slider

Phụ nữ Việt Nam mãi nhớ lời Bác căn dặn “Các cô cứ cố gắng, chú ý giữ gìn sức khỏe, còn công tác thì có Đảng giúp”

22 Tháng 05 Năm 2020 / 1683 lượt xem

Cao Thanh Huyền

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”(1); “Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp trước kia và trong kháng chiến chống Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ”(2). Tháng 10/1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng, Đảng ra Nghị quyết đầu tiên về công tác vận động phụ nữ, đó là Nghị quyết về Phụ nữ vận động. Đây là bản Nghị quyết lịch sử, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ Việt Nam và tổ chức Hội dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam. 90 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã trải qua 12 kỳ Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc son lịch sử, đánh dấu sự phát triển không ngừng của phong trào phụ nữ Việt Nam. Vinh dự và tự hào khi 2 kỳ đại hội năm 1950 và 1961 được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ những năm 1930 một số tổ chức phụ nữ đã hình thành như Hội Phụ nữ Giải phóng, Hội Phụ nữ Dân chủ, Hội Phụ nữ Phản đế, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc... Các tổ chức phụ nữ này là hạt nhân nòng cốt trong việc vận động phụ nữ tham gia tích cực và góp phần vào thắng lợi của cách mạng. Qua các thời kỳ, tổ chức phụ nữ có những tên gọi khác nhau phù hợp với nhiệm vụ cách mạng nhưng trước sau vẫn là tổ chức kiên trung của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Tháng 4/1946, đồng chí Phạm Văn Đồng trong phái đoàn thiện chí của Quốc hội nước ta sang thăm Pháp đã trực tiếp gặp bà Eugenie Cotton, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp, Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế tìm hiểu về tổ chức, mục tiêu và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Pháp và Liên đoàn. Khi về nước, đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về những thông tin tìm hiểu được. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chỉ thị việc thành lập tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trong cả nước; đồng thời chỉ đạo Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phải gia nhập Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế để đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, dân chủ và tiến bộ của phụ nữ thế giới, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam, tranh thủ sự giúp đỡ của phụ nữ thế giới đối với phụ nữ Việt Nam.

Nhận chỉ thị của Bác, đồng chí Phạm Văn Đồng đã gặp bà Lê Thu Trà (lúc đó là Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Thành Hoàng Diệu - Hà Nội, kiêm trưởng Ban Liên lạc Phụ nữ Xứ Bắc Bộ) truyền đạt ý kiến của Bác và đề nghị xúc tiến việc thành lập tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong đó việc đầu tiên là làm đơn xin gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế để tháng 6/1946, khi đoàn của Chính phủ sang dự Hội nghị Fontainebleau sẽ gửi đơn cho Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế. Cùng thời điểm, việc xây dựng dự thảo Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được tiến hành song song với việc vận động phụ nữ tiêu biểu tham gia tổ chức Hội. Ban sáng lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm các bà: Phan Thị An, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Phùng Thị Cúc, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Thị Thục Viên, Lê Thị Xuyến, Lê Hằng Phương, Trương Thị Nghĩa, cụ Cả Mọc và phu nhân của một số nhà trí thức, tư sản yêu nước như bà Nguyễn Thúy An (phu nhân giáo sư Nguyễn Xiển), bà Trịnh Thị Điền (phu nhân của nhà tư sản lớn yêu nước Đỗ Đình Thiện)...

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 03/10/1946, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngày 20/10/1946, từ các tổ chức tiền thân, trước yêu cầu mới của cách mạng và phong trào phụ nữ cả nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức ra đời, lễ ra mắt được tổ chức tại Quảng trường Nhà Hát lớn, Thủ đô Hà Nội.

Năm 1950, thực hiện chủ trương của Đảng, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất (nhiệm kỳ 1950-1956) diễn ra từ ngày 18-29/4/1950 tại Đại Từ, Thái Nguyên. Tham dự đại hội có 168 đại biểu chính thức, đại diện cho 5 triệu hội viên và 10 triệu phụ nữ Việt Nam. Đại hội lần này có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng với việc thông qua Báo cáo, các Quyết nghị về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ và bảo vệ hòa bình dân chủ; Điều lệ Hội; Tuyên ngôn, Hiệu triệu gửi toàn thể phụ nữ Việt Nam. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ngày 22/4/1950. Người ân cần hỏi chuyện các đại biểu Nam Bộ, Khu V, miền núi, miền xuôi, vùng tạm chiếm, vùng tự do Người rất thương các cháu gái miền Nam xa xôi, người thì vượt núi trèo đèo, người thì vòng quanh quả đất cũng đều về được Việt Bắc. Bác dự đại hội, lắng nghe các đại biểu phát biểu ý kiến. Lúc nghỉ, Bác ân cần hỏi han từng người. Bác dành hẳn một buổi giải đáp các câu hỏi của các đại biểu. Chị em thẳng thắn hỏi tất cả những điều mình chưa rõ. Bác trả lời rất sáng rõ và thân thiết. Bà Lê Thị Xuyến, đại biểu tham dự Đại hội

(và sau Đại hội đã được bầu cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) kể lại: “Trong không khí vô cùng thân mật và đầm ấm, Bác nói:

- Đầu tiên Bác muốn nói với các cô là vấn đề đoàn kết. Đàn ông người ta ở với nhau cả trại lính mà ít có vấn đề gì. Vậy mà các cô, chỉ có ba người sống với nhau là có thể xảy ra chuyện mất đoàn kết. Các cô nên hết sức chú ý, quyết tâm sửa chữa mặt yếu này. Bác nói như vậy có đúng không? Các cô có quyết tâm sửa chữa không?

Cả Đại hội đồng thanh: “Quyết tâm” và tiếng vỗ tay đổ hồi.

Cuộc “đối thoại” giữa Bác và Đại hội lần ấy rất vui, trong tình thân ái “Bác cháu”.

Các đại biểu hỏi nhiều chuyện, nhưng tôi cứ nhớ mãi một câu hỏi: “Thưa Bác, sao mãi Bác không có Bác gái cho chúng cháu? Nếu chúng cháu được phép tìm Bác gái cho Bác thì phải theo tiêu chuẩn như thế nào?” Câu hỏi được đọc lên cho cả Đại hội nghe. Mọi người không khỏi hồi hộp. Bác Hồ vui vẻ trả lời:

- Bác cũng như tất cả mọi người thôi. Ai cũng muốn tốt và đẹp.

Cả Đại hội rộn lên vì thích thú. Câu trả lời của Bác bình dị mà thâm thúy làm sao! Phải chăng, Bác muốn nhân đây nhắc nhở chị em: Cái đẹp phải đi đôi với cái tốt, và cái tốt phải ở hàng đầu. Chúng tôi càng nghĩ càng thấm thía”(3). Trước khi ra về, Người căn dặn: “Bác chúc các cô chú mạnh khỏe. Về địa phương, những chị em nào có thành tích, nhớ cho Bác biết tin”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đã để lại tình thương yêu, sự quan tâm nhất mực của lãnh tụ đối với chị em phụ nữ cả nước. Bác thương cảm, thấu hiểu cả nỗi lo lắng của chị em về công việc và cả hoàn cảnh riêng. Số chị em trong Đảng đoàn lúc ấy cũng ít. Bác dạy: “Các cô cứ cố gắng, các cô chú ý giữ gìn sức khỏe, còn công tác thì có Đảng giúp”. Điều đặc biệt nữa là, trước thời gian diễn ra Đại hội lần thứ nhất, Bác đã đến cơ quan Phụ vận Trung ương để nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị Đại hội. Bác dặn dò phải rút kinh nghiệm Đại hội Công đoàn để tổ chức mọi mặt cho tốt hơn nữa.... Đồng thời Bác đã góp ý với Đoàn Phụ nữ Trung ương: “Các cô phải nói lên được tinh thần yêu nước của phụ nữ các tầng lớp, nói lên công lao của phụ nữ nông dân cần cù lao động sản xuất sao huy động được nhiều hơn nữa sự đóng góp của phụ nữ cả nước cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Đi đôi với động viên, các cô phải chăm lo quyền lợi thiết thực cho phụ nữ. Chỉ có phụ nữ mới chăm lo được cho phụ nữ. Các chú ấy không lo được cho các cô đâu.”(5).

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện ngày 09/3/1961. Đại hội lần này (nhiệm kỳ 1961-1974) diễn ra từ ngày 8-11/3/1961 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội có 450 đại biểu chính thức, đến dự có 19 đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế. Trong lịch sử của Hội, nhiệm kỳ thứ 3 là nhiệm kỳ dài nhất từ 1961 đến 1974, gắn liền với lịch sử chống Mỹ, cứu nước của cả dân tộc. Nói chuyện với Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các chị em trước tiên phải tăng cường đoàn kết: “Phụ nữ ta cần phải đoàn kết chặt chẽ chị em các các dân tộc, lao động chân tay và lao động trí óc, phụ nữ miền Bắc và miền Nam. Cần đoàn kết với phụ nữ các nước phe ta và phụ nữ tiến bộ trên thế giới, để đấu tranh cho mục đích chung là hòa bình thế giới và chủ nghĩa xã hội”(6). Bên cạnh đó, “chị em phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti, ỷ lại; phải có ý chí tự cường tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”(7). Người nhắc nhở Hội phụ nữ cần giúp đỡ tổ chức những nhà gửi trẻ, những lớp mẫu giáo tốt để chị em yên tâm sản xuất. Đồng thời phải đấu tranh thực hiện đúng Luật hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền lợi của chị em.

Cuối cùng, Người nhấn mạnh: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ của nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.. ,”(8).

Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong bất cứ hoàn cảnh nào phụ nữ Việt Nam cũng không ngừng phấn đấu lao động và học tập, tham gia cách mạng. Lịch sử sẽ còn mãi mãi ghi lại những hình ảnh chói ngời của các “đội quân tóc dài”, các nữ chiến sĩ bất khuất trong tù, các mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh, các đội nữ dân quân bắn rơi máy bay phản lực, bắn cháy tàu chiến của địch, các nữ thanh niên xung phong “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Hàng triệu người mẹ, người vợ đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, đảm đang việc nước, việc nhà, vững vàng gan dạ vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Phụ nữ Việt Nam rất tự hào, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

90 năm xây dựng và phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, với nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu sắc và các chương trình, đề án có hiệu quả, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, hướng dẫn phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp phấn đấu rèn luyện phẩm chất “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam yêu nước có tri thức, có sức khoẻ, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Qua mỗi kỳ Đại hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có bước phát triển về hội viên, về tổ chức bộ máy, đặc biệt không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của phong trào phụ nữ, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước. Bằng những hành động thiết thực, phụ nữ Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, lao động, sản xuất và công tác tốt, nguyện xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Chú thích:

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr222

3.         125 chuyện kể về Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2014, tr46-47

4.         Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 4, tr342

5.         https://www.bqllang.gov.vn/danh-sach-khach- vieng.html?id=3296:nhung-mau-chuyen-ve-bac- ho-phu-nu-phan-1

6.         7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr58-60

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)