hồng lên cao bao nhiêu, đã báo động cấp mấy… Tất cả những tin quan trọng như vậy Bác đều quan tâm, mặc dầu bệnh của Bác rất nặng.
Sau khi được các đồng chí trực tiếp phục vụ khám chữa bệnh cho Bác thuộc Quân y Viện 108 cung cấp cho chúng tôi những thông tin, chi tiết về các dụng cụ y tế đã được dùng để chữa bệnh cho Người trong thời gian Người mệt nặng từ ngày 24-8-1969 đến 2-9-1969, chúng tôi xin được liệt kê tên gọi, công dụng, ý nghĩa của 42 hiện vật này:
1. Máy hút phẫu thuật: Máy hút dịch XQ-30b sản xuất tại Trung Quốc bằng kim loại, thân máy màu ghi, dây dẫn màu đen và đỏ, có chiều cao 56cm, rộng trên 23cm rộng dưới 44cm, số máy 413. Máy đã được dùng để hút đờm, dịch trong phổi, phế quản của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người khó thở.
2. Máy quang kế ngọn lửa của Liên Xô sản xuất năm 1967, số máy 682023, điện áp 220v, làm bằng kim loại, màu đen, có chiều cao 36cm, đáy nhỏ 15cm đáy lớn 20cm. Máy dùng để phân tích máu và đo các chất điện giải trong máu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó dùng dòng điện đốt lên để các bác sĩ xét nghiệm chẩn đoán bệnh và có biện pháp cứu chữa kịp thời.
3. Máy X quang xách tay của Nhật, làm bằng kim loại màu đen, cao 36cm, đáy nhỏ 15cm, đáy lớn 20cm. Máy dùng để chụp X quang cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi chụp, treo máy lên cao, chụp thẳng vào người bệnh nhân, phím để dưới người bệnh nhân.
4. Máy kích thích phá dung tim tác dụng làm nhịp tim đập đều và không bị rung. Dùng khi tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh đập không đều và nhịp đập bị rung.
5. Máy thở tự động Po-2 của Liên Xô sản xuất, số máy 6873, làm bằng kim loại màu ghi, dây dẫn mầu đen, chiều cao 1,28m, rộng đầu máy 44cm và 58cm, nặng 140kg. Trên máy có đồng hồ theo dõi khí ôxy vào ra trong phổi để biết được nhịp thở của bệnh nhân. Máy dùng để chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người khó thở, giúp phổi làm việc bình thường. Lúc Bác ngừng thở đã dùng nội khí quản đưa vào khí quản của Bác.
        6. Khay men được làm bằng sắt tráng men, màu ghi trắng do Trung Quốc sản xuất, có kích thước 18cm x26cm. Dùng đựng kéo, kẹp bông băng, kim tiêm, thuốc… trong khi chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
         7. Khay quả đậu bằng sắt tráng men màu xanh lơ, có kích thước 18,5cm x11cm, do nhà máy sứ Hải Dương sản xuất. Khay dùng để đựng dụng cụ khi tiêm, chích thuốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
         8. Dây dẫn lưu làm bằng cao su màu ghi, có chiều dài 1,2m, được chuẩn bị sẵn để đề phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh bị mổ thì phải dùng để đưa chất thải ra ngoài.
9. Ông nghe bằng cao su do Trung Quốc sản xuất, dùng để nghe tim, phổi, nghe khi đo huyết áp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
10. Đồng hồ đo huyết áp bằng nhựa và cao su, dây đo màu hồng, đồng hồ màu trắng, vải màu xanh đen, có chiều dài 90cm. Đồng hồ có dây nối với ống nghe đã được dùng đo huyết áp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng ngày.
11. Ca bằng sắt tráng men mầu xanh do nhà máy sứ Hải Dương sản xuất có chiều cao 12cm, đường kính 8,5cm. Ca được dùng để Chủ tịch Hồ Chí Minh nhổ đờm, nước bọt trong thời gian Người bị mệt nặng.
12. Dây dẫn bình ôxy bằng cao su màu nâu, có chiều dài 5m. Dùng trong lúc cấp cứu, tiếp ôxy cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
13. Hộp thử đờm bằng nhựa màu trắng, cao 1,5cm đường kính 8cm, dùng đựng đờm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa đến Quân y Viện 108 xét nghiệm, xác định bệnh cho Người.
14. Găng tay bằng cao su màu vàng nhạt dài 22cm, rộng 11cm, được đem dự phòng, chưa sử dụng
15. Bơm tiêm Trung Quốc loại 10Ml bằng nhựa trắng, có chiều dài 13cm, chu vi 7cm. Bơm tiêm này dùng tiêm thuốc cho Bác và dùng hút huyết thanh ngọt để truyền cho Bác.
16. Kéo bằng kim loại mầu trắng, có chiều dài 16cách mạng, dùng để cắt bông băng khi chữa bệnh cho Bác.
17. Giường bằng kim loại mầu trắng, có chiều cao 1,1m, dài 2m, rộng 0,9m. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nằm chữa bệnh trên chiếc giường này từ ngày 24-8-1969 cho đến khi Người qua đời ngày 2-9-1969.
18. Xe để dụng cụ y tế bằng kim loại mầu ghi và mầu trắng, có chiều cao 0,7m, rộng 0,46 x 0,63cm, xe do Hung-ga-ri sản xuất. Xe dùng để các dụng cụ y tế cần thiết phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xe có 4 bánh nên rất cơ động trong lúc phục vụ Người.
19. Đèn rọi một bóng do Trung Quốc sản xuất, làm bằng kim loại màu ghi sáng, có chiều cao 1,35m. Đèn có một bóng, cần dẻo dùng để tập trung rọi ánh sáng khi các bác sĩ khám chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
20. Hộp hấp bông băng bằng kim loại màu ghi do Liên Xô sản xuất, có chiều cao 13cm, đường kính 24 cm (cái to cao 16cm, đường kính 31cm). Hộp dùng để hấp dụng cụ y tế bông băng, phục vụ việc chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
21. Kẹp gắp dụng cụ bằng kim loại màu trắng, có chiều dài 14cm, dùng để gắp bông băng trong lúc chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
22. Đồng hồ đo dung lượng ôxy, dùng những lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh khó thở trong thời gian từ ngày 24-8-1969 đến ngày 2-9-1969. Khi Người qua đời đồng hồ còn chỉ lượng ôxy có trong bình.
23. Nỉa có mấu bằng kim loại màu trắng, dài 14cm, dùng kẹp bông băng, kẹp mạch máu trong lúc chữa bệnh cho Bác.
         24. Chiếc gối tay bằng vải phin màu trắng, dùng để kê tay cho Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi khi cần tiêm thuốc hoặc truyền dịch. Chiếc gối tay này đã được sử dụng liên tục trong thời gian từ 24-8-1969 đên 2-9-1969.
         25. Bơm tiêm bằng thuỷ tinh màu trắng, do Trung Quốc sản xuất loại 5ml, có chiều dài 11cm, chu vi 5,5cm. Dùng để tiêm thuốc (lượng ít) và truyền huyết thanh ngọt cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
26. Kim tiêm bằng kim loại màu trắng do Trung Quốc sản xuất. Gồm 5 chiếc kim tiêm đã được dùng tiêm thuốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, 2 chiếc dài 3cm, 1 chiếc dài 2,5cm, 1 chiếc dài 4cm, 1 chiếc dài 5cm
27. Ống nội khí quản bằng cao su màu trắng, có chiều dài 32cm, dùng để bơm ôxy vào phổi cho Chủ tich Hồ Chí Minh lúc Người khó thở.
         28. Ống may o bằng nhựa màu trắng, có chiều dài 11cm. Ống được dùng để kênh 2 hàm răng của bệnh nhân để bệnh nhân khỏi cắn vào lưỡi.
29. Ăm pu ngạt bằng cao su màu đen, có chiều dài 30cm, chu vi 39cm, dùng để giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thở khi Người bị khó thở vào những lúc mất điện không chạy được máy phải dùng tay bóp.
30. Dây ga rô bằng cao su màu xanh, có chiều dài 1,09m, dùng để buộc chặn  mạch máu, tìm ven để tiêm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
31. Lọ nút mài bằng thuỷ tinh màu trắng, có chiều cao 9cm, chu vi 15cm, dùng để đựng cồn phục vụ việc chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người mệt nặng.
32. Lam máu bằng thuỷ tinh màu trắng, có kích thước 7,5cmx 2,5cm: 6 chiếc lam này đã dùng để xét nghiệm máu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
33. Bầu hút máu bằng thuỷ tinh màu trắng, có chiều dài 12cm, dùng hút máu ở đầu ngón tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh đem đi xét nghiệm.
34. Khăn mặt bông bằng vải sợi màu hồng nhạt có kích thước 28x29cm, dùng để kê tay Chủ tich Hồ Chí Minh khi các bác sĩ lấy máu ven của Người để xét nghiệm.
35. Dây truyền dịch bằng nhựa màu trắng, có chiều dài 1,8m, dùng để truyền dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người mệt nặng.
36. Túi dịch truyền bằng nhựa mầu trắng kích thước 26cmx12cm, dây dẫn dài 1,6m, dùng để đựng dịch, huyết thanh mặn, ngọt truyền vào cơ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
37. Chai huyết thanh ngọt Glucôza loại 5%, làm bằng thuỷ tinh màu trắng, cao 22cm, chu vi 26cm, dùng để đựng huyết thanh, nước muối sinh lý mặn tiếp truyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
38. Khăn trải bàn bằng vải phin màu trắng có chiều dài 1,77m, rộng 1,16m dùng để phủ bàn, trên đặt các loại dụng cụ y tế đã dùng chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
39. Vịt tiểu do Trung Quốc sản xuất, làm bằng sắt tráng men màu trắng, có chiều cao 25cm, đường kính 13cm. Dùng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi tiểu.
40. Xe đẩy bình ôxy bằng kim loại mầu đen, có chiều cao 1,2m, dùng để đặt bình ôxy, và đưa bình ôxy di chuyển dễ dàng phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người khó thở.
41. Lọ đựng thuốc thử máu bằng thuỷ tinh màu trắng, có chiều cao 5,5cm, chu vi 8,5cm, dùng để thử máu, xác định lượng hồng cầu, bạch cầu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
42. Chiếc gối đầu bằng vải màu trắng, vỏ gối có kích thước 74cmx 63cm, ruột gối: 48cmx 38cm. Gối do Văn phòng Phủ Chủ tịch chuẩn bị cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người chữa bệnh từ tháng 7-1967 đến ngày 2-9-1969.
Ngoài 42 hiện vật trên, còn chiếc cáng và chiếc xe ô tô đã dùng để chở thi hài Bác nhưng hiện nay chưa có hồ sơ khoa học đầy đủ.Chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ cho những  hiện vật nêu trên.
Trên đây là danh mục bộ sư­u tập hiện vật gồm 42 đồ dùng y tế đã đ­ược sử dụng vào việc chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Ng­ười mệt nặng từ 24/8 đến 2/9/1969. 42 hiện vật này đã đ­ược nghiên cứu, xác định khoa học, xây dựng hồ sơ pháp lý và đang đ­ược lư­u giữ, bảo quản tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Người đã sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối đời mình. Những hiện vật này là vật chứng chứng kiến những giây phút cuối cùng trước khi Người từ biệt thế giới này. Với giá trị và ý nghĩa lịch sử sâu sắc như vậy, bộ s­ưu tập các dụng cụ y tế này cần đư­ợc giới thiệu rộng rãi cho khách tham quan trong và ngoài nước khi đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được tận mắt nhìn thấy những hiện vật là những dụng cụ y tế đã được sử dụng phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người mệt nặng đang được trưng bày, người xem sẽ phần nào hiểu đư­ợc tình cảm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã tập trung trong việc chăm lo sức khoẻ cho Người.
     
Ảnh: Hiện trạng bộ đồ y tế dùng chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (9-1969)

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)