VỀ MỘT VĂN KIỆN LỊCH SỬ HÀO HÙNG, XÚC ĐỘNG LÒNG NGƯỜI
09 Tháng 10 Năm 2009 / 6578 lượt xem
Trương Xuân Mai
Có những áng văn ra đời trong thời khắc trọng đại của đất nước đã để lại dấu ấn không phai mờ trong dòng chảy của lịch sử. Nó sống mãi với thời gian dù cuộc sống mỗi ngày một thay đổi. Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt quý giá như vậy.
Bản điếu văn được viết bằng giọng văn chính luận, không lâm ly, bi ai như các bài văn tế bình thường. Kết cấu điếu văn chặt chẽ, khúc chiết theo thể thức văn nghị luận, lời văn hàm súc phản ánh tình cảm sâu sắc của các thế hệ người dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với việc tìm hiểu, phân tích nội dung văn kiện, tìm về cội nguồn hình thành văn kiện lịch sử này cũng là một vấn đề cần thiết.
Qua các hồ sơ, tài liệu được lưu giữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia, Văn phòng Trung ương Đảng, qua hồi ức của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời đó và người thư ký giúp việc cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, nhất là thư ký của đồng chí Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng, Điếu văn đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tình cảm của nhiều người từ các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đến người thư ký.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời sau một cơn đau tim đột ngột. Sau khi Người từ trần, trong một buổi họp bàn tổ chức tang lễ Người, Bộ Chính trị đã giao cho một số đồng chí chuẩn bị dự thảo Điếu văn. Theo tinh thần cuộc họp, lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức với nghi lễ trọng thể nhất, tiến hành quốc tang trong bảy ngày (từ ngày 4/9 đến 10/9), lễ viếng bắt đầu từ sáng ngày 6/9 tại Hội trường Ba Đình, lễ truy điệu được tổ chức trọng thể vào ngày 9/9 tại Quảng trường Ba Đình - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945.
Viết điếu văn là việc quan trọng nhất trong các khâu chuẩn bị tang lễ. Các đồng chí chịu trách nhiệm soạn thảo Điếu văn đã gấp rút gửi văn bản cho từng đồng chí trong Bộ Chính trị để xin ý kiến vào ngày 5/9 và sáng ngày 6/9. Chiều tối ngày 6/9, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn về tổ chức lễ truy điệu và thông qua bản điếu văn dự thảo. Hơn 21 giờ, cuộc họp tạm dừng, bản dự thảo điếu văn chưa thông qua được, Bộ Chính trị giao cho đồng chí Lê Duẩn chuẩn bị một văn bản khác.
Sau khi trở về nhà riêng, đồng chí Lê Duẩn gặp tổ thư ký, trao cho anh em bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bản dự thảo điếu văn và nói: Bộ Chính trị chưa thông qua hai bản dự thảo này, các đồng chí đọc thật kỹ Di chúc và dự thảo điếu văn rồi giúp tôi soạn thảo bản điếu văn khác, lễ truy điệu ấn định vào ngày 9/9, các đồng chí cố gắng viết xong trong đêm nay để ngày mai Bộ Chính trị họp tiếp, thời gian còn lại không nhiều.
Ông Đống Ngạc (1) và ông Đậu Ngọc Xuân được trao nhiệm vụ viết Điếu văn. Đồng chí Lê Duẩn nói rõ những định hướng cơ bản: Điếu văn cần phải tôn vinh cuộc đời, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng; khẳng định sự nghiệp lớn, tư tưởng lớn của Người thể hiện trong đường lối, phương pháp cách mạng để các thế hệ sau tiếp tục phấn đấu sao cho lý tưởng trở thành hiện thực. Theo đồng chí Lê Duẩn, những vấn đề lớn mà Điếu văn cần tập trung làm nổi bật là:
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho dân tộc Việt Nam; Người đã suốt đời đấu tranh, chăm lo cho nền độc lập thống nhất của Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; Người gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trong lãnh đạo cách mạng.
3. Người là kiến trúc sư của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa tư tưởng đại đoàn kết thành chiến lược cách mạng. Người là hiện thân của khối đại đoàn kết đó.
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước với tinh thần quốc tế cao cả.
5. Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực sáng ngời về đạo đức cách mạng.
Về hình thức, cách viết, đồng chí Lê Duẩn dặn: không rập theo lối viết văn điếu, lâm ly, bi ai thông thường, tránh câu chữ sáo mòn, lời văn cần giản dị, trong sáng mà trang trọng, hàm súc, lắng đọng, có sức truyền cảm, dễ đi vào lòng người…
Những chỉ dẫn cặn kẽ của đồng chí Lê Duẩn làm hai ông Đống Ngạc và Đậu Ngọc Xuân càng nhận rõ nhiệm vụ được giao là hết sức khó khăn, nặng nề, vượt quá sức mình, song cũng vô cùng vinh dự và hạnh phúc. Theo những định hướng, yêu cầu đồng chí Lê Duẩn đề ra, trước khi viết điếu văn hai ông đọc kỹ lại bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bản dự thảo điếu văn và điếu văn của Ăngghen đọc trước phần mộ Các Mác, điếu văn Stalin đọc vĩnh biệt Lênin, điếu văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong lễ vĩnh biệt cụ Hồ Tùng Mậu - một chiến sĩ cách mạng lão thành.
Hai ông thống nhất dàn ý và phương án mỗi người viết một bản rồi bổ sung cho nhau, ghép lại để hoàn thành bản dự thảo Điếu văn. Hai giờ sau khi nhận nhiệm vụ từ đồng chí Lê Duẩn trôi qua (từ 22 giờ đến 24 giờ) hai ông vẫn chưa viết được dòng nào. Cả hai ông ngồi lặng yên thả mình vào dòng cảm xúc đang dâng trào; đến hơn một giờ sáng ông Đống Ngạc mới đặt bút viết dòng đầu tiên. Còn ông Đậu Ngọc Xuân đột nhiên bị cảm mạo không thể gắng sức được. Ông Đống Ngạc kể lại: Thu xếp cho ông Xuân tĩnh dưỡng xong, quay lại bàn viết, ông xác định phải vượt lên chính mình: đúng như lời Bác “mỗi người làm việc bằng hai” thay bạn và lời của đồng chí Bí thư: biến đau thương thành hành động cụ thể. Ông cầm bút viết câu đầu tiên: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa...”
Sức nghĩ sáng ra. Ngòi bút trong tay như có trớn, ông Đống Ngạc viết một mạch về nỗi đau mất Bác, về Bác: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, vị anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta...” Cứ đà đó, tự tin, phấn khởi ông viết tiếp theo dàn bài. Đến phần ba nói về những quan điểm lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh và nhiệm vụ của những người còn sống hôm nay và mai sau, ông dừng tay suy ngẫm sâu hơn nữa, đối chiếu với những dòng ghi vội trong sổ tay lời dặn của đồng chí Lê Duẩn và tìm cách diễn đạt, thể hiện sao cho thật ngắn gọn, súc tích, gây được ấn tượng mạnh mẽ. Ông đọc lại bài điếu truy điệu V.Lênin có dạng thức lời thề, liền bắt lấy ý tưởng đó, hiện thực hoá bằng cách lặp lại những điệp khúc để khắc sâu vào lòng người, khi người đọc đọc: Vĩnh biệt Người chúng ta thề... đáp lại là hàng vạn cánh tay giơ cao: Xin thề! Xin thề! Xin thề!
5 lời thề danh dự của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 5 phần nội dung cốt lõi của Điếu văn. Phần cuối nêu bật 2 di sản quý báu mà Bác Hồ để lại trong thời đại Hồ Chí Minh, thời đại vinh quang nhất của lịch sử dân tộc, đó là: Độc lập – Tự do và Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thành quả lớn lao nhất này do nhân dân ta giành được dưới sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, cũng đồng thời là công ơn không gì so sánh được của Người mà mỗi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào và có nghĩa vụ phải kế tục, gìn giữ, phát huy mãi mãi.
Ông Đống Ngạc viết liền một mạch đến khoảng 5 giờ sáng ngày 7/9/1969 mới tạm xong bài viết. Khi ông vừa đặt dấu chấm than kết thúc dòng cuối của bài viết thì đồng chí Lê Duẩn đề nghị được xem. Đồng chí nhận xét sau khi xem xong: về cơ bản là được, song cần cân đối lại giữa các đoạn viết về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và về nội dung các lời thề sao cho sáng rõ hơn; cần cân nhắc chỉnh sửa một số từ cho thật chính xác, chuẩn… kết thúc nên có một khẩu hiệu, thật súc tích, tình cảm để hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi với toàn Đảng, toàn dân. Theo đồng chí Lê Duẩn, cứ để bài viết thế đem cho đánh máy, gửi các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem lại và đề nghị các đồng chí đến họp trong buổi sáng hôm đó để nghe, cùng góp ý, sau đó sửa luôn thể.
Tám giờ sáng ngày 7/9, Bộ Chính trị và Ban Bí thư họp chung để tiếp tục xem xét chỉnh sửa và thông qua bản Điếu văn. Các đồng chí Bộ Chính trị đã cho thêm nhiều ý, cân đối lại các phần cho hợp lý, chặt chẽ, sửa lại nhiều từ chuẩn xác, trong sáng, khúc chiết… Khoảng 11 giờ, bản Điếu văn được Bộ Chính trị chấp nhận về cơ bản, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Hoàng Tùng - Uỷ viên BCH TW Đảng cùng hai ông Đậu Ngọc Xuân và Đống Ngạc tổng hợp các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh bản Điếu văn. 13 giờ ngày 7/9/1969 việc sửa chữa bản Điếu văn mới tạm ổn. Đây là lần chỉnh sửa lớn, công phu nhất. Phải qua 4,5 lần sửa chữa, chỉnh lý nữa trên cơ sở ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đến khoảng 20 giờ ngày 7/9 bản Điếu văn mới được hoàn thiện. Đồng chí Lê Duẩn ký tắt cho đánh máy, chuyển sang Ban Đối Ngoại dịch ra 5 thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Ông Đống Ngạc nhận xét, nếu so bản Điếu văn đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản viết rạng sáng ngày 7/91969 thì “bản Điếu văn đã có nhiều từ ngữ chuẩn xác, nhiều đoạn, ý quan trọng sâu sắc và ý tứ nhuần nhuyễn hơn”.

... Hồ Chủ tịch đã qua đời! Nhưng Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Toàn thể dân tộc Việt Nam ta, mỗi người Việt Nam ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người”.
40 năm qua kể từ ngày 9/9/1969, bản Điếu văn của Ban chấp hành trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi với thời gian. Từng lời, từng chữ trong văn kiện lịch sử đó vẫn làm rung động trái tim, tâm hồn nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Sức truyền cảm của bản điếu văn vừa thể hiện lòng biết ơn thành kính của toàn Đảng, toàn dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là lời hiệu triệu kêu gọi toàn dân tộc biến đau thương thành sức mạnh hành động quyết tâm đi tiếp con đường của Người phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh!
“...Trước anh linh của Hồ Chủ tịch, chúng ta nguyện suốt đời trung thành với Người, đem hết tâm hồn và nghị lực, đoàn kết thành một khối sắt thép, phấn đấu quên mình, quyết làm tròn nghĩa vụ cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân ta và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.
Hồ Chủ tịch đã qua đời! Nhưng Người luôn luôn dẫn dắt chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn luôn bên cạnh. Bởi vì chúng ta vẫn đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người. Bởi vì Người vẫn sống mãi với non sông đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người ngày càng khắc sâu trong trái tim, khối óc của mỗi chúng ta”.
-------------
(1) Ông Đống Ngạc sinh ngày 2/4/1925 ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông tham gia cách mạng năm 1945 ở Huế và đã chiến đấu ở Khánh Hòa trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Sau đó, ông làm công tác thanh niên, là Bí thư đoàn Thanh Niên cứu quốc khu V. Năm 1955 ông làm Chánh văn phòng Trung ương Đoàn, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Ông trở thành thư ký cho đồng chí Lê Duẩn từ tháng 2/1962 cho đến năm 1986 khi đồng chí Lê Duẩn qua đời. Ông Đống Ngạc nhiều năm là thành viên Ban nghiên cứu tổng kết hai cuộc kháng chiến, là đồng tác giả bộ công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 và một số sách khác như Lê Duẩn – nhà lãnh đạo lỗi lạc. Một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam...
(1) Ông Đống Ngạc sinh ngày 2/4/1925 ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông tham gia cách mạng năm 1945 ở Huế và đã chiến đấu ở Khánh Hòa trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Sau đó, ông làm công tác thanh niên, là Bí thư đoàn Thanh Niên cứu quốc khu V. Năm 1955 ông làm Chánh văn phòng Trung ương Đoàn, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Ông trở thành thư ký cho đồng chí Lê Duẩn từ tháng 2/1962 cho đến năm 1986 khi đồng chí Lê Duẩn qua đời. Ông Đống Ngạc nhiều năm là thành viên Ban nghiên cứu tổng kết hai cuộc kháng chiến, là đồng tác giả bộ công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 và một số sách khác như Lê Duẩn – nhà lãnh đạo lỗi lạc. Một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam...
Ảnh: Đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất BCHTƯ đọc điếu văn tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (9.9.1969)