slider
Phát triển kinh tế số

Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

16 Tháng 06 Năm 2014 / 28066 lượt xem

Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ xuất sắc trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hoà bình tự do và tiến bộ xã hội đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới đương đại. Nhân dân Việt Nam suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Người Việt Nam đẹp nhất", tiêu biểu cho tinh hoa khí phách của dân tộc. Thế giới tôn vinh Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất". Những địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, hoạt động ở trong nước hay nước ngoài đều trở thành di tích lịch sử quý báu. Cuốn sách này sẽ giới thiệu về nơi ở và làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch-khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia có tầm cỡ quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây từ tháng 12/1954 đến tháng 9/1969. Trong 15 năm đó, Người đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho Cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, dân tộc dân chủ, vì hoà bình và tiến bộ xã hội của thế giới.

Những tài liệu, hiện vật và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nơi đây được bảo tồn nguyên vẹn như khi sinh thời Người sống và làm việc. Những giá trị lịch sử, văn hoá, đạo đức, thẩm mỹ của Khu di tích không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, tính khiêm tốn giản dị, tinh thần cách mạng và tình yêu tha thiết với nhân dân đất nước của Bác Hồ kính yêu mà còn mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc, nhất là vào giai đoạn cách mạng hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong tiến trình hội nhập quốc tế, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh mãI mãI là biểu tượng nhân cách vĩ đại của các thế hệ Việt Nam và bạn bè thế giới.

Cuốn sách này giới thiệu những điểm di tích chính về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch:

- Phủ Chủ tịch - nơi Hồ Chủ tịch làm việc với cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước.

- Nhà 54 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và  làm việc từ tháng 12/1954  đến  tháng 5/1958

- Nhà sàn - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở  và làm việc từ  tháng 5/1958 - đến tháng 8/1969.

- Nhà bếp A-nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng

- Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và tiếp khách.

- Phòng trưng bày bộ đồ y tế dùng để chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người lâm bệnh từ ngày 24-8-1969 đến ngày 2-9-1969.

- Phòng trưng bày 3 chiếc xe ô tô đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Các di tích ngoài trời: ao cá, đường xoài, giàn hoa Phủ Chủ tịch, vườn cây.

Phủ chủ tịch 

Toà nhà đồ sộ, bề thế, sang trọng cao bốn tầng nhìn thẳng ra đường Hùng Vương là điểm di tích đầu tiên trong hành trình tham quan  Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Trong thời gian thực dân Pháp thống trị, toà nhà này được gọi là Phủ toàn quyền Đông Dương vì đây là nơi ở và làm việc của các Toàn quyền Đông Dương. Công trình mang phong cách thời Phục hưng này do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lichten Fenđơ thiết kế, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (1900 - 1906). Quy mô và phong cách kiến trúc của tòa nhà dường như muốn thể hiện quyền uy và sức mạnh của nước Pháp ở Đông Dương. Diện tích sử dụng của tòa nhà gần 1300 mét vuông. Toàn bộ toà nhà có trên 30 phòng; mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng. Mỗi khi có một viên Toàn quyền lên thay thế, toà nhà lại được trang trí, sửa chữa lại theo ý thích của người chủ mới. Từ ngày toà nhà hoàn thành xong đến khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời đã có 29 đời Toàn quyền và Quyền Toàn quyền đến ở và làm việc tại đây. Pôn-Bô (Paul Beau) là Toàn quyền đầu tiên. Toàn quyền cuối cùng là Đờ-Cu (Decoux), sau đó ông ta giữ luôn chức Cao uỷ ở Đông Dương và Thái Bình Dương.

Từ năm 1945 đến năm 1946, phát xít Nhật rồi đến quân đội Trung Hoa dân quốc chiếm giữ toà nhà này. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai thì nơi đây lại trở thành trụ sở cao nhất của chính quyền thực dân. Toà nhà này chỉ thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ, Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô sau chín năm kháng chiến anh dũng và gian khổ. Với lòng kính yêu lãnh tụ, với mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Hồ Chủ tịch và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi Người đón tiếp khách trong nước, quốc tế, các đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ đã mời Người về ở và làm việc tại Phủ Toàn quyền xưa, nhưng Người đã khước từ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Trước kia đây là Phủ Toàn quyền, nhưng việc xây dựng nên công trình kiến trúc này là bàn tay của những người thợ Việt Nam. Bây giờ nhân dân được tự do, đất nước được độc lập, quyền làm chủ toà nhà phải thuộc về nhân dân. Người đề nghị sử dụng toà nhà làm nơi làm việc và tiếp khách của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam. Từ đó toà nhà được gọi là Phủ Chủ tịch. Nơi đây đã diễn ra những hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước. Căn phòng sang trọng nhất - nơi có 5 vòm cửa lớn ở chính diện toà nhà là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.

Tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra những phiên họp Hội đồng Chính phủ đề ra đường lối chủ trương, chính sách nhằm củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng miền Bắc vững mạnh, chăm lo đời sống của nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh giải phóng ở miền Nam đi đến thống nhất đất nước và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ tại Phủ Chủ tịch tiến hành từ ngày 23/12 đến ngày 25/12/1954. Trong cuộc họp lần này Chính phủ đã tổng kết tình hình đất nước năm 1954 và hoạch định phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch cụ thể cho năm 1955. Trong phiên bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Do thắng lợi mà có thêm nhiều việc, khó khăn sẽ nhiều hơn nhưng thuận lợi cũng nhiều hơn. Vì vậy mọi người phải ra sức cố gắng, đoàn kết chặt chẽ hơn và hết sức tránh chủ quan. Cần giữ kỷ luật công tác nghiêm ngặt hơn và chỉnh đốn lại lề lối làm việc. Như thế thì ta sẽ khăc phục được khó khăn và phát triển được thuận lợi".

Tháng 3 năm 1955, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá I được triệu tập. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội được tổ chức tại Hà Nội sau ngày hoà bình lập lại. Quốc hội đã thông qua những nhiệm vụ cấp thiết nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đấu tranh đòi hoà bình thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các vị đại biểu Quốc hội tại căn phòng trang trọng nhất của Phủ Chủ tịch. Trong buổi tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một lần nữa ý chí của toàn dân: Kiên quyêt đấu tranh để đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

Các phiên họp từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1955, Hội đồng chính phủ đã thảo luận và đi đến quyết định về quốc ca, quốc kỳ, quốc huy của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tháng 9 năm 1955, trước yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và đòi hỏi của tình hình cách mạng, đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất được tiến hành. Đại hội lần này quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay thế cho Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, nói chuyện với các đại biểu về dự Đại hội tại Phủ Chủ tịch. Người đánh giá cao vai trò của Mặt trận trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trong công cuộc xây dựng đất nước và đấu tranh thống nhất nước nhà Người chủ trương: "Đoàn kết tất cả những người thực sự yêu Tổ quốc, yêu hoà bình không phân biệt họ thuộc đảng phái nào, tôn giáo nào, tầng lớp nào và quá khứ họ đã hợp tác với phe nào".

Phủ Chủ tịch còn là nơi diễn ra những cuộc tiếp đón Mười lăm năm ở, làm việc tại khu vực Phủ chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Nhà nước Việt Nam với một số vị nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng các nước anh em, đại sứ các nước đến trình quốc thư. Tại đây Người cũng đón tiếp, gặp gỡ các đoàn nghệ thuật, thể thao, các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, các tổ chức quần chúng… và bạn bè khắp nơi trên thế giới đến với Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp cách mạng và giúp đỡ nhân dân Việt Nam xây dựng cuộc sống mới. Những buổi tiếp đó đã để lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam với những người đồng chí thân thiết, nhân dân và những người yêu tự do, hòa bình, công lý và tiến bộ trên toàn thế giới. Cũng tại một căn phòng nhỏ ở tầng hai tòa nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đọc lời chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài mỗi dịp năm mới. Trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp gần 1000 đoàn đại biểu trong và ngoài nước.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chủ tịch qua đời (ngày 2 tháng 9 năm 1969), Phủ Chủ tịch trở thành một trong những di tích lưu niệm về Người được Nhà nước xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng. Song, cũng từ đó đến nay toà nhà này vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước ta vẫn được tiến hành trọng thể ở đây.

Nhà 54

Sau khi dành toà nhà Phủ Toàn quyền cũ để Nhà nước làm việc và tiếp khách quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn một ngôi nhà nhỏ gần bờ ao để ở và làm việc. Ngôi nhà này vốn là nơi ở của một người thợ điện nằm trong khu vực dành cho các nhân viên phục vụ cho toàn quyền Đông Dương trước đây. Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà này từ tháng 12 năm1954, vì vậy ngôi nhà được gọi tắt là Nhà 54. Đến tháng 5 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển sang ở Nhà sàn ở phía bên kia bờ ao cá, nhưng hàng ngày Người vẫn trở về nơi đây để dùng cơm và khám sức khoẻ định kỳ. Bởi vậy Nhà 54 là nơi gắn bó với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời.

Nhà 54 chỉ có ba phòng nhỏ, phía giáp ao là phòng làm việc và cũng là nơi Người tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, trong cùng là phòng ngủ. Mọi đồ dùng sinh hoạt của Người ở đây rất đơn giản nhưng được xếp đặt ngăn nắp, khoa học.

Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng chứa đựng những giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Nơi đây đã diễn ra những hoạt động quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng Việt Nam đứng trước những thách thức lớn. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhưng nền kinh tế vô cùng nghèo nàn, lạc hậu do bị chiến tranh tàn phá, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn. ở miền Nam, đế quốc Mỹ sử dụng hệ thống cố vấn, viện trợ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm để phá hoại Hiệp định Giơnevơ, âm mưu thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài: hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà.

Tại Nhà 54, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước về đường lối cách mạng hai miền Nam - Bắc, đưa ra những chủ trương, chính sách cụ thể vừa phù hợp với thực tiễn của đất nước, vừa giải quyết những yêu cầu cơ bản của cách mạng Việt Nam. Người đã viết gần 400 bài báo đề cập đến những vấn đề: độc lập dân tộc, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đường lối phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng nền quốc phòng và đường lối ngoại giao, quân sự... 

Để động viên nhân dân nhanh chóng khôi phục kinh tế miền Bắc, tháng 02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước thi đua sản xuất và tiết kiệm. Người chỉ rõ: Đó là một cuộc thi đua yêu nước, ý nghĩa rất to lớn. Đồng bào hăng hái tham gia phong trào thi đua này là đồng bào đã góp phần vào công cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ cả nước”.

Cùng với đường lối khôi phục và phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hoá giáo dục để phục vụ những yêu cầu mới của cách mạng. Người khẳng định, văn hoá - giáo dục là một mặt trận trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Công tác giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng hơn bởi: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế và văn hoá”. Người chỉ rõ nhiệm vụ của ngành giáo dục là đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa, phát triển toàn diện, ngày càng nâng cao nhiệt tình yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nâng cao ý thức làm chủ tập thể, có trình độ khoa học kỹ thuật cao. Vào mỗi dịp năm học mới, từ ngôi nhà nhỏ này, Người đều gửi thư mừng khai giảng tới các trường đại học, cao đẳng, phổ thông. Người căn dặn các thầy cô giáo và học sinh: “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng của giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân”. Nhiều tập thể giáo viên và học sinh đã được Người gửi thư khen và tặng huy hiệu của Người. Tại phòng ăn Nhà 54 có treo một chiếc nhiệt kế để Chủ tịch Hồ Chí Minh tiện theo dõi thời tiết hàng ngày. Khi thấy nhiệt độ xuống dưới 10oC, Người không quên nhắc đồng chí Bộ trưởng Bộ giáo dục cho học sinh cấp I nghỉ học để đảm bảo sức khoẻ cho các cháu. Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo đến việc xây dựng một đội ngũ trí thức mới, đủ năng lực đảm đương và gánh vác sự nghiệp phát triển đất nước lâu dài. Theo chủ trương của Người, hàng ngàn thanh niên Việt Nam đã được lựa chọn và gửi đi đào tạo ở các nước bạn. Chiếc đài đặt ở phòng ăn là sự ghi nhận của Người về thành tích học tập của đoàn thực tập sinh về rađiô và vô tuyến truyền hình khoá học 1967 – 1969 tại Hungari.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người coi sự vững mạnh của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Để xây dựng Đảng vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tới việc giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, tác phong cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Tại ngôi nhà này,  Người đã viết cuốn sách “Đạo đức cách mạng”, trong đó Người phân tích rõ khái niệm, mục đích, phương pháp rèn luyện đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Song song với việc giáo dục đạo đức, phẩm chất cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới việc nâng cao dân trí. Người quan niệm giặc dốt nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm, đặc biệt là cán bộ đảng viên phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị và tri thức văn hoá, khoa học kỹ thuật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về tinh thần học tập không mệt mỏi. Mặc dù bộn bề công việc nhưng hàng ngày Người vẫn dành thời gian để đọc sách báo trong nước và nước ngoài. Việc đọc sách báo đối với Người không chỉ là yêu cầu công tác cách mạng mà còn là nhu cầu, là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống hàng nhật. Trên giá sách trong phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay còn lại hơn 300 cuốn thuộc mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế, văn hoá - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật lịch sử v.v... Trong đó có nhiều cuốn của các nhà kinh điển, các học giả và các nhà văn hóa của nhiều nước. Với những cuốn sách cần được phổ biến rộng rãi, sau khi đọc Người chuyển cho văn phòng để các đồng chí cán bộ khác cùng đọc. Người chỉ giữ lại những loại sách cần nghiên cứu lâu dài hoặc những sách của các tác giả gửi tặng. Trong số sách để lại, có rất nhiều sách viết bằng các thú tiếng Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga… mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc nguyên bản vì Người sử dụng được nhiều ngoại ngữ.

Đồng thời với việc lãnh đạo nhân dân miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá - giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơnevơ, thực hiện tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Người khẳng định: "Thống nhất là con đường sống của nhân dân ta". Tại Nhà 54 này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng loạt bài tố cáo chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm cố tình vi phạm hiệp định Giơnevơ trong việc tổ chức bầu quốc hội riêng rẽ và cho công bố Hiến pháp Việt Nam cộng hoà. Người cũng đã nhiều lần viết thư gửi Uỷ ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ bày tỏ quyết tâm bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Ngày 22 tháng 12 năm 1955, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Thời đại mới (ấn Độ), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Dù khó khăn to lớn đến thế nào, chúng tôi tin chắc sẽ hoàn thành được độc lập và thống nhất đất nước chúng tôi ..., Không gì ngăn cản được mặt trời mọc. Không ai có thể đi ngược ý nguyện của nhân dân”.

Trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu nhiều đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta đi thăm chính thức các nước như: Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô (1955), Anbani, Ba Lan, Bungari, Cộng hoà dân chủ Đức, Hunggari, Nam Tư, Tiệp Khắc, Triều Tiên, Rumani (1957); ấn Độ, Miến Điện (1958). Những chuyến đi đó đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ được nhiều hơn sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, tại Nhà 54 còn lưu giữ nhiều hiện vật là những món quà của bè bạn quốc tế tặng Người như: chiếc bàn tròn của Chủ tịch Cu Ba Phi Đen Catxtrô, bức tượng nhà thơ Khuất Nguyên của nhân dân Trung Quốc đặt tại phòng ngủ; Phù điêu của Lênin, mô hình tháp Kremlin của Liên Xô, Búp bê truyền thống của Hội hữu nghị Nhật- Việt, mô hình thùng đựng rượu của Bungari đặt tại phòng làm việc v.v. Những kỷ vật này không chỉ chứa đựng những tình cảm quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước anh em dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn minh chứng cho tình đoàn kết hữu nghị bền vững của nhân dân ta với bạn bè quốc tế do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng và dày công vun đắp.

Cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chiến đấu không mệt mỏi để gìn giữ nền độc lập dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong cuộc sống đời thường, Người rất gần gũi với nhân dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Ngôi nhà Người ở không chút bóng dáng quyền uy, phú quý mà chỉ thấy hiện hữu một phong cách sống giản dị, khiêm tốn. Cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nơi đây đã thể hiện đầy đủ, rõ nét, sinh động, đạo đức cần- kiệm- liêm- chính, chí công vô tư của Người.

Tại phòng ăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày một bộ đồ dùng ăn uống hàng ngày của Người. Bữa ăn bình thường của Người rất đơn giản, không cầu kỳ, không cao lương mỹ vị. Trên mâm cơm của Người thường có những món ăn mang hương vị miền quê xứ Nghệ như cá kho, cà dầm tương… Mỗi khi xong bữa Người lại tự tay xếp bát đĩa gọn ghẽ để bớt phần công việc cho các đồng chí phục vụ. Nhiều hôm trời mưa to, nước ao rút không kịp làm ngập cả đường đi, anh em phục vụ xin phép mang cơm sang nhà sàn nhưng Người không đồng ý vì không muốn anh em phải vất vả. Hiện nay trên bàn ăn còn một ngăn cặp lồng dùng đựng cơm mà mỗi lần đi thăm các đơn vị địa phương ở trong nước, Người đều nhắc các đồng chí phục vụ mang theo để tránh cho nhân dân sự tiếp đón phiền hà, tốn kém.

Tại phòng ăn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cơm thân mật một số đồng chí trong Bộ Chính trị, đôi khi cả gia đình một số đồng chí trong Trung ương, cán bộ, các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra báo cáo  công tác hoặc chữa bệnh. Những lần tiếp khách như vậy bao giờ Người cũng nhắc các đồng chí phục vụ nấu những món ăn phù hợp khẩu vị của khách để anh em ngon miệng.

Trong căn phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồ dùng sinh hoạt chỉ vẻn vẹn có chiếc giường đơn mộc mạc, chiếc tủ nhỏ đựng vài bộ quần áo lụa Bác mặc hàng ngày, bộ quần áo kaki Người dùng khi tiếp khách hoặc đi công tác... Trong một lần chuẩn bị đi công tác nước ngoài thấy chiếc áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng đã lâu, cổ áo phải thay đến hai lần, các đồng chí phục vụ rất áy náy xin may áo mới nhưng Bác không đồng ý, Người giải thích: Hoàn cảnh nước ta còn nghèo thi sang trọng với nước bạn thì thế nào cũng thua, nhưng thi tiết kiệm mới là điều đáng quý.

Vào mùa hè thấy ngôi nhà Bác ở nóng bức, để đảm bảo sức khoẻ cho Người, anh em xin phép lắp máy điều hoà nhiệt độ nhưng Người lại đề nghị dành máy đó cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Dù ở cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ mức sống không cao quá mức sống của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nhà 54 gần bốn năm. Thời gian tuy không dài nhưng ngôi nhà bình dị này đã phản ánh khá trọn vẹn chiều sâu tư tưởng, phong cách sống và tinh thần cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Người- vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân thế giới.

Nhà Sàn

Sau 4 năm tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cơ sở vật chất của xã hội được củng cố và phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mong muốn xây dựng một ngôi nhà mới để Chủ tịch Hồ Chí Minh có nơi ở, làm việc được tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với ý định này của Trung ương sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Người nói với anh em: Trung ương đề nghị xây cho Bác một ngôi nhà mới, Bác nghĩ: nên làm một căn nhà nho nhỏ ở phía bên kia bờ ao theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Bác đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thuỷ lợi được trao nhiệm vụ thiết kế và chỉ đạo xây dựng ngôi nhà này, Đoàn 5 Cục Doanh trại (nay là Cục Kiến thiết cơ bản) Tổng cục hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam chịu trách nhiệm thi công. Ông Nguyễn Văn Ninh được Bác Hồ mời đến trao đổi về thiết kế, cách bố trí cụ thể của ngôi nhà. Người đề nghị nhà sàn chỉ nên làm vừa đủ cho một người ở; gỗ dựng nhà không nên dùng gỗ quý; hành lang nên làm rộng để vừa ngồi đọc sách vừa thuận tiện cho việc qua lại; cầu thang lên trên nhà rộng đủ để hai người cùng đi...

Ngày 15 tháng 4 năm 1958 Ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng. Anh em cán bộ chiến sĩ đã làm việc khẩn trương để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất, kịp mừng sinh nhật lần thứ 68 của Bác Hồ. Ngày 17 tháng 5 năm 1958 ngôi nhà được khánh thành. Nhân dịp này Người tổ chức một buổi liên hoan nhỏ để cảm ơn kiến trúc sư và anh em thi công. Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn.

Ngôi nhà sàn là nơi gắn bó với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm cuối đời (1958 - 1969). Tại nơi đây Người đã ngày đêm suy nghĩ để cùng Bộ Chính trị đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới và đường lối quan hệ quôc tế đúng đắn. Hiện nay các tài liệu hiện vật ở nơi đây vẫn được giữ nguyên vẹn như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc.

Ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc ở Việt Bắc: nhà hai tầng. xung quanh có mành che, tầng dưới để thoáng. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng dào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh quê hương Nghệ An, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên.

Tầng dưới nhà sàn kê một bộ bàn ghế lớn, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc về mùa hè, nơi Người họp, trao đổi công việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, cán bộ phụ trách đầu ngành hoặc các địa phương và cũng là nơi Bác tiếp thân mật các cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hẹn tiếp cán bộ vào đầu giờ làm việc để sau đó Người và các đồng chí chủ động sắp xếp thời gian cho các công việc khác. Cần làm việc với ngành nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các đồng chí phụ trách đầu ngành trực tiếp đến gặp và bàn bạc cụ thể.

Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn những cuốn sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng. Trong đó, có những cuốn sách nói về gương người tốt, việc tốt của các giới, các ngành được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc quan tâm. Cuốn "Dân tộc anh hùng giai cấp tiên phong" của công nhân; "Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ" của nông dân; "Vì nước vì dân" của lực lượng vũ trang; tập sách có tên "Thế hệ anh hùng"của thanh niên, sách "Việc nhỏ nghĩa lớn" của thiếu niên nhi đồng. Những gương sáng được nêu trong loại sách này là các cá nhân đã làm việc ích nước lợi dân từ việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đến những việc lớn như sáng kiến, thành tích trong sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập; dũng cảm trong chiến đấu, quên mình vì dân... Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua làm việc tốt được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu của Người. Từ năm 1959 đến 1969, Người đã tặng gần 4000 huy hiệu cho cá nhân làm việc nhỏ mà ý nghĩa lớn. Cũng theo ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc phát hành sách “Người tốt việc tốt” là biện pháp thiết thực, góp phần xây dựng con người mới Việt Nam, vì vây công việc này cần phải được tiến hành thường xuyên, Người chỉ rõ: "Lấy gương người tốt việc tốt để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới". Người nhắc nhở Ban Tuyên huấn Trung ương cần động viên, khuyến khích phong trào “Người tốt việc tốt” phát triển sâu rộng, đi vào thực chất, tránh hình thức làm giảm tác dụng động viên. Đến nay, tuy Người đã đi xa nhưng phong trào thi đua làm việc tốt vẫn rất có giá trị trong đời sống xã hội của đất nước.

Quan tâm tới chiến lược xây dựng con người mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Cuối năm 1958 tại nơi đây Người đã viết bài "Đạo đức cách mạng". Trong đó, Người nêu rõ: "Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.  Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng". Người khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Chủ nghĩa cá nhân là một trong những kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó".

Bên cạnh sách "Người tốt việc tốt" là sách của V.I Lênin viết về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, sách của các tác giả nước ngoài viết về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở ngay trong lòng nước Mỹ. Đó là các cuốn: "Hãy sờ tay vào bom" của nhà văn Xô viết (Nga) I-ri-na Lép-chen-kô; "Việt Nam - chúng ta can thiệp và rút ra như thế nào" của Đa-vid Scơn-brun (Mỹ); "Sự thật chiến tranh ở Việt Nam" của Ben-gia-min Spoc (Mỹ); "Chính sách leo thang của Mỹ ở Việt Nam” của Pi-tơ Đên-xcốt (Mỹ); các cuốn "Những người da đen cầm súng" và "Hãy nghe tôi nói hỡi người anh em" của Rô-bớt Uy-li-am - nhà văn, nhà báo, người chiến sĩ của phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.

Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có chiếc khay đá màu đen, hình con thuyền mà Người thường để bút, đó là kỷ vật của cố Tổng thống nước cộng hoà nhân dân Cu Ba Ôt-xvan-đô Đoóc-ti-cốt tặng Người năm 1967. Món quà biểu hiện cho tình bạn, tình đồng chí thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo cũng như tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước Việt Nam – Cu Ba.

Tại ngôi nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thân mật một số đoàn khách quốc tế. Những buổi đón tiếp khách quốc tế ở nơi đây mang một ý nghĩa thật đặc biệt, diễn ra trong bầu không khí cởi mở, chân tình, không bị ràng buộc bởi nghi lễ ngoại giao. Phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Trong những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt (1964 - 1968) Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ở và làm việc tại nhà sàn. Tại nơi đây, Người đã cùng Bộ chính trị, trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc - một phần trong chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân uỷ, Bộ Chính trị, quân dân miền Bắc đã đẩy lùi từng bước âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Năm 1966 bị lún sâu vào vòng thế bị động, thua đau tại chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ ném bom trả đũa miền Bắc càng dữ dội. Đứng trước thử thách nghiêm trọng đó, tại ngôi nhà đơn sơ bé nhỏ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng lên chiến đấu chống Mỹ cứu nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do". Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không những cổ vũ nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi; mà sau đó đã trở thành một chân lý của thời đại.

Phía cuối phòng tầng dưới có ba chiếc máy điện thoại. Chiếc máy màu xanh Bác Hồ làm việc với Bộ Chính trị, hai máy màu đen Người làm việc với Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân. Mỗi lần nhận được tin quân và dân ta bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến của đế quốc Mỹ, Người đều kịp thời động viên, khen thưởng. Chiếc mũ sắt để bên cạnh được anh em bảo vệ mang theo trong những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm bà con địa phương, các đơn vị bộ đội... để phòng tránh mảnh bom, mảnh đạn. Gần đó là chiếc ghế xích đu (còn gọi là ghế chao) bằng mây Bác Hồ thường nghỉ ngơi vào buổi trưa hoặc sau những giờ làm việc. Xung quanh tầng dưới nhà là bệ xi măng bên trên lát ván gỗ được làm theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để mỗi lần các cháu thiếu nhi vào thăm Người có đủ chỗ ngồi. Người còn nhắc anh em phục vụ nuôi thêm bể cá vàng để các cháu vui hơn.

Tầng trên nhà sàn có hai phòng: phòng làm việc và phòng ngủ. Mùa đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường làm việc ở trên nhà. Hiện nay,  trên bàn làm việc vẫn còn lại những tài liệu Người đang xem dở. Trong đó có bản tin hàng ngày của Thông tấn xã Việt Nam và một số sách, báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc nhiều loại báo, từ báo Đảng, báo địa phương đến báo các ngành, các giới... và cả báo nước ngoài. Người đọc báo rất nhanh nhưng không bỏ qua những tin cần chú ý. Người có thói quen đánh dấu và ghi nhanh ý kiến bên lề ở những phần, chi tiết cần lưu tâm. Nhiều bài còn lưu lại bút tích của Người.

Tại căn phòng này, tháng 5 năm 1965, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc. Từ đó hàng năm, Người giành một thời gian nhất định từ ngày 10 đến 20 tháng 5 để sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh bản Di chúc và Người đã sửa chữa lần cuối bản Di chúc lịch sử này vào tháng 5 năm 1969. Bản Di chúc khẳnh định niềm tin tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi... Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp  một nhà...". Bản Di chúc là những lời tâm huyết, là tình thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng, nhân dân, quân đội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam và bạn bè thế giới.

Hiện nay, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trên giá sách đặt trong vách ngăn giữa phòng làm việc và phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được sắp xếp rất ngăn nắp, khoa học. Bên cạnh sách kinh điển của C.Mác, F.Ăngghen, V.I Lênin là những cuốn sách về các lĩnh vực triết học, kinh tế, lịch sử, văn học nghệ thuật, khoa học… có cả những cuố sách của các tác giả nước ngoài tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời đề tặng đầy tình cảm quý mến và trân trọng.

Ma-gie-mut Đi-ốp... viết trong cuốn "Những vấn đề chính trị ở châu Phi da đen": "Để kỷ niệm niềm vinh dự mà ngài đã ban cho tôi khi tiếp tôi ở Hà Nội - Để tỏ lòng ngưỡng mộ một người thầy vĩ đại, xin kính tặng Ngài tập sách học trò này". Nữ nhà báo Pháp Ma-đơ-len Ríp-phô ghi trong cuốn "ở miền Bắc Việt Nam, viết dưới bom": "Kính gửi Bác Hồ sự đóng góp nhỏ bé nhưng chân thành này vào cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng với tất cả tấm lòng của cháu". Trong cuốn "Miền Bắc Việt Nam" nhà báo úc W.Bớc-sét ghi: "Với tất cả tấm lòng trung thành đối với Chủ tịch và nhân dân Việt Nam anh hùng". Nhà du hành vũ trụ Nga G.Ti Tốp gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn 700.000 kilômét trong vũ trụ với lời đề: "Kính tặng Bác Hồ với lòng biết ơn sâu sắc".

Ngăn dưới cùng giá sách là chiếc máy chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tự đánh máy các bài viết, văn bản, thư gửi tới các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác, sản xuất, chiến đấu, điện mừng, lời chia buồn tới nhân dân và bạn bè thế giới.

Tại phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiện nghi sinh hoạt cũng đơn giản như ở mọi gia đình người dân Việt Nam thời đó. Chiếc giường gỗ mùa hè trải chiếu cói, mùa đông có thêm tấm đệm và chăn bông. Cạnh đó là một lò sưởi điện nhỏ, Người dùng những hôm trời giá lạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường làm việc rất khuya. Trên bàn làm việc ở phòng ngủ vẫn còn một số sách, tạp chí lưu lại bút tích của Người. Trong đó có bài nói về vấn đề cải cách chữ quốc ngữ; bài "Lênin nói về vấn đề giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thế hệ trẻ” của tạp chí Tuyên huấn... Đặt cạnh đó là chiếc đài bán dẫn – món quà của bà con Việt kiều Thái Lan kính biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiếc mũ cát Người thường dùng trong những chuyến đi công tác trong nước và nước ngoài.

Trên chiếc tủ nhỏ đặt ở đầu giường vẫn còn chiếc đồng hồ và cuốn sách Người đang đọc: "Cuộc  kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII”  của hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tác phẩm nghiên cứu lịch sử này trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang đứng trước những thử thách gay go, quyết liệt hẳn không phải là điều ngẫn nhiên. Cũng như bên dưới nhà sàn, chiếc đồng hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đều đặn chạy khiến cho chúng ta cảm thấy như Người vẫn sống ở nơi đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà sàn trong 11 năm cuối cùng. Những tài liệu, hiện vật ở nơi đây đã thể hiện đầy đủ, rõ nét cuộc sống, tư tưởng đạo đức và phong cách làm việc của một lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp hoà bình, hữu nghị và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.

Nhà 67 

Vào những năm 1966 - 1967, cuộc phiêu lưu mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ngày càng trở nên ác liệt, những kẻ cầm đầu Nhà Trắng tuyên bố: phải huỷ diệt các thành phố lớn, phải đưa miền Bắc Việt Nam quay về thời kỳ đồ đá, vì vậy Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác cùng các khu công nghiệp bị bắn phá ngày đêm.

 Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau nhà sàn một ngôi nhà kiên cố đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra. Ngày 1 tháng 5 năm 1967, nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác nước ngoài, ngôi nhà được khởi công xây dựng. Cán bộ, chiến sĩ ở Cục Công trình thuộc Bộ Tư lệnh công binh được giao nhiệm vụ thiết kế và xây dựng công trình. Với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao của đơn vị thi công, trong hai tháng ngôi nhà bê tông cốt thép kiên cố nhưng thoáng mát đã hoàn thành. Ngôi nhà được đặt tên theo năm xây dựng - Nhà 67. Ngày 30 tháng 6 năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội sau chuyến đi công tác dài ngày. Thấy ngôi nhà mới Người tỏ ý không vui. Các đồng chí trong Bộ Chính trị báo cáo với Người về sự cần thiết phải xây dựng ngôi nhà này. Đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng, uỷ viên Bộ Chính trị thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh việc xây dựng ngôi nhà là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của đồng bào chiến sĩ miền Nam. Mặc dù vậy, Người vẫn không nhận cho riêng mình. Người đề nghị sử dụng ngôi nhà làm nơi họp Bộ Chính trị, nơi làm việc với các đồng chí Trung ương, và các cán bộ phụ trách đầu ngành.

 Hai tấm bản đồ quân sự về "bố trí binh lực địch ở miền Nam" và "bố trí không quân, hải quân địch tham chiến ở Việt Nam" treo trên tường để Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi báo cáo của các cán bộ Cục tác chiến, văn phòng Quân uỷ về diễn biến, tình hình chiến trường miền Nam, chiến sự miền Bắc. Chiếc đài ZENIT đặt trên bàn làm việc là chiến lợi phẩm của quân giải phóng miền Nam thu được trong trận Phước Thành (nay thuộc tỉnh Bình Dương) kính tặng Người. Chiếc khay đồng hình tam giác Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng đựng ghim là vật kỷ niệm của đồng chí Mác-ta Rô-hát - phóng viên báo Gran-ma (Cu Ba). Trong buổi trả lời phỏng vấn nhà báo Mác-ta Rô-hát ngày 14 tháng 7 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ tình cảm sâu nặng của mình với đồng bào chiến sĩ miền Nam: "ở miền Nam, những người dưới 25 tuổi không biết nghĩa của hai chữ Tự Do là gì. Mỗi người mỗi gia đình đều có nỗi khổ riêng; gộp tất cả những nỗi đau khổ đó lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi biết tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; dù vậy tôi biết rằng đồng bào miền Nam yêu quý tôi như tôi yêu quý đồng bào. ở miền Nam tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ".

Sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một yếu. Nhưng khi nghe tin đồng chí Lê Đức Thọ và phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam từ Hội nghị Pari về đến Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm đoàn tại nơi nghỉ ở khu biệt thự Hồ Tây. Khi trở về Người bị cảm lanh. Ngày 17 tháng 8 năm 1969, sau khi kiểm tra sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bác sĩ đề nghị Người không lên xuống nhà sàn nữa. Theo lời đề nghị của bác sĩ, từ ngày 18 tháng 8, Người chuyển hẳn xuống ở nhà 67.

 

Buổi chiều ngày 18 tháng 8 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đồng chí Nguyễn Duy Trinh sang để bàn bạc, trao đổi việc trả lời thư ngỏ của tổng thống Mỹ R.Ních-xơn. Trong thư trả lời, Người vạch trần bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam: “Quyết chiến đấu đến cùng không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng”. Người chỉ ra con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền lợi dân tộc, lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hoà bình của nhân dân thế giới.

Ngày 22 tháng 8 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chào mừng tới Hội nghị Thanh niên sinh viên thế giới "Vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam" họp tại Hen-xinh-xki (Phần Lan). Người cảm ơn sự ủng hộ, cổ vũ của thanh niên thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Trên bàn, bên cạnh sách “Người tốt việc tốt”, bản tin hàng ngày là những chồng báo Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc dở. Nhiều trang báo còn lưu lại bút tích của Người như: bài báo nói về bước phát triển đi lên của ngành than ở vùng Mỏ Quảng Ninh, bài “Phê bình và sửa chữa khuyết điểm ở chi bộ Phú Thành – Nghệ An” đăng trên báo Nhân dân. Tờ báo và bản tin cuối cùng Người xem đều được phát hành ngày 24 tháng 8 năm 1969.

Từ ngày 25 tháng 8 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng, nhưng Người vẫn nắm tình hình đất nước qua báo cáo của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Chiều 25 tháng 8, khi đồng chí Tố Hữu vào thăm, Người khen ngợi sáng kiến chuyển Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp thành diễn ca, đây là hình thức tuyên truyền tốt trong quần chúng. Trong những ngày mệt nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên gửi tặng huy hiệu của Người cho những tấm gương ngưòi tốt việc tốt, Người còn ký lệnh ân xá, giảm án cho những phạm nhân cải tạo tốt.

Sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến ngày càng xấu và phức tạp. Ngôi nhà 67 trở thành nơi điều trị bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các thiết bị y tế hiện đại nhất của ở thời kỳ đó được đưa về đây để chữa bệnh cho Người. Các giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam và nước ngoài tập trung về đây, thay nhau túc trực, chăm lo sức khoẻ cho Người. Trong những ngày này, việc chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là nhiệm vụ trọng đại, khẩn cấp của toàn Đảng, toàn dân. Bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một trầm trọng, nhịp tim rối loạn thất thường. Nhưng khi tỉnh lại giữa hai cơn đau Người vẫn hỏi về tin chiến sự ở miền Nam, về tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người nhắc nhở các đồng chí Trung ương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất. Biết tin Trung ương muốn mời Người lên khu vực Ba Vì (Sơn Tây) để tránh lũ lụt, Người nói: “Bác đi chỉ được mình Bác, còn dân thì sao”. Người vẫn quyết định ở lại cùng đồng bào.

Ngày 30 tháng 8, trong một lần tỉnh lại, Người hỏi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh. Người dặn nhớ bắn pháo hoa để động viên tinh thần nhân dân và nếu bố trí được thì cho Người ra với đồng bào dăm mười phút. Người không quên nhắc nhở các đồng chí trong Văn phòng Phủ Chủ tịch gửi lẵng hoa tới các đơn vị bộ đội bắn rơi máy bay Mỹ, các đơn vị công an nhân dịp ngày Quốc khánh. Vì tuổi cao, sức yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh không vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo, Người đã vĩnh biệt chúng ta để lại muôn vàn tiếc thương cho đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Chiếc đồng hồ đặt trên tủ cạnh giường và cuốn lịch treo tường dừng lại ở thời khắc Người ra đi: 9h47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cõi vĩnh hằng, nhưng ngôi nhà 67 cùng với những hiện vật liên quan đến cuộc sống thường ngày của Người: chiếc quạt lá cọ, chiếc gậy song quen thuộc, đôi dép cao su theo Người đi khắp nẻo đường đất nước… dường như vẫn còn hơi ấm của Người. Những di vật lưu lại ở nơi đây và những câu chuyện về giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng để chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị cao quý về phẩm chất một lãnh tụ của nhân dân và tình yêu nhân dân, đất nước tha thiết của Người.

DI TÍCH BẾP A

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, để chăm sóc sức khỏe và phục vụ những sinh hoạt hàng ngày của Người, các đồng chí trong Văn Phòng Phủ Chủ tịch đã sửa chữa một số phòng của dãy nhà một tầng - thời Pháp thuộc vốn là nơi giặt là phục vụ Phủ toàn quyền Đông Dương, làm bếp nấu ăn. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để vừa thuận lợi cho việc phục vụ, vừa tiết kiệm sức lao động, bếp được sử dụng để nấu ăn cho Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ đầu năm 1955.

  Bếp là nơi nấu ăn hàng ngày phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng và là nơi chuẩn bị các bữa cơm thân mật mỗi khi Bác mời khách trong nước và quốc tế. Theo quy ước của Bác, thức ăn chuẩn bị cho bữa ăn hàng ngày chỉ vừa đủ để tránh lãng phí và chi phí cho những lần Bác mời cơm khách phải được trừ vào lương của Người. Bếp cũng là nơi chuẩn bị các bữa ăn nhẹ và nước uống phục vụ cho các đồng chí trong Bộ Chính trị khi tới họp. 

Bếp được ốp gạch men trắng, có bếp điện, bếp than, bồn rửa, tủ đựng thức ăn và một số đồ dùng để chế biến, nâú nướng. Xung quanh bếp có cửa sổ lưới để đảm bảo thoáng khí và chống côn trùng . Bếp được bố trí rất ngăn nắp, khoa học, phân chia thành các khu vực sử dụng riêng biệt như: Nơi bảo quản thức ăn và đồ dùng phục vụ ăn uống ; Nơi nấu ăn ; Nơi để nhiên liệu . Dùng để bảo quản thức ăn có 2 chiếc tủ lạnh Liên Xô, trong đó một chiếc dùng để bảo quản thực phẩm tươi sống và một chiếc để bảo quản thực phẩm chín. Trên chiếc tủ lưới, góc phía sát tường vẫn còn chiếc hòm gỗ dùng để mang đồ ăn, thức uống mỗi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các địa phương để tránh việc tiếp đón phiền hà tốn kém cho nhân dân. Trong số những dụng cụ nấu ăn, còn giữ lại được hai chiếc xoong nhôm đã dùng trong thời gian Bác ở chiến khu Việt Bắc được các đồng chí phục vụ mang về đây tiếp tục sử dụng như để ghi nhớ những tháng ngày kháng chiến gian khó.

Những hiện vật trưng bày trong căn bếp đã phần nào phản ánh đời sống sinh hoạt giản dị, gần gũi với nhân dân và tình cảm gắn bó của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

CĂN PHÒNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH CHỦ TRÌ HỌP BỘ CHÍNH TRỊ VÀ TIẾP KHÁCH

Nằm ở chính giữa tầng một của ngôi nhà hai tầng, đối diện với ngôi nhà cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng từng sống và làm việc trong Khu di tích có một căn phòng đã từng là địa điểm họp Bộ Chính trị và cũng là nơi Bác Hồ tiếp nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế.

Căn phòng vốn là nơi ở của người quản lý phục vụ cho Toàn quyền Đông Dương. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Bộ Chính trị họp tại nhiều địa điểm như Nhà sàn, Nhà phòng không, hầm H66, Nhà 67 và căn phòng này. Tại đây, ngày 28 tháng 12 năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị đưa ra quyết định “chuyển cuộc cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới- thời kỳ giành thắng lợi quyết định”, đồng thời chính thức thông qua kế hoạch cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 68. Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt đối với cách mạng Việt Nam. Sau Hội nghị, Người chỉ thị cho cán bộ chỉ huy các chiến trường: “Kế hoạch phải thật tỉ mỉ. Hợp đồng phải thật khớp. Bí mật phải thật tuyệt đối. Hành động phải thật kiên quyết. Cán bộ phải thật gương mẫu”. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 68 đã làm lung lay ý chí xâm lược của quân Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh. Đêm 31 tháng 3 năm 1968 Tổng thống Mỹ Giônxơn đã phải công khai tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng thời quyết định rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam

Không chỉ là địa điểm họp Bộ Chính trị, căn phòng còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật các đoàn khách trong nước và quốc tế như: Đoàn Đại biểu các anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (năm 1966); Đoàn cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình (năm 1968); Đoàn Đại biểu Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới sang dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam (năm 1956); Nữ nhà báo Pháp Ma đơ len Ripphô (năm 1966); (năm 1969),v.v. Các buổi tiếp khách của Người luôn diễn ra trong không khí thân mật, tự nhiên, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. 

Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và tiếp khách đã chứng kiến nhiều hoạt động đối nội và đối ngoại quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm Người sống và làm việc ở Khu Phủ Chủ tịch. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp Bộ Chính trị bàn về những vấn đề trọng đại của đất nước trong những năm 1954-1969. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đón tiếp các tầng lớp nhân dân Việt Nam mà Người còn tiếp nhiều đoàn khách quốc tế nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, đẩy nhanh cuộc đấu tranh chính nghĩa đi đến thắng lợi, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Phòng trưng bày bộ đồ y tế

Phòng trưng bày thiết bị y tế phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày cuối đời nằm cạnh ngôi nhà 67. Căn phòng được xây dựng vào tháng 5-1958, vốn là nơi nghỉ giải lao giữa những phiên họp của các đồng chí trong Bộ Chính trị. Từ ngày 24 -8- 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng, căn phòng là nơi hội đồng bác sĩ họp hội chẩn bệnh và đưa ra phác đồ điều trị cho Người.

Phòng trưng bày hiện vật là các dụng cụ y tế đã được sử dụng để chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 24-8-1969 đến ngày 2-9-1969. Đó là các thiết bị y tế cần thiết cho một phòng hồi sức cấp cứu, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Phần lớn các thiết bị được nhập từ nước ngoài như: máy thở tự động PO2, máy quang kế ngọn lửa nhập từ Liên Xô; máy hút dịch XQ, ống nghe tim phổi nhập từ Trung Quốc; máy kích thích và phá rung tim MPA-2, máy chụp Xquang YAMOTO nhập từ Nhật; đèn soi đáy mắt, giường bệnh nhập từ CHCD Đức, v.v.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, các thiết bị y tế đã được đưa về Viện Quân y 108 để phục vụ khám chữa bệnh cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chiến sĩ quân đội và nhân dân. Sau một thời gian lưu giữ tại kho trang thiết bị y tế của Viện Quân y, năm 1995, những dụng cụ y tế này đã được bàn giao cho Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để bảo quản, trưng bày và phát huy tác dụng.

Năm 2009, nhân kỷ niệm 55 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch và 40 năm ngày Bác đi xa, Khu di tích đã mở cửa phòng trưng bày các thiết bị y tế phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày cuối đời để giới thiệu cho khách tham quan trong nước và quốc tế. Tham quan phòng trưng bày, người xem cảm nhận đầy đủ hơn về tình cảm, trách nhiệm và lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tê đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân thế giới.

Những chiếc xe ô tô đã dùng phục vụ

chủ tịch hồ chí minh

Phía bên trái ngôi nhà 54 có một gara nhỏ, nơi trưng bày hai chiếc xe ô tô: Pô-bê-đa, Pơ-giô 404 và …. chống đạn. Đây là những chiếc xe đã dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc ở khu Phủ Chủ tịch.

Chiếc ô tô Pô-bê-đa là một trong những chiếc xe do Chính phủ Liên Xô tặng cho Việt Nam vào năm 1955. Tháng 3 năm 1957, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao đã chuyển chiếc xe này sang văn phòng Phủ Chủ tịch. Xe đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đó đến năm 1969. Loại xe này gầm cao phù hợp với việc đi đường trường vì vậy thường được Người sử dụng cho những chuyến đi thăm các địa phương xa Hà Nội.

Đầu những năm 60, Chính phủ Liên Xô tặng Chính phủ ta một số xe ô tô hiệu Von - ga đẹp hơn về kiểu dáng, tốt hơn về tính năng kỹ thuật so với xe Pô- bê- đa. Các đồng chí trong Văn phòng xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sử dụng loại xe mới này để phục vụ Người, nhưng Người từ chối vì muốn để dành xe tốt cho các đồng chí làm công tác ngoại giao.

Chiếc xe Pơ-giô 404 là một trong những chiếc xe ô tô của đồng bào Việt kiều ở Tân Đảo biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chuyến hồi hương cuối cùng theo lời kêu gọi của Người vào tháng 3 năm 1964. Chiếc xe này được dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm cuối của thập kỷ 60, khi sức khoẻ của Người bắt đầu giảm sút.

Chiếc xe Zit do Đảng Cộng sản Liên xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954. Xe 4 chỗ, sơn màu đen được cấu tạo bằng thép chịu lực và kính chống đạn, trọng lượng 2.575kg. Loại xe chuyên dụng này được sản xuất rất hạn chế tại Liên xô vì chỉ dành cho các nguyên thủ sử dụng. Xe  mang biển số đăng ký HN 481, đã được dùng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 12 năm 1954. Từ năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chiếc xe luôn thường trực sẵn sàng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Nhưng thực tế thì Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ít sử dụng xe Zít, chiếc xe này chủ yếu được dùng để đưa đón các nguyên thủ quốc gia một số nước khi sang  thăm Việt Nam.

Những chuyến đi công tác trong nước đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ tình hình lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập cũng như đời sống thực tế của cán bộ và nhân dân để kịp thời động viên, khen ngợi những thành tích đạt được và chấn chỉnh những khuyết điểm, yếu kém  ở từng địa phương.

Các Di tích ngoài trời

Các di tích ngoài trời cùng với cảnh quan môi trường là  những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị và những nét đẹp sinh động, đặc biệt trong bức tranh toàn cảnh về Khu di tích Bác Hồ. Ao cá, vườn cây, đường xoài, những cây dừa trước nhà sàn, cây vú sữa miền Nam, cây bụt mọc, Cây đa kiên trì..v.v, từ lâu đã trở thành những hình ảnh thân thuộc đã đi vào ký ức của người dân Việt Nam và du khách mỗi khi đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

 

Ao cá Bác Hồ

Thời kỳ Pháp thuộc, đây là một ao tù nước đọng, hươu, nai của Phủ Toàn quyền Đông Dương vẫn tới đây uống nước. Khi về ở và làm việc tại khu vực này, Bác đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo thành ao nuôi cá để cải thiện đời sống và làm cho không khí trong lành.

Diện tích ao rộng hơn 3000 mét vuông, nơi sâu nhất khoảng 3 mét. Trong ao có nhiều loại cá khác nhau như: trắm, chép, mè, rô phi... để chúng tận dụng nguồn thức ăn ở các tầng nước.

Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều, Bác thường ra cầu ao trước nhà sàn cho cá ăn, thức ăn chủ yếu cho cá là cám và những mẩu bánh mỳ, cơm được anh em phục vụ phơi khô đựng vào chiếc hộp để cạnh cầu ao. Khi cho cá ăn, Bác thường vỗ tay gọi cá, dần dần tiếng vỗ tay của Bác đã tạo cho cá một phản xạ quen: hễ nghe tiếng vỗ tay thì bơi về cầu ao đợi ăn. Cá trong ao được dùng để cải thiện bữa ăn cho anh em trong cơ quan, tiếp khách trong và ngoài nước. Hàng năm, thường vào dịp sinh nhật Bác, ngày lễ, ngày tết cổ truyền, Bác nhắc anh em phục vụ đánh cá để biếu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tặng anh em trong đơn vị bảo vệ và các gia đình trong cơ quan có cháu nhỏ. Bác cũng mong muốn các địa phương khác trong nước cũng phát triển nghề nuôi cá để cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế từng hộ nông dân, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Năm 1959, hợp tác xã Tiền Phong – Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội là đơn vị đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng gần 100 con cá rô phi để nuôi. Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Bác, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào "Ao cá Bác Hồ". Sau cuộc phát động, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch được gửi cho nhiều địa phương và một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến vùng đồng bằng,

 Việc phát triển "Ao cá Bác Hồ" nhận được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.              

 

Đường xoài

 

Trong khu Di tích Phủ Chủ tịch có một con đường được nhiều người biết tới qua bài thơ “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu:

“Anh dắt em vào cõi Bác xưa

Đường Xoài, hoa trắng nắng đu đưa”

Con đường rộng 5 mét, dài hơn 200 mét. Hai bên đường là hai hàng cây xoài cổ thụ, bởi vậy, con đường mang tên “Đường Xoài”.

Hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tập thể dục vào buổi sáng và đi bách bộ sau giờ làm việc buổi chiều trên con đường này. Đây cũng là con đường Bác đi bộ từ nhà sàn ra tiếp khách ở giàn hoa và Phủ Chủ tịch.

Đường xoài đã từng ghi dấu nhiều kỉ niệm đẹp và cảm động về Bác Hồ với đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Một trong những kỷ niệm đó, là dịp Người tiếp Đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 15 tháng 11 năm 1965.

Trong bức hình ghi lại phút gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn, chị Tạ Thị Kiều đại biểu cho phụ nữ miền Nam, anh A Vai đại biểu của các dân tộc Tây Nguyên bất khuất được đi bên cạnh Người. Tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam như tình cảm của người Cha đón những đứa con thân yêu lâu ngày trở về. Người xúc động nói với các anh chị: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm. Sao các cháu lại khóc? Bác cháu ta gặp nhau thì phải vui lên chứ!”

 

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đi giữa đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam trên đường xoài đã làm xúc động triệu triệu trái tim đồng bào miền Nam.

 

Giàn hoa Phủ Chủ tịch

         

Nằm ở phía sau toà nhà Phủ Chủ tịch, gần cuối con đường xoài, là một khoảng đất trống rộng chừng 100 mét vuông, trải sỏi, giữa có hình sao tám cánh làm bằng xi măng và đá màu. Phần bao quanh là một giàn hoa hình bán nguyệt được cấu trúc bởi 32 cột tròn, 8 cột vuông và  các xà bằng bê tông đúc sẵn, tạo nên một giàn hoa đẹp. Những cánh hoa móc diều (còn gọi là hoa giấy) tím đỏ nổi bật trên nền xanh đậm của lá cây làm cho khu vườn rực rỡ hẳn lên.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp khách và làm việc ở nơi đây trong những buổi sáng đẹp trời. Người coi giàn hoa này như một phòng khách đặc biệt, tạo ra sự thoải mái, tự nhiên không bị giới hạn bởi không gian và các nghi thức ngoại giao. Đây cũng chính là nét độc đáo trong phong cách tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Tại giàn hoa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón nhiều đoàn đại biểu trong nước và quốc tế. Ngày 20 tháng 10 năm 1962, Bác tiếp đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu lần đầu tiên chính thức ra thăm miền Bắc. Buổi tiếp đã để lại những ấn tượng sâu sắc và xúc động cho những người con của miền Nam anh hùng. Khi nhận những món quà của đồng bào, chiến sĩ miền Nam kính tặng, trong đó có tập thơ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại đồng bào miền Nam cả, Bác chỉ có cái này” và đặt tay lên trái tim mình Người nói tiếp: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

Vào những dịp Tết Nguyên đán, Tết trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dành thời gian đón các cháu thiếu niên nhi đồng đến vui chơi, xem các cháu múa hát tại giàn hoa Phủ Chủ tịch.

 

Vườn cây

 

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có cảnh quan và môi trường sinh thái trong lành. ở đây, có hồ nước mát, thảm cỏ xanh, vườn cây với đủ loài khác nhau: cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ.v.v.,  kết hợp hài hòa và sinh động, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu thiên nhiên và luôn làn cho thiên nhiên thêm đẹp. Thiên nhiên làm cho cuộc sống của Người thêm phong phú. Đến thăm vườn cây Phủ Chủ tịch, chúng ta càng hiểu thêm về phong cách, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua việc sử dụng và cải tạo thiên nhiên của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây không chỉ lấy bóng mát, cho cảnh thêm đẹp, cho không khí trong lành, mà còn xuất phát từ lợi ích kinh tế, xã hội, xuất phát từ tình cảm đối với đất nước và mang tính nhân văn sâu sắc.

Ngày 28 tháng 11 năm 1959, 5 năm sau khi về ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào: "Tết trồng cây" với mong muốn : “Đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. "Tết trồng cây" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động được sự hưởng ứng của các địa phương trong cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một tập tục văn hóa tốt đẹp mang lại lợi ích to lớn về nhiều mặt cho nhân dân ta.

Trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, khu vườn ở đây không có nhiều loại cây như bây giờ. Sau khi Người về, những khoảng đất xung quanh nhà sàn được dần dần cải tạo thành khu vườn trồng rau, trồng cây ăn quả (vú sữa, dừa, vải, nhãn, bưởi, cam, táo, hồng...), cây hoa (nhài, một, ngọc lan, dâm bụt, phong lan...) và một số loài cây khác (cọ dầu, tre, trúc cây xanh bốn mùa, cây bụt mọc...). Bên cạnh việc trồng thêm các cây mới, những cây có từ trước vẫn được giữ nguyên và phát triển tốt.

          Cây trong vườn Phủ chủ tịch gồm rất nhiều loài, tạo thành một hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng, đẹp tự nhiên và có sức cuốn hút lạ thường. Toàn bộ vườn cây có 1271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật, có 78 cây có nguồn gốc trong nước và 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài, có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây to lớn với tuổi thọ hàng trăm năm. Nhiều cây không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, gắn với quê hương đất nước, gắn với tình đồng chí, bè bạn quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc. Có cây Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay trồng và chăm sóc, cây Bác đặt tên, có cây Người mang từ nước ngoài về, cây đồng bào trong nước gửi tặng.v.v, mỗi cây đều chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc về Người.

Bên cạnh nhà sàn là cây vú sữa của đồng bào miền Nam kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khi cây còn nhỏ, chưa thích nghi với thời tiết lạnh của miền Bắc nên rất khó chăm sóc.  Hàng ngày, dù bận nhiều công việc nhưng trước giờ làm việc buổi sáng, hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác đều tự tay chăm sóc, vun xới cho cây. Mùa đông giá rét, Bác nhắc các đồng chí phục vụ dùng rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây. Hàng ngày ngắm nhìn cây vú sữa Chủ tịch Hồ Chí Minh lại như thấy hình ảnh thân yêu của đồng bào miền Nam.

Cạnh nhà sàn có một cây lá xanh quanh năm được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “Cây Xanh bốn mùa”. Loại cây này được Người đưa về sau một chuyến đi thăm Trung Quốc vào mùa đông năm 1957. Lúc ấy trời lạnh, nhiều cây lá rụng trơ cành nhưng riêng lá loài cây này vẫn xanh tươi. Nghĩ đến anh chị em làm vệ sinh ở các đường phố nước ta vất vả sớm khuya nhất là vào mùa lá rụng, Người nói với anh em trong đoàn tìm một số giống cây loại này mang về, trong thử trong vườn, nếu phù hợp với khí hậu Việt Nam sẽ đem trồng rộng rãi trên các đường phố để người làm vệ sinh đường phố đỡ vất vả.

Trên con đường chính từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn có một cây đa với 3 nhánh rễ cây buông từ trên cành xuống. Một rễ to nhất bên phải con đường, một rễ vắt sang bên trái, rễ thứ ba ở gần gốc cây đối diện với rễ cây thứ hai. Ba rễ cây tạo thành thế vững chãi cho cây trong những ngày giông bão. Không phải ngẫu nhiên mà cây đa có được những rễ như vậy. Vào năm 1965, anh em làm vườn phát hiện một chùm rễ đa nhỏ từ trên cành rủ xuống lơ lửng. Lo chùm rễ phát triển dài sẽ làm vướng đường đi lại, mọi người định cắt bỏ. Biết được ý định đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tán thành và gợi ý tìm cách kéo rễ đa xuống đất để sao cho rễ cây không vướng lối đi mà còn tạo cho cây có một thế vững chắc. Làm theo cách Người hướng dẫn, sau gần 3 năm anh em mới đưa được rễ cây xuống đất. Khi hoàn thành công việc, anh em đến báo cáo kết quả với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công. Từ đó anh em đặt tên cho cây đa này là cây đa kiên trì.

Ngay cạnh bờ ao phía ngôi nhà sàn, có hai cây y lan cao lớn. Bác Hồ đã  cho trồng hai cây y lan này nhân dịp Liên Xô phóng thành công hai con tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6 bay sóng đôi. Một trong hai nhà du hành vũ trụ đó là chị Va-len-ti-na Tê-rếch-scô-va, người phụ nữ đầu tiên chinh phục vũ trụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho hai cây Y lan là cây Vũ trụ.

Xung quanh ao cá có rất nhiều những cây cổ thụ thuộc họ tùng bách, rễ trồi cao khỏi mặt đất, to, nhỏ, cao, thấp khác nhau. Quê hương  của loài cây này ở vùng đầm lầy Nam Mỹ, để thích nghi với hoàn cảnh sống, những rễ cây phải ngoi lên để lấy không khí. Vì rễ cây có hình dáng tựa như những pho tượng Phật bằng gỗ nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên loài cây này là cây bụt mọc. Có một cây bụt mọc ở đầu bên kia chiếc cầu từ nhà sàn qua ao bị mối ăn ruỗng hết hai phần ba thân. Anh em làm vườn định cắt bỏ cây nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng dẫn cho anh em cách cứu cho cây khỏi chết và phát triển bình thường. Người luôn quan niệm: cây cối cũng như con người, nếu bị bệnh mà biết cách và có công cứu chữa thì vẫn phát triển tốt. Năm 1977, cây bụt mọc này bị đổ do một trận bão lớn, cán bộ Khu di tích đã tìm cách bảo quản tại chỗ phần gốc cây để ghi nhớ bài học ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vườn cây ở Phủ Chủ tịch  còn có nhiều giống cây ăn quả thơm ngon như: bưởi Pô-mi-lô, cam Xã Đoài (Nghệ An)... Trước đây, vào những phiên họp Hội đồng Chính phủ cuối năm hay đầu năm, Bác Hồ thường hái cam trong vườn tặng mọi người.

Ngoài những cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây cảnh..v .v, trong khu vườn Phủ Chủ tịch còn có rất nhiều loài hoa, mỗi loài hoa mang một màu sắc, một nét đẹp riêng, gợi nhớ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước nhà sàn và dọc theo con đường ven bờ ao phía đối diện, có hàng dâm bụt “ đỏ hoa quê”, gợi nhớ cảnh làng Sen quê Bác. Hoa phong lan khoe sắc màu tinh khiết. Hoa bưởi, hoa cam, hoa vải, hoa xoài... tỏa hương thơm ngát khắp khu vườn. Những cây hoa ban màu trắng, màu tím được trồng xen kẽ trong vườn như những nét chấm phá làm tăng sự sinh động, phong phú của vườn cây. Ven ao cá, hoa ph­ợng đỏ thắm, hoa chàm liễu đỏ tươi buông sát mặt nư­ớc, hoa sữa toả h­ơng thơm ngát, ngọt ngào. Quanh ngôi nhà 54 là những cây hoàng lan, ngọc lan h­ơng thơm dịu ngọt và giàn hoa ti gôn với những chùm hoa đua sắc tím hồng. Trước nhà sàn, những khóm mộc, sói, nhài, dạ hương, mẫu đơn đỏ, vàng được trồng trong các ô đất nhỏ làm cho không gian xung quanh ngôi nhà sàn luôn phảng phất hương thơm của hoa vườn.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Vườn cây trong khu Phủ Chủ tịch vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Cùng với phong trào xây dựng “vườn quả Bác Hồ” được phát động, nhiều địa phương trong nước đã nhận những cây ăn quả từ vườn này về trồng và một số địa phương đưa những giống cây đặc sản vào trồng tại đây khiến cho khu vườn càng thêm ý nghĩa.

Các di tích ngoài trời trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn cao cả. Mỗi một di tích đều mang những ý nghĩa, thông điệp sâu xa và những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình thương yêu con người, yêu thiên nhiên; cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)