Bác Hồ đi Chiến dịch Biên Giới
Nguyễn Thị Thu Hằng
Phòng Hành chính, Tổng hợp
Bốn năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là thời kỳ đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian nan, thử thách từ những ngày đầu lập nước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã đứng vững: chính quyền được củng cố, lực lượng vũ trang thêm lớn mạnh, uy tín quốc tế được nâng cao... tạo ra những điều kiện cơ bản cho những thắng lợi về sau. Thành tựu ấy gắn liền với những hoạt động phong phú, đầy tài trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã cùng Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ xác định đường lối chiến lược cho cuộc kháng chiến cứu nước: trường kỳ, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, lãnh đạo và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân.
Ngay từ cuối năm 1940, Bác đã đặc biệt chú ý đến vị trí chiến lược của Cao Bằng. Bác coi Cao Bằng là một căn cứ chiến lược “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Mở chiến dịch ở Cao Bằng, ta có khả năng tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch quan trọng, chiến thắng ở đây sẽ tạo đà thuận lợi chuyển qua giai đoạn mới. Trở về sau chuyến đi Liên Xô, Trung Quốc đầu năm 1950, Bác trao đổi trong Thường vụ nên chuyển hướng từ giải phóng Lào Cai sang Cao Bằng. Đầu tháng 7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến dịch từ Tây Bắc sang Đông Bắc, tập trung chủ yếu vào khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn. Ngày 25/7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận biên giới và Bộ chỉ huy chiến dịch. Cuối tháng 7, ba cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp đều có mặt ở biên giới. Trước khi lên đường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác ở Tân Trào. Đây là chiến dịch lớn đầu tiên của quân đội ta, Bác bàn trong Thường vụ lần này Bác sẽ đi chiến dịch và hẹn cuối tháng Tám hoặc đầu tháng Chín sẽ có mặt ở Cao Bằng. Khi chia tay, Bác nói: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng, không được thua!”(1).
Ngày 02/9/1950, sau khi họp Hội đồng Chính phủ, Bác lên đường ra mặt trận. Đoàn Bác đi chiến dịch mang mật danh “Thắng Lợi”. Bác dặn: “Chuyến đi này rất quan trọng nhưng ước khoảng trên dưới một tháng. Đường đi rất vất vả, các chú phải cố gắng để làm tròn nhiệm vụ. Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu làm lộ ra sẽ hại tới việc lớn, từ việc chọn đường đi, tới nơi ăn, chốn ở, giao thiệp với dân đều phải biết cách giữ gìn. Đoàn ra khỏi Thành Cốc thì gặp nước lũ về, mọi người bàn chờ nước rút nhưng Bác nói: “Trời có thể còn mưa lâu, ta chờ đến bao giờ? Phải tìm mọi cách qua mới được” và bày cách qua sông an toàn. Hôm sau tới trước nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ lại gặp con suối rộng, chảy xiết hơn nhưng có kinh nghiệm nên Bác cháu vượt qua khá dễ dàng. Khi mọi người đã qua suối, Bác nói: Nhờ có quyết tâm mà Bác cháu ta qua được hai chặng suối lớn. Từ nay trên đường đi gặp bất kỳ khó khăn nào, Bác cháu ta đều quyết tâm mới được(2). Để quên mệt mỏi, vừa đi Bác vừa dạy anh em đọc thuộc Chinh phụ ngâm, truyện Kiều, có lúc Bác kể những kinh nghiệm hoạt động cũ. Đồng chí Võ Viết Định, người bảo vệ Bác trên đường đi, kể: “Chặng đường dài hành quân vất vả cứ nghĩ đến hai chữ Thắng Lợi, tôi lại thấy phấn chấn hẳn lên. Đi theo Bác, những lúc cảm thấy mệt, muốn nghỉ Bác lại động viên, kể chuyện cho nghe. Càng đi càng thấy thêm yêu mến quê hương”. Có ngày đi theo đường quốc lộ, hết sức khẩn trương, đoàn vượt qua chặng đường dài khoảng 42km nhưng hôm sau 4 giờ sáng hôm sau Bác đã dậy tập thể dục. Cả đoàn có một con ngựa nhưng Bác rất ít khi lên ngựa mà hay để một đồng chí dùng ngựa đi tiền trạm. Bác đi bộ cùng anh em hết sức dẻo dai. Bác đội nón, lấy khăn che râu để giữ bí mật. Đến địa điểm nghỉ, Bác thường lánh ra một chỗ, khi nấu cơm xong, các đồng chí mới mời Bác ra. Muốn bồi dưỡng cho Bác, các đồng chí định nấu cháo con gà giò đem theo nhưng Bác không đồng ý, Bác cháu lại ăn món rau rừng, thịt hộp. Gần tới Ban chỉ huy mặt trận, Bác dặn phải bảo đảm bí mật cao hơn vì giặc tung do thám để dò tìm lực lượng ta, nhiều chặng chúng có thể phục kích bắt bộ đội. Các chú phải cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao hơn.
Ngày 09/9/1950, Bác ra Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng. Người trân trọng cảm tạ đồng bào ba tỉnh đã cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị cho chiến dịch, như góp quân lương, sửa đường sá, vận tải, chuyên chở, giúp đỡ bộ đội và kêu gọi “Toàn thể đồng bào ba tỉnh, các ủy ban kháng chiến và hành chính, các đoàn thể nhân dân cố gắng thêm nữa, tiếp tục giúp đỡ cho bộ đội ta trước mặt trận để quân ta giết nhiều địch, đánh thắng to”. Ngày 10/9/1950, Bác đến Sở chỉ huy chiến dịch ở làng Tả Phày Tử thuộc huyện Quảng Uyên, phía bắc thị xã Cao Bằng. Người gầy và đen sau một tuần lễ đi đường. Tại đây, Người phê chuẩn quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm bốn bước: đánh Đông Khê; đánh quân tiếp viện của địch lên Đông Khê; đánh Thất Khê; đánh Cao Bằng. Người trầm ngâm suy nghĩ về việc “bộ đội ta chưa quen đánh vận động lớn” và “muốn gặp một cán bộ cấp tiểu đoàn”(3). Đại tướng Võ Nguyên Giáp thưa sẽ cử một tiểu đoàn trưởng lên gặp Bác vào tối mai. Buổi chiều ngày 11/9/1950, Bác dự Hội nghị cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn và đại đoàn nghe phổ biến kế hoạch đánh Đông Khê lần cuối. Không khí sôi nổi hẳn lên khi thấy Bác xuất hiện với chiếc áo bộ đội bạc màu. Sự có mặt hoàn toàn bất ngờ của Bác đã nói lên tầm quan trọng của chiến dịch. Bác dặn: “Thời gian lúc này vô cùng quý báu, cần tranh thủ thời gian thật tốt để chuẩn bị chiến đấu cho đầy đủ. Chỉ có chuẩn bị đầy đủ thì mới giành được chiến thắng lớn mà đỡ tổn xương máu chiến sĩ. Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng, chúng ta phải quyết tâm đánh thắng trận này”. Ngày 12/9/1950, Bác gặp đồng chí Hoàng Cầm - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 130, tiểu đoàn chủ công đánh chiếm Phủ Thiên (khu hành chính của huyện lỵ Đông Khê). Sau khi nghe báo cáo tình hình chuẩn bị chiến đấu của tiểu đoàn, Người hỏi: “Chú có tin trận này ta nhất định thắng không?”. Đồng chí Hoàng Cầm thưa: “Báo cáo Bác, tin ạ”. Được gặp Bác trong chiến dịch, Trưởng ban quân báo Cao Pha nhớ hình ảnh Bác “mặc bộ đồ nâu, khăn mặt vắt trên vai, ngồi trên tấm ván kê trên những tảng đá như ông lão nông dân”. Bác dặn: Trong trận này ta đánh lớn, nhất định thắng nhưng địch không chịu thua một cách dễ dàng. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp và khẩn trương. Chú làm quân báo phải hết sức cảnh giác, phải theo dõi chặt chẽ hành động của địch. Phải biết dựa vào dân, khéo tổ chức và hướng dẫn cụ thể thì dân sẽ cung cấp tin tức tốt cho bộ đội. Khi bộ đội ta bắt được nhiều tù binh địch, phải giải thích chính sách tù hàng binh của ta cho họ rõ, để họ yên tâm. Bác nhắc báo lại với Ban chính trị chú ý tờ báo của mặt trận, chú ý viết ngắn gọn, dễ hiểu để kịp thời động viên bộ đội, nhân dân. Bác còn hướng dẫn rang thịt kiểu Việt Minh và dặn về phổ biến cho anh em. Gần một tiếng đồng hồ bên Bác, thái độ niềm nở, những lời chỉ bảo ân cần truyền cảm, tiếng cười đôn hậu thắm tình cha con đã trở thành kỷ niệm sâu sắc theo đồng chí suốt chặng đường chiến đấu gian lao.
Ngày 13/9/1950, Bác rời Sở chỉ huy chiến dịch để đến mặt trận Đông Khê, trực tiếp theo dõi đánh trận mở màn. Người chỉ thị cho bộ đội: “Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu”. Đến thăm Trung đoàn 209, Người giao nhiệm vụ “phải đánh thắng trận mở màn của chiến dịch Biên giới”. Trong những ngày ở mặt trận Đông Khê, cơ quan chuẩn bị một ngôi nhà sàn liền với Sở chỉ huy tại Nà Lạn nhưng Bác muốn ở và làm việc trong cái lán ven rừng. Anh em dựng một chiếc lán nhỏ lợp cỏ tranh bên sườn núi có cây cao. Ở miền núi, trời đã trở lạnh, khí hậu ẩm thấp, nhưng Bác vẫn làm việc đều, vẫn giữ nếp sáng dậy tập thể dục, tắm suối. Dù Bác chú ý cải trang là cán bộ lớn tuổi đi công tác mặt trận nhưng có người vẫn nhận ra và tin Bác đi chiến dịch lan truyền rất rộng trong bộ đội, đồng bào. “Mỗi câu chuyện về Bác Hồ đều được chăm chú lắng nghe. Người kể, người nghe đều cảm thấy hạnh phúc. Nhưng có điều ít được nói tới là những ngày đi chiến dịch cũng đem lại cho Bác một niềm vui rất lớn... Thu Đông này, Người đang chứng kiến những thành quả sau năm năm kháng chiến”(4).
Sáng ngày 15/9/1950, trực ban tác chiến chiến dịch truyền Lời kêu gọi gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, bộ đội địa phương và dân quân du kích của Bác tới từng đơn vị tham chiến theo đường dây điện thoại: “Hỡi các chiến sĩ yêu quý! Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này”. Sáng ngày 16/9/1950, Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dậy sớm lên đài quan sát mới bố trí trên một mỏm núi liền với bản Nà Lạn. Ngọn núi này cách Đông Khê khoảng 10km theo đường chim bay. Từ đây có thể theo dõi tình hình chung của trận đánh qua ống nhòm. Bác ngồi trên đài quan sát, nhìn những vị trí máy bay địch lao xuống bắn phá rồi đối chiếu với bản đồ. Người tỏ vẻ xúc động khi những tin vui từ mặt trận báo về. Khi trận đánh trắc trở, Người bình thản để cán bộ chỉ huy giải quyết công việc. Những trận công kiên kéo dài thường gây nhiều thương vong. Không khí Sở chỉ huy có chiều căng thẳng. Một cán bộ muốn Bác yên lòng nói với người đứng bên: “Tối nay, chỉ cần hai tiếng là giải quyết xong”. Bác quay lại nhẹ nhàng nói: “Chú đừng chủ quan”(5). Hôm ấy trời mù, quan sát hơi khó. Bác dặn anh em ngồi trên đài, đêm gió lạnh phải mặc cho đủ ấm. Xế chiều, từ trận địa trở về, Bác đến thăm Trần Canh - người được Đảng, Chính phủ Trung Quốc cử sang giúp Việt Nam trong chiến dịch Biên giới và chép tặng bài thơ “Đăng sơn” mới làm. Được sáng tác trong lúc trận đánh mở màn đang gặp khó khăn, bài thơ vẫn toát ra phong thái ung dung, tự tại và niềm tin vào chiến thắng:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy
Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt đêm. Bác nói: “Dù khó khăn thế nào, trận đầu cũng phải thắng”. 10 giờ ngày 18/9/1950, trận đánh kết thúc, Đông Khê toàn thắng. Bác nhận định: “Có thể địch sẽ giành lại Đông Khê để giữ Cao Bằng, hoặc phải đánh lên để đón quân Cao Bằng rút lui” và vạch ý đồ tác chiến của ta là “nhử thú vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng. Ngày 20/9/1950, Bác viết thư gửi các chiến sĩ bị thương trong mặt trận Đông Khê: “Chính phủ, đồng bào đều nhớ ơn các chú. Tôi gửi lời khen ngợi các chú và chúc các chú mau lành mạnh để trở lại hàng ngũ tiếp tục chiến đấu giết giặc”.
Ngày 01/10/1950, địch đưa quân lên Đông Khê. Thời cơ đã đến, ta cần hình thành nhanh chóng thế bao vây và tiêu diệt toàn bộ quân địch. Bác nhấn mạnh: “Cơ hội rất tốt đã xuất hiện, không được bỏ lỡ”. Bộ đội ta vận động đánh địch liên tục sáu ngày đêm. Có ý kiến nên cho bộ đội nghỉ một ngày lấy sức trước trận quyết định nhưng Bác nói: “Sao lại nghỉ lúc này! Mình mệt một thì địch mệt mười. Chạy thi gần tới đích sao lại nghỉ?”(6). Ngày 06/10/1950, Bác viết một thư ngắn gửi bộ đội: “Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy nên các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng. Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ. Bác sẽ có giải thưởng đặc biệt cho những bộ đội và chiến sĩ nào lập chiến công nhiều nhất”.
Ngày 08/10/1950, Bác viết thư gửi các chiến sĩ ở mặt trận Đông Khê sau khi binh đoàn Lơpagiơ bị tiêu diệt: “Từ ngày kháng chiến đến nay, trận này là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vận động liên tiếp luôn mấy ngày. Đó là một cuộc thử thách lớn... Các chú đã hoàn thành bảy phần mười cuộc thử thách một cách dũng cảm. Các chú cố gắng mà tiêu diệt nốt binh đoàn Sác tông nhé. Bác và Tổng Tư lệnh đã ra lệnh khao các chú một bữa thịt bò”.
Ngày 09/10/1950, Bác thăm trung đoàn 88, đơn vị đã bắt được Lơpagiơ ở Lũng Phầy. Tình hình mặt trận vẫn còn đang khẩn trương. Bác chỉ gặp một số cán bộ và ban chỉ huy trung đoàn. Ban đêm, đơn vị bố trí cho Bác chỗ nghỉ trong một hốc đá. Hôm sau, Bác quay trở lại Sở chỉ huy. Trong không khí chiến thắng, Bác gửi tặng tướng Trần Canh chai rượu chiến lợi phẩm kèm theo một bài thơ chữ Hán. Bài thơ mượn ý bài Lương Châu từ của nhà thơ đời Đường để diễn tả vui mừng trước thắng lợi.
Tặng Trần Canh đồng chí
“Sâm banh” rượu ngọt chén lưu ly
Toan nhắp, tỳ bà ngựa giục đi
Say khướt sa trường cười chớ vội
Chẳng cho địch thoát một tên về
Ngày 11/10/1950, Bác thăm Đại đoàn 308. Dọc đường, gương mặt Người lộ vẻ vui trước không khí một vùng vừa giải phóng, kẻ địch không còn hy vọng quay trở lại. Bác không vào cửa trước mà vòng ra sau rồi từ trong núi đi ra. Được Đại đoàn trưởng mời tới chỗ đã bố trí nhưng Bác mỉm cười lắc đầu và đi thẳng xuống giữa bãi cỏ. Bác đi đi lại lại giữa vòng tròn người, đặt câu hỏi cho các chiến sĩ. Bác trao gói quà bên trong có những ngôi sao đỏ để tặng cán bộ, chiến sĩ xuất sắc. Trước khi tạm biệt, Bác nói: “Bác chúc các chú khỏe và cố gắng. Cố gắng luôn luôn để khi Bác bảo đi là đi, Bác bảo đánh là đánh thắng”. Ngày 12/10/1950, Bác viết thư gửi ông Phan Phác, Tổng Tham mưu phó, trực tiếp phụ trách Ban tham mưu Mặt trận Biên giới, yêu cầu đưa Người đến gặp nhóm sĩ quan cao cấp Pháp vừa bị ta bắt trong chiến dịch. Với danh nghĩa “Cố vấn chính trị của mặt trận”, Người cải trang giống như một người bị thương ở đầu đến gặp các tù binh: trung tá Lơpagiơ, chỉ huy binh đoàn Baya và thiếu tá quân y Đuyarít. Tiếp đó, Người gặp trung tá Sác tông, chỉ huy trưởng phân khu Cao Bằng. Bác chỉ thị phải cứu chữa thương bệnh binh và không được để tù binh thiếu ăn.
Ngày 14/10/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ gửi thư cảm ơn và khen ngợi đồng bào Cao - Bắc - Lạng. Cùng ngày, với bí danh Đin, Người viết thư gửi đồng chí Xtalin báo cáo những thắng lợi bước đầu của quân và dân Việt Nam, cảm ơn sự giúp đỡ của bạn.
Ngày 30/10/1950, trong Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sĩ, đăng trên báo Sự thật, số 147, Bác nêu rõ, ta đã giành hai thắng lợi: thắng lợi thứ nhất là chúng ta đã tiêu diệt địch và đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Thắng lợi thứ hai là ta đã thắng rõ những ưu điểm và khuyết điểm của ta. Người căn dặn: “Chúng ta chớ vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: trong toàn cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này chỉ mới là bước đầu. Chúng ta còn phải đánh và phải thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”. Cuối tháng 10/1950, Bác thăm bệnh viện Thủy Khẩu, nơi cứu chữa các thương binh trong chiến dịch. Người đi một vòng qua cả ba khu điều trị, đến tận giường thăm hỏi từng thương binh bất động. Nói chuyện với thương binh nhẹ, Người báo tin: “Quân ta thắng lợi rồi, ta không còn bị bao vây, cửa đã mở ra thế giới, Đảng và Bác không quên công lao của các chiến sĩ đã ngã xuống hoặc bị thương tật”.
Sau thắng lợi, các đơn vị tập trung về Cao Bằng để tổng kết bước đầu, trước khi tổng kết cấp Bộ. Bác gửi thư nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ “triệt để lợi dụng vũ khí tốt nhất là phê bình và tự phê bình một cách dân chủ”, “phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm” để “thắng to hơn nữa”(7). Ngày 27/11/1950, Hội nghị tổng kết chiến dịch của Bộ Tổng tư lệnh tổ chức tại Chợ Đồn, Thái Nguyên. Những tràng pháo tay nổi lên không ngớt khi Bác xuất hiện. Người lưu ý một số điểm cụ thể cần tổng kết: đề cao kỷ luật; triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên; thương yêu động viên; tôn trọng nhân dân; giữ gìn của công và chiến lợi phẩm; thành thật tự phê bình và phê bình. Những lời dạy của Người hôm ấy không chỉ có giá trị trong thời gian sắp tới mà trong suốt cả cuộc chiến tranh.
Chiến dịch Biên giới thắng lợi đã giải phóng nhiều vùng quan trọng ở biên giới Việt - Trung, “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc được mở rộng và củng cố, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi ấy in dấu đậm nét hình bóng Bác Hồ. Bác có mặt ở biên giới từ trước ngày mở chiến dịch. Trong suốt chiến dịch, với những lời hiệu triệu, những bức thư ngắn gửi bộ đội, đồng bào, mọi người lúc nào cũng như thấy Bác gần bên. Sau chiến thắng, Bác đi thăm thương binh, thăm bộ đội, cải trang, trò chuyện tìm hiểu tâm tư của những viên chỉ huy Pháp thất trận. Quan tâm đến nhân dân, Bác dặn phải làm tốt công tác vùng mới giải phóng.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết về chặng đường chiến dịch của Người đầy cảm xúc:
“Thương sao, sáng lên đường ra trận
Người đến thàm ta, vượt lũ nguồn
Nhớ sao giữa chiến trường lửa đạn
Người đứng trông ta đánh diệt đồn!”(8)
“Ta có Bác dẫn đường lên trước/ Bác cùng ta, mỗi bước gian lao”(9). Theo lời hiệu triệu của vị Cha già dân tộc, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục “cố gắng hơn nữa, cẩn thận hơn nữa, kiên quyết hơn nữa”, từng bước chắc chắn đi tới trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đúng như dự đoán trong mấy vần thơ Người gửi luật sư Phan Anh sau chiến thắng Biên giới “Hoàn toàn thắng lợi, vài thu chắc/ Một túi thơ tiên, rượu một bù”.
Chú thích:
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, tr.626
2. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, 125 chuyện kể về Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, tr.50
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, tr.640
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, tr.643-644
5. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, tr.646
6. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, tr.660
7. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, tr.674
8. Trích thơ “Theo chân Bác”, Tố Hữu
9. Trích thơ “Theo chân Bác”, Tố Hữu