slider

Bác Hồ với ngành Thể dục Thể thao Việt Nam

19 Tháng 05 Năm 2021 / 3544 lượt xem

Nguyễn Minh Đức

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp của ý chí chiến đấu, tinh thần hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường dân tộc; vì hạnh phúc của nhân dân. Với tầm nhìn sâu rộng và toàn diện, từ rất sớm Người đã quan tâm tới sự nghiệp phát triển văn hóa giáo dục, thể dục thể thao và khẳng định đó là những biểu hiện sinh động cho bộ mặt của đất nước, trình độ văn minh của một quốc gia.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vừa chủ động khắc phục tình trạng sức khỏe ốm yếu của người dân. Giữa lúc công việc bộn bề, nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng chỉ gần 5 tháng sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 30/01/1946, Người ký Sắc lệnh số 14 về việc lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên. Sắc lệnh quy định Nha Thể dục Trung ương có nhiệm vụ cùng Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc. Sau đó ít ngày, Trường Thể dục đã ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội) - vốn là một khu trại học tập của sĩ quan Pháp. Đây là sự kiện đánh dấu mốc khai sinh Ngành Thể dục Thể thao cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 về việc lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với cơ cấu gồm Phòng Thanh niên và Phòng Thể dục Trung ương. Cũng trong ngày ký Sắc lệnh số 38, Người viết bài “Sức khoẻ và thể dục” dưới phụ đề “Hồ Chủ tịch kêu gọi đồng bào toàn quốc tập thể dục”, bài viết đăng trên báo Cứu quốc số 199. Đây là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục đầu tiên của Người dưới chế độ mới.

“Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong bối cảnh đất nước ta vừa mới giành được nền độc lập dân tộc, tình hình còn rất nhiều khó khăn. Về thể dục thể thao thì dân chúng còn rất bàng quan, chỉ có một số ít thanh niên tập luyện, vui chơi, không mang mục đích tích cực mà chỉ là sự ham thích, tùy hứng. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Người chỉ có 149 từ nhưng hàm chứa tư tưởng văn hóa thể chất rất phong phú và đặc sắc, có ý nghĩa to lớn đối với sự hình thành và phát triển nền Thể dục Thể thao cách mạng Việt Nam.

Mở đầu “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cho đồng bào ta thấy rằng: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công”(1). Nhận thấy sức khỏe của mỗi người dân làm nên sức mạnh của cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vậy rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”(2). Bổn phận tức là việc phải làm đối với mỗi người dân yêu nước vì bản thân mình, vì sức mạnh của cả nước. Như vậy, theo Bác Hồ, tập thể dục đối với người dân Việt Nam không chỉ là nhu cầu mà còn là một hành vi yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân cường thì nước thịnh”(3). Dân cường tức là sức khỏe của nhân dân cả thể chất lẫn tinh thần sung mãn, nước thịnh tức là đất nước giàu mạnh, hưng thịnh. Sức khỏe của nhân dân từ đâu mà có? Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tập luyện thể dục, thể thao là một tác nhân quan trọng gìn giữ và tăng cường sức khỏe của nhân dân, sức khỏe của người lao động.

Cuối “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha kêu gọi “Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”(4). Đối với Người: “Tự tôi ngày nào cũng tập”(5), tức là thực hiện nếp sống văn hóa thể chất thường nhật. Chúng ta được biết, sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, tháng 01/1941, Bác Hồ trở về hoạt động trong nước và ở tại hang Pác Pó (Cao Bằng). Công việc được Người chú trọng là chuẩn bị những điều kiện để rèn luyện sức khỏe, cho dù là giản đơn, đó là đắp một nền đất để tập thể dục buổi sáng. Tháng 9/1943, vừa ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng Trung Hoa, Người đã tập leo núi để rèn luyện thân thể, khôi phục lại sức khỏe sau một thời gian dài bị gông cùm, đầy đọa làm cho chân yếu, mắt mờ. Ở tuổi 60, Người vẫn có thể đi bộ năm mươi, sáu mươi cây số một ngày. Những bức ảnh ghi lại các hoạt động tập luyện nhu quyền, dưỡng sinh, đánh bóng chuyền, bơi lội khiến chúng ta càng cảm động và khâm phục sự rèn luyện của Người.

Nền thể dục thể thao nước ta bước đầu hình thành từ năm 1946 còn non trẻ, chỉ mới là phong trào rèn luyện thân thể của quần chúng nhân dân, chưa có điều kiện để phát triển thể thao thành tích cao, song nó phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam hồi bấy giờ. Tháng 12/1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngay sau đó, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lên chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Phong trào thể dục thể thao vừa mới hình thành và đang trên đà phát triển phải tạm thời lắng xuống. Nhưng ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ không những luyện tập đều đặn mà Người còn động viên, khuyến khích phong trào rèn luyện thân thể trong cán bộ, chiến sĩ quân đội để giữ gìn sức khỏe, tăng cường thể lực nhằm đảm bảo cho công tác chiến đấu tốt.

Sau ngày hòa bình lập lại 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho tổ chức lại ngành thể dục thể thao, khôi phục và phát triển nền thể dục thể thao vì dân vì nước. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác thể dục thể thao nhằm từng bước kiến tạo một nền Thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ, có tính chất dân tộc. Bác Hồ tiếp tục căn dặn nhân dân ta, nhất là những người lao động và thế hệ trẻ, hãy cố gắng rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Ngày 31/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Hội nghị Cán bộ Thể dục Thể thao toàn miền Bắc”, Người dạy: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên phát triển phong trào thể dục thể thao cho rộng khắp”(6). Người căn dặn: “Cán bộ thể dục thể thao phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác nhằm phục vụ sức khỏe nhân dân”(7).

Sáng ngày 14/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hà Nội sang thăm trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Cán bộ, giáo viên và 500 sinh viên vô cùng phấn khởi và vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm trường. Sau khi tham quan trường học, Người dành thời gian gặp gỡ với các sinh viên tại hội trường. Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các cháu học thể dục thể thao ở đây không phải để trở thành ông kiện tướng này, bà kiện tướng nọ, cái chính là học tập cho tốt để làm người cán bộ phục vụ đắc lực nhân dân, đem hiểu biết của mình ra tổ chức và hướng dẫn mọi người cùng tập luyện để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật”(8). Lời dạy bảo của Bác Hồ hàm chứa giá trị văn hóa thể chất sâu sắc. Sinh viên học ở đây là theo phương thức và nội dung đào tạo cán bộ thể dục thể thao chứ không phải để trở thành vận động viên. Sau khi tốt nghiệp ra trường, nhiều sinh viên từng được đón Bác đã trở thành những cán bộ Thể dục Thể thao trên các cương vị và vai trò khác nhau, làm theo lời Bác dạy, tích cực hướng dẫn và phục vụ nhân dân trong lĩnh vực văn hóa thể chất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng đến việc phát triển thể thao thành tích cao. Người nhiều lần gửi thư cho các đại hội, hội nghị về thể dục thể thao. Người cũng nhiều lần đến xem và động viên các cuộc thi đấu thể thao ở Hà Nội. Năm 1966, trong lúc cả nước ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận nhiều việc nước, nhưng Người vẫn dành thời gian tiếp Đoàn vận động viên Việt Nam đi dự Đại hội Thể thao các lực lượng mới trỗi dậy (GANEFO) tổ chức tại Campuchia. Đoàn giành được 4 huy chương vàng và một số huy chương bạc, huy chương đồng. Người khen ngợi các vận động viên: “Các cháu đã đạt được một số thành tích. Nhiều cháu giành được huy chương vàng. Thế là tốt. Các cháu hãy cố gắng hơn nữa, đừng vì thắng lợi mà kiêu căng, tự mãn”(9). Bác còn căn dặn: “Đánh giặc Mỹ khó khăn, gian khổ như vậy nhưng quân và dân ta có quyết tâm cao vẫn đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đạt thành tích cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau rèn luyện, phải cố gắng nhiều để xứng đáng là vận động viên của dân tộc Việt Nam anh hùng!”(10). Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho các vận động viên trong đoàn vô cùng cảm động. Mọi người xin hứa với Bác sẽ quyết tâm thực hiện lời Bác dạy.

Đối với thanh niên - “người chủ tương lai của nước nhà”, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở phải chú ý rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập văn hóa, kỹ thuật chuyên môn song hành với rèn luyện sức khỏe và thể chất, “có khỏe mạnh mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ vào những công việc ích nước lợi dân”. Từ năm 1958, Người đã chỉ đạo Ủy ban Thể dục Thể thao Trung ương phát động phong trào Thể dục, vệ sinh trong học sinh, sinh viên toàn miền Bắc. Để rèn luyện sức khỏe, sẵn sàng tham gia cách mạng, Người đã chỉ đạo việc tổ chức phong trào tập luyện 5 môn thể thao vũ trang kết hợp chạy, nhảy, bơi, bắn, võ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các hoạt động thể dục thể thao vẫn được duy trì thường xuyên trên hầu khắp các địa phương miền Bắc. Khẩu hiệu “Khỏe để lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã trở thành nếp sống, đi vào cuộc sống sinh hoạt của đông đảo các tầng lớp nhân dân ngay cả trong những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai.

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc rèn luyện sức khỏe và công tác thể dục thể thao không chỉ thể hiện trong những lời phát biểu chính thức hoặc trong các văn kiện mà còn thể hiện ở trong cuộc sống đời thường. Tuy thức khuya để làm việc, nhưng sáng nào Bác Hồ cũng dậy rất sớm để tập thể dục, Người còn dặn các đồng chí cảnh vệ và người phục vụ “phải tập dậy sớm cho quen, tập thể dục cho đều thì thân thể mới khỏe”. Khi gặp gỡ các vận động viên xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu, khen ngợi những cố gắng và khuyên anh chị em không ngừng rèn luyện để nâng cao sức khỏe và kỹ thuật, và “học thể dục thể thao không phải để đạt ông kiện tướng này, bà kiện tướng nọ. Cái chính là làm người cán bộ phục vụ đắc lực cho nhân dân”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm sáng tỏ bản chất tốt đẹp của nền thể dục thể thao cách mạng, tuy còn non trẻ nhưng đầy triển vọng của nước ta thời bấy giờ.

Sau 75 năm xây dựng và trưởng thành, nền thể dục thể thao ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đang ngày càng đóng góp tích cực vào chiến lược con người của Đảng, góp phần làm rạng rỡ vinh quang Tổ quốc trên đấu trường quốc tế. Tất cả những thành tích đó đều có công đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nền thể dục Thể thao Việt Nam. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người cần phải học tập và làm theo những chuẩn mực và tấm gương đạo đức của Người. Trong lĩnh vực thể dục thể thao, quan điểm “Dân cường thì quốc thịnh” của Người càng có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Tấm gương rèn luyện thân thể của Người là một thực tiễn sinh động, một bài học quý báu để mỗi người trong chúng ta có thể góp phần mình vào công cuộc xây dựng một dân tộc, một đất nước giàu về vật chất, văn minh về văn hóa, mạnh mẽ về tinh thần. Đó cũng là một trong những hành động thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu của công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chú thích:

1, 2, 3, 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.241.

6, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.542.

8.            Bác Hồ với Thể dục Thể thao, Nxb. Thể dục Thể thao, Hà Nội, 1995, tr.97.

9,            10. Văn hóa thể chất Hồ Chí Minh, Nxb. Thể dục Thể thao, Hà Nội, 2012, tr.158, 159.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)