slider

VÀI NÉT VỀ DỰ ÁN GIAI ĐOẠN II “BẢO TỒN, TU BỔ CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC VÀ CHỐNG MỐI TRONG KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH”

28 Tháng 06 Năm 2010 / 2692 lượt xem
  
Nguyễn Thị Mai Liên
Phòng Bảo quản di tích
 
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, là nơi lưu giữ những di sản vô giá về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy công tác bảo tồn và giữ gìn các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách nguyên vẹn, lâu dài nhằm tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo nhân dân trong nước và khách quốc tế là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là các điểm di tích đều được xây dựng trên dưới 100 năm, trong khuôn viên có nhiều cây, độ ẩm cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho côn trùng và mối mọt xâm hại các di tích. Hơn nữa, lượng khách vào tham quan Khu di tích ngày càng đông, với khoảng hơn 2 triệu lượt người đủ các đối tượng, các dân tộc và các quốc gia vào thăm hàng năm, tạo một sức ép lớn đối với các điểm di tích trong khu vực.
Trong suốt 40 năm qua, Khu di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đã được bảo quản, gìn giữ tốt nhưng việc tu bổ tổng thể một cách có qui mô, hệ thống vẫn chưa được tiến hành thực sự, mới chỉ dừng ở các phương pháp bảo quản theo chế độ định kì ngắn hạn, dài hạn và chống xuống cấp các di tích. Bởi vậy một dự án tu bổ tổng thể các di tích bất động sản là giải pháp cần thiết mang lại hiệu quả lâu dài, nhằm hạn chế tối đa quá trình xuống cấp của các di tích, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tham quan học tập ngày càng tăng của quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Trong 2 năm qua, được sự quan tâm đầu tư kinh phí của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã triển khai dự án: “Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Trong đó, trọng tâm là dự án thành phần giai đoạn 2: “Bảo tồn và tu bổ các công trình kiến trúc và chống mốitrong khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.
Đây là công trình có sự quan tâm phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công. Cụ thể có những cơ quan, đơn vị dưới đây:
- Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Cơ quan chủ đầu tư: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
- Đơn vị tư vấn Ban quản lý dự án: Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam
- Đơn vị giám sát: Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng Coninco
- Đơn vị thiết kế: Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng
- Đơn vị thi công:
+ Tổng công ty Thành An – Bộ Quốc phòng
+ Tổng công ty Xây dựng Hà Nội
Dự án thành phần giai đoạn 2 chính thức được khởi công vào tháng 2 năm 2009.
Dự án tập trung tu bổ các hạng mục của các di tích:
1.                 Nhà 54
2.                 Nhà bếp A và Nhà làm việc của cán bộ Khu di tích.
3.                 Nhà làm việc hai tầng của cán bộ Khu di tích
4.                 Nhà Bác Hồ tiếp cán bộ
5.                 Nhà họp Bộ Chính trị và Nhà trưng bày ô tô
6.                 Nhà Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở giai đoạn 1954 – 1973
7.                 Nhà trưng bày
8.                 Nhà Hội đồng Y khoa và Nhà bếp B
9.                 Nhà H67
10.            Nhà sàn
11.            Nhà mái bằng (được nối bằng Nhà cầu với Nhà Thủ tướng)
Khi dự án được khởi công thì các đơn vị tham gia dự án đều nhận thức được đây là một dự án bảo tồn tu bổ di tích đặc biệt của quốc gia nên luôn luôn phải thực hiện nghiêm túc những yêu cầu khoa học có tính nguyên tắc.
1,Tôn trọng và chấp hành Luật di sản và các văn bản pháp quy do Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành về công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và sử dụng các di tích lịch sử, văn hóa, có xem xét ứng dụng với hoàn cảnh tự nhiên, xã hội của Việt Nam và điều kiện thực tế tại khu vực, cũng như với kinh nghiệm và thành tựu trùng tu bảo tồn di tích mang tính truyền thống của các cơ quan chuyên ngành và các tổ chức khoa học thực hiện trong nhiều năm qua.
2, Lấy mốc thời gian lịch sử làm cơ sở khoa học cho công tác tu bổ các di tích bất động sản là từ tháng 12/1954 cho đến tháng 9/1969. Trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại Khu di tích. Mọi chi tiết về cuộc sống và hoạt động của Người gắn liền với di tích phải được tôn trọng tuyệt đối, phải được phản ánh qua các cảnh quan, di tích bất động sản được tu bổ, bảo tồn.
3, Tôn trọng kinh nghiệm tích lũy lâu năm trong công tác quản lý di tích của các cán bộ và chuyên gia đã gắn bó nhiều năm với Khu di tích. Đây chính là nguồn tư liệu sống mang tính khoa học và thực tiễn quý báu phục vụ cho công tác tu bổ, bảo tồn.
4, Trong quá trình thiết kế, tu bổ, bảo tồn, cần hạn chế tối đa việc can thiệp đối với các di tích hiện có của Khu di tích, đặc biệt với các yếu tố được coi là nguyên gốc. Điều này đảm bảo cho di tích giữ được độ chân xác cao, đúng với giai đoạn lịch sử xây dựng, đồng thời nêu bật được nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với một giai đoạn lịch sử cách mạng. Tính nguyên gốc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình tu bổ, bảo tồn Khu di tích:
- Nguyên gốc về kết cấu công trình, phong cách kiến trúc.
- Nguyên gốc về nguyên vật liệu, màu sắc.
- Nguyên gốc về kĩ thuật, độ tinh xảo trong chế tác và thi công
- Nguyên gốc về chức năng
- Nguyên gốc về địa điểm tồn tại
- Nguyên gốc về cảnh quan môi trường
5, Hồ sơ khảo sát kĩ thuật được lập trên cơ sở tình trạng kĩ thuật hiện tại của di tích và các tài liệu lịch sử, khoa học có liên quan sẽ là cơ sở pháp lý để tiến hành công tác tu bổ, bảo tồn.
Dự án được thực hiện có qui mô, đồng bộ và khoa học, hầu hết các hạng mục công trình đều được xem xét, can thiệp tùy theo mức độ cho phép một cách hợp pháp trong khuôn khổ qui định của Luật di sản, pháp lệnh bảo vệ và phát huy các giá trị di tích của nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng như các Hiến chương, Công ước thế giới trong lĩnh vực này.
Dự án được triển khai khẩn trương, đúng tiến độ, trong khi vẫn đón tiếp khách tham quan bình thường, nên việc thi công được tiến hành theo phương pháp cuốn chiếu và bó gọn trong từng khu vực thi công, hoàn thành dứt điểm từng hạng mục, tiến độ và quá trình thi công được tính toán hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc đón tiếp khách và đảm bảo an toàn cho khách tham quan.
Các đơn vị, cơ quan tham gia dự án đã tổ chức một công trường quy củ, khoa học theo đúng quy định. Mỗi hạng mục chính có hàng rào tôn bao quanh, che kín khu vực đang thi công, có dàn giáo thuận tiện và an toàn, có mái che bảo vệ cho công trình. Đơn vị thi công đã lập các kho xưởng tạm để bảo quản, bảo vệ các chi tiết cũ, phục chế các chi tiết hỏng hoặc mất, có cả kho vật tư để bảo quản gỗ và vật tư khác đảm bảo không xảy ra cháy hỏng...
Căn cứ vào mức độ hư hại của từng hạng mục công trình, biện pháp tu bổ bao gồm các cấp độ khác nhau, giảm thiểu sự can thiệp bất hợp lý nhằm bảo tồn tối đa sự chân xác của di tích. Với thực tế của Khu di tích, giải pháp mà dự án đang thực hiện là bảo tồn toàn bộ các di tích, chỉ phục chế một số nền nhà, cửa sổ, cửa đi, đảo lại toàn bộ các mái ngói, phục hồi trang trí bên ngoài nhà và nội thất các nhà di tích, quét vôi tường trần, đánh véc-ny đồ gỗ, sàn nhà, cầu thang, lan can,…, xử lý chống mối, chống thấm cho tất cả các điểm di tích.
Điều quan trọng hơn là căn cứ vào hồ sơ di tích, đợt tu bổ này đã phục chế lại được một số bộ phận theo mẫu nguyên gốc (đã thay đổi qua những đợt tu bổ nhỏ lẻ trước đây) như: nền Nhà làm việc hai tầng, nền Nhà bếp B và Nhà Y khoa, nền Nhà trưng bày, một số ống thoát nước, một số ổ khóa, bản lề ở các cửa đi, cửa sổ,… của các nhà di tích.
Bên cạnh đó, trong quá trình giám sát thi công, các nhà khoa học tham gia giám sát đều có trình độ năng lực cao về công tác bảo tồn tu bổ di tích, thường xuyên theo sát công việc của các đơn vị thi công. Một số nhà khoa học thường xuyên nghiên cứu về Khu di tích từ những năm 60 cho đến nay, vì thế có sự hiểu biết sâu sắc về các điểm di tích trong Khu di tích. Điều này góp phần giúp cho việc tu bổ di tích đạt hiệu quả cao hơn, vừa bảo tồn tối đa sự chân xác của di tích, vừa đảm bảo sự bền vững, lâu dài.
Trong quá trình tu bổ các di tích bất động sản, Phòng Bảo quản di tích đã phân công cán bộ khoa học theo dõi, giám sát từng phần việc tu bổ, tham gia góp ý kiến kịp thời khi bộ phận thi công làm chưa đúng nguyên tắc bảo tồn tu bổ di tích, nhằm đảm bảo tính nguyên trạng của di tích, đồng thời ghi chép những bộ phận được thay thế, sửa chữa vào sổ nhật kí để bổ sung cho hồ sơ di tích.
Việc bảo tồn và tu bổ các di tích bất động sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đang được tiến hành có hiệu quả. Tuy nhiên trong quá trình bảo tồn, tu bổ di tích cũng còn một số vấn đề cần khắc phục. Một vài hạng mục công trình vì chưa làm đúng kĩ thuật của quy trình bảo tồn di tích, nên phải phá dỡ làm lại, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Ngoài ra, xung quanh khu vực công trình sau khi thi công còn một vài điểm chưa làm vệ sinh môi trường sạch sẽ, ít nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cơ quan Khu di tích. Hy vọng rằng trong thời gian tiếp theo, các cơ quan, đơn vị tham gia dự án sẽ khắc phục được những mặt hạn chế trên, để dự án đạt được hiệu quả cao hơn.
Nhìn chung, công tác bảo tồn, tu bổ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sẽ còn lâu dài, vì vậy không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực về mọi mặt của các đơn vị, cơ quan tham gia dự án, mà còn cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành và đồng bào trong cả nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công nhân viên trong cơ quan Khu di tích. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công nhân kĩ thuật trực tiếp làm công tác bảo tồn, tu bổ di tích cũng phải nâng cao tay nghề, cải tiến các giải pháp kĩ thuật và đi sâu nghiên cứu các công nghệ tiên tiến về ngăn ẩm, chống thấm, chống mối, … để công tác tu bổ các di tích đạt hiệu quả ngày càng cao, để cho nơi đây luôn xứng đáng là một trong những khu di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của quốc gia, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập của quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế.
 
 Ảnh: Công nhân đang tu bổ bên ngoài di tích nhà 54
 
 
 
 
 
 
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)