slider

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào "Tết trồng cây"

22 Tháng 05 Năm 2020 / 879 lượt xem

Nguyễn Thị Lệ Thủy

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Cách đây vừa tròn 60 năm, năm 1960 đã ghi dấu quan điểm và chỉ đạo đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái. Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Người đã khởi xướng phong trào Tết trồng cây. Luận giải sâu sắc ý nghĩa của Tết trồng cây, Người viết: “Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn. Trong lúc bọn Mỹ - Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng ở miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng. Chỉ một việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch, và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta. Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”(2).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống gần gũi giữa con người với thiên nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Đó là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống con người. Để định hướng và phát triển phong trào Tết Trồng cây, Người đã có nhiều bài viết và bài nói có liên quan.

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” (bút danh Trần Lực) đăng trên báo Nhân dân. Người đã phân tích ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc trồng cây đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân, mà ai cũng có thể làm được: “Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”(3).

Để việc trồng cây trở thành phong trào phát triển rộng khắp và đạt được hiệu quả cao trên toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, ấn định từ ngày 06/01/1960 đến ngày 06/02/1960 gọi là “Tết trồng cây”. Người cũng không quên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ và nhân dân làm tốt công tác chuẩn bị cho phong trào: “Phải chuẩn bị nhiều cây giống, đảm bảo mỗi người trong một năm trồng và chăm sóc tốt độ hai đến năm cây, hoặc cây ăn quả, hoặc cây lấy gỗ”(4).

Mùa Xuân Canh Tý năm 1960, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên nhân dân trên toàn miền Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng núi cao đều hăng hái nhiệt tình tham gia phong trào “Tết trồng cây” với số lượng cây khá đáng kể: tại Thủ đô Hà Nội, riêng ở khu sông Nhuệ đã được 12 vạn cây; Thanh Hóa mở 8 vườn để ươm 2 tạ hạt giống phi lao; mua 3 tấn hạt giống xoan và 12 vạn quả dừa làm giống; Khu tự trị Thái - Mèo trồng 50 vạn cây; Thái Bình trồng gần 10 triệu cây; Hà Nam 91 vạn cây; Hải Dương ươm 7 tấn hạt giống xoan; xã Quang Minh trồng 12.000 cây; xã Hà Thái gần 17.000 cây. Cá nhân thì có 130 chị em phụ nữ chợ Hồ Xá cùng với một phân đội Công an vũ trang nhân dân, trong một ngày đã trồng được 1.570 cây; Thanh niên Tây Bắc mỗi người trồng từ 10 đến 15 cây, v.v...

Ngày 08/12/1961, nhân dịp về thăm quê hương và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn các cán bộ về việc coi trọng công tác trồng cây: “Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu? Khi trước nhà nào lo làm nhà nấy, làm thế nào cũng được. Nhưng bây giờ không phải như thế. Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón”(17).

Để đảm bảo cho phong trào Tết trồng cây năm nay đạt hiệu quả tốt hơn những năm trước, lần thứ ba Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” với bút danh Trần Lực đăng báo Nhân dân, số 3228, ngày 27/01/1963. Trong đó, Người căn dặn: “Mỗi năm nên có vài đợt kiểm tra lẫn nhau giữa tỉnh này với tỉnh khác, huyện này với huyện khác... Tỉnh nào có kết quả tốt nhất sẽ được Chính phủ khen thưởng, huyện nào tốt sẽ được tỉnh khen thưởng”(18).

Đối với phong trào “Tết trồng cây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vấn đề chất lượng, hiệu quả, đảm bảo “trồng cây nào, tốt cây ấy”, tránh lãng phí tiền bạc và công sức của nhà nước và nhân dân. Người thường căn dặn: “Trồng 100 cây mà sống cả tốt cả, thì hơn trồng 1.000 cây mà chỉ sống được 90 cây”(6). Trong mỗi chuyến đi công tác đến bất cứ địa phương nào, hầu như Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đều dành một lượng thời gian nhất định để nhắc nhở cán bộ, đảng viên, thanh niên, nhi đồng và người cao tuổi về vấn đề chăm sóc cho cây. Ngày 11/02/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và có bài phát biểu tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng, Người căn dặn các cán bộ: “Trong việc “Tết trồng cây”, phải phổ biến trồng cây như thế nào cho cây tốt, phải chăm sóc và chăm bón cây như thế nào?”(7). Ngày 23/02/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn, Người có lời khen ngợi và nhắc nhở: “đồng bào tỉnh ta hăng hái tham gia “Tết trồng cây”, như thế là tốt. Đồng bào cần nhớ rằng trồng cây nào phải vun xới, giữ gìn cho tốt cây ấy. Năm bảy năm sau, phong cảnh tỉnh nhà sẽ càng thêm tươi đẹp, đồng thời đó sẽ là một nguồn lợi to”(8).

Khi biết tin một số nơi làm chưa tốt việc chăm sóc cây trồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời chấn chỉnh, phê bình và đồng thời động viên nhân dân tiếp tục cố gắng để đạt hiệu quả cao hơn. Ngày 13/3/1960, về công tác tại tỉnh Thái Nguyên, Người phê bình cán bộ và nhân dân trong tỉnh: “Vừa rồi Thái Nguyên trồng nhiều nhưng chăm sóc kém, cây trồng chết đến 90% như xoan. Cán bộ và công nhân khu gang thép đốt cháy mất hơn 2 vạn cây. Đó là một việc rất đáng phê bình. Phải ra sức bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng”(9).

Nhờ phong trào phát triển nhanh chóng, sôi nổi và rộng khắp, cho nên trong đợt một từ 06/01/1960 đến cuối tháng 2/1960, cả miền Bắc đã trồng được chín triệu cây. Trong đó Lạng Sơn, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hồng Quảng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định,... bình quân mỗi tỉnh trồng được năm mươi vạn cây. Tuy nhiên, vì có nơi kém săn sóc mà cây hỏng mất một số, còn lại hơn sáu triệu cây. Trong đợt một của phong trào “Tết trồng cây” cũng đã xuất hiện những cá nhân và đơn vị kiểu mẫu như: “Đồng bào xã Hoằng Xuyên (Thanh Hoá) mỗi người đã trồng mười cây; ông Xuyên (xã An Thắng, Kiến An) đã trồng hai trăm cây; Tỉnh Nghệ An đã trồng hơn một triệu cây; Tỉnh Hà Tĩnh đã trồng hơn một triệu mười lăm vạn cây, v.v..”(10).

Sớm nắm bắt được tình hình nhiều cây trồng bị hỏng tại các địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: “Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây” với bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2198, ngày 25/3/1960. Bên cạnh việc khen ngợi những gương tốt trong đợt một thực hiện phong trào Tết trồng cây, Người thẳng thắn phê bình những nơi làm kém chất lượng và nêu lên những khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa: “Nhiều nơi khi trồng cây đã thiếu hướng dẫn, trồng rồi lại thiếu săn sóc, để cây hỏng nhiều. trong đợt một thì làm ào ạt. Về sau có vẻ nguội dần”. Một lần nữa Người nhấn mạnh về ý nghĩa chiến lược của phong trào: “Tết trồng cây” cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục. ngoài những lợi ích khác, Tết trồng cây là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nay mai”(11). Trong đợt một của phong trào, số lượng cây sống tốt là 6 triệu cây, chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra ban đầu là 9 triệu cây, bởi vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý cho nhân dân cách làm để vượt chỉ tiêu như sau: “Nếu tính từ tám tuổi trở lên mỗi người trồng một cây thật tốt, thì mỗi năm có độ mười hai triệu cây. Vậy trong những đợt từ nay đến cuối năm, đồng bào ta phải đảm bảo trồng thêm sáu triệu cây tốt nữa. Như thế, kế hoạch Tết trồng cây năm nay sẽ chắc chắn hoàn thành tốt” (12).

Khi gặp gỡ và nói chuyện với các cháu thiếu niên nhi đồng nhân dịp tết Trung thu năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhắc đến vai trò của các em học sinh bởi theo Người: “Mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực.”(13) Người nêu những việc mà sức các em có thể làm được góp phần giúp cho cây cối của địa phương mình phát triển xanh tươi: “Ở thành thị cũng như ở nông thôn các em nên tổ chức những Đội nhi đồng chăm nom cây cối để giúp đồng bào trồng cây nào sống cây ấy, tốt cây ấy”(14).

Với sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, phong trào “Tết trồng cây” đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện phong trào Tết trồng cây, vừa đi thăm các địa phương và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người theo dõi, cổ vũ động viên, khen thưởng, biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức Tết trồng cây.

Mùa Xuân năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại vườn hoa Thanh niên. Trong không khí vui tươi phấn khởi các địa phương nhộn nhịp chuẩn bị Tết trồng cây để chào mừng một cách thiết thực ngày thành lập Đảng, với bút danh Trần Lực, lần thứ 2 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây”, đăng báo Nhân dân, số 2506, ngày 28/01/1961. Người khen: “Đó là một phong trào rất tốt. Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”. Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu gương những sáng kiến tốt để mọi người cùng được biết và học tập làm theo: “Từ ngày có Tết trồng cây, hợp tác xã Lạc Trung đã có sáng kiến làm như sau: Khuyến khích xã viên trồng, đồng thời hợp tác xã chỉ định một tổ ba xã viên chuyên phụ trách trồng và săn sóc cây. Nhờ vậy mà hiện nay hơn 6.000 cây trong thôn đều xanh tốt... Nhờ trồng cây có kế hoạch, mà từ một thôn trơ trọi, chỉ trong vài năm Lạc Trung đã trở nên xanh tươi nhất trong cả huyện Vĩnh Tường”(15).

Ngoài ra, Người còn đưa ra bài toán kinh tế để mọi người thấy được nguồn lợi mà có trách nhiệm tích cực trong việc trồng và chăm sóc cây: “Miền Bắc ta có 16 triệu người, trừ độ 4 triệu em bé, còn 12 triệu người đều có thể tham gia Tết trồng cây. Chỉ tính theo con số rất thấp (và ngoài kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước), nếu mỗi người chỉ trồng một cây và chăm bón cho tốt, thì mỗi năm có 12 triệu cây tốt. Độ 10 năm, thì trong làng mạc và bên đường cái khắp miền Bắc ta ít nhất cũng sẽ có 120 triệu cây tốt. Cứ tính theo giá rất rẻ, mỗi cây là 3 đồng, thì chúng ta sẽ giàu thêm 360 triệu đồng. Bà con xem, do Tết trồng cây, mà đất nước ta càng thêm xinh tươi, nhân dân ta càng thêm giàu có”(16).

Ngày 08/12/1961, nhân dịp về thăm quê hương và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn các cán bộ về việc coi trọng công tác trồng cây: “Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu? Khi trước nhà nào lo làm nhà nấy, làm thế nào cũng được. Nhưng bây giờ không phải như thế. Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón”(17).

Đón Tết năm 1963, khắp nơi trên toàn miền Bắc chuẩn bị Tết trồng cây rất sôi nổi. Một điều đặc biệt là Đoàn Thanh niên Lao động 10 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng, Hà Tĩnh, v.v. đã quyết tâm nhận trách nhiệm làm đội quân chủ lực và chuẩn bị để trồng hơn 70 triệu cây. Thanh niên Hải Dương dự định biến 1.500 mẫu tây đồi trọc thành rừng cây. Thanh niên Hưng Yên dự định trồng cây làm cho 100 cây số đường râm mát và tươi đẹp, v.v..

Để đảm bảo cho phong trào Tết trồng cây năm nay đạt hiệu quả tốt hơn những năm trước, lần thứ ba Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” với bút danh Trần Lực đăng báo Nhân dân, số 3228, ngày 27/01/1963. Trong đó, Người căn dặn: “Mỗi năm nên có vài đợt kiểm tra lẫn nhau giữa tỉnh này với tỉnh khác, huyện này với huyện khác... Tỉnh nào có kết quả tốt nhất sẽ được Chính phủ khen thưởng, huyện nào tốt sẽ được tỉnh khen thưởng”(18).

Vì lợi ích rõ rệt của Tết trồng cây, nhân dân các địa phương rất hăng hái hưởng ứng và ở nhiều nơi đã thành một phong trào quần chúng mạnh mẽ. Sau 5 năm thực hiện phong trào Tết trồng cây, miền Bắc nước ta đã trồng được hơn 375 triệu cây các loại. Ngoài ra còn có hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ở vùng biển. Có nhiều nơi gương mẫu như các hợp tác xã: Lạc Trung, Ngọc Long, Vinh Quang, Nà Vó, Lê Hồng Phong, v.v.. Hơn 8.000 hợp tác xã đã kết hợp Tết trồng cây vào kế hoạch sản xuất. Có những tỉnh tổ chức Tết trồng cây tốt như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Có những tỉnh phong trào diễn ra cũng khá hiệu quả nhưng còn chậm như: Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Bắc. Có những tỉnh trước kia kém, đang chuyển khá như: Nghệ An, Sơn Tây. Có những tỉnh vẫn còn kém như Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng (cả Kiến An cũ) (theo Tổng cục Lâm nghiệp). Thực tế phong trào cho thấy: nơi nào mà Tỉnh ủy, các cấp Đảng và chính quyền thiết thực lãnh đạo nhân dân ra sức trồng cây và bảo vệ cây, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng, có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng các cụ phụ lão và thanh niên, nhi đồng, thì nơi đó phong trào Tết trồng cây phát triển tốt.

Tiếp tục cổ vũ, động viên nhân dân các tỉnh trên toàn miền Bắc tích cực tham gia phong trào Tết trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài: “Năm mới, hãy nhiệt tình tổ chức Tết trồng cây”, với bút danh Trần Lực đăng báo Nhân dân, số 3928, ngày 01/01/1965. Người động viên nhân dân và thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của việc trồng cây: “Những nơi khá, nên tiến lên nữa. Những nơi kém, cần phải cố gắng vươn lên. Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ một việc đó đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây. Cây ăn quả, cây làm củi, cây công nghiệp cũng là nguồn lợi to lớn. Cũng nên ra sức trồng cây để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn”(19).

Dưới sự quan tâm, kiểm tra, đôn đốc sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm tiếp theo nhân dân khắp nơi đã hiểu rõ trồng cây gây rừng có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, đến cuối năm 1968 nhân dân ta đã trồng được hàng chục vạn hécta cây các loại trên các đồi, bãi, vườn, hai bên đường, trên bờ mương máng, v.v.. Trong những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhân dân ta càng nhận rõ lợi ích của việc trồng cây, cho nên phong trào trồng cây càng phát triển. Việc trồng cây ngày càng hướng vào những yêu cầu thiết thực như lấy gỗ, cây ăn quả, cây chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay, v.v.. Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn phục vụ đời sống nhân dân.

Không chỉ viết báo động viên tinh thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đích thân về thăm và khen ngợi những địa phương nơi có thành tích trồng cây tốt như Nam Hà, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Lạng Sơn. Nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc như: Anh hùng trồng cây Nguyễn Văn Tần, cán bộ miền Nam tập kết ở Vĩnh Phú; cụ Nguyễn Văn Quắc, 74 tuổi, ba năm liền chiến sĩ thi đua về trồng cây ở Ninh Bình; ông Hoàng Đông Hán ở Quảng Ninh; cụ Sùng Chín Tín ở Hà Giang; cụ Nông Quảng Liêm ở Lạng Sơn, tự tay mình trồng được 3.500 cây trên đồi trọc, cây nào cũng tốt, cụ còn vận động cả hợp tác xã trồng được hàng vạn cây xanh tươi, v.v.. đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu gương và gửi tặng Huy hiệu của Người.

Năm 1969, dù sức khỏe đã có phần giảm sút, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với phong trào Tết trồng cây của nhân dân cả nước. Một lần nữa với bút danh Trần Lực Người viết bài “Tết trồng cây” đăng báo Nhân dân, số 5411, ngày 05/02/1969. Trong bài viết, Người nêu gương địa phương trồng cây năng suất tốt đưa lại lợi ích lớn cho người dân, để mọi người cùng học tập làm theo: “Xã Đô Lương (Lạng Sơn) có nhiều đất rừng, nhưng trước đây không biết chăm lo trồng cây. Từ năm 1964, trong cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, Đô Lương hợp bảy hợp tác xã nhỏ thành ba hợp tác xã lớn. Việc trồng rừng được quản lý tốt, bảo vệ tốt, kết quả bước đầu là với 270 hécta rừng được chăm sóc, hằng năm đã bán cho Nhà nước 1.100 mét khối gỗ và 1.000 mét khối củi. Nhờ trồng cây tốt cho nên thuỷ lợi cũng tiến bộ. Hơn 100 hécta ruộng trước kia bỏ hoá, nay đã trở thành ruộng 5 tấn. Đóng góp lương thực nghĩa vụ ngày càng tăng, năm 1967 được 130 tấn thóc, năm 1968 được 141 tấn thóc. Thu nhập của hợp tác xã cũng ngày càng tăng, năm 1965 thu được 16.250 đồng, năm 1967 thu được 50.240 đồng. Nhờ vậy, đời sống của xã viên ngày càng cải thiện. Ví dụ đó chứng tỏ trồng cây gây rừng rất ích nước lợi nhà”(20). Người yêu cầu những địa phương trồng cây chưa tốt: “cần học tập và thi đua với những nơi có phong trào trồng cây khá” và nhắc nhở “Chúng ta phải trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa”(21).

Điều gây xúc động lòng người là trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng gửi lại cho cả dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn kĩ mọi việc đối với Đảng, với nhân dân, trong đó Người dành một phần để căn dặn định hướng về việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”(22).

Qua quá trình nghiên cứu, chúng ta thấy rõ: hiểu sâu sắc lợi ích của việc trồng cây đối với con người nói chung và đối với nhân dân Việt Nam nói riêng, nên từ khi phát động phong trào Tết trồng cây cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên dành sự quan tâm sát sao tới việc trồng cây và chất lượng cây trồng trong toàn dân. Với sự quan tâm của Người, những thế hệ cây xanh được trồng từ những năm đầu của phong trào này đã trở thành những cây cổ thụ trên nhiều đường phố, đường liên thôn, liên xã, liên huyện, tại các đình làng, sân trường, bệnh viện, cơ quan, trên mọi đồi núi, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho đất nước. Những cây đa, cây si Bác Hồ tự tay trồng khi đến thăm các địa phương cũng đã trở thành những di tích lịch sử văn hóa. Hiện nay, cùng với phong trào nông thôn mới, nhân dân cả nước đã thực sự chú trọng đến cảnh quan môi trường, hăng hái trong việc xây dựng khối xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, việc trồng thảm hoa hai bên đường được người dân hưởng ứng nhiệt tình, người người trồng hoa, nhà nhà trồng cây, làm cho môi trường sống thêm trong lành mát mẻ. Đó cũng chính là mục đích cao đẹp của việc trồng cây mang lại.

Trong suốt 60 năm qua, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, ngăn chặn lũ lụt, thiên tai, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho cuộc sống của con người luôn được toàn Đảng, toàn dân ta nhiệt liệt hưởng ứng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế bền vững và cải thiện môi trường sinh thái đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời./.

Chú thích:

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr445
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr20-21
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr337
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr350
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr442-443
  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr259
  7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr470
  8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr492
  9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr522
  10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr535
  11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr535
  12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr535.
  13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr549-551
  14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr699
  15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr22-23
  16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr22-23
  17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr280
  18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr19-21
  19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr445-446
  20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 tập 15, tr549-551
  21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr549-551
  22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 631

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)