slider

Sức sống của một lời hiệu triệu tinh thần dân tộc

07 Tháng 04 Năm 2014 / 3468 lượt xem
Trần Thị Thắm
Phòng Tuyên truyền – Giáo dục
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân, nhân dân lao động đã trở thành người làm chủ vận mệnh của mình và dân tộc mình. Song, chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời đã phải đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, như “ngàn cân treo sợi tóc”, mong manh như “trứng để đầu gậy”, phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng một lúc: giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm.
Được đế quốc Anh và Mỹ ở miền Nam tiếp sức, từ khi đưa quân ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định Sơ bộ, thực dân Pháp nuốt lời hứa, gạt bỏ mọi khả năng thương lượng, ráo riết mở rộng chiến tranh. Chúng biến quân “tiếp phòng” thành đội quân chiếm đóng và áp dụng lối đánh lấn dần, và mặc dù đã ký Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946) nhưng chúng vẫn đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích ta: Tháng 11/1946, chúng gây xung đột và khiêu khích ta ở Hải Phòng; Đầu tháng 12/1946, chúng ngang nhiên chiếm Đà Nẵng, Lạng Sơn; Ngày 17/12/1946, chúng khiêu khích ta ở Thủ đô và bắn đại bác vào phố Hàng Bún, phố Yên Ninh, cầu Long Biên… Nghiêm trọng hơn, ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng trong vòng 48 giờ. Sau nhiều lần tăng viện, đến cuối năm 1946, đạo quân viễn chinh Pháp trên chiến trường Đông Dương lên đến trên 90.000 tên gồm 36 tiểu đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn pháo binh, 3 trung đoàn thiết giáp và cơ giới, hơn 100 máy bay và nhiều tàu chiến.
Trước tình thế nghiêm trọng đó, Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và đi đến nhận định: Âm mưu của thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược đã chuyển sang một bước mới, thời kỳ hòa hoãn đã qua, khả năng hòa bình không còn nữa, nếu tiếp tục nhân nhượng, thuận theo những điều kiện lúc này của thực dân Pháp thì đồng nghĩa với việc trao độc lập, chủ quyền của ta cho chúng. Nhân dân ta chỉ còn một con đường duy nhất là cầm vũ khí đứng lên.
Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, ngày 19-12-1946, tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Mở đầu lời kêu gọi, Người chỉ rõ dã tâm của thực dân Pháp bằng những lời ngắn gọn mà đanh thép: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Dù chúng ta đã tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh nhưng “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, đối phương chủ trương gây chiến. Không còn con đường nào khác, chúng ta phải dùng chiến tranh chính nghĩa chống lại chiến tranh phi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chút ảo tưởng về lòng nhân từ của bọn xâm lược. “Độc lập tự do không thể cầu xin mà có được”. Trong cuộc đấu tranh chống kẻ xâm lược, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Đó là quan điểm mấu chốt trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đã được thể hiện trong Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Khi đã buộc phải kháng chiến thì Hồ Chí Minh kiên quyết động viên toàn dân đứng lên chiến đấu: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như văn kiện thứ hai tiếp theo của bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đề cập đến mục tiêu chính trị của cuộc cách mạng và cuộc kháng chiến. Đó là độc lập tự do hạnh phúc, là những khát vọng của một dân tộc đã bị mất nước, bị nô lệ 80 năm.
Để chuẩn bị đi vào kháng chiến, trước hết phải xây dựng cho toàn dân quyết tâm chiến đấu và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Và Người khẳng định: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Nhưng để chiến đấu và chiến thắng một kẻ thù xâm lược hùng mạnh, chúng ta phải kháng chiến theo một đường lối và phương châm nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra được lời giải chính xác cho bài toán rất đỗi khó khăn này. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến với phương châm lâu dài và dựa vào sức mình là chính: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Lời kêu gọi kháng chiến cứu nước chỉ có 200 từ, nhưng từng chữ trong lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng ăn sâu, bám rễ, thấm nhuần vào sâu tâm khảm nhân dân, trở thành mệnh lệnh trái tim thúc giục triệu triệu quân dân nước Việt. Ta nghe trong đó như sống lại tinh thần của dân tộc trong những câu nói bất hủ của Trần Quốc Tuấn: “Bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi sẽ hàng”; của Trần Bình Trọng: “Thà làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc”; của Triệu Trinh Nương: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chớ không thèm bắt chước người ta cúi đầu cong lưng để làm tỳ thiếp cho người”; như thấy lại hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong tay vì không được bàn việc đánh giặc,… tất cả như sống lại hào khí truyền thống quý báu của dân tộc: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Đáp lại lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc nhất tề đứng lên cầm vũ khí với lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta. Niềm tin đó, quyết tâm đó được khẳng định trong những lời Bác chúc Tết năm 1947, Tết đầu tiên sau khi nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược:
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công1
Thu đông năm 1947, thực dân Pháp âm mưu kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “chớp nhoáng”. Chúng đưa số quân viễn chinh lên 12,5 vạn tên và huy động hơn 2 vạn lính tinh vệ nhất thực hiện kế hoạch tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến và đại bộ phận quân chủ lực của ta. Hưởng ứng chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương đảng “ đập tan cuộc tiến công mùa đông của giặc pháp”, cả nước hướng về căn cứ địa Việt Bắc nổ súng phối hợp: các đồn bốt, kho tàng địch ở Sài Gòn, Tây Ninh, Mỹ Tho… Tân An bị tập kích; Tây Nguyên đánh mạnh lập nhiều căn cứ ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam; Quảng Ngãi, Bình Định tiến công địch đi càn. Ở đồng bằng Bắc Bộ, phong trào tổng phá tề lên mạnh dọc 2 bên đường số 5. Ở căn cứ địa Việt Bắc 3000 giặc Pháp phải bỏ xác, hơn 3000 tên bị thương, hơn 2700 tên bị bắt. Việt Bắc thực sự là mồ chôn giặc Pháp.
Cả nước hưởng ứng quyết định của Trung ương Đảng và Bác Hồ (tháng 6-1950). Năm 1950, ta mở chiến dịch biên giới nhằm mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giải phóng 1 phần biên giới. Trung tuần tháng 9-1950, Bác Hồ lên đường ra mặt trận để lãnh đạo chiến dịch- các chiến trường phối hợp: ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Liên khu 5 và Nam Bộ đẩy mạnh diệt địch, phá tề. Thu đông năm 1950, ta diệt và bắt sống hơn 4.500 tên địch, trong đó có 3 tên quan năm.
Cuối cùng sau 9 năm thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng “nếm mật nằm gai, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng chí không mòn…”(2) làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong bài Mẩu chuyện về Điện Biên Phủ của Bác Hồ với bút danh Đ.X đã viết: “Điện Biên Phủ là một thất bại đau đớn cho thực dân Pháp, càng là một thất bại nhục nhã cho bọn can thiệp Mỹ. Vì Mỹ đã định ra kế hoạch Nava, đã giúp tiền bạc và vũ khí để thực hiện kế hoạch ấy… Ta tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 binh sĩ Pháp… Chúng mất 25 tiểu đoàn tinh nhuệ nhất, gần 20 tên quan năm và một tên thiếu tướng… Thực dân Pháp thì trách Mỹ không hết sức, không kịp thời cứu vãn. Đế quốc Mỹ thì trách Pháp hèn hạ, bất tài. Nội bộ Chính phủ Pháp lục đục, tên này đổ lỗi cho tên kia. Bại tướng Nava bị cách chức”(3). Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc đối phương phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Theo đó, nền độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được công nhận, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đấu tranh để thống nhất đất nước.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần quật khởi, quyết chiến quyết thắng được dân tộc Việt Nam kế tục và phát huy suốt cuộc kháng chiến 30 năm đánh bại thực dân Mỹ xâm lược. Toàn dân ta đã đứng lên tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn mong muốn của Bác Hồ và làm sáng ngời hiện thực của chân lý giành độc lập, tự do cho nước, cho dân.
Ngày nay, dân tộc ta đang bước vào một thời kỳ lịch sử mới - thời kỳ tiến hành công cuộc đổi mới vĩ đại, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trải qua 36 năm xây dựng, đặc biệt là 25 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2010 đã cao gấp nhiều lần năm 1976. Cụ thể: GDP tăng 7,2 lần; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,8, công nghiệp tăng 42,4 lần; GDP/đầu người (giá so sánh) tăng 4,3 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 57,9 lần; số bác sỹ tăng 6,7 lần… Tuy nhiên, nước ta vẫn còn là một nước nghèo, khoảng cách tụt hậu về kinh tế và khoa học còn xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới như báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của ngân hàng Thế giới nhận xét, Việt Nam tụt hầu về kinh tế tới 51 năm so với Inđônêsia; 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore… Do vậy, công cuộc chiến thắng nghèo nàn lạc hậu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, làm cho nước ta trở thành một nước vừa anh hùng vừa giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn là một nhiệm vụ lịch sử hết sức nặng nề, một thách thức mới hết sức to lớn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải có một sự nỗ lực vượt bậc, một tinh thần quật khởi mới. Đó là tinh thần yêu nước, quật khởi của toàn dân tộc, trước đây là nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, ngày nay là không chịu nghèo nàn và lạc hậu, không chịu tụt hậu thua kém bạn bè đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế và khoa học công nghệ, phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thực tế lịch sử của 65 năm qua, đã chỉ cho mỗi người Việt Nam hiểu thấu: Lời kêu gọi kháng chiến cứu nước của Bác đã trở thành một khẩu hiệu, một châm ngôn sống, trở nên bất hủ không những chỉ trong thời điểm lịch sử đó mà còn vượt qua thời gian, là hành trang dẫn dắt cho mỗi chúng ta, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế để xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.
 
Chú thích:
1 – Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia. HN 2009. T 5, tr 17
2- Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu.

2 -Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia. HN 2009. T 2, tr 287-290

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)