slider

VỀ CUỐN SÁCH “BÁC SĨ XPỐC PHÁT BIỂU VỀ VIỆT NAM”

04 Tháng 11 Năm 2009 / 3153 lượt xem
Trần Thị Thuấn
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
 
Trên chiếc bàn sinh thời Bác Hồ thường làm việc và họp với Bộ Chính trị ở tầng một nhà sàn có một số sách của các tác giả người nước ngoài viết về Việt Nam, về cuộc xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam được Bác Hồ rất trân trọng đọc và giữ gìn cẩn thận cho đến ngày Người đi xa. Một trong số đó là cuốn “Bác sĩ Xpốc phát biểu về Việt Nam” (The Famous doctocr speaks out! Dr Spock on Vietnam).
Sách do nhà xuất bản Dell book xuất bản tại New York, Hoa Kỳ năm 1968, bằng tiếng Anh. Sách dày 96 trang, có bìa bằng giấy cứng, khổ 11 x 18cm. Sau ngày Bác Hồ đi xa, cuốn sách đã được vào sổ kiểm kê và có số kiểm kê BTHCMĠ. Hiện nay Hồ sơ khoa học của cuốn sách đang được lưu giữ ở phòng Sưu tầm - Kiểm kê – Tư liệu, Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Qua nghiên cứu hồ sơ khoa học của hiện vật, chúng tôi xin thông tin về cuốn sách như sau:
- Về tác giả và sự ra đời của cuốn sách:
Cuốn sách được bác sĩ Benjamin Mclane Spock biên soạn cùng giáo sư Mitchell Zimorman.
Bác sĩ B.M Spock sinh ngày 2/5/1903 (mất ngày 13/5/1998) tại New Haun, bang Connecticut nước Mỹ. Ông đã học chuyên ngành y ở Đại học Yale và đại học Columbia. Là một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng, cuốn sách “Trẻ sơ sinh và sự chăm sóc trẻ con” do ông biên soạn được phát hành tới 15 triệu bản. Ông cũng là một nhà bác học tài năng. Song ông được nhiều người mến phục bởi chính lòng bác ái và ưa chuộng công lý. Ông đã từ chối lời mời tham gia nghiên cứu chính sách về hạt nhân lành mạnh. Nhưng càng ngày ông càng thấy chính phủ Mỹ lao sâu vào cuộc chiến tranh tàn bạo, phi nghĩa ở Việt Nam. Những nhà cầm quyền Mỹ luôn luôn dùng dối trá, lừa bịp để tiếp tục leo thang và mở rộng chiến tranh. Ông cảm thấy cuộc chiến tranh này không chấm dứt, có nguy cơ biến thành chiến tranh thế giới thứ III, một cuộc chiến tranh tổng lực, huỷ diệt nhân loại, kể cả nước Mỹ, với bom nguyên tử. Vì vậy, từ năm 1962 ông đã dành nhiều thì giờ tham gia đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới. Ông lên tiếng ủng hộ phong trào chống chiến tranh, bênh vực các thanh niên chống quân dịch, dạy họ cách khước từ nhập ngũ. Ông tuyên bố: Thanh niên chống lệnh nhập ngũ sẽ bị tù 5 năm, ông sẵn sàng chia sẻ 5 năm tù với họ.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1964, bác sĩ Spock đã vận động cho ứng cử viên L.Giôn-xơn ở trên đài phát thanh và truyền hình. Ông rất lo ngại về những mục tiêu hiếu chiến của thượng nghị sĩ Gôn-oat-tơ, đặc biệt với ý đồ về Việt Nam của ông ta. Ông đã tin Giôn-xơn khi ông ta hứa sẽ không leo thang và sẽ không đưa quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Sau cuộc bầu cử, tổng thống Giôn-xơn còn gọi điện trực tiếp cám ơn ông: “Bác sĩ Spock, tôi mong muốn sẽ xứng đáng với sự tin cậy của ông”.Vậy mà chỉ sau đó ba tháng, tổng thống Giôn-xơn đã phản bội lời hứa bằng cách làm đúng những gì ông ta hứa sẽ không làm. Bác sĩ Spock đã cực lực chỉ trích tổng thống và tích cực góp sức cho hoạt động hoà bình.
Năm 1966 bác sĩ Spock tham gia cuộc vận động phổ thông đầu phiếu bầu Quốc hội Mỹ. Ông đã xin nghỉ giảng dạy ở trường đại học y để có nhiều thì giờ giành cho cuộc vận động hoà bình. Ông cùng một nhóm gồm 5 giáo sư soạn thảo một bản phát ngôn “Lời kêu gọi chống lại uy quyền bất chính”. Bản phát ngôn này tuyên bố những thanh niên có lý tưởng và dũng cảm chống lệnh nhập ngũ là những người phục vụ đất nước với tinh thần yêu nước cao cả. Vì thế ông và nhóm tác giả bị chính quyền Giôn-xơn truy tố về tội xúi giục thanh niên chống nhập ngũ. Trước sự buộc tội ấy, bác sỹ Spock cùng nhóm giáo sư đã bào chữa là họ “không có tội” bởi vì chính phủ Mỹ đang phạm tội ác chống nhân loại ở Việt Nam. Trong thời gian chờ xét xử, bác sĩ Spook đã biên soạn cuốn sách nàycùng với Mitchell Zimorman, khi đó là nghiên cứu sinh khoa chính trị trường Đại học Prinstơn. Năm 1968 M.Zimorman tốt nghiệp khoa học nghiên cứu, được phong giáo sư giảng dạy môn học này. Ông là người tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam trong giới sinh viên. Bác sỹ Spock và M.Zimorman muốn qua cuốn sách bày tỏ sự phản đối các nhà cầm quyền Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam và bày tỏ tình cảm ủng hộ nhân dân Việt Nam đánh Mỹ xâm lược.
- Về nội dung lịch sử của cuốn sách:
Cuốn sách được viết từ tháng 5/1967 đến tháng 2/1968 và được in xong trong năm 1968. Cuốn sách gồm lời nói đầu do bác sĩ Spock viết và 8 chương. Trong lời nói đầu, bác sĩ Spock đã bộc bạch với độc giả những thay đổi trong suy nghĩ và nhận thức của mình về nước Mỹ, về nhà cầm quyền Mỹ đã đưa ông đến với những hoạt động tích cực vì hoà bình và được mọi người yêu mến, ủng hộ. Trong 8 chương sách, các tác giả đề cập đến các chủ đề: “Trẻ sơ sinh và Việt Nam”; “Chúng ta đã can thiệp vào như thế nào. Vào người Việt Nam và người Pháp”; “Cuộc nổi loạn ở Miền Nam”; “Việt cộng đã tranh thủ được sự ủng hộ như thế nào”; “Việt Nam một lợi ích sống còn hay một sai lầm tốn kém”; “Cách rút ra”; “Cuộc huỷ diệt ở Việt Nam”; “Một công dân có thể làm gì”. Đặc biệt cuốn sách có tên phụ đề ở trang bìa sau là “Việt Nam chúng ta đã can thiệp vào như thế nào? Và chúng ta sẽ phải rút ra như thế nào?”. Phụ đề này trùng với một tên sách do nhà báo Mỹ Sôênbrun viết, ấn hành năm 1968, đã được Bác Hồ đọc và để cùng với cuốn sách của Bác sĩ Spock.
Trong cuốn sách “Bác sĩ Xpốc phát biểu về Việt Nam” không có lời đề tặng nhưng có chữ viết tay ký tên tác giả ở trang bìa mặt trước. Trong hồ sơ khoa học tuy chưa đề cập được cụ thể nguồn gốc và thời điểm cuốn sách xuất hiện tại nơi Bác Hồ ở và làm việc nhưng đã khẳng định được, cũng như những cuốn sách khác có nội dung tương tự là những cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và thường yêu cầu các cán bộ ngoại giao, các đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài tìm kiếm đưa về để Người đọc. Theo các nhân chứng là những đồng chí phục vụ gần gũi với Bác thì những cuốn sách ở nước ngoài gửi về thường qua con đường ngoại giao.
Trước khi đưa sách tới Bác, những cuốn sách đều được kiểm tra kỹ và được vệ sinh sạch sẽ.
Bác Hồ đã đọc cuốn sách này và để lại bút tích ở các trang 8, 11, 12, 13, 19, 53, 59, 67, 70, 71, 78 và 84. Bút tích Bác Hồ để lại trong sách là những dấu /; V; gạch chân bằng bút bi mực màu đỏ. Các đồng chí Vũ Kỳ, Cù Văn Chước, Trần Văn Vượng, Lê Hữu Lập là những người có hiểu biết về các dạng bút tích của Bác Hồ đều khẳng định đó là bút tích của Người. Từ năm 1985 những trang bút tích đã được dịch ra tiếng Việt. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi không thể trích đăng toàn bộ những trang Bác đã đánh dấu. Nhưng qua xem xét cụ thể các đoạn có bút tích có thể thấy những vấn đề tác giả viết được Bác quan tâm như số quân Mỹ ở Việt Nam từ năm 1963 đến năm 1967 (tr.10); số bom Mỹ thả ở Việt Nam và số kinh phí Mỹ chi cho chiến tranh ở Việt Nam (tr.11); sự hiếu chiến của Giôn xơn (tr.12); lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam (tr.13); số lượng vũ khí quân Mỹ đưa vào chiến trường miền Nam (tr.52, 53); sự phát triển và uy tín của “Việt Cộng” (tr.67); những tội ác binh lính Mỹ gây ra cho nhân dân miền Nam Việt Nam (tr.78); tình cảnh của người dân Mỹ có chồng, con bị chết trận (tr.84). Riêng trang 70 với dòng “Khi tập sách này được in xong thì 18 nghìn thanh niên Mỹ đã bị chết ở Việt Nam, vì họ đã chiến đấu cho một sự nghiệp chẳng có ý nghĩa gì đối với cuộc đời họ” được Bác gạch chân.
Năm 1967 là năm phong trào thanh niên và nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam lan rộng khắp nước Mỹ. Sau tết Mậu Thân 1968, cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Việt Nam đã làm cho quân đội Mỹ-nguỵ phải co cụm lại và càng làm cho phong trào phản chiến nổi lên dữ dội. Cuốn sách của bác sĩ Spock là một bản án đanh thép đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, tìm đọc. Từ những cuốn sách, tài liệu trước đó và đến cuốn sách này, có thể Người có thêm chứng cứ, bổ sung cho những chiến thuật, chiến lược trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong những hoạt động hàng ngày, thời gian trước và sau khi cuốn sách xuất hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những bài viết “Giôn xơn nhăn nhó mặt mo, phần lo thua trận phần lo dân cười” với bút danh Chiến Đấu đăng báo Nhân dân ngày 14/6/1967; bài “Vấn đề dân nghèo ở Mỹ” với bút danh Chiến Sĩ đăng báo Nhân dân ngày 22/6/1968.
Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện cho những người Mỹ đấu tranh vì tự do, hoà bình và chính nghĩa chống chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam nhân dịp năm mới 1968 (Báo Nhân dân ngày 31/12/1967); ngày 27/7/1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếp và quà tặng chị Morison là người có chồng tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam; ngày 31/12/1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các người bạn Mỹ chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Những việc Người làm như một sự tri ân trước những tấm lòng của nhân dân thế giới dành cho nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, cuốn sách gốc “Bác sĩ Xpốc phát biểu về Việt Nam” đang được lưu giữ trong kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thay vào vị trí vốn có của nó là cuốn sách làm lại, khoa học, chính xác để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về Bác Hồ và về Khu di tích Phủ Chủ tịch. Cùng với sự tồn tại của ngôi nhà sàn còn in dấu những tư tưởng, tình cảm, hoạt động của Bác Hồ kính yêu, cuốn sách của bác sĩ Spock và những cuốn sách của các tác giả nước ngoài khác viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam như minh chứng cho những tấm lòng, sự chia sẻ, động viên của bạn bè năm châu đối với nhân dân Việt Nam không chỉ trong chiến đấu trước đây mà cả trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, giàu đẹp ngày nay.
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)