slider

Một vài ý kiến về việc phát huy tác dụng của phòng trưng bày trang thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh

28 Tháng 05 Năm 2014 / 4981 lượt xem

Nguyễn Thị Xuân

Phòng BQDT

 Trong những sưu tập hiện vật phản ánh về đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bộ sưu tập vô cùng quý giá, đó là sưu tập trang thiết bị y tế dùng để chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người lâm bệnh, từ ngày 24/8 đến ngày 2/9/1969. Bộ sưu tập này được Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sưu tầm về từ Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 vào những năm cuối của thập niên 90- Thế kỷ XX. Kể từ khi được sưu tầm và mang về Khu Di tích Phủ Chủ tịch đến nay, bộ sưu tập này được giữ gìn, bảo quản trong căn phòng đầu tiên của dãy nhà kề bên với Nhà H67, được gọi là nhà Y khoa.

Nhà Y khoa vốn là một di tích được xây dựng từ năm 1958, nằm cách nhà sàn 30,4 mét. Nhà có 4 phòng: căn phòng đầu tiên ở bên phải của dãy nhà, giáp nhà H67 có tên gọi là “Căn phòng nghỉ uống nước của Bộ Chính trị và là nơi họp Hội đồng bác sĩ tập trung chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh” nay được dùng làm nơi trưng bày, bảo quản bộ sưu tập thiết bị y tế. Phòng rộng gần 40m2. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn phòng được dùng làm nơi nghỉ giải lao, uống nước cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, cán bộ đến họp và trao đổi công việc với Người, đôi lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sử dụng căn phòng để tiếp khách. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bệnh nặng, việc di chuyển Người đến bệnh viện sẽ không tốt cho sức khỏe, Bộ Chính trị quyết định chữa bệnh cho Người ngay tại nơi Người ở thì căn phòng này là nơi tập thể Giáo sư, Bác sĩ tập trung hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị. Bởi vậy quyết định sử dụng căn phòng này để giữ gìn, bảo quản và phát huy tác dụng bộ sưu tập y tế đã được sử dụng để chăm sóc sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh giống như một kho mở là phù hợp và có ý nghĩa.

Thông thường, khi khách đến tham quan Nhà H67, cán bộ hướng dẫn tham quan giới thiệu về Nhà H67 thường gồm hai nội dung:

1. Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi nhà này từ khi ngôi nhà được hoàn thành đến trước ngày 17/8/1969.

2. Những sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 17/8/1969 và đặc biệt là từ những ngày 20 của tháng 8 đến thời điểm Người từ trần - ngày 2/9/1969.

Trong nội dung thứ hai cùng với những câu chuyện, sự kiện nói lên tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân, với nước trong những giờ phút cuối của cuộc đời Người, các cán bộ hướng dẫn tham quan đã cố gắng truyền tải, bằng nhiều phương pháp khác nhau, cho đồng bào, đồng chí và bạn bè thế giới thấy được quyết tâm của Đảng, Nhà nước, tập thể giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành trong nước và nước bạn tập trung chữa bệnh cho Bác Hồ, mong Bác thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng thực sự sau khi thăm quan xong và rời nhà H67 ai cũng mang theo câu hỏi: Các thiết bị tối tân hiện đại thời bấy giờ được sử dụng chữa bệnh cho Bác như trong nội dung thuyết minh hiện tại như thế nào? ở đâu? Giá như…

Từ thực tế đó, để phần nào giải đáp những câu hỏi, thắc mắc và phục vụ việc thăm quan của đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế được tốt hơn, cán bộ khoa học của Khu di tích đã tích cực tìm kiếm, xác minh thông tin từ Hội đồng bảo vệ sức khỏe trung ương, Hội đồng y khoa chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bác sĩ,y sĩ, y tá bệnh viện Quân đội trung ương 108 để sưu tầm những dụng cụ, thiết bị y tế được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày cuối đời. Giáo sư Nguyễn Thế Khánh, nguyên Viện trưởng Viện 108, cho biết: sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, những trang thiết bị y tế này được chuyển về cho Viện 108 để cứu chữa cho thương bệnh binh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nướci. Sau đó chúng được cất giữ và trưng bày ở phòng truyền thống của Viện quân y 108, một số đưa vào của Khoa Thiết bị của Viện.

Vào tháng 5 năm 1995 những dụng cụ y tế trên được sưu tầm về Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Công tác kiểm kê - Bảo quản được triển khai những thủ tục nghiệp vụ cần thiết để giữ gìn bảo quản lâu dài các hiện vật quý giá này. Bộ sưu tập được trưng bày tại Căn phòng nghỉ uống nước của Bộ Chính trị và là nơi họp Hội đồng bác sĩ tập trung chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh giống như vị trí trong Nhà H67 vào những ngày Bác bị mệt nặng, với trung tâm trưng bày là chiếc giường bệnh y tế bằng sắt. Theo bản danh mục hiện vật, bộ sưu tập này gồm nhiều chủng loại, có xuất xứ từ các quốc gia khác nhau. Tổng số 42 đầu hiện vật, thuộc nhiều chất liệu và tính năng tác dụng khác nhau: trong đó có các loại thiết bị y tế hiện đại bằng kim loại của Nhật, Liên Xô, Trung Quốc như máy kích thích và phá rung tim MPA2, máy thở tự động PO2, máy hút dịch XQ-30b, máy X quang xách tay… đến bơm tiêm, kéo, nỉa, giường bệnh, ga gối, găng tay bằng cao su, vải, khay đựng, xe để dụng cụ, hộp, kẹp, ống nghe, dây dẫn, dây truyền các loại…. Khoảng năm 2000, căn phòng nơi bảo quản trang thiết bị y tế thỉnh thoảng được mở cửa đón một số đoàn khách đặc biệt được vào thăm. Những hiện vật được lưu giữ tại nơi đây đã tác động không nhỏ đến tình cảm của những đoàn khách tham quan.

Cùng với quá trình bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, để thu hút thêm đồng bào, đồng chí đến thăm quan, tìm hiểu, học tập về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc nâng cao chất lượng nội dung tham quan là hết sức cần thiết. Bởi vậy, việc đưa phòng trưng bày trang thiết bị y tế phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh  những ngày cuối đời vào hành trình thăm quan chính thức là thích hợp mà không làm ảnh hưởng đến lộ trình tham quan của khách, vì nó nằm liền kề ngay bên cạnh nhà H67. Việc làm này chỉ làm tăng thêm sức hấp dẫn của Khu di tích, góp phần làm phong phú nội dung tham quan. Hơn nữa, những hiện vật đó còn là vật chứng chứng kiến những giây phút cuối cùng trước khi Người ra đi. Với giá trị và ý nghĩa lịch sử sâu sắc như vậy, Bộ sưu tập các dụng cụ y tế này cần được giới thiệu rộng rãi cho khách tham quan trong và ngoài nước khi đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được tận mắt thấy những dụng cụ y tế đã được sử dụng phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người mệt nặng, giúp đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế phần nào hiểu được tình cảm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã tập trung chăm lo sức khỏe cho Người.

Để đưa phòng trưng bày vào hành trình tham quan chính thức được tốt hơn cần phải có những biện pháp nghiệp vụ thích hợp, vừa đảm bảo được việc bảo quản hiện vật của một kho mở, vừa phát huy tác dụng một cách tốt nhất di tích Căn phòng nghỉ uống nước của Bộ chính trị và là nơi họp hội đồng bác sĩ tập trung chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:

- Cần lắp thêm khung kính trong suốt bên trong các cánh cửa gỗ xung quanh phòng, tương tự giống như khi mở cửa Nhà 54, để điều chỉnh được môi trường bảo quản hiện vật mà vẫn giữ được tính nguyên gốc của di tích.

- Cần lắp thiết bị hút ẩm và quạt thông gió để xử lý độ ẩm cao và đẩy các tạp khí trong nhà ra ngoài.

Mặt khác, biển đặt ở phía ngoài nên thay đổi tên gọi cho phù hợp hơn. Vì cảm xúc của khách đi thăm nơi bảo quản gìn giữ hiện vật khác với cảm xúc thăm “Phòng trưng bày trang thiết bị y tế phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày cuối đời”. Nếu được, nên thay là: “Phòng Bảo quản trang thiết bị y tế phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày cuối đời”.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)