slider

Phát triển doanh nghiệp theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam ngày 13-10-1945

23 Tháng 10 Năm 2015 / 23037 lượt xem
Ths. Nguyễn Thị Bình
 Phòng TTGD
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài nói, viết, điện, thư cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Cùng với những lĩnh vực khác, hoạt động liên quan đến các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần làm phong phú thêm tư tưởng của Người.
Coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng, điều đặc biệt là trong những năm đầu của cách mạng vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Chính vì thế, từ căn cứ Việt Bắc về Thủ đô, Người về sống và làm việc tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang của một trong những gia đình doanh nhân giàu có nhất Hà Nội. Từ ngôi nhà này, Người đã viết “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Với nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của công, thương nghiệp đối với công cuộc kiến thiết nước nhà, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính quyền cách mạng còn non trẻ, giữa bộn bề việc nước, ngày 18-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Và trong tuần lễ vàng, các nhà công thương Hà Nội đã là giới chức xã hội đầu tiên được Người tiếp tại Phủ Chủ tịch. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Hồ Chí Minh được giới công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội
trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945
Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giới công - thương, ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công - thương (doanh nhân, doanh nghiệp ngày nay) Việt Nam. Trong thư, Người viết: “Được tin giới công - thương đã đoàn kết lại thành Công - Thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay, Công - Thương Cứu quốc đoàn đang hoạt động làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”. Về vai trò, nhiệm vụ của giới công - thương trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...”1.
Theo thời gian, cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân ta ngày càng cam go, ác liệt. Mặc dù bận nhiều công việc trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kháng chiến, kiến quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp, doanh nghiệp; đặc biệt, Người đã có nhiều bài viết, nói, thư,… gửi giới công - thương, các xí nghiệp, doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Nội dung các bài viết, nói, thư… ngoài việc đánh giá những thành tích đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa, đồng thời đề ra những giải pháp giúp xí nghiệp, doanh nghiệp phát triển. Trong bài Hoan nghênh Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp trên báo Nhân dân số ra ngày 09-11-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất cần có của người đứng đầu xí nghiệp, doanh nghiệp, đó là “phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp. Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân...”2.
Bức thư chưa đầy 200 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam cách đây 70 năm không chỉ là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với giới công - thương, mà còn là sự cổ vũ lớn lao cho giới công - thương vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng toàn dân tham gia công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước trong những năm tháng chiến tranh. Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị. Trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi giới công thương là “các Ngài”. Người đã mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: “Cùng các Ngài trong giới công thương”. Nội dung thư ngắn gọn, lời lẽ chân thành, giản dị nhưng là định hướng sâu sắc cho sự phát triển của ngành công thương suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ khi giành độc lập tới nay.
Phát triển doanh nghiệp để “làm nhiều việc ích nước lợi dân”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: bốn lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phải được coi là quan trọng ngang nhau. Và: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công- Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Ngành công thương giữ vai trò vô cùng quan trọng là tạo ra tiềm lực cơ sở vật chất để duy trì và phát triển xã hội.
Càng đáng chú ý hơn khi tinh thần "nước giàu dân mạnh", cùng phát triển đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong bức thư lịch sử này, khi Người viết rằng: "Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân". Vì những lý do lịch sử, trong công cuộc kháng chiến kiến quốc hay xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa sau này, "giới công thương" Việt Nam đã không ít phen điêu đứng, nhưng tinh thần kinh doanh thì vẫn như một dòng máu nóng chảy qua nhiều thập kỷ bởi mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của doanh nghiệp với sự phồn thịnh của quốc gia và ngược lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân. Xác định việc nước việc nhà phải đi đôi với nhau, đó là lời dạy rất quan trọng của Người đối với doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu, trong việc phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, là yêu cầu cơ bản của đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là sự khẳng định về mối quan hệ mật thiết giữa công việc của giới doanh nhân và sự nghiệp của đất nước. Hoạt động kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với sự trường tồn của dân tộc. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng thì kinh doanh công thương thịnh vượng. Kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng thì đất nước giàu mạnh. Nhiệm vụ quan trọng nhất của giới công thương là đem vốn vào làm những việc ích quốc lợi dân. Chính phủ phải có trách nhiệm với giới công thương. Điều này đã được minh chứng trên thực tiễn lịch sử. Trong giai đoạn đất nước đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” sau khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là chủ trương của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngay trong chiều ngày 2-9-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ, phát biểu với quốc dân đồng bào “Những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa và cứu tế” đã nhấn mạnh: “Ngày nay để phục hưng nền kinh tế, có người tưởng Chính phủ phải quốc hữu hóa tất cả các công cuộc kinh doanh. Nhưng Chính phủ không làm thế. Chính phủ sẽ kiến thiết nền quốc dân kinh tế để cho ai nấy được tự do kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát”. Đường lối đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời đã tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn buổi đầu xây dựng chính quyền mới. Trong lúc nền độc lập còn “trứng nước”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ vai trò của một “nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng", điều kiện cần để chế độ chính trị non trẻ mới được thiết lập có cơ hội trụ lại giữa áp lực từ nhiều phía.
Muốn phát triển bền vững doanh nghiệp cần “đoàn kết lại”
Về vị trí của giới doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước – thành viên của mặt trận Việt Minh. Người kêu gọi giới doanh nhân đoàn kết lại, tham gia vào Công thương cứu quốc đoàn để làm những công việc ích nước lợi dân. Phát triển bền vững là mục tiêu mà mọi doanh nghiệp hướng đến, mà để thực hiện được mục tiêu đó không còn cách nào khác là phải đoàn kết tạo thành sức mạnh tập thể, để phát huy mọi nguồn lực. Đoàn kết là nền tảng của sự phát triển bền vững. Có đoàn kết mới có dân chủ.
         Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử ngày 13-10-1945, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Trong các bài nói, bài viết này, Người luôn căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết: đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ...
Đoàn kết ở đây không chỉ là đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp mà là đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp và cùng sinh hoạt tương trợ trong một tổ chức chung. Trong xu thế hội nhập hiện nay, đoàn kết càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Chúng ta phải biết đoàn kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng hướng tới một sự phát triển bền vững. Tinh thần đoàn kết ấy còn được mở rộng hơn nữa đó là hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp nước ngoài. Thời cơ và thách thức lớn khi tham gia tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những vấn đề tưởng như mới mẻ nhưng thực ra, từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm, sẵn sàng hội nhập quốc tế để ổn định và phát triển. Người đã gửi “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” cho Đại Anh quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô…và các nước thành viên Liên hợp quốc khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: Một, nước Việt Nam dành sự tiếp nhận đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Hai, nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay, đường sá giao thông cho buôn bán và quá cảnh quốc tế. Ba, nước Việt Nam chấp nhận tham gia hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc…”. Nhắc lại điều này cho chúng ta có thêm tự tin, quyết tâm trong công cuộc hội nhập quốc tế, biết nắm lấy vận hội mới, khắc phục những hạn chế để tiếp tục đưa đất nước đi lên “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.
Phát triển doanh nghiệp rất cần sự “tận tâm” của các cơ quan công quyền
Đánh giá cao vai trò của giới Công thương trong công cuộc xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích khúc chiết, thấu tình đạt lý và cam kết ủng hộ đối với hoạt động kinh doanh trong bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam ngày 13-10-1945:  “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công-Thương trong công cuộc kiến thiết này." Người đã nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Chính phủ phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả giúp doanh nhân vượt qua cơn sóng gió. Ngay từ năm 1947, Hồ Chí Minh đã có tư duy về kinh tế thị trường khi Người nói rằng “Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động” 3. Vì vậy, cùng với sự tận tâm giúp đỡ bằng mọi cách khác nhau của Chính phủ thì điều quyết định là ở doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân phải “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” theo tinh thần “muốn người ta giúp cho, trước hết mình phải tự cứu mình”. Cái sức mạnh vô địch mà đội ngũ doanh nhân có thể vượt qua được khó khăn là sự đoàn kết, quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng và lòng tin.
Công cuộc đổi mới kinh tế do Đảng lãnh đạo là tiếp tục những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kỳ tích chúng ta đạt được tạo nên diện mạo mới khắp mọi miền Tổ quốc. Bối cảnh của những năm đầu thế kỷ 21 đã cho phép “giới công thương” nhận được cái nhìn khác hẳn. Luật Doanh nghiệp 1999 mở đường cho hàng ngàn doanh nghiệp ra đời và lớn mạnh dần, và quá trình đó nhận được sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền.Vai trò xung kích của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước đã được xã hội thừa nhận. Quốc hội khóa XI, tại kỳ họp thứ 3 đã xác nhận: “Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, xung kích trong sự nghiệp phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.
Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 cũng đã khẳng định doanh nhân là một trong bốn lực lượng chủ yếu trong thời kỳ mới của cách mạng: “Bổ sung và hoàn chỉnh chủ trương, biện pháp xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Họ sẽ là lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
Ông Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng nhận định: “Hai chữ "đắt" nhất trong bức thư Bác Hồ gửi cho giới công thương vào ngày 13/10/1945 chính là "tận tâm". Bởi, đó không chỉ là sự khẳng định vai trò, tầm quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp trong đời sống kinh tế- xã hội, mà còn nhấn mạnh về sự cần thiết phải quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước với đối tượng này. Lịch sử đã minh chứng, thành công hay thất bại của mỗi doanh nghiệp đều gắn với việc có hay không định hướng phát triển doanh nghiệp. Do vậy, hơn lúc nào hết, để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, ngoài việc chú trọng chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa, cũng như lợi nhuận thu được, phải xây dựng doanh nghiệp trên nền tảng tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh. Phải coi tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam soi đường cho việc phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Đó cũng là lý do, chúng ta hiểu vì sao, hàng năm, ngày 13 tháng 10 – ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương, trở thành Ngày Doanh nhân Việt Nam. Những tư tưởng về doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là một giải pháp nhất thời mà còn là một tư tưởng chiến lược lâu dài, phù hợp với mọi thời đại và vẫn còn nguyên giá trị hôm nay và mai sau.

 
Chú thích:
1 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 4, tr.53.
2 Báo Nhân dân, số 616, ngày 09-11-1955.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.65

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)