slider
Phát triển kinh tế số

Tập bản tin nhanh hàng ngày hiện đang trưng bày tại ngôi nhà Sàn tại Phủ Chủ tịch

07 Tháng 06 Năm 2013 / 16233 lượt xem
Vũ Thu Hằng
Phòng ST-KK-TL
Trong khối hiện vật đồ giấy hiện đang trưng bày tại tầng 2 ngôi nhà sàn có tập bản tin nhanh hàng ngày Bác đã đọc. Đó là minh chứng cho sự quan tâm, tình cảm của Người đối với cơ quan truyền thông nói chung và thông tấn quốc gia nói riêng. Hàng ngày, dù bận trăm công ngàn việc trên cương vị của một Chủ tịch nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành một lượng thời gian thích hợp đọc và nghe đọc báo, bản tin để nắm tình hình trong nước và thế giới, sau đó có sự chỉ đạo, động viên, khen thưởng, phê bình kịp thời. Bên cạnh đó qua báo chí Người thu thập, tổng hợp thêm tài liệu để viết sách, báo hoặc đi nói chuyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tác dụng của thông tin truyền thông, trong đó có Việt Nam Thông Tấn Xã.
Còn đây bút tích của Người
Trên bàn làm việc của Người ở tầng 2 ngôi nhà sàn hiện vẫn còn nguyên tập bản tin sinh thời Người đã đọc và nghe đọc. Đó là 12 tập bản tin do Việt Nam Thông Tấn Xã phát hành từ ngày 5 đến ngày 18-8-1969. Những ngày cuối cùng tuy sức khoẻ đã yếu nhưng Bác vẫn theo dõi thường xuyên tin tức, báo chí và cho ý kiến những bài, tin mà Bác nghe đọc.
Hàng ngày sau giờ làm việc Bác sắp xếp thời gian đọc báo, bản tin vào 9 hoặc 10 giờ đêm. Sau này để bảo vệ đôi mắt cho Bác, cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch đã cử ông Tạ Quang Chiến đọc giúp Bác các tin tức, báo chí. Ông Chiến là người bảo vệ Bác trực tiếp ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1956 ông Cù Văn Chước được điều từ thanh niên xung phong về CQ 41( viết tắt của cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch). Ông làm Phó phòng Văn thư, rồi Trưởng phòng và ông cũng là người trực tiếp soạn tin, đọc tin, báo cho Bác Hồ từ năm 1962 cho đến những ngày cuối trước lúc Bác đi xa trong đó có các bản tin tham khảo đặc biệt này. Những lúc ông Cù Văn Chước đi vắng thì cơ quan Văn phòng cử ông Lê Hữu Lập hoặc ông Trần Văn Vượng là cán bộ của Văn phòng Phủ Chủ tịch đọc tin, báo cho Bác. Theo ông Cù Văn Chước, ông đọc tin cho Bác từ năm 1962, những năm về sau Bác thường thích nghe đọc nhiều hơn. Sáng nào cùng vậy, vào đầu giờ buổi sáng ông bắt đầu đọc tin, báo hàng ngày cho Bác trừ những hôm Bác đi công tác hoặc họp sớm. Sau này còn đọc các tin ngắn cả buổi trưa mục đích đều đều để Bác dễ ngủ. Tin, báo đọc buổi trưa là những tin không gây xúc động. Bản tin lúc 9 giờ tối thì đọc cho Bác nghe muộn trước giờ đi nghỉ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thói quen khi đọc sách, báo, bản tin chỗ nào có vấn đề cần lưu ý thì ghi chép, đánh dấu để dễ nhận biết những số liệu và thông tin cần xử lý. Thấy gương người tốt, việc tốt, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ ghi bên cạnh dấu (0), nghĩa là thưởng huy hiệu, chỗ nào cần lưu ý Bác đánh dấu(/), vấn đề nào chưa rõ còn nghi ngờ Bác đánh dấu (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại, đã xem xong Bác vạch hai vạch (//)…các đồng chí phục vụ cứ nhìn vào các ký hiệu đó để hiểu và thực hiện theo ý của Bác. Bác cũng hay sử dụng các chữ Hán, Anh, Pháp, Nga làm ký hiệu bên lề các trang báo, bản tin.
Trong 12 tập bản tin Người đã đọc và nghe đọc tại ngôi nhà sàn trong thời gian cuối đời có 9 tập mà Người đã để lại bút tích trên các tài liệu này gồm các nét gạch, đánh dấu bằng chữ Hán và chữ Việt. Đáng chú ý trong sưu tập bản tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tập tin nhanh hàng ngày tham khảo đặc biệt- VNTTX phát hành ngày thứ ba mồng 5-8-1969 số 217. Bản tin này phát hành lúc 21 giờ và là bản số 4 gồm 5 trang. Tập tin này gồm có 4 bản tin, hiện nay chỉ còn bản số 4 phát hành lúc 21 giờ. Nội dung bản tin được chia làm hai phần: tin Việt Nam và tin thế giới được trích ra từ các nguồn tin UPI, Roitơ, AP, BBC, AFP, VOA (tiếng nói Hoa Kỳ)…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tin này và Người đã để lại bút tích bằng bút mực màu đỏ ở trang 1 và trang 3 như sau:
Trang 1: bút tích của Người là một dấu chấm hỏi (?) và 2 chữ Việt Nam viết tắt (V.N) ở lề trái và 4 chữ Hán. Những bút tích này được viết bên cạnh tin có nội dung như sau: “Vụ ngư phủ Việt Nam bị đắm thuyền (AP Sài Gòn 5-8). Chính phủ Mỹ đang thương lượng bí mật với Hà Nội để thu xếp việc trả lại cho Bắc Việt Nam 10 ngư phủ được tàu Mỹ cứu tuần trước ở ngoài khơi bờ biển Bắc Việt Nam”. Bước đầu nghiên cứu những bút tích này có thể hiểu ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Mỹ cứu ngư phủ Việt Nam”.
Trang 3: bút tích của Người là 3 chữ Hán ở lề trái, bên cạnh đoạn tin có nội dung sau: “Lào: Đài TNHK 5-8-69. Cơ quan thông tin chính thức “Lao Press” ở Vạn Tượng vừa ngỏ lời kêu gọi những nước ký kết vào Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1962 hãy gấp rút hành động để đình chỉ những hoạt động xâm lược chống lại Ai-lao xuất phát từ Bắc Việt”. 3 chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ở đoạn này có nội dung được dịch là “tố Bắc Việt”.
Bản tin nhanh tham khảo đặc biệt số 219, ngày 6-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và để lại bút tích chữ Hán viết bằng bút pắcke mực màu đỏ ở lề bên trái, trang 3 cạnh đoạn tin có nội dung sau: “Bộ ngoại giao Pa-ki-xtan cho biết: Một phái đoàn thiện chí Pa-ki-xtan gồm 2 người do Đại sứ Pa-ki-xtan ở Bắc kinh Key-dơ dẫn đầu sẽ sang thăm Bắc Việt Nam vào cuối tháng này. Tháng 5 năm ngoái, một phái đoàn Bắc Việt Nam đã sang thăm Pa-ki-xtan”. Bút tích của Người là hai chữ Hán dịch nội dung có nghĩa là “Đại hội”. Có thể hiểu ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tin tức ngoại giao này liên quan đến phiên họp toàn thể lần thứ 30 và 31 Hội nghị Pa-ri vể Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra căng thẳng có ảnh hưởng đến nước ta. Hơn nữa qua tìm hiểu chúng tôi được biết khi sinh thời Người, tại cơ quan Phủ Chủ tịch chỉ có Người biết chữ Hán nên những bút tích này chỉ có thể là của Người.
Trong Bản tin nhanh hàng ngày số 186, ngày 7-8-1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và để lại bút tích chữ Hán ở tin bài: “Mỹ sẵn sàng chấp nhận việc chia cắt Nam Việt Nam” ở trang 1 phần Điểm báo Mỹ. Bút tích chữ Hán có 5 từ được dịch là “chia cắt Nam Việt Nam”. Ở trang 10 của bản tin này cũng có bút tích chữ Hán viết bằng bút mực đỏ ở đoạn tin viết : “Ông Ních-xơn nói đến việc lại sắp rút quân ở Việt Nam. Trong cuộc gặp các lãnh tụ chính của Quốc hội, Ních-xơn đã nói đến việc đó, nhưng danh từ mà Ních-xơn dùng là “thay thế” quân đội chứ không phải là “rút quân”. Bút tích của Người ở đoạn này nghĩa là “tăng quân? giảm quân”. Như vậy có thể thấy Người rất lưu tâm đến tin chiến sự miền Nam, mỗi thay đổi chiến lược trên chính trường có ảnh hưởng đến đồng bào Nam bộ đều được Người trân trọng giữ lại.
Liên quan đến tin miền Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai còn có: Bút tích chữ Hán cạnh đoạn tin : “Trước khi bị Tổng thống Ngô Đình Diệm đóng của năm 1955, Đại thế giới là một sòng bạc của giới thượng lưu do phái Bình xuyên quản lý được sự đồng ý của Bảo Đại. Quyết định mở lại sòng bạc này là một phần nhằm chính thức hoá những cuộc đánh bạc lén lút mặc dù có lệnh cấm, một phần nhằm thu thuế mà ngân sách quốc gia đang rất cần”; bút tích chữ Việt ghi “quân Mỹ” và bút tích chữ Hán ghi “quân số” trong bản tin ngày 10-8-1969 cạnh phần tin ngoại trưởng Mỹ nói về việc rút quân khỏi Việt Nam; lề bên trái có bút tích chữ “Mỹ chết” ở bản tin ngày 18-8-1969 viết về số lính Mỹ chết và bị thương ở miền Nam Việt Nam trong thời gian một tuần do báo Mỹ thống kê.
Tin trong nước lược dịch từ các báo nước ngoài cũng là nội dung Người rất quan tâm tìm hiểu. Bút tích của Người bằng mực màu đỏ là các dấu hỏi chấm ở tin hãng Roi-tơ ngày 13-8-1969 viết về những trận đánh mới ở Việt Nam ngày hôm qua là làm theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để kỷ niệm ngày 19-8 và ngày 2-9; nét gạch chéo ở phần tin về tự do báo chí ở miền Nam Việt Nam; bút tích là chữ “Miên” ở cạnh tin đài AFP về việc chính phủ mới của Cam-pu-chia do Lôn-Nôn làm thủ tướng đã được Quốc hội chấp nhận; bút tích là chữ “tù Mỹ” và một dấu gạch chéo ở phần tin của đài Tiếng nói Hoa Kỳ về vấn đề tù binh Mỹ ở Việt Nam; chữ “lụt ở Liên Xô” viết bên lề trái tin của báo Sự thật về trận lụt lịch sử ở vùng Bai-can, Liên Xô…
Ngoài bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trên, trong các bản tin này còn có dấu viết bằng bút chì đỏ của ông Cù Văn Chước. Những dấu này để lưu ý vấn đề Bác cần xem lại hoặc Bác bảo lấy tư liệu của vấn đề đó đưa ra Bộ Chính trị thảo luận. Chỉ sau ngày 24-8-1969 đồng chí mới dừng việc đọc báo. Trên tất cả các số báo và bản tin trên bàn làm việc nhà sàn cũng như ngôi nhà Người chữa bệnh và qua đời, đồng chí Chước đều ghi lại ngày nhận báo, đánh dấu những bài đã đọc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe.
Về bút tích chữ Hán ở những bản tin này các đồng chí Vũ Kỳ, Cù Văn Chước, Lưu Quang Lập, cán bộ phục vụ Văn phòng Phủ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Huy Hoan, người có nhiều năm nghiên cứu các dạng bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều thống nhất cho chúng tôi một ý kiến: đó là các bút tích của Bác. So sánh với những bút tích Người để lại trên tài liệu đã được Hội đồng xét chọn định giá hiện vật thông qua, chúng tôi thấy về kiểu chữ, kích thước thì hoàn toàn giống nhau, chỉ có nét chữ ở đây hơi run. Điều đó cũng dễ giải thích vì lúc này sức khoẻ Người yếu nhiều, tuổi cao, mắt kém đi thì nét chữ để lại cũng sẽ khác đi.
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Việt Nam thông tấn xã
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta không có hãng thông tấn tin tức, chủ yếu Văn phòng Phủ Chủ tịch lấy tin qua điện đài từ cơ quan ở Việt Bắc, do các hãng tin của Pháp và phương Tây phát ra. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Cơ quan thông tấn được hình thành. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh cho Hãng thông tấn nhà nước Việt Nam với tên gọi Việt Nam Thông tấn xã. Ngay sau ngày khởi nghĩa thành công ở Hà Nội (19-8-1945) Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới đã lập ra Bộ tuyên truyền trong đó có Nha Thông tin Việt Nam (tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam) đã tiếp quản phòng thu tin ở số 6 Điện Biên Phủ thuộc Sở tuyên truyền báo chí Pháp và Đài phát sóng Bạch Mai.
Ngày 23-8-1945 là ngày làm việc đầu tiên của TTXVN bằng việc thu và khai thác tin của AFP ở Sài Gòn và Pari. Bắt đầu từ ngày đó, mỗi ngày đài thu 25.000 từ tin phục vụ trung ương và Bác Hồ và công tác tuyên truyền.
Ngày 15-9-1945 đúng 13 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, từ Đài phát sóng Bạch Mai phát đi toàn thế giới và trong nước những bản tin mang ký hiệu viết tắt là: VNTTX, VNA, AVI, với nội dung bản danh sách Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà và toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, thông báo sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Những sự kiện quan trọng trong nước và thế giới đều được TTXVN thông tin đều đặn. Có tường thuật Hội nghị Đà Lạt, tin về Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp và ký Tạm ước 14-9-1946 với chính phủ Pháp. VNTTX còn thông tin vể Người trên chiến hạm Dumot Durville của hải quân Pháp.
20h ngày 19-12-1946 TTXVN phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Ngay đêm đó, bộ phận thu dỡ máy móc chuyển về chùa Trầm, Hà Đông, đồng thời cho nổ mìn Đài phát sóng Bạch Mai để không lọt vào tay giặc. Ở chùa Trầm các kỹ thuật viên đã nhanh chóng lắp đặt máy móc để kịp thời thu tin nước ngoài phục vụ công tác chỉ đạo kháng chiến của Đảng và Chính phủ.
Ngày 4-3-1952, Bác Hồ đến thăm T6, cơ quan TTXVN tại Tuyên Quang, trực thuộc Nha tuyên truyền văn nghệ do đồng chí Tố Hữu phụ trách. Đêm ấy Bác ngủ lại và nói chuyện thân mật với với anh chị em TTXVN.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, TTXVN gĩư vững liên lạc bằng vô tuyến (mooc) với mặt trận và Ban tuyên huấn mặt trận Điện Biên Phủ, cung cấp tin, bài tường thuật từ mặt trận về cho báo Đảng, báo Quân đội nhân dân và Đài tiếng nói Việt Nam, báo cáo kịp thời cho Bác Hồ và Trung ương.
7 giờ 30 phút sáng ngày mồng một Tết năm Ất Mùi, tết đầu tiên ở Hà Nội, VNTTX được vinh dự nhận điện thoại chúc Tết của Bác Hồ. Bác chúc VNTTX “phát tin nhanh kịp thời, tin tốt, tin nhiều và đảm bảo sự thật”. Bác nhắc nhở: “Tin tức càng nhanh kháng chiến càng mau thắng lợi”. Sự quan tâm, chăm sóc của Bác, lời chúc Tết của Bác cùng là lời huấn thị về nghiệp vụ đối với VNTTX. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8-5-1954, Bác đọc cho phóng viên TTXVN ghi bức thư Bác viết bằng tiếng Pháp, trả lời nữ y tá người Pháp là Giơnơrie de Gala xin đựoc ở lại chăm sóc thương bệnh binh Pháp mà không trao đổi theo con đường tù binh. Bác đồng ý cho phép chị ở lại.
 Ngày 29-4-1968, Bác chỉ đạo cho VNTTX làm một số ảnh màu để tặng khách nước ngoài nhân dịp ngày quốc tế lao động 1-5-1968. Bác cùng gửi cho nhiếp ảnh VNTTX những quả táo ngon để thưởng tinh thần và cố gắng của anh chị em VNTTX. Bác đã duyệt trực tiếp nhiều tin, bài của VNTTX, căn dặn về nghề với các phóng viên tin, ảnh. Bác đã đọc những tin người tốt, việc tốt của VNTTX hàng ngày và thưởng huy hiệu cho một số cá nhân được biểu dương trên bản tin. Bác đã xem và thường xuyên nhận xét tin của VNTTX, cả tin phổ biến cũng như tin tham khảo, chỉ cho VNTTX những thiếu sót, kể cả lỗi dịch sai, phiên âm không chuẩn.
Mấy ngày trước khi đi xa, ngày 18-8-1969, Bác còn nhận xét bản tin nhanh lúc 7 giờ ngày hôm đó của VNTTX. Đó là lời nhận xét cuối cùng của Bác đối với tin của VNTTX.
Những trang giấy Người viết bản Di chúc trước lúc “từ biệt thế giới này” là mặt sau của bản tin nhanh tham khảo đặc biệt của VNTTX ngày 3-5-1969. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tác dụng của thông tấn báo chí, trong đó có TTXVN. Những ngày cuối tuy sức khoẻ yếu, Người vẫn theo dõi đều đặn tin tức, báo chí, cho ý kiến những tin, bài các đồng chí phục vụ đọc cho Người nghe.
Qua sự phân tích trên đây chúng tôi có thể đi đến kết luận: 12 tập bản tin nhanh hàng ngày từ 5-8-1969 đến 18-8-1969 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bút tích, mang đầy đủ các yếu tố là hiện vật gốc. Tập bản tin chứa đựng nội dung lịch sử sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Người đến nhiều khía cạnh của đời sống nhân dân. Đây là nguồn sử liệu sống có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về cuộc đời phấn đấu không mệt mỏi cho hạnh phúc của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)