slider

“Trung thu trăng sáng như gương, Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”

08 Tháng 08 Năm 2020 / 27836 lượt xem

Cao Thanh Huyền

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Trong muôn vàn tình thương yêu dành cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thiếu niên nhi đồng một tình thương yêu đặc biệt nhất. Trung thu năm 1945 - trung thu đầu tiên nước nhà giành được độc lập từ tay đế quốc thực dân, Bác Hồ kính yêu đã viết bài báo “Tết trung thu với nền độc lập” gửi tới các em thiếu niên nhi đồng. Sau đó một tuần lễ, Người viết “Thư gửi thiếu nhi Việt Nam - Đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Kể từ Tết Trung thu độc lập đó, dù bận trăm công nghìn việc, kháng chiến vẫn bộn bề và gian lao, nhưng Bác vẫn dành thời gian viết thư, viết thơ mừng các em. Trong thư Trung thu viết gửi các cháu nhưng Bác cũng bàn đến việc nước, việc cách mạng. Điều đó cho thấy, Bác rất coi trọng vai trò của thiếu nhi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Tết Trung thu với nền độc lập” là bài viết đầu tiên Bác gửi thiếu niên nhi đồng cả nước đăng báo Cứu quốc số 45 ngày 17/9/1945. Người mở đầu bài viết với giọng điệu rất tự nhiên: “Hôm nay là Tết trung thu. Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa và nhiều đồ chơi khác. Các em vui vẻ nhỉ!” và mường tượng ra “Cái cảnh trăng tròn, gió mát, hồ lặng trời xanh của Trung thu lại làm cho các em thêm vui cười hớn hở. Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em.” Điều đặc biệt mà Người vui sướng bởi “Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”. Người mong muốn “Hôm nay tha hồ các em vui chơi cho thỏa chí, ngày mai mong các em ra sức học tập” và “phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”. “Trung thu này, Già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái”(1). Bác ân cần căn dặn và mong các em nhỏ học tập, vui chơi, rèn luyện để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước độc lập, tự do.

Đêm trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ một lần nữa gửi thư cho thiếu nhi Việt Nam đăng trên báo Cứu quốc số 49, ngày 22/9/1945. “Các em, Đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em. Hôm nay các em vui chơi, vui chơi một cách có đoàn kết, có tổ chức. Như thế là tốt lắm. Hôm nay Tết Trung thu là của các em. Mà cũng là một cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập”. Bức thư góp phần là minh chứng thể hiện sự quan tâm, thương yêu hết mực của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ thơ. Người vui chung niềm vui Tết trung thu của các em nhưng không quên nhắc nhở nhiệm vụ: “Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do.” Cuối bức thư gửi thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu độc lập đầu tiên này, Bác viết nên mong muốn của mình và cũng là thông điệp mà Người từng theo đuổi suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, đó là “Trẻ em Việt Nam sung sướng” và “Việt Nam độc lập muôn năm”(2). Nước nhà mới độc lập, biết bao công việc phải lo toan, vậy mà chỉ trong 1 tuần lễ Bác đã 2 lần viết thư đăng báo căn dặn, động viên và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ.

Chỉ sau đó vài ngày, đêm trung thu độc lập đầu tiên, Bác Hồ đã dành thời gian tham dự cùng các em. Đồng chí thư ký Vũ Kỳ kể lại: “Chiều hôm đó, thứ 6, ngày 21/9/1945 tức ngày 15 tháng 8 năm Ất Dậu, tan giờ làm việc, Bác bảo đồng chí thư ký về nhà trước, còn Bác ở lại Bắc Bộ Phủ để đón các em thiếu nhi vui Tết Trung thu.

Ngay từ chiều, Bác đã cho mời đồng chí Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và một đồng chí phụ trách thiếu nhi của Thanh niên đến hỏi về tổ chức trung thu tối nay cho các em. Nghe báo cáo chỉ có ba địa điểm xung quanh Bờ Hồ để bày mâm cỗ cho hàng vạn em. Bác bảo các anh

chị phụ trách phải tổ chức cho thật khéo để em nào cũng có phần. Về chương trình vui chơi, Bác khen là có nhiều cố gắng về mặt hình thức và căn dặn là phải đảm bảo an toàn, nhất là đối với các em nhỏ.

Đúng 21 giờ các em có mặt trước Bắc Bộ phủ. Bác Hồ xuất hiện tươi cười, thân thiết. Tiếng hoan hô như sấm dậy. Tiếng trống rộn ràng. Sư tử lại nhảy múa. Tất cả sung sướng hò reo, chúc tụng Bác Hồ kính yêu.

Bác Hồ xúc động bước xuống thềm đón các em, tiếng hoan hô lại dậy lên. Một em đứng trước máy phóng thanh đọc lời chào mừng. Đọc xong em hô to: “Bác Hồ muôn năm!” lập tức tiếng hô “Muôn năm” rền vang không ngớt.

Bác Hồ giơ cao hai tay tỏ ý cám ơn các em rồi Bác lần lượt bước đến bắt tay từng em đứng ở hàng đầu. Cặp mắt Bác ánh lên một niềm vui đặc biệt. Trong lúc ở phía ngoài, các đoàn xe tăng, các binh sĩ của Hai Bà Trưng, của Đinh Bộ Lĩnh, các đội sư tử với rất nhiều em đeo mặt nạ... ùn ùn kéo vào dinh của Chủ tịch trong tiếng trống hò reo vang dậy, khu vườn Phủ Chủ tịch bỗng nhiên im phăng phắc khi đồng chí phụ trách giới thiệu Bác Hồ sẽ nói chuyện với các em.

Bằng giọng xứ Nghệ có pha lẫn các miền của đất nước, Bác thân thiết trò chuyện với các cháu: “Các cháu! Đây là lời Bác Hồ nói chuyện..

Cuối cùng Bác nói: Trước khi các cháu đi phá cỗ, ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu: “Trẻ em Việt Nam sung sướng”, “Việt Nam độc lập muôn năm”.

Tiếng hô hưởng ứng của các em rền vang cả một vùng trời.

Trăng rằm vằng vặc tỏa sáng. Niềm vui tràn ngập cả Hà Nội. Bác Hồ vui sướng đứng nhìn các em vui chơi.

Ai hiểu được hết niềm vui của Bác Hồ lúc này. Bao nhiêu năm xông pha chiến đấu, phải chăng Bác cũng chỉ mong ước có giây phút sung sướng như đêm nay.”(3)

Từ Tết Trung thu độc lập đầu tiên đó, dù công việc còn nhiều, kháng chiến vẫn bộn bề và gian lao, Bác vẫn luôn dành thời gian viết thư, viết thơ, gặp gỡ chung vui cùng các em. Trung thu năm 1947, trong bối cảnh “chúng ta phải ra sức kháng chiến để giữ lấy Tổ quốc”, tại chiến khu Việt Bắc, “thấy các cháu không được ăn Tết, lòng Bác rất áy náy”. “Bác hứa với các cháu: Các bác, các chú, toàn cả đồng bào, sẽ ra sức tranh đấu, để sớm đuổi bọn thực dân phản động, để trường kỳ kháng chiến sớm thắng lợi, thống nhất độc lập sớm thành công, để các cháu được ăn Tết trung thu vui vẻ như năm ngoái, năm kia. Và Bác sẽ ăn Tết vui vẻ với các cháu, gửi kẹo bánh cho các cháu. Bác khuyên các cháu ra sức học hành, làm việc. Năm nay chúng ta không ăn Tết, năm sau chúng ta sẽ ăn Tết linh đình hơn”(4). Lời Bác giản dị nhưng chứa chan tình thương yêu với các cháu thiếu nhi, trong hoàn cảnh chiến tranh lúc này nhiều cháu phải rời cha xa mẹ, lên vùng núi đỏ rừng xanh, nhiều cháu chịu khó nhọc hăng hái tham gia giúp các anh bộ đội, các cháu ở hậu phương thấy

đồng bào hi sinh cực khổ cũng không nỡ vui sướng ăn Tết Trung thu một mình.

Suốt những năm tháng cả dân tộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đều gửi thư cho các cháu mỗi dịp Trung thu. Lời Bác luôn nhẹ nhàng, trìu mến động viên các cháu tham gia, thực hiện những công việc cụ thể, phù hợp với tình hình đất nước, với tâm lý lứa tuổi của thiếu nhi. Trung thu năm 1951, từ ATK Việt Bắc, Bác Hồ viết thư gửi các cháu nhi đồng:

“Trung thu trăng sáng như gương,

Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng

Sau đây Bác viết mấy dòng

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương”

Ở chiến khu, đã bao đêm Bác ngắm “cảnh khuya”, lo việc nước nhưng vẫn luôn nhớ thương các cháu da diết. Mỗi câu, mỗi chữ trong thư của Bác, bên cạnh tình yêu thương bao la còn là những lời chỉ bảo, dặn dò thật cụ thể thiếu nhi: “Các cháu phải yêu, tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động. Các cháu phải gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình chiến sĩ, gắng giữ gìn vệ sinh và giữ gìn kỷ luật, gắng học hành. Các cháu phải đoàn kết, đoàn kết giữa nhi đồng Việt Nam với nhau,... đoàn kết với các nước bạn và nhi đồng thế giới. Các cháu phải thi đua, tùy theo sức của các cháu làm được việc gì có ích cho kháng chiến thì thi đua làm việc ấy. Các cháu biết ghét, biết yêu, biết gắng, các cháu đoàn kết và thi đua như thế thì kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, kháng chiến thắng lợi thì Trung thu sẽ vui vẻ hơn”(5).

Tết trung thu năm 1952, thiếu nhi cả nước vui mừng đón đọc thư và thơ Bác Hồ gửi tặng với muôn vàn tình thân yêu:

“Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh?

Tính các cháu ngoan ngoãn

Mặt các cháu xinh xinh

Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình:

Để tham gia kháng chiến, Để gìn giữ hòa bình.

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh!”(6)

Theo lời Bác dạy, thiếu nhi cả nước đã hăng hái thi đua học tập, tham gia kháng chiến và lập được nhiều thành tích, đóng góp một phần công sức của mình vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Mùa thu 1954 là mùa thu mà một nửa đất nước đã sạch bóng quân thù - mùa thu mà các cháu thiếu nhi thực sự được sống trong độc lập, tự do, Bác vui mừng viết: “Trung thu này là Trung thu hòa bình đầu tiên, sau 8,9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu. Trăng thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam”(7).

Trung thu năm 1958, khi hàng ngàn thiếu nhi Thủ đô đang chuẩn bị đón Tết ở Câu lạc bộ thiếu nhi thì Bác Hồ đến thăm.

Tất cả mọi người dường như muốn đổ dồn về phía lễ đài để mong được gần Bác hơn, trong số đó có một bà mẹ người nước ngoài cũng đang cố gắng đưa con mình đến gần lễ đài để được gần Bác. Lúc đó Bác rất vui, Bác căn dặn các cháu phải chăm học, chăm làm để trở thành con ngoan, trò giỏi.

“Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng” là bức thư Trung thu cuối cùng của Bác gửi cho các em (năm 1960). Bằng lời lẽ dí dỏm Bác viết rằng “theo chuyện đời xưa Việt Nam thì trên mặt trăng có chú Cuội chăn trâu: Chú Cuội ngồi ở trong trăng/ Để trâu ăn lúa nhăn răng mà cười!” Bác khen các em đã cố gắng nhiều và đã tiến bộ khá: học tập khá, lao động khá, biết thực hành tiết kiệm, biết giữ đạo đức trong sạch, trồng cây kha... Cuối thư Bác căn dặn: “Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi, các em sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về nhiều mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”(8).

Tiến sĩ Sử học, nhà báo E.V Cô-bê-lép đã từng viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người đã gọi trìu mến là các cháu”. Thư và thơ Trung thu của Bác không chỉ thể hiện muôn vàn tình thân yêu đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng mà còn là lời căn dặn, nhắc nhở, là niềm tin Bác dành trọn cho thế hệ trẻ. Ngay trong mùa khai trường đầu tiên năm 1945, Người đã gửi thư cho học sinh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng lớn lao vào thế hệ tương lai:“Nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đã hơn 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, Tết Trung thu không còn nhận thư và thơ của Bác, song các thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam vẫn luôn luôn ghi nhớ lời Bác dạy. Thiếu nhi hôm nay luôn chăm ngoan, học giỏi, rèn luyện thân thể để xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Mỗi dịp Tết Trung thu đến, khi trăng đã lên cao, tiếng trống ếch rộn ràng, đèn ông sao thắp sáng muôn nơi, thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn cất cao lời hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”...

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tập 4, Hà Nội, 2011, tr.15

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tập 4, Hà Nội, 2011, tr.26

3.       Bác Hồ với thanh, thiếu niên và nhi đồng, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2014, tr.36

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tập 5, Hà Nội, 2011, tr.251

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tập 7, Hà Nội, 2011, tr.185

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tập 7, Hà Nội, 2011, tr.498

7.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tập 9, Hà Nội, 2011, tr.52

8.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tập 12, Hà Nội, 2011, tr.698

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)