slider

Thực trạng và những giải pháp nâng cao chất lượng Thuyết minh viên tại điểm

19 Tháng 09 Năm 2011 / 5763 lượt xem
                                                                                                                                                                               Th.s. Nguyễn Anh Minh - Phòng Tuyên tuyền- giáo dục
Theo điều 78 của Luật Du lịch của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Thuyết minh viên là người thuyết minh tại chỗ cho khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch”. Như vậy, có thể hiểu theo cách thông thường thuyết minh viên là những người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn giới thiệu, truyên truyền - giáo dụctại các điểm như : Khu bảo tồn di tích lịch sử văn hoá, các bảo tàng, các khu di tích, khu đa dạng sinh học, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…. Hiện nay theo thống kê cả nước có hơn 100 khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, gần 5000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 2951 di tích xếp hạng Quốc gia, 120 Bảo tàng, 7 Di sản thế giới…. điều đó đồng nghĩa với việc có hàng chục ngàn thuyết minh viên đã và đang hoạt động tại các điểm du lịch, các Bảo tàng, Khu di tích. Đây là đội ngũ thuyết minh đã và đang âm thầm đóng góp công sức và trí tuệ của mình nhằm phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè thế giới về những nét đẹp của đất nước, con người và những giá trị lịch sử văn hoá của dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.
Ngày nay, du lịch văn hoá và du lịch cộng đồng ngày càng được khẳng định. Vì vậy, đi du lịch không chỉ đơn thuần là thăm thú cảnh quan, mà du khách còn có nhu cầu tìm hiểu khám phá những nét độc đáo của truyền thống văn hoá, phong tục tập quán của các điểm đến. Chính vì vậy, bên cạnh những hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành, đội ngũ những người làm công tác thuyết minh tại điểm vô cùng cần thiết và quan trọng giúp du khách nói chung, nhất là đối với du khách quốc tế khi đến với Việt Nam hiểu biết sâu về những giá trị văn hoá lịch sử của mỗi một địa danh, mỗi di tích, điều đó có ý nghĩa sâu sắc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè trên thế giới. Thực tế đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành khó có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách khi họ muốn khám phá, tìm hiểu sâu về những giá trị văn hoá, lịch sử, hay phong tục tập quán của một địa danh, một di tích, hay của một cư dân bản địa nào đó. Hướng dẫn viên du lịch dù là người có nhiều kinh nghiệm và trình độ cũng không thể nào chuyên sâu được mọi lĩnh vực, vì vậy khi giới thiệu cho du khách tại điểm du lịch có giá trị văn hoá, lịch sử ( nhất là những giá trị lịch sử, văn hoá cổ xưa) họ thường không hiểu một cách đầy đủ hoặc chưa được chính xác, do vậy không truyền đạt hết những giá trị của các di tích đó, đây là một trong những hạn chế của hướng dẫn viên du lịch. Ngược lại, đội ngũ thuyết minh viên tại điểm có thể giải quyết được vấn đề hạn chế đó, bởi lẽ, họ là nguời hiểu biết rất rõ và sâu sắc về giá trị của điểm di tích, điểm du lịch đó. Nhiều điểm du lịch thuyết minh viên là người địa phương, hơn ai hết họ hiểu sâu sắc về những nét văn hoá, phong tục tập quán của địa phương mình và đặc biệt họ sẽ gửi gắm vào trong bài giới thiệu ấy những tình cảm và niềm tự hào quê hương. Hơn nữa, thuyết minh viên tại điểm chỉ giới thiệu trong phạm vi không gian của điểm di tích, nên họ có điều kiện tìm hiểu chuyên sâu hơn, đây chính là những thế mạnh của thuyết minh viên tại điểm. Đối với các điểm du lịch, di tích….việc thuyết minh, cung cấp và truyền đạt những thông tin đầy đủ, chính xác đến với khách tham quan sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chất lượng sản phẩm du lịch nói chung. Nếu công tác thuyết minh, giới thiệu không tốt sẽ không chuyển tải được các thông tin về di tích, về di sản, một cách đầy đủ tới du khách, như vậy các giá trị , ý nghĩa, nội dung của di tích sẽ không được hiểu hết, có những trường hợp còn bị hiểu sai lệch, méo mó, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy những giá trị của từng điểm di tích. 
ở một số nước như Thái Lan, hay những quốc gia có ngành du lịch phát triển, họ quy định hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hướng dẫn tại một số điểm di tích văn hoá lịch sử quan trọng thì không được quyền tác nghiệp tại đó. ở nước ta công tác thuyết minh tại các điểm du lịch, hay các di tích và bảo tàng đối với khách du lịch được thực hiện mỗi nơi mỗi khác. Tại nhiều điểm du lịch, di tích, công tác thuyết minh, giới thiệu do chính các đơn vị quản lý di tích tổ chức với đội ngũ thuyết minh tại chỗ như : các bảo tàng, các khu di tích quan trọng của quốc gia… Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm du lịch công tác thuyết minh được giao cho các hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành như : các chùa chiền, đình miếu, các công trình văn hoá mới xây dựng…, cũng có trường hợp ở một số điểm du lịch là sự kết hợp giữa thuyết minh viên và hướng dẫn viên du lịch. Dù hình thức thuyết minh tại điểm có những nét khác nhau, nhưng có thể khẳng định rằng công tác thuyết minh tại các điểm du lịch, bảo tàng, di tích lịch sử văn hoá.. đã truyền tải được nội dung thông tin cơ bản đến với du khách, được du khách chấp nhận.
Có một thực tế là bên cạnh những thuyết minh viên giỏi tại điểm có trình độ đại học, hay trên đại học tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo của các trường Khoa học xã hội và Nhân văn và cơ sở đào tạo của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch hiện đã và đang làm công tác thuyết minh tại các Bảo tàng, các di tích lịch sử văn hoá lớn, thì có một bộ phận không nhỏ thuyết minh viên vẫn còn tồn tại những hạn chế như : kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ và trình độ chuyên môn…
Một trong những thực trạng tồn tại khá phổ biến ở thuyết minh viên tại điểm đó là kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn thuyết minh. Kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn có vai trò quan trọng trong việc truyền tải nội dung thuyết minh đến với du khách, một bài thuyết minh đạt được hiệu quả cao, nó không chỉ phụ thuộc vào nội dung thông tin, mà còn phụ thuộc vào cách truyền đạt thông tin đến với du khách, điều này ở một số các điểm di tích và điểm du lịch thường mắc phải nhất là phong cách thuyết minh viên còn thiếu thái độ cởi mở, thiếu tế nhị, sự quan tâm đối với khách tham quan, phong cách chưa khoa học và cách diễn đạt chưa hấp dẫn …
Hạn chế về trình độ chuyên môn của một bộ phận thuyết minh viên tại điểm cũng là một thực trạng hiện nay ở các di tích, điểm du lịch, điều này được biểu hiện ở nội dung thông tin sơ sài, không phong phú và hấp dẫn, đây là lý do khiến cho du khách không thoả mãn với những thông tin nhận được, có thể nhận thấy rất rõ trình độ của đội ngũ thuyết minh viên ở các điểm du lịch không đồng đều, thậm chí còn chênh lệch nhau khá xa giữa các vùng miền, các địa phương. Trình độ của đội ngũ thuyết minh viên hiện nay cũng khá da dạng phong phú, có thuyết minh viên có trình độ đại học được đào tạo cơ bản ( đội ngũ này phần lớn làm việc tại các di tích và bảo tàng lớn...) tuy vậy, cũng có thuyết minh viên có trình độ văn hoá thấp chưa qua các lớp đào tạo, họ làm thuyết minh từ vốn hiểu biết, tự học hỏi từ công việc chuyên môn hàng ngày, hoặc qua truyền miệng.. .vv.( đội ngũ này phần lớn ở các di tích, các điểm du lịch nhỏ nằm ở địa phương hoặc vùng sâu, vùng xa). Một trong những hạn chế ở thuyết minh viên tại điểm đó là sự nhận thức đối với công việc thuyết minh, giới thiệu, điều này không chỉ tồn tại ở một bộ phận thuyết minh viên, mà còn ở những nhà quản lý các điểm du lịch, di tích, bảo tàng. Có người cho rằng làm công tác thuyết minh tại điểm đơn giản, chỉ cần học thuộc nội dung bài giới thiệu, sau đó đi thuyết minh cho khách tham quan.Nhiều người có quan niệm đơn thuần là thuyết minh tại điểm thì chỉ cần hiểu rõ về một điểm di tích là đủ. Đây là những nhận thức sai lầm đối với công việc thuyết minh tại điểm, chính những nhận thức như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc trau dồi kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn của các thuyết minh viên. thật ra kiến thức chuyên sâu của thuyết minh viên không chỉ là những nội dung thuyết minh về từng địa điểm hay đối tượng tham quan đã có, mà phải là những nội dung khác có liên quan đến điểm tham quan đó, gắn với, lịch sử, văn hoá, kinh tế xã hội, thời kỳ,  nhân vật… Bên cạnh đó, khi xã hội càng phát triển thì trình độ nhận thức và nhu cầu tìm hiểu của du khách ngày càng nâng cao, để đáp ứng những nhu cầu đó, đòi hỏi thuyết minh viên phải không ngừng nâng cao kiến thức về chuyên môn cũng như sự hiểu biết của mình về kiến thức xã hội, thực tế có nhiều thuyết minh viên hiểu biết rất sâu và giới thiệu khá tốt về di tích nhưng khi khách hỏi rộng ra một chút, hoặc thắc mắc về một điểm nào đó có liên quan thì thuyết minh viên không trả lời được, hoặc trả lời không đúng, điều đó làm giảm sự hấp dẫn chương trình tham quan của du khách.
          Trình độ ngoại ngữ của thuyết minh viên tại điểm chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách quốc tế cũng là một thực trạng khá phổ biến ở các điểm di tích và các khu du lịch ( kể cả ở những điểm di tích và điểm du lịch lớn)..v.v. Trong những năm gần đây du khách quốc tế đến với Việt Nam ngày càng nhiều, năm 2007 hơn 4 triệu lượt khách quốc tế, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 2.5 triệu lượt khách quốc tế đến với Việt Nam. Bên cạnh những du khách có nhu cầu tham quan du lịch giải trí thông thường, còn có rất nhiều đối tượng du khách với nhu cầu tìm hiểu khám phá những nét đặc trưng và giá trị lịch sử văn hoá của những điểm đến. Điều đó đồng nghĩa với nhu cầu số lượng hướng dẫn viên và thuyết minh viên tại điểm để đáp ứng yêu cầu của du khách, thực tế hiện nay đối với du khách đến thăm các điểm di tích, bảo tàng hay các điểm du lịch khác đội ngũ thuyết minh viên tại điểm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đó. Vì vậy,  phần lớn vẫn nhờ vào đội ngũ hướng dẫn viên của các công ty lữ hành, do vậy dẫn tới chất lượng nội dung chuyên sâu của các điểm đến chưa đảm bảo.
 Từ thực trạng của thuyết minh viên tại điểm hiện nay và vai trò của đội ngũ ngũ thuyết minh trong việc phát huy những giá trị văn hoá dân tộc và phát triển du lịch, chúng ta cần phải có những giải pháp trước mắt, lâu dài và cụ thể để nâng cao chất lượng của đội ngũ thuyết minh viên tại điểm :
1. Trước hết cần phải tiến hành cuộc khảo sát thực tế trên cơ sở đó xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp, đào tạo dài hạn, ngắn hạn, bổ xung những yêu cầu đào tạo bồi d­ưỡng đội ngũ này. Hiện nay chúng ta chưa có một cơ sở đào tạo chuyên ngành về thuyết minh viên. Đội ngũ thuyết minh viên hiện nay được đào tạo với các chuyên ngành đa dạng khác nhau chủ yếu là: lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ, du lịch ( tập trung ở các bảo tàng và di tích). Tuy vậy, ở các bảo tàng chuyên ngành hay các khu bảo tồn quốc gia, khu du lịch sinh thái, thì đội ngũ thuyết minh viên thường gắn với các chuyên ngành đó như ( Bảo tàng Hải dương học, Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng sinh vật học…). Vì vậy, bên cạnh kiến thức về chuyên ngành, chuyên môn, phải th­ường xuyên tổ chức các lớp bồi         d­ưỡng, đào tạo ngắn hạn để giúp thuyết minh viên cập nhật kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và những vấn đề mới đang và sẽ đặt ra cho bản thân họ. Những lớp bồi d­ưỡng này có thể đ­ược tổ chức trong dịp ngoài vụ du lịch hoặc buổi tối… nhưng nghiêm túc, có chất l­ượng cả về đội ngũ ngư­ời dạy, cả về tài liệu học tập - tham khảo và cả về điều kiện thực hành. Có nh­ư vậy, thuyết minh viên mới bổ xung lý thuyết vào thực tế và từ thực tế làm sáng tỏ lý thuyết nghiệp vụ, kỹ năng thuyết minh.
2. Cần tổ chức các cuộc thi cho thuyết minh viên mang tính chuyên môn nghiệp vụ tại các điểm du lịch, khu di tích hoặc giữa các di tích và giữa các điểm du lịch với nhau để động viên sự tìm tòi, sáng tạo của mỗi ngư­ời, đóng góp vào khối kiến thức cần có của thuyết minh viên. Bên cạnh đó các thuyết minh viên có cơ hội, học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm lẫn nhau.Việc trao đổi thông tin, việc tìm kiếm thông tin của mỗi thuyết minh viên là rất quan trọng. Tri thức, nghiệp vụ đ­ược tìm kiếm qua đồng nghiệp, nhất là từ những đồng nghiệp giỏi hơn, có kinh nghiệm hơn là rất cần thiết. Các cuộc thi này cũng là dịp để đội ngũ thuyết minh viên nâng cao năng lực, phẩm chất, lòng yêu nghề và cũng là dịp xem xét, thay thế những ngư­ời không đáp ứng đư­ợc yêu cầu cả năng lực và phẩm chất cần có.
3. Cần thiết lập quan hệ hợp tác giữa các đơn vị quản lý di tích, bảo tàng, các điểm với các công ty lữ hành để tăng cường nắm bắt những nhu cầu lẫn nhau, trên cơ sở đó, cùng nhau phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn theo những yêu cầu cụ thể. Trong thực tế cả đội ngũ hướng dẫn viên và thuyết minh viên đều cần nắm vững những kiến thức chuyên ngành của nhau. Nếu như các thuyết minh viên cần hiểu rõ nghiệp vụ hướng dẫn, với những kỹ năng cơ bản cần thiết đối với hướng dẫn viên như cách nói rõ ràng, khúc chiết, diễn cảm, giới thiệu đầy đủ súc tích..., thì các hướng dẫn viên lại cần nắm vững những thông tin liên quan trực tiếp đến di tích. Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị quản lý di tích với các nhà điều hành tua thì mới có thể xác định đúng những nội dung cần thiết để tổ chức bồi dưỡng cho thuyết minh viên của mình.
4. Chú trọng công tác giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghiệp vụ, lập trường chính trị vững vàng cho đội ngũ thuyết minh viên, đây là nhiệm vụ rất cần thiết nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đạo đức nghề nghiệp, phong cách của thuyết minh viên có vai trò quan trọng trong quá trình tiếp nhận và truyền tải thông tin đến khách tham quan, hình ảnh điểm đến có thể để lại ấn tượng tốt hay không trong lòng du khách, đều có sự tác động về mặt ý thức chính trị của thuyết minh viên. Do vậy các nhà quản lý cần đặc biệt quan tâm giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, tác phong nghề nghiệp cho đội ngũ thuyết minh viên. Coi đây là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng công tác thuyết minh.
5. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng cường hiệu quả công tác thuyết minh, giới thiệu và hướng dẫn.Những phương tiện kỹ thuật hiện đại về nghe, nhìn nếu được sử dụng phù hợp sẽ làm tăng chất lượng thuyết minh, hướng dẫn, tạo nên những hiệu quả cao trong thu nhận thông tin cho du khách.
6. Cần thiết phải xây dựng quy chế đối với thuyết minh viên tại điểm, trên cơ sở đó xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của thuyết minh viên. Đồng thời phải có những chế độ đãi ngộ với thuyết minh viên, nhất là đối với những người làm công tác thuyết minh ở những điểm di tích, các khu du lịch ở những vùng sâu, vùng xa, có như vậy mới khuyến khích, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác phát huy hết sức mình vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
          Có thể khẳng định rằng, thuyết minh viên đóng một vai trò hết sức quan trong đối với việc phát huy giá trị các di sản văn hoá dân tộc và giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới. công tác thuyết minh là mắt xích quan trọng trong dây chuyền dịch vụ du lịch. Chất lượng tốt của công tác thuyết minh sẽ góp phần làm nên chất lượng tốt cho sản phẩm du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng, mang lại hiệu quả cao về lợi ích kinh tế, văn hoá, chính trị cho đất nước./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)