slider

VÀI SUY NGHĨ VỀ BIỆN PHÁP CHĂM SÓC CÂY VÚ SỮA MIỀN NAM BÊN NHÀ SÀN BÁC HỒ

29 Tháng 11 Năm 2010 / 5292 lượt xem
 
Nguyễn Thị Hà
Phòng Duy trì cảnh quan môi trường
 
Cùng với việc giữ gìn, bảo quản các di tích bất động sản, các tài liệu hiện vật liên quan đến những năm tháng Bác Hồ sống và làm việc tại Phủ chủ Tịch thì công tác chăm sóc , giữ gìn vườn hoa cây cảnh, cây ăn quả cũng rất được coi trọng đăc biệt là các cây đã gắn bó với Bác lúc sinh thời như cây dừa, vườn cam, cây bưởi, cây vú sữa…
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền Nam Bắc, đồng bào miền Nam sống dưới ách chiến đóng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Dù chịu nhiều gian khổ hy sinh nhưng đồng bào miền Nam vẫn luôn hướng về miền Bắc, về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đầu năm 1955, trên con tàu Kilinki (mang quốc tịch Ba Lan), đoàn cán bộ của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam tập kết ra Bắc. Đoàn vinh dự được mang cây vú sữa miền Nam ra biếu Bác Hồ, thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào miền Nam đối với Bác. Bà mẹ liệt sĩ Lê Thị Sảnh (còn gọi là mẹ Tư Tố) ở Ranh Hạt thuộc ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, là người đã trao cho đồng chí chỉ huy Đại đội 370 pháo binh, Tiểu đoàn 307 cây vú sữa cao 2 tấc được ươm trồng trong một chiếc bình tích bằng sành. Ngày mồng 3 tết năm ấy, đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (người phụ trách đoàn) đã đưa cây vú sữa vào Phủ Chủ tịch kính tặng Bác Hồ. Bác vô cùng xúc động khi được biết đây là cây vú sữa của đồng bào tận vùng đất mũi Cà Mau gửi tặng. Cây vú sữa được Bác trồng ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 54, nơi Bác ở 4 năm đầu sau khi chuyển về khu Phủ Chủ tịch.
Cây vú sữa vốn là loài cây ưa khí hậu nóng ở miền Nam và ít chịu được lạnh ở miền Bắc, do vậy, những ngày đầu mới trồng, cây còn nhỏ và rất khó chăm sóc. Hàng ngày, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng trước giờ làm việc buổi sáng, hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác đều dành thời gian tự tay chăm sóc, vun tưới cho cây vú sữa với tất cả tình cảm sâu nặng Bác dành cho đồng bào miền Nam. Mùa đông giá rét, Bác nhắc các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây. Mùa mưa bão, Bác nhắc nhở anh em chằng chống cho cây khỏi đổ. Hình ảnh Bác Hồ chăm sóc cho cây vú sữa đã làm xúc động hàng triệu trái tim người dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân miền Nam - thành đồng của Tổ quốc.
Tháng 5 - 1958, Bác Hồ chuyển sang sống và làm việc tại ngôi nhà sàn. Tuy ngôi nhà sàn cách ngôi nhà Bác ở đầu tiên không xa (chỉ khoảng hơn 100m) và hàng ngày Bác vẫn về bên đó ăn cơm, tiếp khách nhưng cuối năm đó, Bác đã đề nghị chuyển cây vú sữa trồng ở phía sau nhà sàn để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn. Dường như Bác muốn cây vú sữa miền Nam luôn ở gần bên Bác. Hàng ngày, làm việc tại nhà sàn, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa để hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người. Có lẽ những tình cảm yêu th­ương sâu nặng nhất Bác dành trọn cho đồng bào miền Nam. Đồng chí Phan Văn Xoàn, bảo vệ Bác từ năm 1955-1969 kể lại: Có lẽ những tình cảm yêu th­ương sâu nặng nhất Bác dành trọn cho đồng bào miền Nam. Cây vú sữa, tấm bản đồ, đó là những nơi Bác thường đối diện, trầm tư­.
Nhờ sự quan tâm chăm sóc của Bác và những đồng chí phục vụ, cây vú sữa lớn dần, cành lá xum xuê và vươn cao, rễ đâm sâu vào lòng đất, đủ sức chống đỡ mưa to gió lớn. Bác căn dặn những người làm vườn rút kinh nghiệm để chăm sóc cây vú sữa ngày càng tốt. Khi cây vú sữa ra hoa, kết quả, những lứa đầu cây ra quả, quả nhỏ và không sai. Thấy vậy, Bác nói với các đồng chí phục vụ: "Có lẽ mình chưa biết rõ cách chăm bón nên cây ra quả nhỏ và không nhiều". Các đồng chí phục vụ thưa với Bác là cây vú sữa này do không hợp với khí hậu miền Bắc nên cho quả ít và nhỏ. Bác suy nghĩ một lát rồi nói: "Các chú có nhớ, khi đi thăm Hồ Tây với Bác, các chú đã thấy cây vú sữa ở đó ra nhiều quả và quả lại to không? Các chú cần tìm các nhà chuyên môn làm vườn để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng cây vú sữa" (Bên Hồ Tây có một nhà nghỉ dành cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Anh chị em cũng đã trồng và chăm sóc một cây vú sữa ở đây). Anh em phục vụ làm theo ý Bác. Với những phương pháp chăm sóc mới, cây vú sữa cho quả nhiều và to hơn. Thấy vậy, Bác rất vui. Có lần, đồng chí phục vụ hái quả vú sữa chín cây mời Bác, Người nói: "Chú hãy chờ cho quả chín đều, hái một lần rồi chia cho mọi người".
Cây vú sữa trong vườn Bác nay đã trở thành biểu tượng về tấm lòng của Bác luôn nhớ tới đồng bào miền Nam ruột thịt phải chịu nỗi đau chia cắt đất nước. Từ khi Bác về cõi vĩnh hằng, các cán bộ nhân viên Khu di tích vẫn thay Bác chăm sóc, vun xới và giữ gìn cây vú sữa như lúc sinh thời Người.
Vú sữa là cây ăn quả lâu năm, sống trong điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi và được chăm sóc tốt thì sau 7 năm cây bắt đầu ra quả và nhiệm kỳ thu hoạch từ 30- 40 năm. Sau đó cây già cỗi dần cho quả nhỏ, chât lượng quả không cao. Cây vú sữa trồng trong vườn Bác gần 10 năm sau mới ra quả. Vào những năm 80 của thế kỷ XX cây vẫn ra quả. Đến những năm 90 của thế kỷ XX cây bắt đầu ra quả cách năm, quả ít và nhỏ, quả thâm và khô dần ở trên cây rồi héo và rụng. 10 năm trở lại đây cây không ra quả, cành lá xơ xác, khẳng khiu. Do cây đã già cỗi, lại sinh trưởng và phát triển trong sự khắc nghiệt của môi trường khí hậu, đất đai ở miền Bắc (dễ khiến cây sinh mối mọt, sâu bệnh); môi trường xung quanh nhiều cây cổ thụ (xoài, xà cừ…) dẫn việc đến thiếu ánh sáng để cho cây quang hợp; do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nên dẫn đến thiếu dinh dưỡng….
Từ thực tiễn quá trình chăm sóc cây vú sữa, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp khắc phục nhằm kéo dài tuổi thọ của cây, tạo bộ tán lá xanh tốt như sau:
 - Cưa bớt cành của những cây xung quanh, tạo không gian thông thoáng để có ánh sáng cần thiết cho cây quang hợp.
 - Hàng năm cắt tỉa cành tăm, cành sâu bệnh, cây tầm gửi, phun phân bón lá, thuốc kích thích để bộ lá được xanh tốt, kích thích mầm non phát triển, dùng một số thuốc như Kích phát tố GA3 của Công ty hoá phẩm Thiên Nông, lục diệp tố, lục phong 95 của Viện Bảo vệ thực vật, Vimogren của Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam), phun thuốc: Zineb-80w của AgriaSa hoặc Romil 72wp của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Hoà Bình… Quét vôi thân và gốc cây để hạn chế nấm và địa y phát triển làm mục vỏ cây. Phun thuốc Trebon 0,1% hoặc Supracide 0,1% trừ rệp lá cây.
Đào rãnh theo vòng tán của cây bề rộng 50 cm, sâu 20 cm   để bón phân chuồng đã ủ hoai mục, phân N-P-K mỗi năm bón hai lần vào tháng 2 và tháng 8 để kích thích rễ mới phát triển hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
Thường xuyên kiểm tra sâu đục thân, mối mọt ở gốc để xử lý kịp thời.
Với những giải pháp này cùng sự quan tâm chăm sóc cây vú sữa hợp lý, chắc chắn cây vú sữa sẽ kéo dài được tuổi thọ, sẽ mãi xanh tốt bên ngôi nhà sàn Bác Hồ, như minh chứng cho tình yêu thương của Bác dành cho miền Nam cũng như tấm lòng của người dân miền Nam dành cho Bác – vị cha già của dân tộc./
  
Tài liệu tham khảo:
1. Báo Tiền Phong Xuân Ất Dậu, số 25, năm 2005.
2. Hồ sơ khoa học về cây Di tich tại Phủ Chủ tịch
3. Chuyện cây trong vườn Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, H. 2005.
 
Ảnh: Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Người.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)