slider

VỀ CÂU CHUYỆN: “ CÁNH CỬA CỦA HOÀ BÌNH”

24 Tháng 07 Năm 2012 / 6355 lượt xem
Đ. H. L
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nêru trong buổi ký bản thông cáo chung  giữa Việt Nam và ấn Độ nhân dịp Người sang thăm hữu nghị ấn Độ, ngày7/2/1958Nhiều sách báo và bài viết đã kể chi tiết nội dung hoặc trích dẫn câu nói từ câu chuyện “Cánh cửa của hoà bình” diễn ra trong chuyến thăm hữu nghị nước cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam DCCH từ ngày 4/2/1958 đến ngày 14/2/1958. Tóm tắt nội dung câu chuyện như sau: “Tháng 2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức nước Cộng hoà Ấn Độ. Khi rời New Delhi, Thủ tướng Nehru và con gái Indira Gandhi cùng đông đảo đại diện ngoại giao các nước và nhân dân thủ đô cùng có mặt ở sân ga để tiễn Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chào các đại biểu trong phòng khách của nhà ga rồi ra sân ga. Các thành viên trong đoàn Việt Nam đã lên toa, Thủ tướng Nehru và Vụ trưởng Vụ Lễ tân tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tận toa riêng, nhưng Người chưa vào toa mà đứng lại trên bậc cửa nói chuyện với Thủ tưởng Nehru. Lúc còi tàu vang lên báo hiệu tàu sắp chuyển bánh, Thủ tưởng Nehru thân mật và ân cần nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ tịch hãy cẩn thận, tàu sắp chuyển bánh đấy!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh tươi cười nói: “Ông bạn thân mến cứ yên tâm, đây là cánh cửa của hoà bình!”. Thủ tướng Nehru vui vẻ cười và nói rất xúc động: “Thưa Chủ tịch, cánh cửa hoà bình luôn luôn rộng mở!”. Câu chuyện thân tình và nhiều ý nghĩa này đã được các báo Ấn Độ và nước ngoài rất chú ý và sáng hôm sau đồng loạt đăng bài viết lấy tiêu đề câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đây là cánh cửa hoà bình”.
Tuy nhiên, thời gian diễn ra câu chuyện này và địa phương Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khi rời New Delhi trong một số sách, tài liệu viết chưa đúng với thực tế và không thống nhất. Ví dụ:
- Cuốn sách Chuyện kể về Bác Hồ do Nxb Giáo Dục phát hành năm 1989 và cuốn sách Thư ký Bác Hồ kể chuyện do Nxb Chính trị quốc gia phát hành năm 2005 đều có nội dung giống nhau là: “Đêm đó, Bác Hồ rời Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) bằng xe lửa đặc biệt để đi thăm thành phố Bom Bay. Thủ tướng Nehru và con gái Indira Gandhi cùng đông đảo đại diện ngoại giao các nước và nhân dân Thủ đô cùng có mặt ở sân ga để tiễn Người...”.
- Đặc san Thông tin tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh số 32 tháng 9/2011 trang 65 cũng đăng một số mẩu chuyện trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có nhắc đến chuyện “Cánh cửa hoà bình” và cả thời gian diễn ra câu chuyện là: “Ngày 9/2/1958, Người rời Thủ đô New Delhi bằng xe lửa đặc biệt để thăm thành phố Bom Bay…”.
Vào thời gian đó, các báo Ấn Độ như: Amrita Bajar Patrika, Indian Nation, Indian Express, Evening News, Mail, Leader, Free Press và báo Nhân dân của Việt Nam trong các ngày từ 5/2/1958 đến 16/2/1958 đều đăng tải cụ thể lịch trình và tường thuật chi tiết chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn Biên niên tiểu sử (tập VII) do Nxb Chính trị quốc gia phát hành năm 2009 đã tổng hợp thông tin và thời gian cụ thể của chuyến thăm này như sau:
Ngày 4/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội sang thăm Ấn Độ. 23h, đoàn đến Caculta
Ngày 5/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Caculta đi thăm Thủ đô New Delhi
Ngày 6/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một số di tích danh thắng tại Thủ đô và dự cuộc mit tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng Người
Ngày 7/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thăm và làm việc tại Thủ đô và dự chiêu đãi tại dinh Thủ tướng Nerhu. Sau đó, Người tiếp 50 đại biểu báo chí của Ấn- Anh- Mỹ. 19h30, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi từ biệt Tổng thống, Thủ tướng và các bạn Ấn Độ ở Thủ đô New Delhi. 22h30, Người rời New Delhi đi Nănggan (thủ phủ bang PenGiap) trên chuyến xe lửa đặc biệt. Thủ tướng Nerhu và con gái là Indira Gandhi cùng nhiều vị đại diện ngoại giao các nước và nhân dân Thủ đô cùng có mặt ở sân ga để tiễn Người. Khi tàu sẵp chuyển bánh, Người chỉ tay vào cửa toa xe và nói: Cửa này là cửa hoà bình (chi tiết diễn biến câu chuyện như đã nêu ở phần đầu bài viết).
Ngày 8/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nănggan. 24h cùng ngày Người đi Agơra
Ngày 9/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một số thắng cảnh và lăng Tal Mahan. 15h, Người rời Agơra đi thăm Bom Bay.
Ngày 10/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các cơ sở công nông nghiệp và dự cuộc mitinh ở Bom Bay
Ngày 11/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bom Bay đi Bangalore
Ngày 12/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay lúc 13h30 để về Caculta
Ngày 13/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một số nơi và dự mitinh ở Caculta
Ngày 14/2/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay lúc 7h30 bằng xe mui trần để đi Rangoon, bắt đầu chuyến thăm chính thức Miến Điện.
Các tài liệu trên đã cho thấy rõ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đến thăm Thủ đô New Delhi một lần rồi rời New Delhi bằng tàu hoả. Và khi Thủ tướng Nerhu và con gái là Indira Gandhi cùng ra sân ga tiễn Người thì diễn ra câu chuyện về Cánh cửa của hoà bình. Sự kiện này diễn ra vào đêm ngày 7/2/1958, khi đó Người rời New Delhi bằng tàu hoả để đến Nănggan chứ không phải đi thăm Bom Bay (như lịch trình đã tổng hợp phần trên). Còn ngày 9/2 thì Người đang thăm Agơra và sau đó mới đi Bom Bay và không thể có sự hiện diện của Thủ tướng Nerhu cùng con gái là Indira Gandhi (vì hai vị này chỉ ra sân ga New Delhi tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh và ở lại Thủ đô chứ không đi cùng với Người). Như vậy, có thể khẳng định lại như sau: Vào hồi 22h30 ngày 7/2/1958, trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu hoả rời New Delhi đi thăm Nănggan đã diễn ra câu chuyện: Cánh cửa của hoà bình./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)