slider

Câu chuyện về những bữa cơm công tác và chiếc túi đựng cặp lồng cơm của Bác Hồ

07 Tháng 06 Năm 2023 / 110 lượt xem

ThS. Lường Thị Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh gây phiền hà cho nhân dân. Không phải chỉ có những việc làm lớn lao mới thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mà ngay cả những việc làm trong cuộc sống hàng ngày cũng mang ý nghĩa tư tưởng, đạo đức quý báu. Một trong những yếu tố góp phần làm nên tấm gương đạo đức sáng ngời ấy, đó là những bữa ăn của vị Chủ tịch nước những khi Người đi công tác.

Ngày mới giành chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác làm việc tại căn phòng nhỏ trên gác hai của Bắc Bộ Phủ. Bác được cấp mỗi tháng 200 đồng cho việc ăn uống. Tới giờ ăn, Bác đến ăn tại bếp tập thể cùng anh em. Bữa ăn của Bác đạm bạc, thường chỉ có một miếng cá nhỏ, một bát canh, vài quả cà, mấy cọng dưa, dăm lát ớt và miệng bát cơm. Ngày 10/4/1946, giữa lúc đất nước bộn bề công việc, Bác về thăm Ninh Bình để dàn xếp vấn đề đối nội. Khoảng 8h, khi xe Bác đến thị xã, nhân dân ùa đến, vẫy cờ, hô khẩu hiệu đón Bác. Anh em trong Ủy ban khẩn khoản mời Bác ở lại nghỉ cho đỡ mệt và ăn tối, nhưng Bác nói: “Hàng ngàn đồng bào chờ Bác ngoài kia, Bác không thể nghỉ ở đây để ăn cơm vì 9h tối Bác đã có việc ở Chủ tịch phủ. Bây giờ các chú giúp Bác: một chú ra tập hợp đồng bào vào một ngã tư rộng gần đây để Bác ra nói chuyện với đồng bào mươi phút; một chú ra cửa hàng bánh mua cho Bác một cặp bánh giò. Còn các chú đi với Bác thì tranh thủ ăn cơm trước. Nói chuyện xong, Bác về Hà Nội ngay cho kịp hẹn. Trong xe, Bác sẽ ăn bánh vừa đỡ tốn kém, vừa tiết kiệm thời gian cho Bác”. Sau đó Bác ra nói chuyện với đồng bào. Khá muộn, Bác vẫy tay chào đồng bào rồi lên xe về Hà Nội. Xe đi được một quãng, Bác mới bắt đầu dùng bữa ăn tối của mình.

Kháng chiến bùng nổ, Bác cùng các cơ quan Trung ương và Chính phủ trở lại Việt Bắc. Những năm đầu, đời sống kháng chiến vô cùng kham khổ, Bác vẫn ăn chung với anh em, bát ăn chỉ là ống bương cưa ra, thức ăn chủ yếu là măng, rau, cao cấp nhất là thịt chim, sóc săn bắn hoặc đánh bẫy được đem kho mặn với muối để Bác ăn dần, thi thoảng tìm được con gà bồi dưỡng riêng cho Bác thì Người nói “Lộc bất khả tận hưởng”, rồi đem chia đều cho mọi người. Món ăn chủ lực của Bác và anh em vẫn là món thịt Việt Minh gồm: 1kg thịt + 1kg muối + 1 nửa kg ớt xào lên cho vào ống, đi đến đâu dùng cũng tiện. Khi tăng gia, chăn nuôi được nhiều, anh em xin ý kiến, Bác đồng ý cho bỏ món thịt Việt Minh. Có lần, đoàn công tác của Bác đi qua huyện Yên Sơn theo kế hoạch ghé vào một cơ sở để ăn trưa. Nhưng khi đến nơi, thì nghe có tiếng máy bay địch nên Bác bảo anh em đưa cơm ra bãi cỏ ở bìa rừng ngồi ăn thuận tiện hơn. Hai đồng chí bảo vệ vào xóm bưng cơm lại mượn thêm chiếc chiếu của gia đình đồng bào ra ngồi. Lúc đặt mâm cơm xuống, Bác thấy có con gà luộc, đĩa cá và hai bát canh. Thấy thế, Bác không vui: “Các chú không nên mượn chiếu của bà con làm phiền đến dân”, ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Trong khi nhân dân đang thắt lưng buộc bụng kháng chiến, mình ăn cơm thế này là ăn cơm “quan” đấy”. Nói rồi, Bác vừa chia đôi tất cả các món ăn trên mâm. Bác bảo anh em đem một phần đã chia đưa vào biếu các gia đình nghèo trong xóm. Phần còn lại Bác lại chia làm đôi: Chỉ ăn một nửa, còn một nửa gói dành cho bữa sau.

Năm 1954, kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng về lại thủ đô Hà Nội, Người chọn cho mình ngôi nhà đơn sơ của người công nhân thợ điện từng phục vụ Phủ Toàn quyền để ở. Bữa cơm hàng ngày của Người được nấu tại ngôi nhà bên cạnh (nay là Di tích Nhà bếp A). Với cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng nhưng Người ăn uống rất giản dị, tiết kiệm. Bữa cơm thường là canh, rau, thịt hoặc cá, ăn xong tráng miệng bằng một quả táo nướng. Người luôn dặn các đồng chì cấp dưỡng làm vừa đủ, không được làm thừa, lãng phí. Khi ăn, món nào không ăn hết, Người trở đầu đũa để riêng, bảo quản trong tủ, đến chiều hâm nóng để dùng tiếp. Ngay cả khi có khách, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dặn kỹ người nấu bếp là làm vừa đủ ăn, không được làm thừa và làm ít món.

Từ tháng 5/1958, Bác chuyển sang ở Nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, nhưng hàng ngày Người vẫn trở về dùng bữa tại nhà ăn phía bên kia bờ ao. Những lần đi công tác các địa phương, Bác đều nhắc anh em mang cơm đi theo, khi thì cơm nắm, khi thì bánh mỳ với thức ăn nguội, chỉ có món canh cho vào phích để đến bữa Bác dùng cho nóng. Trên đường đi, cứ đến bữa là Bác bảo các đồng chí cùng đi chọn nơi vắng, mát, sạch rồi dừng xe, Bác cháu bày cơm ra ăn đơn giản, không phiền ai cả. Một lần về thăm Thái Bình, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cố nài Bác ở lại ăn cơm, Người nói: “Đi thăm tỉnh lụt còn ăn uống nỗi gì?”. Nhưng vì thương cán bộ đã chót bày mâm, Bác lấy gói cơm nắm và thức ăn mặn rồi bảo đồng chí cảnh vệ: “Chú mời đồng chí Bí thư và Chủ tịch đến ăn cơm với Bác. Còn chú và chú bác sĩ sang mâm kia ăn với cán bộ tỉnh”. Khi phải công tác ở địa phương nào lâu, Bác dặn cán bộ tỉnh chỉ làm cơm cho mấy người và ăn những món nào, dù cán bộ tỉnh bày cỗ ra Bác vẫn chỉ gắp vào bát của anh em và bát của mình mỗi người một miếng gọi là nếm thử, rồi xếp ngay ngắn đĩa thức ăn ấy, để ra ngoài mâm. Bác nói với anh em: “Người ta dọn ra một bữa sang. Bác cháu mình có khi chẳng ăn và chẳng ăn hết. Nhưng đi rồi để lại cái tiếng: đấy Bác Hồ đến thăm cũng làm cơm thế này, thế nọ, cũng điều động người làm mất thời gian. Thế là tự mình, Bác lại bao che cho cái chuyện xôi thịt...”.

Hai lần Bác về thăm quê, tỉnh nhà đều làm cơm chiêu đãi Bác: Năm 1957, Bác mời mọi người cùng ngồi chung mâm có đĩa cà muối quê hương. Năm 1961, Bác cũng ngồi vào bàn ăn nhưng lại chiêu đãi mọi người món cơm đã chuẩn bị sẵn, mang từ Hà Nội vào. Đó là những gói cơm nắm độn bắp, gạo trắng và ngô nhỏ mịn gói lại vuông vức. Bữa cơm ấy thật ngon, nhiều ý nghĩa và cảm động.

Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đang ác liệt, nhân dân ta bắt đầu phải ăn cơm độn sắn, ngô, Bác dặn anh em phục vụ: “Các chú thổi cơm độn cho Bác. Nhân dân, cán bộ ta ăn độn bao nhiều phân trăm, độn cho Bác từng ấy”. Khi đó Bác đã bước vào tuổi 75, nhìn Bác ăn độn mà anh em xót quá, mới thưa rằng có quy định các cụ già trên 70 tuổi không phải ăn cơm độn nhưng Bác bảo: “Bác cũng nhiều tuổi, nhưng Bác còn khoẻ. Thế thì Bác theo cán bộ. Cán bộ thế nào thì Bác thế ấy. Cứ thổi tiếp đi cho Bác ăn”. Anh em xay ngô thật nhỏ, độn gọi là, nhưng Bác biết, người nhắc: “50% cơ mà!”.

Chính vì tránh gây phiền hà cho nhân dân khi đồng bào còn đang khó khăn, thiếu thốn, nên sinh thời mỗi lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác các tỉnh xa, để tránh việc cán bộ, nhân dân tổ chức ăn uống linh đình đón Bác nên Bác đã yêu cầu các đồng chí cấp dưỡng chuẩn bị sẵn thức ăn, cơm từ nhà để đem theo. Cơm và thức ăn mang theo được đựng trong chiếc cặp lồng do Trung Quốc sản xuất, được xếp vào hòm gỗ cùng với các đồ dùng khác, có khi lại xách tay. Nhưng nhiều khi do đi ô tô, đường xa bị xóc, hoặc sơ ý, các ngăn cặp lồng bị đổ hay bị xô lệch, cơm và thức ăn bị đổ ra ngoài. Các đồng chí trong tổ cấp dưỡng đã may chiếc túi vải để đựng cặp lồng cơm, có dây buộc lại phía trên. Ông Đặng Văn Lơ, người từng nấu cơm phục vụ Bác, kể: “Thấy mỗi lần đi công tác, cơm của Bác bị đổ ra ngoài khi đi đường xa, tôi đã khâu một chiếc túi đựng vừa bộ cặp lồng, có dây rút ở miệng. Bộ cặp lồng được giữ gọn trong túi, cơm và thức ăn bên trong không còn bị đổ nữa. Tôi khâu chiếc túi đó bằng vài phin màu xanh da trời. Dùng một thời gian chiếc túi bị rách, tôi lại đi may 4 chiếc túi khác tương tự cũng bằng vải phin màu xanh da trời. Do túi chỉ may bằng vải phin, lại dùng thường xuyên (vì có lúc tôi còn dùng đi mua bánh mì để phục vụ bữa ăn sáng của Người hoặc Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng như tiếp khách của Người) nên túi thường xuyên bị rách và phải thay mới, về sau chỉ còn lại một chiếc. Tôi nhớ chiếc túi ấy được dùng cho đến ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời”.

Chiếc túi được may để vừa bốn ngăn cặp lồng nên túi có hình trụ, đáy tròn đo vừa đúng đường kính của các ngăn cặp lồng, trên miệng túi may thành cạp luồn dây để rút lại cho tiện sử dụng mỗi lần mang đi.

Theo ông Đinh Văn Cẩn, người nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1952 đến năm 1969, kể lại: Nếu Bác đi công tác dài ngày thì ông đi cùng để nấu ăn, đó là nguyên tắc bảo vệ sức khỏe cho Người. Nếu đi thăm các địa phương một ngày thì Bác thường dặn ông Cẩn chuẩn bị sẵn cơm và thức ăn ở nhà. Nhiều khi Người chọn chỗ nghỉ vắng, mát, phong cảnh hữu tình để cùng cả đoàn ăn trưa. Bác bảo làm như vậy vừa không làm phiền địa phương, vừa tiết kiệm tiền bạc của nhân dân.

Ông Đặng Văn Lơ, người cùng với ông Cẩn nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng kể: Bác thường không cho địa phương làm cơm, vì Bác bảo tiếp một mình Bác mà bày cỗ bàn linh đình sẽ tốn kém của dân của nước.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh tự mang cơm đi mỗi lần công tác xa không chỉ đơn thuần là tránh phiền hà cho nhân dân, mà còn là cách Người giáo dục cán bộ ta tính tiết kiệm, không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn tiết kiệm thời gian, công sức của đồng bào. Ông Trần Văn Vượng, phụ trách công tác văn thư- hành chính tại Văn phòng Bác, cũng cho biết thêm: “việc đem cơm theo đi công tác của Bác là do đường xa, cần ăn trên đường đi, tiện cho chuyến đi mà không gây phiền hà, có ý giáo dục địa phương thực hành tiết kiệm và cũng là bảo vệ Bác”. Ông còn kể thêm: “Có lần đi công tác tại Bắc Thái. Lúc đi một mạch nhưng lúc về còn ăn sáng xong còn mít tinh, ở lại ăn trưa, về đến Hà Nội sẽ bị tối nên mít tinh xong về ngay, do đó cần phải chuẩn bị thức ăn đem theo để Bác ăn trưa dọc đường”.

Để phục vụ quá trình khôi phục lại Di tích Nhà bếp A, nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1955 đến tháng 7/1969, chiếc túi đã được phục chế lại (chiếc túi do bà Đỗ Thị Đầm, số 17 Tràng Thi, từng làm phục vụ tại Ngoại giao Đoàn may lại). Hiện nay túi đang được lưu tại Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên với những thông tin cụ thể về chất liệu, kích thước, kiểu dáng,--- Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có thể đề xuất phục dựng lại nguyên trạng để đưa ra trưng bày phát huy tác dụng, góp phần vào công tác tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đồng bào trong và ngoài nước. Nhất là trong giai đoạn đất nước đang thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay, mỗi tài liệu, hiện vật, câu chuyện về đời thường của Người chính là những bài học sâu sắc cho mỗi người dân khi đến tham quan nơi ở và làm việc của Người tại Khu Phủ Chủ tịch. Câu chuyện những bữa ăn giản dị của Bác Hồ và chiếc túi vải đơn sơ ấy gợi nhiều suy nghĩ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hôm nay đang được chúng ta đẩy mạnh, khi thực tế còn nhiều nguy cơ: Nợ xấu của quốc gia, tham nhũng, suy thoái đạo đức công vụ của cán bộ... Nhiều điều chưa đúng như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn về thực hành tiết kiệm khi vẫn còn những cung cách tổ chức rườm rà, xa hoa, còn nhiều tiệc tùng chiêu đãi, ăn mừng linh đình và lãng phí, vẫn còn cái cách “khách ba chủ nhà bảy” và cũng còn nhiều cảnh vòi vĩnh “quà” khi đi công tác ở các địa phương...

* Bài viết có sử dụng tư liệu lưu tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)