slider

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân

14 Tháng 09 Năm 2022 / 663 lượt xem

ThS. Nguyễn Thu Giang

Phòng Quản trị, Kỹ thuật, Bảo vệ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiến sĩ cộng sản suốt cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc. Người là tấm gương sáng về rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng và luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên. Sau khi đất nước được độc lập, Người quan tâm trước hết chính là việc lo cho con người, vì con người, đặt con người ở vị trí hàng đầu trong công cuộc xây dựng xã hội, phát triển văn hoá, văn minh. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lo cho con người phải đồng thời với việc giáo dục con người, giáo dục nhân cách con người, xây dựng con người của chủ nghĩa xã hội. Với lực lượng công an nhân dân - lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, các tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Người khẳng định: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”(1). Không chỉ bằng những lời nói, bài viết, lời dạy bảo ân cần mà còn thông qua các hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm xây dựng lực lượng công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tổ chức, xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.

Ngày 11/3/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn rất gay go, quyết liệt, từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII. Trong thư không chỉ chứa đựng tình cảm, sự quan tâm, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho lực lượng công an nhân dân mà Người còn đồng thời nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ về tư cách người công an cách mệnh: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tuỵ. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”(2).

Khi nêu tư cách của người công an cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện từ phẩm chất đạo đức cơ bản đến các nguyên tắc và con đường xây dựng đạo đức. Người cho rằng ngay từ buổi đầu xây dựng lực lượng công an cách mạng đã luôn gắn liền với sự ra đời của Nhà nước cách mạng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền. Vì vậy tư cách của người công an cách mạng thống nhất về bản chất trong tư cách, nhân cách của người cách mạng, người cộng sản, người cán bộ, chiến sĩ của một Nhà nước kiểu mới - Nhà nước phục vụ nhân dân chứ không phải cai trị nhân dân; đồng thời thể hiện đặc điểm riêng của công tác công an thông qua các mối quan hệ của lực lượng công an nhân dân. Người yêu cầu: “những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng”(3). Đạo đức giúp người cán bộ công an nhân dân luôn tiên phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh cuộc kháng chiến diễn ra gay go, ác liệt, sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy lực lượng công an nhân dân là di sản tinh thần vô giá, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh. Đồng thời, đây còn là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để người cán bộ, chiến sĩ công an soi chiếu vào từng hành động, việc làm của mình với yêu cầu, nhiệm vụ mà ngành công an đặt ra.

Nhân cách người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân được biểu hiện rất rõ thông qua việc chấp hành các chế độ, quy định, điều lệnh của lực lượng công an nhân dân và qua các quan hệ, ứng xử với đồng chí, đồng đội và nhất là đối với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên ba mối quan hệ chủ yếu trong sáu điều dạy đó là: đối với mình, đối với người và đối với việc, trong đó tác dụng của tự rèn luyện, tự phê bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mối quan hệ “Đối với mình, phải cần, kiệm, liêm, chính” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên ở vị trí đầu tiên như là một điều kiện tiên quyết, một điểm xuất phát khi xem xét tư cách của người công an. Trong các bài viết, bài nói, bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất nhiều lần đến 4 phẩm chất này như là quy tắc cơ bản của đạo đức cách mạng. Người khẳng định “cần, kiệm, liêm, chính” là yêu cầu nhất thiết phải có, là “tứ đức” cơ bản làm nên gốc của người cách mạng. Trong hoàn cảnh người chiến sĩ công an nhân dân phải luôn đấu tranh với những sai trái, những mặt tiêu cực của đời sống xã hội thì “tứ đức” này càng có ý nghĩa là nền tảng. Bởi nếu tự mình không giữ được cần, kiệm, liêm, chính thì cán bộ, chiến sĩ công an không thể đấu tranh và bảo vệ sự trong sạch của xã hội.

Trong các mối quan hệ của người cán bộ, chiến sĩ công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến bốn mối quan hệ: với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với địch. Trong đó, mối quan hệ cơ bản nhất mà Người đề cập đó là nhân dân. Người chỉ rõ công an Việt Nam là công an nhân dân, dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu và vì nhân dân phục vụ, coi đây là yếu tố quyết định, cội nguồn sức mạnh của công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Người lý giải: “Ở công an hay ở quân đội, đều là làm đày tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”(4). Công an phải thật sự đoàn kết, gần gũi với nhân dân, động viên nhân dân tự nguyện tham gia công việc theo nghiệp vụ, chuyên môn của ngành. Nhân dân không những ủng hộ, giúp đỡ mà còn kiểm tra việc làm của lực lượng công an để góp phần giáo dục, rèn luyện tư cách đạo đức cho mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu công an biết dựa vào nhân dân, thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực của công an”(5). Do đó, để đạt được hiệu quả công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu công an nhân dân phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân. Lễ phép là cách xưng hô đúng mực, là thái độ hòa nhã, khiêm tốn trước nhân dân, biết kính trên nhường dưới, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân. Lời dạy “đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép” của Người với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vừa là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa là kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống, từ thực tiễn hoạt động cách mạng gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang của Người. Người đã đúc kết: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng đoàn kết của nhân dân”. Do đó, công an nhân dân phải nhận thức rõ sức mạnh và vai trò của nhân dân đối với công tác công an, phải làm sao giữ gìn an ninh, trật tự cũng là nhiệm vụ của toàn dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và coi trọng đạo đức nghề nghiệp của người công an nhân dân. “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ”, trước hết biểu hiện ở lòng thương yêu, quý trọng, sống với nhau có tình có nghĩa, có lòng nhân ái giúp đỡ những người cùng công tác, cùng chung chí hướng, cùng phấn đấu cho lý tưởng, sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo Người, giúp đỡ, truyền đạt tri thức, kinh nghiệm nghề nghiệp cho đồng đội thể hiện sự quan tâm, một lòng một dạ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Người nghiêm khắc phê phán sự bao che, dung túng những thói hư tật xấu trong nội bộ. Người kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện của thói ích kỷ, chia rẽ bè phái. Người còn chỉ ra phương thuốc hiệu nghiệm để khắc phục chữa trị các căn bệnh đó là cần phải luôn nêu cao tự phê bình và phê bình với tinh thần nhân ái và lập trường vững vàng.

Công an nhân dân là công cụ chuyên chính sắc bén của Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Do vậy, sự trung thành của lực lượng công an được Hồ Chí Minh nhấn mạnh là “tuyệt đối trung thành”, là yêu cầu hàng đầu, không thể thiếu trong phẩm chất của người công an nhân dân. Mỗi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân đều có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, ảnh hưởng đến sự tồn vong, sự an nguy của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, sự trung thành với Đảng và Chính phủ không chỉ phản ánh sự trung thành thuần túy, là lương tâm, trách nhiệm mà còn phản ánh nhãn quan chính trị nhạy bén của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả”(6). Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an dù công tác ở bất kỳ đâu, thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, đều phải thấy rõ sự gắn bó chặt chẽ giữa công tác công an và đường lối chính trị của Đảng. Nắm vững và nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước chính là biểu hiện cao nhất của lòng trung thành của lực lượng công an nhân dân.

Trong rèn luyện nhân cách người công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải luôn giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, có ý thức tự mình phấn đấu vươn lên để từng bước hoàn thiện nhân cách, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong công việc, Người đề cao tinh thần tận tụy, nghĩa là người công an phải để công việc nước lên trên, lên trước việc tư và việc nhà. Người công an phải toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức cho công việc, không nên suy bì, tính toán thiệt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”(7). Phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp trước Đảng, trước nhân dân ở mọi nơi, mọi lúc. Bởi lẽ, không tận tụy, không tập trung cho công việc thì không thể nắm bắt và dự đoán được tình hình, động thái và hoạt động của các thế lực thù địch cũng như hành vi, vi phạm pháp luật của bọn tội phạm, càng không thể cảnh báo nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Mặt khác, nếu không tận tụy, khách quan thì trong công việc dễ dẫn đến làm sai, làm oan người vô tội.

Trải qua những chặng đường lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an đã nối tiếp nhau vun đắp, hun đúc nên truyền thống cao đẹp của công an nhân dân. Đó là lòng yêu nước, là lòng trung thành tuyệt đối với đất nước, với lý tưởng cộng sản, với con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân đã lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những truyền thống tốt đẹp, những thành tích vẻ vang, lực lượng công an nhân dân vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Một số cán bộ, chiến sĩ không giữ được mình, bị danh vọng, địa vị, tiền tài, bị cám dỗ làm lu mờ nhận thức và hành động, thái độ ứng xử chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách người công an nhân dân vẫn mang tính thời sự, còn nguyên giá trị và bài học quý báu đối với lực lượng công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội hiện nay.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc rèn luyện nhân cách người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân cần chú ý một số vấn đề sau:

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Luôn kiên định lập trường cách mạng, quyết tâm đi theo con đường, lý tưởng cách mạng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn. Thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác của toàn lực lượng công an.

Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật của lực lượng công an. Lực lượng công an là cơ quan thi hành pháp luật do đó phải rèn luyện đạo đức, luôn nêu cao tinh thần giữ nghiêm kỷ luật, kiên quyết chống mọi biểu hiện coi thường pháp luật, lợi dụng pháp luật để vi phạm kỷ luật trong công tác. Kiên quyết xử lý những cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân chấp hành không nghiêm pháp luật, kỷ luật của ngành công an, nhất là để xảy ra những tiêu cực, tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.

Thực hiện nghiêm túc sáu điều dạy lực lượng công an nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bài học có ý nghĩa hàng đầu để xây dựng nhân cách người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân có đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị, gần gũi với nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát động các phong trào Thi đua yêu nước, công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ, công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ.

Thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt đoàn thể quần chúng trong lực lượng công an. Cần phải đổi mới nội dung, phương thức, tổ chức sinh hoạt chính trị, phát huy phê bình và tự phê bình. Luôn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, đoàn kết nội bộ trong tập thể đơn vị.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 7, tr.269.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.498- 499; tr.499.

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.499.

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.269.

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.260.

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.140.

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.131.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)