slider
Phát triển kinh tế số

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

19 Tháng 06 Năm 2014 / 6414 lượt xem

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, có biết bao Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và tinh thần quốc tế cao cả. Dân tộc ta, nhân dân ta và bầu bạn quốc tế đời đời ghi nhớ công lao to lớn của những người con ưu tú ấy.

Với truyền thống đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã có chủ trương xây dựng: Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc (Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ) tại đường Bắc Sơn, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hoàng thành Thăng Long và Hội trường Ba Đình. Đây là vị trí có ý nghĩa chính trị, văn hoá và lịch sử sâu sắc. Thật sự là một trong những nơi trang trọng, thiêng liêng của dân tộc. Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Chí Công đã đặt viên đá nền móng đầu tiên, tượng trưng cho sự bền vững, vĩnh cửu, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc của công trình.

Việc xây dựng Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ và giao cho thành phố Hà Nội trực tiếp tổ chức thực hiện.

Phương châm xây dựng Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ bảo đảm: "Trang nghiêm, vững chãi, dân tộc, hiện đại, phù hợp với các công trình trong khu vực". Đồng thời thể hiện tư tưởng: "Là những người đã khuất, nhưng còn sống mãi trong lòng mọi người. Họ hy sinh để cho dân tộc Việt Nam hồi sinh, phát triển đi lên". Thành phố Hà Nội đã tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác mẫu Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trong toàn quốc. Sau 8 lần tổ chức sơ khảo, trung khảo, đến tháng 3/1992, Phương án thiết kế của Kiến trúc sư Lê Hiệp (trong số hơn 30 mẫu thiết kế tham dự) đã được lựa chọn. Kiến trúc sư Lê Hiệp công tác tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ông đã thiết kế nhiều công trình tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trên toàn quốc.

Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 7/4/1993. Các lực lượng tham gia thi công gồm:

- Trường Đại học Kiến trúc;

- Công ty Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh;

- Viện Luyện kim đen;

- Công ty Công viên cây xanh Hà Nội;

- Công ty Xây dựng công trình giao thông III;

- Công ty Xây lắp Thương nghiệp;

- Trung tâm Phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội.

Quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, kỹ mỹ thuật theo thiết kế. Sau 13 tháng thi công với tinh thần khẩn trương, liên tục, công trình đã hoàn thành và được tổ chức khánh thành vào ngày 7/5/1994, nhân dịp kỷ niệm 40 Chiến thắng Điện Biên phủ.

Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ có các nhóm chính: Thân đài; bệ đài; hồ nước; quảng trường và khu vực cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa.

Đài liệt sĩ cao 12,6 mét trong khuôn viên rộng 12.000 m2. Thân đài là một khối hộp hình vuông, cao 8,7 mét, Đế đài cao 0,9 mét và Bệ đài cao 1,35 mét. Diện tích Bệ đài rộng 785 m2; Hồ nước xung quanh rộng 1.255 m2; diện tích cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa rộng 1.620 m2...

Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ được xây dựng với kết cấu bê tông, cốt thép, mặt ngoài ốp bằng đá hoa cương trắng ngà, tựa như ngọn nến khổng lồ thắp lên trời xanh với vẻ tâm linh trầm mặc, một vùng hội tụ anh linh các Anh hùng, liệt sĩ, những người một thời đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, sống trọn nghĩa, vẹn tình với Tổ quốc, với đồng bào, đồng chí. Để ngày nay, khi về với cõi vĩnh hằng, còn đọng lại bao niềm nhớ thương vô hạn và là niềm tự hào của cả dân tộc.

Trong quan niệm âm, dương tương hỗ của triết lý phương đông, có thể coi mặt đứng của khối đài là thái dương, thì cạnh lõm của 4 mặt tường là thiếu dương, hình mặt cắt đình chùa là thiếu âm, hồ nước bao quanh Đài là thái âm. Trời tròn, đất vuông, sự giao hoà vũ trụ mở ra 4 phương, 8 hướng, nhiều luồng tâm cảm để quá khứ, hiện tại và tương lai là một chuỗi mắt xích, không tách bạch để anh linh các Anh hùng, liệt sĩ được sưởi ấm trong tâm thức của cộng đồng. Luồng khói trầm hương suy tưởng kết nối tâm giao giữa những người đang sống với những người đã hy sinh vì nghĩa lớn.

Vào buổi tối, ánh sáng điện màu vàng chiếu hắt lên 4 mặt vát của thân đài, cùng với ánh phản quang màu đồng thau hoà vào nhau, phát tán ra 4 phương, 8 hướng, gợi lên hình ảnh kiến trúc đình chùa rất quen thuộc, gắn với đời sống tâm linh trong cộng đồng dân tộc, thì cái vẻ trang nghiêm lộng lẫy vốn có của Đài tưởng niệm được nhân lên gấp bội. Cái hiệu ứng giữa chiêm nghiệm và hàm ơn, cảm ứng giao hoà giữa quá khứ và hiện tại như một mạch nối lấp lánh ánh thiền quang tinh khiết. Khiến cho khu quần thể đài tưởng niệm như một đoá hoa sen khổng lồ đang hé những cánh hoa đón vào lòng những giai điệu đẹp nhất của cảm thức vĩnh hằng.

Từ bốn phía nhìn vào, có thể hình dung đó là mái nhà của sự sống, phía trong có cổng hình bia. Hai hình ảnh đó được nối với nhau qua một mặt bia gợn sóng bằng đồng. Có những gờ gợn sóng quy tâm, gợi cảm giác về một sự lan toả, đường nét quen thuộc của nghệ thuật dân tộc đã khiến cho công trình có khả năng hoà nhập với cảnh quan hiện tại.

Trong tâm tưởng của mọi người Việt Nam, các Anh hùng, liệt sĩ luôn luôn sống mãi. Các thế hệ người Việt Nam luôn ghi lòng, tạc dạ công lao trời biển của các Anh hùng, liệt sĩ. Còn ở đây, không những là sự ghi nhận, ghi vào, khắc vào, tạc vào bia đá tên tuổi, quê quán, đơn vị trước khi hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ như ở các nghĩa trang, các đài tưởng niệm liệt sĩ. Mà ở đây là một cái gì mạnh mẽ hơn, là một sự đục sâu vào, đục thủng ở 4 phía, tạo thành một không gian tĩnh lặng. Theo như hình tượng thể hiện, phía ngoài là mái nhà, biểu hiện của sự sống, mái ấm gia đình để sinh sôi, nảy nở. Vào đến mặt trong là cổng hình bia của thế giới vĩnh hằng. Hai hình đó được nối với nhau qua mặt phẳng nghiêng, cắt vát và có nhiều gợn sóng bằng đồng. Nếu từ ngoài vào có thể thấy rõ là một sự quy tụ, quy tâm vào một mối, một sự đồng lòng, chung sức, đồng tâm hiệp lực của muôn người như một, vì đất nước, vì dân tộc Việt Nam phát triển đi lên.

Nhìn từ trong ra, đó là một sự lan toả, thể hiện công lao, sự nghiệp của các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập nở hoa kết trái, một sức sống mãnh liệt, lan toả cho mọi người, mọi nhà và toàn thể dân tộc. Những đường nét kiến trúc đã gợi lên, nói lên sự cảm nhận cho mỗi người có dịp đến đây, dâng hương tưởng nhớ công ơn các Anh hùng, liệt sĩ.

Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ là một công trình quy mô có hình khối, đường nét kích thước hợp lý để cử hành nghi lễ trong thể, nhưng lại dung dị, gần gũi với đời thường. Phía trước (đường Hoàng Diệu) có sân hành lễ rộng 240 m2, có 3 bậc thềm, mỗi bậc thềm có 3 bậc nhỏ để dẫn lên đài lễ. 3 phía còn lại có các lối lên, xuống được xây thành từng bậc và có các lối dành cho người khuyết tật. Như vậy, mọi người, từ các cụ già, em nhỏ, đến các đồng chí thương binh, người khuyết tật đều có thể đến tận nơi để bày tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn đối với các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.

 Nguyễn Đăng Thái

Theo http://www.bqllang.gov.vn/

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)