slider

Cuốn sách “Góp phần nghiên cứu các vấn đề chính trị ở Châu Phi da đen” ở tầng 2 Nhà Sàn trong Khu di tích Phủ Chủ tịch

20 Tháng 05 Năm 2021 / 668 lượt xem

Trần Thị Thuấn

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Trong khối tài liệu, hiện vật của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã sử dụng trong 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, có nhiều cuốn sách do chính tác giả đề tặng Người. Chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách “Góp phần nghiên cứu các vấn đề chính trị ở Châu Phi da đen” của tác giả Majhemout Diop. Sách do nhà xuất bản Présence Africaine 42, rue Descartes, Paris 5e, xuất bản năm 1958, kích thước 14 x 23cm, gồm 267 trang, tiếng Pháp. Trang đầu cuốn sách có dòng chữ viết tay của tác giả gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạm dịch như sau:

Để kỷ niệm vinh hạnh mà ngài đã dành cho tôi khi đón tiếp tôi nhân dịp tôi đi ngang qua Hà Nội, xin trân trọng kính gửi người thầy vĩ đại tập giáo trình đầu tay của tôi.

Dakar 4/10/61. MAJHEMOUT DIOP Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hoà Mali do Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thông tin Mađâyra Câyta làm trưởng đoàn sang thăm hữu nghị nước ta, cuốn sách được gửi đến kính biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp này. Trong sách không có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng như trong lời đề tặng, tác giả ghi rằng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nên có thể Người đã đọc cuốn sách này.

Tác giả Majhemout Diop là một lãnh tụ của châu Phi da đen, ông đã từng sang Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón ngày 11/11/1958. Với lòng yêu mến nhân dân Châu Phi, tha thiết đấu tranh giành độc lập, tự do cho nhân dân mình, ông đã viết tác phẩm này với mong muốn đóng góp một phần hiểu biết để nâng cao trình độ tư tưởng của đông đảo nhân dân Châu Phi. Phải có trong tay họ những tài liệu kinh điển. Nhưng ở đất nước họ sách rất hiếm nên tác giả viết dựa trên sách kinh điển đồng thời có lời bình luận để người đọc dễ hiểu hơn, không rập khuôn, giáo điều. Nội dung cuốn sách gồm: lời giới thiệu, kết luận và 9 mục:

I. Nguyên nhân lạc hậu của Châu Phi da đen.

II.      Chủ nghĩa đế quốc.

III.     Sự xâm nhập của chủ nghĩa đế quốc vào châu Phi da đen và sự phá hủy các hệ thống kinh tế cũ.

IV.     Cơ cấu tổng quát của xã hội Châu Phi.

V.      Nhận thức mở đầu về cuộc đấu tranh chống đế quốc.

VI.     Sự cần thiết của một đảng của giai cấp vô sản Châu Phi.

VII.   Đảng của giai cấp vô sản và các vấn đề tôn giáo, văn hoá và dân tộc.

VIII.  Mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc.

IX.     Từ lý thuyết đến hành động hay là sự hình thành đảng độc lập Châu Phi.

Cuốn sách đề cập đến nội dung lịch sử là: vào giữa thế kỷ XX, Châu Phi đã thức tỉnh và làm rạn nứt chủ nghĩa đế quốc ở Châu Phi. Khắp nơi diễn ra những dấu hiệu báo trước một cuộc bùng nổ khủng khiếp: Đó là làn sóng nổi dậy của nhân dân các nước Châu Phi giành tự do. Trên trái đất này, phần các nước thuộc Châu Phi da đen là lạc hậu nhất. Các nước đế quốc dùng mọi thủ đoạn và bạo lực để bóc lột, giết hại nhân dân nhằm thu vén những nguồn lợi kếch sù. Trước tình hình đó, nhân dân Châu Phi da đen buộc phải đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh, hình thành các chính đảng chính trị tiến bộ. Tại Châu Phi, sau Đại hội Bamako tháng 10/1946, cuộc đấu tranh bắt đầu có tổ chức, phong trào mang tên Tập hợp Châu Phi dân chủ đã ra đời, sau đó là Đảng châu Phi độc lập - một đảng kiểu mới theo học thuyết xã hội chủ nghĩa khoa học, đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ quyền dân tộc. Đảng đã lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Châu Phi bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ thắng lợi trên con đường giành độc lập, tự do, góp phần vào sự nghiệp hoà bình trên toàn thế giới.

Trong sách tác giả có nhắc đến Việt Nam và một đoạn trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những đoạn sau: “Khi nói đến giải phóng dân tộc, thường thì người ta nghĩ đến phong trào quốc gia trong quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Nhiều nhà tri thức, nhà yêu nước Châu Phi ca ngợi thắng lợi của Trung Quốc, Việt Nam; nhưng khi nói đến chủ nghĩa xã hội thì họ ngập ngừng. Thế nhưng bọn đế quốc chúng lại biết sợ, sợ cái gì và không sợ cái gì?”

“Sự có mặt của Đảng của giai cấp vô sản hiện nay là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của cách mạng... Kinh nghiệm thành công trên thế giới cũng nhiều: Trung Quốc, Việt Nam, Albanie... Người cộng sản, được trang bị chủ nghĩa Mác- Lênin, biết biến lượng thành chất và chất thành lượng”.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng tuyên bố với phóng viên, nhà báo: Chúng tôi phải thu hút những người tư sản, trí thức và địa chủ yêu nước tiến bộ vào hàng ngũ của chúng tôi. Vì vậy, liên minh với giai cấp địa chủ mà tinh thần yêu mến Châu Phi và lòng tự hào dân tộc đang còn, những địa chủ biết nhìn xa thấy rộng, những người không bao giờ chịu bắt tay với đế quốc chống cách mạng, là sách lược đúng đắn của chúng ta”.

Trong thời gian từ 1954 trở đi, phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, chống nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới có sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Một sự kiện chính trị nổi bật lên trong thời kỳ này là sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Châu Phi và một loạt nước Châu Phi độc lập ra đời, chọn con đường tiến bộ để xây dựng đất nước, góp phần cực kỳ quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì những mục tiêu cao cả của thời đại.

Khi còn trên hành trình tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có thời gian làm việc trên một chiếc tàu đi vòng quanh Châu Phi và đã được chứng kiến đời sống cơ cực, lầm than của người dân Châu Phi. Thực tiễn này đã giúp Người nhận rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản và thực dân, cũng như hình thành ở Người tình hữu ái giai cấp đối với những người cùng khổ. Cũng chính thực tiễn ấy đã đem lại cho Người những kết luận quan trọng, tác động sâu sắc đến tư tưởng, quan điểm của Người. Đó là, ở đâu đế quốc tư bản thực dân cũng dã man, tàn bạo, cũng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính, ở đâu những người lao động nghèo khổ, bần cùng cũng là bạn bè, anh em, đồng chí của nhau, họ phải được tập hợp lại, chủ động đấu tranh, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Sau khi tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có dịp trở lại châu Phi để thăm lại những người anh em thân thiết và từng đứng chung trên một chiến hào chống chủ nghĩa đế quốc, nhưng quan hệ giữa Người và châu Phi vẫn ngày càng đằm thắm. Trọn cuộc đời Người cho đến những giờ phút cuối cùng, Người vẫn luôn dành nhiều thời gian suy nghĩvà hành động vì sự nghiệp giải phóng của các dân tộc Châu Phi, những người bản xứ từ nô lệ đã vùng lên giành lấy độc lập, tự do, tốn biết bao xương máu.

Những bức điện văn, thư, diễn văn chào mừng và tiếp xúc nồng nhiệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội, quân sự các nước Châu Phi đã gây ấn tượng sâu sắc và lòng kính trọng to lớn của các bạn đối với lãnh tụ chúng ta. Qua đó góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị, nâng cao uy tín của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và nhân dân Việt Nam với các nước Châu Phi độc lập, trẻ tuổi đang tìm con đường đi tới tương lai tươi sáng. Ngày 27/8/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện đến Thủ tướng lâm thời nước Cộng hoà Angiêri Phera Apba: “...Tôi xin gửi đến Ngài, Chính phủ Angiêri và các bạn Angiêri anh dũng lời chào mừng nhiệt liệt và xin chân thành chúc các bạn thắng lợi lớn trong cuộc đấu tranh cho nền độc lập dân tộc”. Ngày 27/9/1962, bài viết “Sẵn sàng giúp đỡ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân số 3107, giới thiệu ý nghĩa “Tháng ủng hộ nhân dân Angiêri và nhân dân các nước đang gian khổ đấu tranh cho độc lập dân tộc” do Ủy ban đoàn kết nhân dân Á Phi và Ủy ban đấu tranh cho nền độc lập (của Việt Nam) tổ chức... Ngày 18/10/1964, đoàn đại biểu của Chính phủ một nước châu Phi độc lập đến thăm Việt Nam là đoàn Mali, do Tổng thống Môđibô Câyta dẫn đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi Tổng thống là “người anh em kính mến của tôi”, Tổng thống gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người đồng chí và người anh em của tôi”.

Với nhãn quan chính trị sáng suốt của nhà cách mạng giàu kinh nghiệm, những hoạt động quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao uy tín của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, của Đảng Lao động Việt Nam trước bạn bè Châu Phi. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giáo dục nhân dân ta coi trọng việc đoàn kết với nhân dân các nước Á Phi, vì lợi ích nhân dân Á Phi - trong đó có lợi ích của nhân dân Việt Nam - và vì hoà bình thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam luôn dõi theo sự phát triển của cách mạng ở Châu Phi. Qua các cơ quan thông tin đại chúng, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, các đoàn thể đến thăm châu Phi, các cuộc tiếp xúc với các đại biểu các nước Châu Phi ở trong nước và nước ngoài, nhân dân ta biểu thị sự ủng hộ mạnh mẽ nhân dân các nước Châu Phi anh em trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Đồng thời, với bút danh C.B, Trần Lực, Thanh Lan, Chiến Sĩ, T.L., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài trên báo Nhân dân, đề cập đến nhiều vấn đề, với nội dung rất phong phú, mà tựu chung lại là sự thông cảm với những đau khổ của nhân dân Châu Phi, hết lòng tin tưởng ở nghị lực và tiền đồ đấu tranh tự giải phóng của họ. Đó cũng là những đòn tiến công bằng những phương thức khác nhau, như sử dụng nhiều loại vũ khí công kích vào một mục tiêu nhất định, là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đang áp bức bóc lột và thống trị ở Châu Phi hay đã bị đánh bật ra, lại mưu toan trở lại cướp bóc bằng con đường chủ nghĩa thực dân mới.

Là một người dân ở một nước thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc cuộc sống và đấu tranh của các bạn Châu Phi. Là một chiến sĩ cộng sản đứng trên hàng tiên phong của mặt trận giải phóng các dân tộc bị áp bức, đồng thời là Chủ tịch một nước độc lập, có chủ quyền, Người đã phát huy ảnh hưởng, kinh nghiệm đấu tranh, đề cao nghĩa vụ quốc tế của nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cổ vũ các dân tộc châu Phi dũng cảm tiến lên, tranh thủ mọi nhân tố quốc tế thuận lợi để giành độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Người luôn luôn gắn vận mệnh của cách mạng Châu Phi với cách mạng Việt Nam, coi mỗi thắng lợi của cách mạng Châu Phi như thắng lợi của chính mình. Mỗi thắng lợi của phong trào độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội ở châu Phi là những cống hiến quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập, dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội.

Chính từ sự quan tâm cùng những lời nói, việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có Châu Phi, chúng tôi đề xuất bổ sung trưng bày cuốn sách “Góp phần nghiên cứu các vấn đề chính trị ở Châu Phi da đen” tại vị trí vốn có của nó. Cùng với những tài liệu, hiện vật mà bạn bè, nhân dân châu Phi gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được trưng bày tại các di tích trong Khu Phủ Chủ tịch, cuốn sách sẽ là một minh chứng sinh động cho mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, truyền thống giữa Việt Nam - Châu Phi mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ các nước ở Châu Phi dày công vun đắp.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)