slider

Giới thiệu cuốn sách “Hồ Chí Minh và tác phẩm Ngục Trung Nhật Ký”

08 Tháng 06 Năm 2023 / 627 lượt xem

Trần Ngọc Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, cuối tháng 1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa phong trào cách mạng nước ta tiến vào một thời kỳ mới. Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh và lên đường trở lại Trung Quốc với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự viện trợ của nước ngoài. Trên đường đi đến Túc Vinh, Quảng Tây (ngày 29/8/1942), Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và bị đầy ải qua gần 30 nhà giam của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, trong khoảng thời gian 13 tháng. Đến ngày 10/9/1943, Người mới được thả tự do nhưng Người vẫn ở lại Liễu Châu hoạt động khoảng gần một năm nữa thì mới có điều kiện trở về nước. Trong thời gian bị cầm tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán được ghi trong một cuốn sổ tay mà Người đặt tên là Ngục trung nhật ký (tức Nhật ký trong tù). 

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ra đời tác phẩm Nhật ký trong tù (8/1942 - 8/2022), nhóm cán bộ biên tập Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Hồ Chí Minh và tác phẩm Ngục trung nhật ký”. Cuốn sách được ra mắt vào thời điểm vô cùng ý nghĩa, kỷ niệm 80 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Ngục trung nhật ký (8/1942 - 8/2022), 35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất (11/1987 - 11/2022).

Nội dung sách gồm 4 phần:

Phần 1: Sự ra đời của tác phẩm Ngục trung nhật ký. Trong phần này nhóm tác giả đã sưu tầm, hệ thống và cung cấp đầy đủ thông tin về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Ngục trung nhật ký” và những thông tin liên quan đến tác giả, tác phẩm được nhiều thế hệ độc giả trong và ngoài nước quan tâm, thắc mắc, chưa thống nhất về số liệu như: Ngục trung nhật ký có đúng là của tác giả Hồ Chí Minh? Quá trình sáng tác và số lượng bài thơ trong tập Ngục trung nhật ký? Tác phẩm Ngục trung nhật ký được giới thiệu ở Việt Nam như thế' nào?,...

Phần 2: Nội dung tác phẩm Ngục trung nhật ký. Trong phần này, cuốn sách giới thiệu đến độc giả toàn bộ các trang bản thảo gốc quý giá của tác phẩm là bảo vật quốc gia một cách đầy đủ và chân thực nhất. Đồng thời, cuốn sách cung cấp đầy đủ nội dung 134 bài thơ được phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ với những bản dịch chính thống, đáng tin cậy.

Phần 3: Một số nhận xét, cảm nghĩ của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình trong nước và quốc tế đối với tác phẩm Ngục trung nhật ký. Đây là hệ thống hơn 60 bài viết về tác phẩm Ngục trung nhật ký của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng trong nước và trên thế giới, đánh giá đầy đủ, chi tiết về ý nghĩa và giá trị quan trọng, nổi bật của tác phẩm này trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và nền văn hóa dân tộc, thế giới nói chung.

Phần 4: Ngục trung nhật ký đã xuất bản tại Việt Nam và trên thế giới. Từ năm 1960 đến nay, tác phẩm Ngục trung nhật ký đã được xuất bản, tái bản nhiều lần tại Việt Nam và dịch, xuất bản ra nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Nhóm tác giả đã sưu tầm những cuốn sách Ngục trung nhật ký

được xuất bản tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới qua nhiều thời kỳ minh chứng cho giá trị trường tồn, vượt không gian và thời gian của tác phẩm này.

Ngoài 4 phần nội dung, cuốn sách còn cung cấp tư liệu ở Phụ lục về: Biên niên tóm tắt những sự kiện tiêu biểu trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969). Hệ thống tư liệu này tổng hợp những dấu mốc sự kiện quan trọng trong cuộc đời 79 mùa xuân hoạt động cách mạng sôi nổi của Người, là danh mục tra cứu tư liệu rất hữu ích cho độc giả và các nhà nghiên cứu.

Cũng nhân dịp kỷ niệm tròn tám thập kỷ ra đời tác phẩm Ngục trung nhật ký, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông ra mắt bạn đọc cuốn sách “Hồ Chí Minh và tác phẩm Ngục trung nhật ký” tại quê hương của Người (Khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) vào ngày 05/11/2022. Một lần nữa, nhóm tác giả mong muốn được giới thiệu lại để tất cả độc giả được chiêm nghiệm, thẩm thấu những giá trị lớn lao của một tác phẩm của một danh nhân văn hóa trường tồn cùng lịch sử dân tộc, luôn có sức cuốn hút, lan tỏa kỳ diệu, đúng như lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kho tàng về biết bao khía cạnh của cuộc đời, con người và nghệ thuật mà sự phong phú còn cần được tiếp tục nghiên cứu”.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)