slider

Nguyễn Ái Quốc những năm 1930-1931

27 Tháng 05 Năm 2015 / 31365 lượt xem
Th.s Cao Hải Yến
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 Trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến Trung Quốc nhiều lần. Trong những khoảng thời gian ở Trung Quốc, bên cạnh những giai đoạn hoạt động sôi nổi, đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam, cũng có những năm “đã không được hoạt động, lại mất liên lạc với đoàn thể lâu ngày” như những năm 1931 – 1933 bị bắt ở Hồng Kông.
Ở trong nước, sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, nhiều ủy viên Trung ương, Xứ ủy viên Đảng Cộng sản đã bị bắt. Ở nước ngoài, với sự bắt tay giữa cảnh sát Pháp và Anh ở Hồng Kông, từ tháng 5 đến tháng 6/1931, nhiều vụ bắt bớ quan trọng xảy ra, một loạt cán bộ đảng viên hoạt động ở Quảng Châu, Hồng Kông, Thượng Hải đều bị bắt. Cuối tháng 4, Nguyễn Ái Quốc báo cáo với Quốc tế cộng sản: “Tổng Bí thư Trần Phú đã bị bắt ngày 19 hoặc 20/4”, “mọi hoạt động ở địa phương đều bị lộ”, “nhiều tài liệu quan trọng rơi vào tay cảnh sát”, “đề nghị các tổ chức cách mạng của Quốc tế Cộng sản, nhất là Đảng Cộng sản Pháp tăng cường bảo vệ Đông Dương”… Ngày 19/5/1931, mật thám Sài Gòn gửi công văn số 1812-S cho mật thám Hà Nội và Huế báo tin “ngày 14/5, trong một lần vây ráp tại hẻm số 32 phố An Bình, Chợ Lớn đã bắt được một thư của đại biểu Quốc tế đệ tam, ở Hồng Kông gửi Trung ương Cộng sản Đông Dương… theo tự dạng có thể là của Nguyễn Ái Quốc”. Khi bắt được Serge Lefanc, phái viên của Quốc tế Cộng sản, cảnh sát Anh đã báo cho Chính phủ Pháp và toàn quyền Đông Dương về nhiệm vụ của Serge Lefanc và thông tin cho Pháp biết địa chỉ 186 Tam Kung – Hồng Kông và một tên người là Tống Văn Sơ. Chúng chưa nắm chắc ai là người ở trong ngôi nhà đó nhưng nhất định là một nhân vật quan trọng, quen biết Serge Lefanc và theo logic vấn đề: người ở địa chỉ đó tất nhiên chống lại nước Pháp. Chính quyền Đông Dương liền viết công văn gửi chính quyền Hồng Kông yêu cầu đến kiểm tra nhà 186 Tam Kung, bắt người có mặt trong đó và giăng bẫy bắt tiếp những người đến sau. Chính quyền Pháp thuê cảnh sát Anh làm việc này và nếu đúng là Nguyễn Ái Quốc sẽ trả ngay một khoản tiền lớn. Biết là việc bắt Tống Văn Sơ ở Tam Kung, Cửu Long, Hồng Kông không phải là dễ vì đây là đất nhượng địa của Anh, vả lại nếu làm không nhanh, không gọn, gây ồn ào thì sẽ mất “con cá” lớn, do đó, nếu đúng là Nguyễn Ái Quốc chúng sẽ “bắt lén” không chờ lệnh của Thống đốc Hồng Kông và Pháp sẽ cử tàu Angiê sang ngay áp giải ông Nguyễn về Đông Dương -  nơi ông bị toà án Vinh, Nghệ An kết án tử hình vào tháng 10/1929. Đầu tháng 6/1931, tàu Angiê được lệnh cấp tốc rời bến. Thuyền trưởng nhận điện: đến Hồng Kông, chờ. Chính quyền Pháp và Đông Dương khấp khởi mừng thầm phen này Đông Dương hết giặc.
Sau ngày thống nhất các tổ chức Đảng (3/2/1930, tại Cửu Long, Trung Quốc), khoảng cuối tháng 4/1930, Nguyễn Ái Quốc đi Xiêm, Malaysia, Singapore, rồi trở về Thượng Hải theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, giúp các đồng chí Việt Nam trong công tác tuyên truyền, tổ chức phong trào cách mạng. Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc liên tục gửi thư về cho Trung ương Đảng ở trong nước, uốn nắn, trao đổi một số vấn đề quan trọng như việc bí mật, bảo vệ cán bộ… Sau khi trở lại Hồng Kông, Người ở tại tầng 2, ngôi nhà số 186 Tam Kung dưới cái tên Tống Văn Sơ, cùng đồng chí Lý Phương Thuận – một trong sáu thiếu niên được cơ sở ở Xiêm cử sang Quảng Châu học chính trị từ năm 1926. Để làm ám hiệu, Tống Văn Sơ căng một sợi dây phơi trông ra phố để phơi khăn. Nếu có phơi khăn và các khăn phơi ngay ngắn là dấu hiệu an toàn – có thể vào nhà được. Nếu có biến, chỉ cần kéo xệch khăn. Người đến liên hệ đi đến hè phố bên kia, nếu thấy ám hiệu an toàn sẽ quay lại, vào nhà. Ngày 12/2/1931, cảm thấy có dấu hiệu bị theo dõi, Tống Văn Sơ đã viết thư gửi Bộ Phương Đông ở Thượng Hải báo tin đã “ba lần gửi mẫu hàng” (1) (có thể là ba thư báo cáo) yêu cầu “tìm hiểu về việc công ty xe hỏa tốc hành Mỹ” (2) (ám chỉ là để mua vé cho mình rời Hồng Kông?). Tình hình ngày càng nguy hiểm trong khi Tống Văn Sơ lại không có thư trả lời của Quốc tế Cộng sản, không thể nhờ vào sự giúp đỡ của ai, của tổ chức nào để rời khỏi Hồng Kông đang đầy mật thám.
Sáng sớm ngày 6/6/1931, khi Tống Văn Sơ đang rửa mặt “chưa kịp phơi khăn” còn đồng chí Thuận đang dọn dẹp nhà cửa thì cảnh sát Anh ập vào bắt hai người dẫn ra xe bịt kín đưa về Sở cảnh sát Hồng Kông. Sau một thời gian tra hỏi, đồng chí Thuận được trả tự do vì cảnh sát Anh không tìm ra chứng cứ. Nhà 186 Tam Kung “bị lục soát từ nóc tới nền. Chúng đào tường, lật nền nhà, phá bục gỗ để tìm khí giới và bom đạn. Quần áo, xà phòng, giấy tờ … đều được thử với chất hóa học để xem có kế hoạch tấn công trên những vật ấy không. Chúng dỡ mái nhà để tìm máy ghi vô tuyến điện. Cố nhiên chúng mất công toi” (3). Chúng bí mật theo dõi mấy tuần, hòng đặt bẫy để bắt “khách” nhưng vô ích vì trên dây phơi không có khăn tức là tín hiệu mất an toàn đã rõ. Tuy nhiên, “trong cái rủi cũng có cái may. Bác vào nhà giam… thì đồng chí Hồ Tùng Mậu được ra nhà giam… Đồng chí Mậu báo tin Bác bị bắt cho công ty luật sư Russ. Giám đốc công ty Russ là luật sư H.Roseby vào nhà giam gặp Bác và nói ông ta sẽ ra sức cãi hộ cho Bác”(4). Nói về việc này, ông Loseby kể lại: “Tối ngày 6/6/1931, một thanh niên rất trẻ, khôi ngô, đến nói với tôi: “Có một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của chúng tôi là Tống Văn Sơ đã bị đế quốc Pháp kết án tử hình vắng mặt, sáng nay bị nhà cầm quyền Anh bắt để giao cho Pháp. Là người Đông Dương, chúng tôi yêu cầu ông cứu cho nhà hoạt động đó. Mấy ngày sau lại có thêm nhiều người đến đề nghị cứu Tống Văn Sơ, trong đó có cả đại diện Cứu tế Đỏ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Tôi hứa sẽ đến gặp người bị bắt” (5). Tuy nhiên, mãi đến ngày 25/6, do đòi hỏi kiên quyết, luật sư mới gặp được Tống Văn Sơ. Trước mặt luật sư Loseby là một người phương Đông gày gò, da tái mét nhưng đặc biệt cuốn hút ở đôi mắt sáng và vầng trán rộng. Hai người trao đổi với nhau khá lâu. Lúc bị bắt Tống Văn Sơ không có tài liệu gì và người cảnh sát không đọc lệnh bắt. Luật sư nói: “Tôi không hỏi ông nhiều vì mỗi người cách mạng đều có một bí mật riêng của họ”. Tống Văn Sơ cảm ơn luật sư, nhưng thật thà nói với luật sư mình không có tiền để nhờ luật sư cãi. Ông Loseby nói, tôi biết ông là một lãnh tụ cách mạng An Nam. Tôi cãi hộ ông vì danh dự chứ không nhất thiết chỉ vì tiền. Ông chỉ cần nói cho tôi nghe những điều gì mà tôi có thể dựa vào đấy để bênh vực ông. Ông sẽ cùng tôi bàn bạc những công việc sắp đến. Tôi tin rằng ông sẽ giúp đỡ tôi nhiều”. Hôm sau, vợ luật sư Loseby đến nhà tù mang theo quà bánh, thuốc men thăm Tống Văn Sơ và bà cảm thấy kính phục phong thái đạo đức của con người mới gặp lần đầu này. Sau đó, bà còn trở lại thăm nhiều lần, thấy sức khỏe của ông Tống ngày càng yếu, bà nói với chồng trước mắt phải đòi nhà cầm quyền đưa ông đi bệnh viện.
Về phía cảnh sát Anh, sau khi đối chiếu ảnh đã điện cho Toàn quyền Đông Dương biết “Một người mang tên Tống Văn Sơ – chắc là Nguyễn Ái Quốc đã bị bắt sáng ngày 6/6”. Vì quá ham món tiền thưởng 15.000 đô la, lại bị Chính phủ Pháp, Toàn quyền Đông Dương thúc ép, không những cho một tàu Angiê chờ sẵn mà cả tàu “Tướng Métdanhgiê” cũng trực ngày đêm trên biển để “rước” Tống Văn Sơ, mà chính quyền cùng tòa án Hồng Kông đã cố tình vi phạm nhiều nguyên tắc trong luật pháp Anh. Khi xông vào nhà 186 Tam Kung, cảnh sát Anh không biết chắc chắn Tống Văn Sơ có phải là Nguyễn Ái Quốc hay không? Đây chỉ là một cuộc vây ráp, kiểm soát nên không có lệnh bắt, chúng cũng không thể bắt ai vì chưa biết người bị bắt là ai. Đây là một sơ xuất của cảnh sát Anh mà sau này luật sư Loseby đã dùng để phân tích mạnh mẽ, buộc tội lại chính quyền Hồng Kông. Ngày 11/6, năm ngày sau khi Tống Văn Sơ vào tù, cảnh sát Hồng Kông mới ra lệnh bắt. Tuy có lệnh nhưng việc làm của cảnh sát là trái phép vì đã bắt người bỏ ngục khi chưa có lệnh, lại bắt một người khi người đó đang ở tù. Theo luật của nước Anh, sau khi bắt người 14 ngày phải đem xử án, nếu không phải trả tự do cho họ. Nhưng chính quyền Hồng Kông đã bắt giam ông Tống quá hạn (tính đến ngày 25/6) rồi lại ký lệnh giam thêm 7 ngày, rồi tiếp 7 ngày nữa, 7 ngày nữa… Ngày 12/8, chính quyền Hồng Kông ký lệnh trục xuất Tống Văn Sơ. Đây là một việc làm trái pháp luật nước Anh vì tòa án chưa xét xử xong đã trục xuất người phạm tội. Mặt khác, theo luật pháp Hoàng gia Anh, người nào không làm ảnh hưởng đến nền an ninh của nước Anh đều không có tội, nếu xét không tội, chỉ được trả lại tự do mà không được trục xuất. Hơn nữa, Tống Văn Sơ bị bắt ngày 6/6 nhưng đến ngày 14/7, nhà chức trách mới đến lấy cung, người lấy cung không phải là người của tòa án mà là một người Anh làm việc ở vụ Hoa Kiều Hồng Kông. Bản cung đánh máy do cảnh sát Hồng Kông lập ra cũng là giả mạo vì có một số điểm khác hoàn toàn với bản cung tự khai của Tống Văn Sơ.
Về phía Đông Dương, ngày 8/8, Toàn quyền Rôbanh đã gửi bức điện mật mã số 843 về Bộ thuộc địa Pháp ở Paris: “Những người cộng sản bị bắt ở Hồng Kông, Thượng Hải sẽ được đưa về Đông Dương trên một chiếc tàu thủy Pháp để xét xử. Nhưng ông Tổng lãnh sự Pháp tại Hồng Kông của chúng ta báo động rằng có thể họ sẽ được Tòa án Anh thả ra. Bộ Thuộc địa biết rằng Nguyễn Ái Quốc có tầm quan trọng biết bao nhiêu đối với nền an ninh của Đông Dương. Tôi đã phái sang Hồng Kông một thanh tra mật thám để cùng ông Tổng lãnh sự theo dõi việc này. Nếu không thể yêu cầu Hồng Kông trục xuất được, tôi xin gợi ý với ngài Bộ trưởng có thể đến Bộ Ngoại giao Pháp cùng xem xét để tiến hành một cuộc vận động chính trị yêu cầu Chính phủ Hoàng gia Anh giam giữ, lưu đày Nguyễn Ái Quốc và những phụ tá của ông ta tại một thuộc địa xa xôi nào đó của nước Anh, trong một thời gian nhất định, đề phòng khi nếu ta bắt được các lãnh tụ cộng sản Ấn Độ hay Miến Điện tại các thuộc địa của Pháp thì ta có thể trao đổi với nhau… Nếu tha bổng con người cực kỳ nguy hiểm đó thì đó là một việc nhất thiết phải tránh bằng mọi giá…”(6).
Vụ việc bị chính quyền Hồng Kông cấm báo chí đưa tin nhưng tin tức đã truyền về Matxcơva, việc bắt lén bị lộ. Trong khi báo chí tư sản ca tụng vụ bắt giữ quan trọng này thì Đảng Cộng sản Pháp thẳng thắn bày tỏ quan điểm trên trường chính trị quốc tế bằng bản tin: “Rõ ràng là Nguyễn Ái Quốc đã chiến đấu ở Pháp cho sự gia nhập của Đảng chúng ta vào Quốc tế Cộng sản lần thứ 3 và liên tiếp trong mười năm nay hành động kiên quyết cho tổ chức của những người anh em An Nam, là một trong những chiến sĩ tiên phong xuất sắc của phong trào cộng sản thế giới… Việc bắt giữ Nguyễn Ái Quốc sẽ không phá vỡ được nhiệt tình cách mạng của những người lao động Đông Dương. Điều này có một cơ sở vững chắc. Đế quốc Pháp muốn bắt Nguyễn Ái Quốc của chúng ta để có thể giết đồng chí trong nhà tù hoặc ở trại đày khổ sai. Hãy phản đối Bộ trưởng Saro và toàn quyền Đông Dương! Hãy đòi cho Nguyễn Ái Quốc được tự do”(7). Trong thời gian Nguyễn Ái Quốc bị giam giữ ở Hồng Kông, ngày 6/12/1931, thủy thủ Việt Nam cùng thủy thủ nhiều quốc tịch đã rải truyền đơn, kêu gọi những người cộng sản Pháp hưởng ứng cuộc đấu tranh phản đối chính sách khủng bố của bọn đế quốc, đòi chúng phải thả đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Phiên tòa được xét xử công khai, đợt xử đầu tiên đã phải họp 9 phiên, phiên đầu tiên vào ngày 1/8, phiên cuối cùng vào ngày 19/9. Ngày 31/7/1931, khai mạc phiên tòa thứ nhất. Chánh án luận tội Tống Văn Sơ “là tay sai của Liên Xô, phái viên của đệ tam Quốc tế, đến Hồng Kông định phá hoại chính quyền ở đây. Vì lẽ đó, sẽ bị trục xuất khỏi Hồng Kông vào ngày 18/8 do chiếc tàu thủy Angiê của Pháp chở về Đông Dương”. Trong phiên toà, ông Jenkin, phụ tá của luật sư Loseby đã tố cáo mạnh mẽ chính quyền Hồng Kông vi phạm pháp luật trong việc bắt giữ Tống Văn Sơ ngày 6/6/1931, sai sót trong lệnh bắt rồi việc lấy cung và làm thủ tục cũng trái pháp luật... Những phiên tòa tiếp theo, ông Jenkin lại tiếp tục đưa ra những hành vi trái phép của nhà chức trách và nói rõ không thể kết án Tống Văn Sơ vào bất cứ tội gì: Thứ nhất: tuyệt đối không có gì chứng tỏ rằng Tống Văn Sơ là tay sai của Liên Xô. Thứ hai: không có bằng chứng Tống Văn Sơ muốn phá hoại Hồng Kông. Thứ ba: cộng sản hay quốc gia, điều đó không phải là một tội lỗi trước luật pháp Anh. Trong phiên tòa thứ 3, chính quyền Hồng Kông một lần nữa lại không giữ được lời hứa với Pháp sẽ trục xuất Nguyễn Ái Quốc vào ngày 18/8. Đến phiên thứ 8, tòa án Hồng Kông đã phải thừa nhận: việc bắt và giam giữ Tống Văn Sơ là trái phép, việc hỏi cung không đúng thủ tục và chính quyền Hồng Kông đã giả mạo giấy tờ. Tuy nhiên đến phiên thứ 9 vẫn không hoàn thành được việc xét xử, luật sư Loseby tuyên bố chính thức chống án lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh tại Luân Đôn. Bằng những mối quan hệ của mình, ông Loseby đã thuyết phục các luật sư tham gia vụ án giúp đỡ bảo vệ Tống Văn Sơ. Cuối cùng, Viện Cơ mật Hoàng gia Anh đã đồng ý phóng thích Tống Văn Sơ và Tống Văn Sơ được đi đâu tùy ý miễn là ra khỏi Hồng Kông. Tin vui đến khi Tống Văn Sơ đang nằm điều trị tại bệnh viện vì sức khỏe quá suy sụp. Đây cũng là cách sắp xếp của luật sư đề phòng mọi bất trắc khi Viện Cơ mật Hoàng gia Anh đang xét xử. Chính quyền Hồng Kông được lệnh thả Tống Văn Sơ và cấp 400 đô la để làm chi phí đi lại. Tống Văn Sơ đáp tàu đi Singapore nhưng vừa bước lên bờ lại bị cảnh sát địa phương lấy cớ “không bắt buộc phải thi hành lệnh của Hồng Kông”, bắt giam rồi trao trả lại Hồng Kông. Cảnh sát Hồng Kông lại vin cớ đến Hồng Kông không có giấy phép để bắt giam Tống Văn Sơ vào nhà ngục cũ. Thông qua một người lính gác ngục từng quen biết, Tống Văn Sơ đã báo tin cho luật sư Loseby. Luật sư đến gặp Thống đốc Hồng Kông, đưa bằng chứng về việc bắt giam, đồng thời đề nghị được trực tiếp nhận khách hàng của mình để đề phòng bất trắc. Ra khỏi nhà tù, thay đổi nhiều nơi ẩn náu khác nhau, đến cuối tháng 1/1933, với sự giúp đỡ tận tình của ông bà Loseby, Tống Văn Sơ trong vai một thân sĩ - khách quý của Thống đốc Hồng Kông đã rời Hồng Kông đi Hạ Môn bằng vé tàu hạng sang.
Nóng lòng muốn bắt liên lạc lại với tổ chức, ở Hạ Môn ít lâu, cuối tháng 7/1933, Người lên tàu đi Thượng Hải. Để che mắt bọn mật thám, Người vẫn tiếp tục đóng vai thân sĩ, quần áo sang trọng nhưng vì số tiền 400 đô la sắp hết nên đêm đến Người thường khóa trái cửa ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo. Ở Thượng Hải, Tống Văn Sơ vẫn chưa tìm ra cách nào để liên lạc, hơn nữa phải hết sức thận trọng vì có thể công việc, con người đã thay đổi. Người ít ra ngoài phố nếu thật sự không cần thiết và thường nhờ nhân viên khách sạn mua báo để nắm bắt lại tình hình sau một thời gian dài thiếu thông tin. Theo dõi tin tức trên báo, Tống Văn Sơ biết có một đoàn đại biểu từ châu Âu sẽ đến Thượng Hải, trong danh sách các đại biểu có tên người bạn của Người - đồng chí Paul Couturier, nhà văn Pháp. Tống Văn Sơ đã nghĩ ra cách thông qua bà Tống Khánh Linh để liên lạc với đồng chí Paul. Bà Tống Khánh Linh vốn quen biết với Người từ năm 1925 ở Quảng Châu. Một buổi tối, Tống Văn Sơ thuê chiếc xe sang trọng ra khỏi khách sạn, vòng vèo một lúc rồi đến số nhà 29 Molière - nhà riêng của bà Tống Khánh Linh, bỏ thư vào hòm thư rồi nhanh chóng rời đi. Gặp lại đồng chí Paul, Người nói “Muôn dặm quê người gặp bạn thân” và kể lại quá trình mình bị bắt, hoàn cảnh hiện nay rồi đề nghị được giúp đỡ trở về Liên Xô. Sau khi nhận được giấy tờ cần thiết để rời Thượng Hải, đầu năm 1934, trên một chiếc tàu buôn Liên Xô, Người đã đến Vladivostock. Trở lại đất nước của Lênin, Người xúc động nói: “Ba năm lưu lạc linh đinh - Nay đã trở lại trong đại gia đình công nông”.
Trong suốt giai đoạn 1931-1933, dù hết bị giam giữ trong tù lại liên tục thay đổi nơi ẩn náu và “không có gì khổ tâm bằng đã không hoạt động được lại mất liên lạc với đoàn thể lâu ngày” nhưng Tống Văn Sơ vẫn luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, kiên cường của người chiến sĩ cộng sản. Sau này, khi kể về chuyện mình bị bắt, Người nói: “Hoạt động cách mạng bí mật phải hết sức cẩn thận để tránh bị bắt. Nhưng đồng thời phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng đối phó nếu không may mà bị bắt” (8). Bị giam tại nhà tù Victoria, mọi sinh hoạt ăn, ngủ, vệ sinh đều diễn ra trong xà lim chỉ đủ một người nằm xiên xiên; một ngày được cấp hai bữa cơm, gạo xay lẫn lộn đến một phần tư là thóc, thức ăn toàn là “rau muống, mắm thối, cá ươn” rồi thay đổi thực đơn “cá ươn, mắm thối, rau muống” nhưng Tống Văn Sơ vẫn tìm được việc làm cho mình. Trong xà lim, rệp rất nhiều, Tống Văn Sơ bị rệp cắn rất khó chịu, sau quên đi, coi “săn rệp là môn thể thao duy nhất cốt cho qua thì giờ, chứ không phải để giết chúng” (9). Tống Văn Sơ “dùng thì giờ để suy nghĩ, để nhớ lại công việc cũ hoặc tự phê bình… Làm như vậy chán rồi, ông đếm đi đếm lại sàn nhà bao nhiêu gạch, mái bao nhiêu ngói” (10) và lo nghĩ “không phải lo cho số phận mình sau này sẽ ra sao… mà lo là lo cho những công việc mình làm chưa xong, ai sẽ tiếp tục làm thay? Ít nhiều kinh nghiệm mình đã gom góp được, làm thế nào truyền lại cho đồng chí khác? Những mối manh và những địa điểm chỉ mình biết, từ nay ai sẽ xây dựng lại?... Nhiều đồng chí bị bắt và hy sinh, nhiều tổ chức bị phá vỡ, từ nay công tác của Đảng sẽ tiến hành ra sao? Ai sẽ hướng dẫn những đảng viên mới, những chiến sĩ mới, anh dũng còn thừa, nhưng kinh nghiệm còn thiếu?”(11). Lo hết việc này lại lo đến việc khác, lo rồi lại đặt kế hoạch: “Nếu được trở lại tự do, đối với công việc, Đảng ta sẽ tăng cường điểm này… việc tổ chức thanh niên và phụ nữ sẽ phải sửa đổi chỗ kia… Biết bao nhiêu là kế hoạch chủ quan, tự đặt ra rồi thảo luận bàn cãi với mình…” (12) và còn một thú tiêu khiển nữa là “xem Kinh Thánh Cơ đốc” (13). “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” nhưng người cộng sản ưu tú ấy chưa bao giờ nhụt ý chí chiến đấu. Chính quyền, cảnh sát, tòa án và nhà tù Hồng Kông không thể khuất phục được Tống Văn Sơ. Xà lim và xiềng xích không gông cùm được trí tuệ mẫn tiệp, ứng xử linh hoạt, khôn khéo cùng tinh thần thép của Người. Khi viên cảnh sát đưa ảnh Nguyễn Ái Quốc được chụp ở Paris cho Tống Văn Sơ xem và gợi ý: “Ông Nguyễn Ái Quốc này, ảnh này có phải ảnh của ông không?”. Tống Văn Sơ không mắc bẫy gọi bất chợt ấy nhưng vẫn trả lời: “Ảnh đó rất giống tôi”. Lát sau lại nói: “Có thể là tôi” và cuối cùng lại phủ định: “Nhưng chưa bao giờ tôi đội cái mũ này”. Chính những lời khai nhanh trí ấy góp phần giúp luật sư chống trả một cách hiệu quả tòa án Hồng Kông. Trong những phiên xét xử, Tống Văn Sơ đã tố cáo chính quyền Pháp và Hồng Kông ép cung, đe dọa trục xuất là sai luật quốc tế đối với chính trị phạm. Đến khi ra khỏi tù, trong những ngày tìm cách rời khỏi Hồng Kông, Người vẫn bình thản, đĩnh đạc trong vai thân sĩ ngay trước mắt bọn cảnh sát và mật thám. Trong mọi hoàn cảnh, dù khắc nghiệt nhất, ở Người vẫn toát lên phong thái ung dung, tự tại, chủ động, bình tĩnh và tuyệt đối tin tưởng vào lý tưởng cách mạng. Trong buổi trao đổi với cán bộ bảo tàng Việt Nam, luật sư Loseby đã nói: “Việc thoát khỏi nhà thù Victoria chính là do Tống Văn Sơ tự cứu mình, chúng tôi chỉ là người đóng góp thêm” (14).
Nói tóm lại, những năm 1931-1933 là khoảng thời gian ngắn trong cuộc đời  hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nhưng trong “3 năm lưu lạc linh đinh” là tù nhân như thế, chúng ta thấy ngời sáng phẩm chất một người cộng sản kiên cường không bao giờ khuất phục xiềng xích giam giữ và chân dung một người An Nam đạo đức, nhân văn dễ gây niềm cảm mến cho bất cứ ai có lương tri.
Chú thích
1, 2, 6, 7, 8, 14: Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hồng Kông năm 1931, NXB Văn học, tr 10, tr34, tr 19-20, tr 35-36, tr 16, tr 30
3, 9, 10: Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Thanh niên, tr 92, tr 93, tr 93
4: Tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh
11, 12, 13: T. Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, NXB Chính trị quốc gia

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)