slider

Từ thủ đô kháng chiến về thủ đô Hà Nội

24 Tháng 10 Năm 2014 / 5414 lượt xem
Đỗ Hoàng Linh
PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Từ cuối tháng 7/1954, cơ quan kháng chiến của Phủ Chủ tịch và Phủ Thủ tướng lần lượt rời Kim Quan (Yên Sơn, Tuyên Quang) và Thác Dẫng, Bình Yên (Sơn Dương, Tuyên Quang) chuyển đến Văn Lãng (Đại Từ, Thái Nguyên) để chuẩn bị về Hà Nội. Buổi sáng ngày 18/9/1954, từ Đại Từ, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào đóng quân tại xã Chân Mộng, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ để nói chuyện và căn dặn cán bộ, chiến sĩ về nghĩa vụ quốc tế của Đảng. Buổi chiều, Người đến thăm Đền Hùng và nghỉ đêm tại đền Giếng. Sáng hôm sau, ngày 19/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng rồi quay về đền Giếng. Tại đây, nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong trên đường về tiếp quản Thủ đô, Người nhấn mạnh: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”(1) Sau cuộc gặp gỡ tại đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quay về Thái Nguyên. Ngày 20/9 tại Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm cải cách ruộng đất, thăm nông dân xã Hùng Sơn. Cùng ngày, Người tiếp đoàn đại biểu các giáo phái miền Nam ra thăm miền Bắc. Đầu tháng 10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến đi trở lại Thủ đô Hà Nội. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến đi này, TƯ giao cho đồng chí Lê Thanh Nghị, Uỷ viên TƯ Đảng kiêm Chánh văn phòng thành lập một tổ công tác tiền trạm gồm các đồng chí: Tạ Quang Chiến (Văn phòng phủ Thủ tướng, tổ trưởng), Phan Văn Xoàn, Quách Quý Hợi (cục cảnh vệ), Nông Đức Chiến (Bộ Tổng tham mưu), Tạ Đình Hiểu (tiểu đoàn 600). Sau khi làm công việc tiền trạm, tổ công tác được lệnh quay lên Việt Bắc để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 1/10/1954, từ địa điểm Vai Cày, đồi Thanh Trúc, thôn Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, đoàn xe ô tô gồm 4 chiếc đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu… về Hà Nội qua bến Bình Ca sông Lô lên Tuyên Quang, vòng qua Phúc Yên. Ngày 2/10, đoàn nghỉ chân tại Đền Hùng ăn cơm trưa (thức ăn đã được anh em đã chuẩn bị sẵn, mang theo). Chủ tịch Hồ Chí Minh kể với mọi người là đã đi thăm Đền Hùng và gặp gỡ các chiến sĩ ở Đền Giếng rồi, nếu ai chưa đi thăm Đền Hùng thì nên lên thăm. Sau đó đoàn tiếp tục lên đường đi Sơn Tây. Chiều cùng ngày, các đồng chí Nguyễn Xuân Trường (Bí thư tỉnh uỷ Sơn Tây), Nguyễn Văn Phương (quyền Chủ tịch tỉnh), Lê Nhượng (Trưởng ty công an) đi xe ô tô lên bến đò ngang Chiều Dương để nhận nhiệm vụ đón tiếp và bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở tại Sơn Tây. Từ bến Chiều Dương, đoàn xe ô tô đi theo đường bờ sông qua đầu bến Trung Hà vào quốc lộ 11. Lúc đó thấy vẫn còn sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn nghỉ chân tại đồi cây xã Thái Hoà cách quốc lộ khoảng 30m. Đến khi đèn trong thị xã bật sáng, các đồng chí lãnh đạo địa phương dẫn đầu đoàn xe tiến vào thị xã. Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng nghỉ trong một ngôi nhà nhỏ sát chân đê, vốn là doanh trại của quân đội Pháp đã được tỉnh đội Sơn Tây tiếp quản từ tháng 8/1954. Các đồng chí trong đoàn cũng ở gần đấy, trong một trạm thuỷ lợi thuộc thôn Phù Sa, xã Viên Sơn, Sơn Tây.
Ngày 7/10/1954, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc: “Chúng ta đã chuyển từ chiến tranh sang hoà bình, hoà bình mới chắc chắn một phần nào vì mình tự tin mình, nhưng không tin được đế quốc. Hoà bình đã được lập lại nhưng chưa được củng cố, quân đội ngoại quốc còn đóng ở miền Nam. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của ta chưa thành công hoàn toàn”(2). Sau khi phân tích tình hình chung, chính sách đối nội, đối ngoại và cách thức hành động trong giai đoạn cách mạng mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý tin tưởng rằng: “Cách mạng giải phóng dân tộc là ở trong tay ta, các cô các chú đã qua nhiều thử thách được Đảng, nhân dân giáo dục nhiều, chắc các cô, các chú đều có ý chí làm tròn nhiệm vụ của Đảng, nhân dân giao cho”(3). Ngày 10/10/1954, trước khi các đơn vị bộ đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô theo đúng quy định của Hiệp định Geneva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp và căn dặn các chiến sĩ: “Suốt 8 năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi trong hoà bình. Ở thành thị tình hình phức tạp, có nhiều sự quyến rũ làm cho người ta mê muội, hủ hoá, truỵ lạc. Để tránh những cạm bẫy nguy hiểm ấy, để làm tròn nhiệm vụ cao quý của quân đội nhân dân, toàn thể cán bộ và chiến sĩ ta phải ghi nhớ và làm đúng những lời Bác dặn như sau: Cớ tự kiêu, tự mãn; Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện; Chớ để lộ bí mật; Chớ xa xỉ, tham ô, lãng phí; Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân; Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh; Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng; Phải thực hiện cần, kiệm liêm, chính; Phải làm đúng 10 điều kỷ luật; Phải luôn luôn cảnh giác và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng. Bác mong các chú tiến bộ và chúc các chú mạnh khoẻ”(4). Ngày 12/10/1954, tại đình Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ, đây là phiên họp cuối cùng của Chính phủ trước khi chính thức về Hà Nội nên bao gồm nhiều nội dung quan trọng. Hội đồng Chính phủ đã nghe báo cáo về việc tiếp đón bộ đội, cán bộ và một số đồng bào miền Nam tập kết đợt đầu và giao nhiệm vụ cho :“Khối Kinh tế: giải quyết chính sách với số tiền Liên bang hiện có trong nhân dân Hà Nội, nạn thất nghiệp, xây dựng nhà cửa cho cán bộ kháng chiến mới về; Khối Nội chính và Ngoại giao: nghiên cứu tiêu chuẩn cung cấp cho bộ đội và cán bộ, chế độ lương bổng mới, giải quyết việc làm cho công chức đối phương để lại, chính sách với ngoại kiều và ký giả, phóng viên ngoại quốc; Khối Văn xã đẩy mạnh tuyên truyền, lãnh đạo và theo dõi báo chí, mở lại các trường đại học, định ra chế độ thi cử cho học sinh kháng chiến và học sinh Hà Nội, giúp đỡ học sinh không theo cha mẹ vào Nam mà ở lại Hà Nội”(5). Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự một buổi họp báo quốc tế tại thị xã Sơn Tây, nhà văn- nhà báo Ba Lan M. Giulapxki đã kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ và thú vị này như sau: “Chúng tôi được dẫn tới một căn nhà lợp rạ, tường quét vôi trắng. Một chiếc bàn nhỏ, giản đơn kê giữa phòng và trên đó là những chiếc cốc thuỷ tinh dày màu xám. Ngồi xuống ghế, chúng tôi chưa kịp nhấp một ngụm nước thì chiếc rèm che cửa vào phòng bên làm bằng vải dù khẽ mở và có lời chào bằng tiếng Nga. Chúng tôi quay lại, Bác Hồ! Bác vẫn giản dị, gần gũi hệt như tám năm về trước. Người mặc chiếc áo sơ mi đen mỏng song tôi bỗng cảm thấy Bác đẹp, trẻ hơn ra và tất nhiên là vui hơn trước. Tôi nói với Người điều đó không chút ngần ngại, Bác cười bảo: Ai cũng vậy cả, chiến thắng đã làm tôi rất sung sướng. Người ra hiệu cho đồng chí phiên dịch không cần thiết phải dịch rồi nghe phóng viên báo Sự Thật nói, thỉnh thoảng Bác trả lời bằng tiếng Nga. Sau đó, Người nói chuyện bằng tiếng Ý với phóng viên tạp chí Unita, bằng tiếng Anh với phóng viên báo Công Nhân. Có lẽ đọc được sự ngạc nhiên của chúng tôi, Bác cười vui vẻ và nói bằng tiếng Pháp: Các nhà báo nước ngoài thường hay kể những chuyện phóng đại về tôi. Nhưng cũng có những chuyện đúng. Khi còn trẻ quả thật tôi có làm bồi bếp trên tàu, có đến Mỹ, Anh, Đức. Tôi cũng đã từng sống ở Paris và bắt đầu hoạt động cách mạng cùng các đồng chí Pháp. Nhiều lần tôi qua Liên Xô, Trung Quốc. Ở đâu tôi cũng được công nhân dạy tiếng nước họ. Tôi sống cùng với công nhân ở Ý rồi cả ở châu Mỹ nữa”(6).
Khoảng 19 giờ ngày 14/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Sơn Tây, theo quốc lộ 11 (nay là đường 32A) về Hà Nội. Người đến ở và làm việc trong nhà thương Đồn Thuỷ, tại một căn phòng gác 2, có đầu hồi nhìn xuống cổng số 1 đường Trần Khánh Dư (nay là phòng khám Nội của Bệnh viện Hữu Nghị). Vị trí này dễ quan sát, thoáng mát và thuận lợi. Lực lượng vũ trang trung đoàn 600 có một trung đội bảo vệ vòng ngoài, bên trong lại có các trạm gác và lực lượng bảo vệ tiếp cận nên công tác an ninh rất tốt. Ngay buổi tối hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cơ quan báo Nhân Dân lúc đó cũng đang tạm đặt trụ sở tại khu vực nhà thương Đồn Thuỷ. Nói chuyện về cách viết báo, Người lấy ví dụ: “Có phải các chú ăn cơm có tí ớt mới thấy mặn mà không? Một bài báo cũng vậy. Phải có ớt tránh khô khan, nhạt nhẽo”(7). Hồi 17h ngày 16/10/1954 tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ cảm động với đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội sau những năm dài kháng chiến, Người phát biểu: “Hôm nay tôi rất vui mừng gặp lại bà con Thủ đô. Tuy số đồng bào có mặt ở đây không đông, nhưng đại biểu đủ các tầng lớp. Vậy, tôi nhờ các vị chuyển lời tôi thân ái chào thăm tất cả đồng bào Thủ đô”(8) và Người mong muốn: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta, để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”(9). Ngày 17/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Thủ tướng J. Neru, trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước cộng hoà Ấn Độ sang thăm nước ta và cùng ngày Người và đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp ông J. Sainteny, Tổng đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội. Người nói vui: “Ông xem, chúng ta đã đánh nhau, ‘đấm đá’ nhau tám năm trời nhưng rất trung thực, như ông đã nói ở Paris. Bây giờ mọi chuyện đã xong, các ông cần ở lại đây và cũng với tấm lòng như thế, chúng ta thoả thuận với nhau, cùng hợp tác. Vậy ông tính sao? Hai bên hưởng bằng nhau”(10).
Trong hai ngày 3 và 4 tháng 11/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ tại Thủ đô Hà Nội sau những năm tháng kháng chiến. Hội đồng đã nghe báo cáo về kế hoạch sửa chữa chùa Một Cột, tu sửa các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, cho phép các địa phương dựng bia liệt sĩ, thành lập Ban phụ trách ngày Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Thủ đô… đồng thời cũng thông qua những quy định về trang bị, quân trang cho thanh niên xung phong, sử dụng ô tô, tuyển lựa phiên dịch Hoa ngữ… Ngày 7/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi do Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 37 năm cách mạng Tháng Mười Nga. Ngày 10/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Uỷ ban quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneva và đại diện Tân Hoa xã tại Việt Nam. Từ ngày 14 đến 29/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị để bàn về các vấn đề: chính sách cải cách ruộng đất, viện trợ cho Lào, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Geneva, chuẩn bị Hội nghị hiệp thương tổng tuyển cử, ngoại giao và Hoa kiều, đàm phán kinh tế với Pháp, nhận định về âm mưu của kẻ địch… 16 giờ ngày 29/11 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Miến Điện Unur (nay là Myanmar) và phu nhân. 16 giờ ngày ngày 30/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, viên chức Thủ đô về ba vấn đề đoàn kết, tăng năng suất công tác và học tập. Từ ngày 3 đến 10/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về kế hoạch đẩy mạnh công tác đấu tranh nhằm thi hành Hiệp định Geneva, cải cách ruộng đất ở vùng mới giải phóng, đường lối, phương châm khôi phục kinh tế, tuyên truyền đẩy mạnh đấu tranh chống Mỹ… Ngày 15/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập duyệt binh để tham gia lễ đón TƯ Đảng, Chính phủ về Thủ đô và trên đường về, Người vào thăm bệnh viện Bạch Mai. Ngày 16/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng đại diện Chính phủ Pháp Sainteny tại Phủ Toàn quyền cũ (nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang có ý định muốn mời Người chuyển về ở và làm việc cho thuận tiện, phù hợp với công tác đối nội, đối ngoại và đảm bảo sức khoẻ). Sau buổi tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một lượt toà nhà sang trọng này rồi nói với anh em văn phòng: “Ngôi nhà đẹp đấy! Các chú hãy quét dọn sạch sẽ, sửa sang lại làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi. Bác không ở đây đâu”(11). Người đi một vòng quanh khu vực rồi quyết định chọn một ngôi nhà nhỏ, vốn là nơi ở của một người thợ điện phục vụ Phủ Toàn quyền cách đó khoảng 200m: “Một mình Bác ở như vậy là vừa rồi, lại gần Phủ Chủ tịch nên khi hội họp, tiếp khách đi bộ sang cũng tiện”(12). Ngày 18/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nam nữ học sinh các trường phổ thông trung học ở Hà Nội: Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Trưng Vương. Người nhấn mạnh nhiệm vụ của thanh niên là phải học tập để yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Ngày 19/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển về ở, làm việc trong khu Phủ Chủ tịch trong suốt 15 năm tiếp theo, cho đến ngày 2/9/1969./
 
Chú thích:
1, Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử tập V. Nxb Chính trị quốc gia 2007, trang 502
2, Hồ Chí Minh toàn tập. Tập IX. Nxb Chính trị quốc gia 2011, trang 68
3, Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử tập V. Nxb Chính trị quốc gia 2007, trang 73
4, S. đ. d nt  trang 82-83
5, Lịch sử văn phòng Chính phủ (1945-2005). VPCP 2009, trang 130, 131
6, Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb Thanh Niên 2000, trang 256-257
7, Nhớ một thời làm báo Nhân Dân. Nxb Chính trị quốc gia 1996, trang 28
8-9, Hồ Chí Minh toàn tập. Tập IX. Nxb Chính trị quốc gia 2011 trang 82, 91
10, Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử tập V. Nxb Chính trị quốc gia trang 513- 514
11, Chuyện của những người giúp việc Bác Hồ. Nxb Thông Tấn 2003, trang 179
12, Những năm tháng bên Bác Hồ kính yêu. Nxb Thanh Niên 2008, trang 198

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)